Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Kinh Āḷavaka

  1. KINH ĀḶAVAKA SUTTA
  2. CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO KINH ĀḶAVAKA SUTTA
  3. Ý NGHĨA HAI CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN
  4. Ý NGHĨA CÁC CÂU KỆ NGÔN TIẾP THEO
  5. Ý NGHĨA CÁC CÂU KỆ NGÔN PHẦN CUỐI
  6. PHẦN CUỐI TRONG CÂU CHUYỆN DẠ XOA ĀḶAVAKA

↑ trở lên

KINH ĀḶAVAKA SUTTA

I. Giới thiệu

Kinh Āḷavaka Sutta là bài kinh thứ mười trong tổng số 72 bài kinh trong Kinh Tập (Sutta Nipāta) thuộc Tiểu Bộ Kinh.
Theo nội dung của bài kinh, Đức Thế Tôn đã trả lời các câu hỏi đặt ra bởi Dạ Xoa Āḷavaka. Đây một trong tám nhân vật được nhắc đến trong kệ ngôn tán dương oai lực của một vị Phật như sau:
“Đức Phật đã cảm thắng Dạ xoa Āḷavaka rất ương ngạnh, không lòng nhẫn nhục, khoe tài trọn đêm cùng Đức Phật. Dạ xoa rất hung ác, cảm dõng hơn Ma vương đã được Đức Chánh Biến Tri dùng pháp nhẫn nhục thâu phục rồi”.
Theo các nhà nghiên cứu Phật học, Dạ Xoa, Long Vương, Càn Thác Bà là các chúng sanh thuộc phân loại Bán Thiên, nghĩa là các chúng sanh có cả hai đặc tính: thiên thần và quỷ dữ.
Dạ Xoa (Yakkha) có khuynh hướng hoang dã, là những chúng sanh có khả năng xuất quỷ nhập thần. Họ là những vị thọ thần (tree deities) thường sống ở nơi làng mạc, núi rừng.
Với bài Kinh Āḷavaka Sutta, Đức Thế Tôn đã tế độ cho Dạ Xoa Āḷavaka chứng đắc quả vị thánh nhân Tu Đà Hườn (Sotāpanna).

II. Nguyên văn

Như vầy tôi nghe. Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Āḷavī, nơi chỗ ở của Dạ xoa Āḷavaka. Rồi Dạ xoa Āḷavaka đến gần Đức Thế Tôn và nói: “Nầy Sa môn, hãy đi ra!”.
“Lành thay, nầy hiền giả,” Đức Thế Tôn nói như vậy rồi Ngài đi ra bên ngoài.
Dạ xoa Āḷavaka lại nói: “Nầy Sa môn, hãy đi vào!”.
“Lành thay, nầy hiền giả,” Đức Thế Tôn nói như vậy rồi Ngài lại đi vào.
Sự việc diễn tiến tương tự như vậy lần thứ hai, rồi lần thứ ba.
Đến lần thứ tư, Dạ xoa Āḷavaka lại nói với Đức Thế Tôn: “Nầy Sa môn, hãy đi ra!”.
Lần nầy Đức Thế Tôn không đi ra nữa mà Ngài nói:
_ Nầy hiền giả, Như Lai sẽ không đi nữa. Hãy làm những gì mà ngươi muốn.
_ Nầy Sa môn, tôi sẽ hỏi ông một câu hỏi. Nếu ông không trả lời được thì tôi sẽ làm phân tán tâm ông, hay bóp nát trái tim, hay nắm chân ông rồi quăng qua phía bên kia sông Hằng.
_ Nầy hiền giả, Như Lai không thấy bất cứ ai trong thế giới Chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên, giữa quần chúng Sa môn, Bà la môn, Chư Thiên và nhân loại, mà có thể làm phân tán tâm Như Lai, hay bóp nát trái tim, hay nắm chân Như Lai rồi quăng qua phía bên kia sông Hằng. Nhưng ngươi có thể hỏi Như Lai bất cứ điều gì muốn hỏi.
Rồi Dạ xoa Āḷavaka hỏi Đức Thế Tôn với lời kệ ngôn như sau:
181. “Cái gì là tài sản quý giá nhất của con người?
Điều gì khéo thực hành sẽ đem lại hạnh phúc?
Điều nào có hương vị ngọt ngào nhất?
Sống như thế nào gọi là sống cao thượng?”
Đức Thế Tôn nói:
182. “Đức tin là tài sản quý giá nhất của con người;
Giáo Pháp khéo thực hành sẽ đem lại hạnh phúc;
Chân lý có hương vị ngọt ngào nhất;
Sống với trí tuệ là nếp sống cao thượng.”
Dạ xoa Āḷavaka hỏi:
183. Làm thế nào để vượt qua cơn nước lũ?
Làm thế nào để vượt qua đại dương?
Làm thế nào để chế ngự đau khổ?
Làm thế nào trở nên hoàn toàn thanh tịnh?”
Đức Thế Tôn nói:
184. “Vượt qua cơn nước lũ bằng niềm tin;
Vượt qua được biển lớn bằng sự nỗ lực;
Có thể chế ngự đau khổ bằng sự tinh tấn;
Một người trở nên hoàn toàn thanh tịnh nhờ vào trí huệ.”
Dạ xoa Āḷavaka hỏi:
185. “Làm thế nào thành đạt trí huệ?
Làm thế nào để có tài sản?
Làm thế nào để có danh tiếng?
Làm thế nào để kết giao tình bằng hữu?
Đi từ thế giới nầy sang thế giới khác, làm thế nào để không còn sầu muộn?”



Đức Thế Tôn nói:
186. Những ai có niềm tin nơi Giáo Pháp của bậc giác ngộ, hướng đến Niết Bàn, lại mong muốn được học hỏi, người ấy sẽ thành đạt trí huệ với sự chuyên cần và thông minh của mình.
187. Làm công việc thích hợp, có trách nhiệm, người luôn năng động sẽ có tài sản.
Bằng sự chân thật, một người có được danh tiếng; đức tính quảng đại sẽ kết nối tình bằng hữu.
188. Một người cư sĩ có niềm tin thuần thành, lại có được bốn pháp là chân lý, giáo pháp, chuyên cần và bố thí, người đó sẽ không sầu muộn khi đi sang thế giới khác.
189. Bây giờ ngươi hãy đi đi, và hỏi những người khác, nhiều vị Sa môn và Bà la môn, là có điều chi quý hơn chân lý, sự tự chế, bố thí và nhẫn nại”.
Dạ xoa Āḷavaka nói:
190. “Sao con phải đi hỏi các vị Sa môn và Bà la môn khác?
Hôm nay con đã hiểu là thiện pháp hướng đến đời sống tương lai.
191. Chính vì lợi ích của con mà Đức Thế Tôn đã ngự đến Āḷavī.
Ngày hôm nay con đã hiểu pháp bố thí đem lại phước báu dồi dào.
192. Nay con sẽ đi khắp mọi nơi, từ làng mạc, thôn quê cho tới thị thành, để tán dương Đức Thế Tôn, để ca ngợi sự vi diệu của Giáo Pháp.


↑ trở lên

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO KINH ĀḶAVAKA SUTTA

Câu chuyện diễn ra khi Đức Thế Tôn đang ngự nơi xứ sở Āḷavī, nơi chỗ ở của Dạ xoa Āḷavaka.
Nhà vua xứ Āḷavī thường có thói quen đi săn bắn vào cuối tuần.
Một buổi săn bắn nọ, nhà vua ra điều lệnh cho tất cả quan quân hộ tống: “Hễ con mồi chạy về chỗ người nào, người đó phải bắt lại cho bằng được”.
Vừa mới ra lệnh xong, một con nai trong vòng vây chạy thoát ngay chỗ đứng của nhà vua.
Nhà vua buộc phải cầm lấy cung tên, chạy bộ đuổi theo con nai suốt ba do tuần (yojanas).
Chạy đuổi theo một hồi, nhà vua bắn chết con nai trên bờ suối rồi xẻ thịt nai làm hai phần, quảy trên vai rồi quay về nơi đoàn quân của mình.
Trên đường về, nhà vua thấy bên đường có một bóng cây mát mẻ nên ghé vào đó ngồi nghỉ mệt.
Chẳng may cho nhà vua xứ Āḷavī, Dạ xoa Āḷavaka đã được vị tiên vương đời trước ban cho ân huệ là được ăn thịt bất cứ ai ngồi dưới cội cây đó.
Ngay tức thời, Dạ xoa hiện nguyên hình, định ăn tươi nuốt sống ngay nhà vua xứ Āḷavī.
Nhà vua hoảng sợ van nài:
_ Xin Ngài hãy tha cho tôi, rồi tôi sẽ gởi tới đây mỗi ngày một người thế mạng cùng nhiều thức ăn thượng vị khác.
Nói xong nhà vua dâng cho Dạ xoa nữa phần thịt nai vừa săn bắn được.
Dạ xoa lắc đầu:
_ Khi về lại hoàng cung, ngươi sẽ quên hết những gì đã hứa. Bây giờ thả ngươi ra thì ta lấy gì để mà ăn đây.
Nên Dạ xoa có ý không tha.
Nhà vua phải cố gắng lần chót để cứu lấy mạng sống:
_ Nếu ngày nào mà tôi không gởi ai đến đây thì lúc đó Ngài hãy vào thành phố bắt ăn thịt tôi cũng không muộn.
Bằng cách đó nhà vua được Dạ xoa tha mạng, ông ta một mạch đi ngay về kinh thành.
Khi về tới hoàng cung, nhà vua kể rõ sự việc cho vị quốc sư trong triều. Vị quốc sư tuy rất lo sợ nhưng phải trấn an nhà vua:
_ Tâu Đại vương, việc nầy sẽ là tai họa cho xứ sở chúng ta. Nay Đại vương hãy bình tỉnh, thần sẽ lo liệu mọi việc.
Ngày hôm sau, ông ta thức dậy từ lúc sáng sớm rồi đi thẳng đến ngục giam tội nhân. Vị quân sư ra lệnh cho một phạm nhân sắp bị hành hình trong ngày đi theo ông ta.
Cho quân sĩ tắm rửa sạch sẽ người tội nhân, cho ăn uống đầy đủ, rồi vị quan bảo tội nhân đi đến cội cây tử thần với điều lệnh:
_ Bây giờ nhà ngươi hãy đi đến cội cây ở khu vực nơi đó, dâng thực phẩm nầy cho Dạ xoa.
Mọi việc xảy ra đúng như sự sắp xếp của vị quân sư. Ngay khi người tội nhân vừa đi vào nơi tàng cây, Dạ xoa bắt lấy rồi nhai thịt người đó như chúng ta nhai một củ cải. Phút chốc hình hài của người tử tù đáng thương chỉ còn là vài miếng thịt dính trên kẽ răng của Dạ xoa.
Những người đi theo, chứng kiến cảnh tượng từ đầu đến cuối, tất cả đều kinh hoàng. Rụng rời tay chân, chạy nhanh về nhà rồi họ kể lại hết sự việc cho tất cả mọi người.
Kể từ đó, người dân trong xứ Āḷavī không ai dám vi phạm pháp luật của nhà vua, dầu chỉ là một lỗi nhỏ.
Mọi người đều hiểu là khi bị bắt giữ, chắc chắn họ sẽ bị nạp mạng cho Dạ xoa.
Lần lượt tội nhân cũ thì bị bắt cho Dạ xoa ăn thịt hết, tội nhân mới lại không có, cho nên nhà tù bỗng chốc trở nên vắng tanh.
Vị quân sư tâu trình lên nhà vua sự việc. Nhà vua ra lệnh lấy của cải rải khắp ngoài đường, với ý nghĩ sẽ có một ai đó tham của nhặt lấy, lúc đó quân sĩ sẽ bắt ngay.
Nhưng không một ai dám đụng đến của cải bỏ lăn lóc trên mặt đường, dầu chỉ đụng đến bằng chân!
Mọi người có suy nghĩ: “Vài đồng bạc không là bao nhiêu nhưng rồi phải nạp mạng cho Dạ xoa, thật khốn khổ!”.
Vẫn không có tội nhân để thế mạng, phải làm sao đây?
Nhà vua hội ý tất cả các quan trong triều thần.
Một vị quan hiến kế:
_ Tâu Đại vương, Đại vương hãy ra lệnh bắt lấy người già trong từng gia đình. Người già rồi thì trước sau gì cũng phải chết.
Nhà vua phản đối:
_ Không được, các khanh làm như vậy thì dân chúng chắc chắn sẽ chống lại ta vì ông bà, cha mẹ họ bị tổn hại.
Một vị quan khác tâu:
_ Tâu Đại vương, như vậy hãy bắt lấy trẻ con.
Nhà vua nghe thấy ý nầy có thể được nên liền ra lệnh thi hành.
Khi hay được tin nầy, các bà mẹ liền bồng bế con mình đi sang xứ sở khác, những phụ nữ mang thai cũng tìm cách trốn đi.
Cho đến một ngày quan quân lục soát hết cả kinh thành cũng không thể tìm ra một đứa bé nào!
Quan quan liền tâu lên:
_ Tâu Đại vương, không còn một đứa bé nào trong thành phố nầy ngoại trừ con của Ngài, hoàng tử Āḷavaka.
Nhà vua liền ra lệnh cho quan quân:
_ Ta rất thương hoàng tử nhưng ta thương bản thân còn nhiều hơn. Hãy đi bắt lấy hoàng tử để bảo vệ mạng sống cho trẫm.
Quan quân tuân lệnh đi ngay vào hậu cung. Thừa lúc hoàng hậu sơ suất, họ đã ôm lấy hoàng tử rồi chạy đi mất.
Vào chính cái ngày định mệnh đó, lúc hừng đông nơi Chùa Kỳ Viên, Đức Thế Tôn xuất thiền, rồi Ngài rải tâm từ bi vô lượng đến khắp cả thế gian.
Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quan sát khắp nơi, Ngài thấy rõ vị hoàng tử xứ Āḷavī đã hội đủ duyên lành để thành đạt quả vị A Na Hàm, còn Dạ xoa Āḷavaka sẽ chứng đắc quả vị Tu Đà Hườn, và 84.000 chúng sanh sau khi nghe Như Lai thuyết pháp đồng chứng đắc quả vị Tu Đà Hườn.
Sáng hôm đó, sau khi mọi công việc trong ngày đã hoàn tất, vào buổi chiều Đức Thế Tôn một mình đi bộ một đoạn đường dài ba mươi do tuần từ Chùa Kỳ Viên.
Lần hồi Đức Thế Tôn đi vào trú xứ của Dạ xoa Āḷavaka.
Khi đến nơi, Đức Thế Tôn đi vào chỗ ở của Dạ xoa Āḷavaka.


Lúc bấy giờ, Dạ xoa đang đi đến dãy núi Hy mã lạp sơn để tham dự hội nghị quần hùng của chư Dạ xoa.
Vị gác cổng cho Dạ xoa Āḷavaka tên là Gadrabha đến gần đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi thưa:
_ Bạch Đức Thế Tôn, Ngài đến không đúng lúc vì chủ nhà đã đi vắng.
_ Này Gadrabha, Như Lai đã đến. Nếu không có khó khăn gì cho ngươi, Như Lai sẽ nghỉ đêm tại chỗ ở của Dạ xoa Āḷavaka.
_ Bạch Đức Thế Tôn, con thì không có gì. Nhưng ông chủ nhà nầy tính tình rất nỏng nảy, lỗ mảng. Ngay đến cả cha mẹ, ông ta cũng không kiêng nể. Xin Ngài đừng nghỉ lại đây.
_ Này Gadrabha, Như Lai biết rõ về Dạ xoa, nhưng điều đó không có vấn đề gì cho ta. Nếu không có khó khăn gì cho ngươi, Như Lai sẽ nghỉ đêm tại chỗ ở của Dạ xoa Āḷavaka.
Lần thứ hai, Gadrabha nói với Đức Thế Tôn:
_ Bạch Đức Thế Tôn, Dạ xoa Āḷavaka tính tình nóng như Trương Phi (câu tiếng Anh nguyên văn là nóng như một cái chảo rang: Āḷavaka is like a hot frying pan). Dạ xoa không tử tế với bất cứ ai hết. Khi một người nào đến đây mà không hợp ý, Dạ xoa sẽ làm phân tán tâm người đó, hay bóp nát trái tim, hay nắm chân người đó rồi quăng qua phía bên kia sông Hằng.
Lần thứ hai Đức Thế Tôn nói với Gadrabha:
_ Này Gadrabha, Như Lai biết rõ về Dạ xoa, nhưng điều đó không có vấn đề gì cho ta. Nếu không có khó khăn gì cho ngươi, Như Lai sẽ nghỉ đêm tại chỗ ở của Dạ xoa Āḷavaka.
_ Bạch Đức Thế Tôn, không có khó khăn gì cho con. Nhưng nếu con không báo lại cho Āḷavaka biết là Ngài đến đây, Dạ xoa sẽ giết chết con. Con xin phép Đức Thế Tôn được báo tin cho Dạ xoa.
_ Này Gadrabha, hãy làm những gì ngươi nghĩ là hợp thời.
_ Bạch Đức Thế Tôn, con xin phép đi đây.
Dạ xoa Gadrabha đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đi đến dãy Hy mã lạp sơn.
Khi Gadrabha rời khỏi, Đức Thế Tôn đi vào bên trong. Ngài ngồi vào chỗ ngồi của Dạ xoa, một bảo tọa làm bằng ngọc quý.
Đức Thế Tôn phóng hào quang chiếu sáng khắp cả tòa lâu đài. Khi ấy các cung phi mỹ nữ của Dạ xoa Āḷavaka biết được Đức Thế Tôn quang lâm. Họ đến gần đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi vây quanh Ngài.
Đức Thế Tôn thuyết pháp cho họ nghe như sau:
_ Trong quá khứ các con đã từng bố thí, trì giới, cúng dường làm những việc công đức, nên hôm nay các con mới hưởng được phước báu nầy. Hãy cố gắng tiếp tục làm các công đức. Đừng bao giờ ganh tỵ hay bỏn xẻn với bất cứ ai.
Khi nghe Thế Tôn giảng pháp, các cung phi mỹ nữ của Dạ xoa vô cùng hoan hỷ và tán thán cả ngàn lần: Sādhu! Sādhu! Sādhu! và tiếp tục ngồi vây quanh nghe Thế Tôn giảng pháp.
Khi đi đến dãy Hy mã lạp sơn, Gadrabha đã báo tin cho Dạ xoa Āḷavaka: “Thưa Ngài, Đức Thế Tôn đang ngồi trong lâu đài của Ngài”. Nhưng Dạ xoa bảo Gadrabha hãy giữ kín vì không muốn cả hội chúng xôn xao vì tin tức nầy.
Đồng thời lúc đó có có hai vị Dạ xoa Sātāgira và Dạ xoa Hemavata đang theo đường hư không, bay về phía hội nghị quần hùng của các Dạ xoa.
Khi bay ngang tòa lâu đài lộng lẫy của Dạ xoa, họ không thể nào di chuyển được vì Đức Thế Tôn đang ngồi ở phía dưới. Chúng ta biết là trong cả tam giới nầy không có một chúng sanh nào có thể bay ngang trên đầu của Đức Thế Tôn được.
Họ đáp xuống dưới đất rồi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho họ nghe. Sau thời pháp, Dạ xoa Sātāgira và Dạ xoa Hemavata đảnh lễ rồi xin phép Đức Thế Tôn đi đến miền núi Hy mã lạp sơn.
Khi đến nơi quần hùng đang tụ tập, họ báo tin vui cho Dạ xoa Āḷavaka : “Thật là may mắn cho bạn vì hiện nay Đức Thế Tôn đang ngự nơi chỗ ở của bạn”.
Đến đây bản chú giải Paramatthajotikā có lời diễn giải đặc biệt như sau:
Giống như lời nói về đức tin lại được nói lên không đúng chỗ, nói cho người không có đức tin, lời nói tán dương giới hạnh được nói cho người không có giới hạnh; cũng vậy, khi Dạ xoa Āḷavaka được nghe lời tán dương Đức Thế Tôn từ các Dạ xoa bạn, tâm của ông ta bừng bừng nổi giận giống như muối bị bỏ vào một cái chảo nóng.
Dạ xoa nổi nóng:
_ Đức Thế Tôn là ai mà dám đi vào chỗ ở của ta!
Các vị đồng thanh trả lời:
_ Ông không biết à? Đức Thế Tôn là bậc thầy của nhân thiên, đã vận chuyển Pháp Luân, Ngài có đầy đủ tướng hảo quang minh của một vị Phật. Ông lại không biết sao?
Mặc dầu biết rất rõ, nhưng do tức giận nên Dạ xoa Āḷavaka lại nói: “Tôi không biết gì về Đức Thế Tôn của các ông hết!”.
Các người bạn lại nói tiếp:
_ Không nên tức giận như vậy. Hãy đi gặp Đức Thế Tôn mau đi. Ngài là bậc cao quý lắm.
Vì nếu chúng tôi phải so sánh giữa ông với Đức Thế Tôn thì ông giống như một con nghé con mới vừa sanh lại đi so với một con bò đầu đàn lực lưỡng.
Giống như một voi con đứng bên con voi chúa hùng dũng, hay như một con dã can (chó rừng) đọ sức với vị chúa sơn lâm oai phong, hay giống như một con quạ đen bị gẫy cánh lại đứng bên một con chim phượng hoàng đẹp đẽ vậy.
Nếu phải so sánh ông bạn với Đức Thế Tôn thì chúng tôi buộc phải nói lên với ông sự thật như vậy.
Lời nói của các bạn Dạ xoa giống như dầu châm thêm vào lửa. Dạ xoa Āḷavaka tức điên người.
Hắn đứng bật dậy, một chân dẫm lên một chót núi cao chót vót, chân kia đạp vào đỉnh núi đối diện, rồi gầm lên: “Ta là Āḷavaka!”.
Tiếng gầm thét của Dạ xoa vang dội khắp cả thảy xứ Diêm phù đề (Jambudīpa).
Tiếng la hét của Dạ xoa Āḷavaka làm kinh thiên động địa, chấn động khắp mọi nơi.
Rồi Dạ xoa tạo nên một trận cuồng phong dữ dội để lôi vị Sa môn ra khỏi chỗ ngồi của hắn ta.
Nhưng khi đến gần Đức Thế Tôn, cơn gió mạnh không hề làm lay động chéo y của Ngài.
Điên tiết, Dạ xoa trút xuống một trận mưa lớn cuốn trôi đi tất cả. Một lần nữa mưa gió không làm ướt được mảnh y của Đức Thế Tôn.
Liên tục Dạ xoa hô phong hoán vũ, tuôn ra từng trận mưa đá, mưa gươm dao, mưa than hồng, mưa tro bụi, mưa cát, mưa bùn. Nhưng khi đến gần Đức Thế Tôn gươm dao, gạch đá đều biến thành bông hoa cúng dường Ngài.
Cuối cùng chỉ còn một vũ khí lợi hại cuối cùng buộc lòng Dạ xoa phải sử dụng.
Bảo bối của Dạ xoa là một tấm khăn vải mà hắn ta thường quấn trên đầu.
Khi nổi giận, Dạ xoa mở khăn ra giơ thẳng lên trên trời thì trời sẽ khô hạn trong 12 năm.
Khi Dạ xoa chỉ khăn xuống đất, cây cối bỗng chốc trở nên tiêu điều, khô héo trong cả 12 năm.
Nếu chỉ hướng ra mặt biển, nước biển tự động khô cạn hết giống như giọt nước đọng lại trên một cái chảo nóng.
Nếu Dạ xoa chỉ khăn lên trên núi, những dãy núi như Hy mã lạp sơn sẽ vỡ tan ra từng mảnh.
Uy lực khủng khiếp của bảo bối Dạ xoa Āḷavaka là như vậy!
Khi ấy, toàn thể Chư Thiên trong mười ngàn thế giới (ten thousand world systems) đều tụ tập về ngôi lâu đài của Dạ xoa. Họ bảo nhau: “Hôm nay Đức Thế Tôn sẽ thuần phục Dạ xoa Āḷavaka. Chúng ta lại có dịp được lắng nghe Chánh Pháp”.
Toàn thể Chư Thiên tụ tập về chật kín cả bầu trời.
Khi đến gần Đức Thế Tôn, Dạ xoa mở vải khăn quấn đầu ra rồi quăng về phía Ngài. Bảo bối bay lơ lửng trên không trung, gây ra tiếng sấm sét khủng khiếp, nhưng khi đến nơi, bảo bối của Dạ xoa rơi xuống phía trước chân Đức Thế Tôn như một cái khăn lau chân!
Đến đây lòng tự cao, tự đại của Dạ xoa tự động tan biến, giống như một con bò mộng bị cắt đứt cặp sừng, giống như một con rắn hổ mang bị lấy hết nọc độc vậy.
Dạ xoa Āḷavaka tự nghĩ: “Ngay cả đến bảo bối uy lực vô song của ta cũng không khuất phục được vị Sa môn nầy. Có lẽ vị nầy an trú trong lòng từ. Hay ta làm cho ông ta tức giận, tiêu tan đi lòng từ”. Nên Dạ xoa đi đến gần Đức Thế Tôn rồi hét lớn:
_ Ai cho phép ông sư đi vào chỗ nầy rồi ngồi lên chỗ ngồi của ta? Thật là không xứng chút nào cho một Sa môn đi vào đây, rồi lại còn ngồi trò chuyện với đám phụ nữ kia nữa. Nầy Sa môn, ông hãy đi ra bên ngoài!
Khi đó, Đức Thế Tôn có suy nghĩ: “Không thể nào thuần hóa kẻ ương ngạnh bằng sự ương ngạnh. Nhưng có thể thuần hóa kẻ nầy bằng sự ôn hòa”. Nên Ngài nói:
_ Được thôi, ta đi đây.
Đức Thế Tôn nói như vậy rồi Ngài đi ra bên ngoài.
Tâm của Dạ xoa đến đây lắng dịu xuống, hắn ta nghĩ: “Vị Sa môn nầy thật dễ dạy. Ta chỉ cần nói một tiếng là ông ta bỏ ra bên ngoài. Khác hẳn cả đêm nay ta đã lao tâm khổ tứ nhưng không làm gì được ông ta. Nhưng ông sư nầy đi ra ngoài vì nhu thuận hay là vì bực tức. Ta hãy thử lại lần nữa xem sao”. Nghĩ như vậy, Dạ xoa liền nói tiếp:
_ Nầy Sa môn, hãy đi vào!
Quan sát thấy tâm của Dạ xoa đã trở nên nhu thuận, Đức Thế Tôn một lần nữa nói rất nhã nhặn:
_ Được thôi, ta đi vào đây.
Đức Thế Tôn nói như vậy rồi Ngài lại đi vào.
Sự việc tương tự được lập đi lập lại đến ba lần.
Nơi đây, bản chú giải Paramatthajotikā giải thích diễn biến của câu chuyện như sau:
Nếu Đức Thế Tôn không làm như vậy thì không thể nào thuần hóa một nhân vật ngang bướng như Dạ xoa, như vậy Ngài sẽ không có cơ hội giảng pháp.
Giống như một người mẹ đang dỗ dành đứa con đang khóc lóc, bà sẵn sàng cho bé mọi thứ; cũng vậy, để dỗ dành Dạ xoa ‘đang khóc lóc với phiền não’, Đức Thế Tôn đã làm theo lệnh sai khiến của Dạ xoa.
Nhưng ở đây Dạ xoa có suy nghĩ ngược lại: “Ông Sa môn nầy thật dễ dạy. Ta bảo gì thì làm đó. Như vậy ta sẽ sai ông ta đi ra, đi vào suốt đêm để cho ông ta mệt lả. Khi ấy ta sẽ nắm lấy đôi chân mà quăng qua phía bên kia sông Hằng”.
Với suy nghĩ sái quấy như vậy, Dạ xoa ra lệnh lần thứ tư:
_ Nầy Sa môn, hãy đi ra!
Biết được ý định của Dạ xoa, Đức Thế Tôn bắt đầu nghiêm giọng:
_ Như Lai sẽ không đi nữa.
Đức Thế Tôn biết nói như vậy, Dạ xoa sẽ có phản ứng khác. Dạ xoa Āḷavaka sẽ hỏi các câu hỏi và đó là cơ hội để Như Lai giảng pháp.
Do đó, Ngài nói rất nghiêm nghị:
_ Như Lai sẽ không đi ra, đi vào nữa. Hãy làm những gì mà ngươi muốn.
Trước đây, có các Sa môn, đạo sĩ nhiều oai lực có thể bay trên hư không. Họ thường đến thăm lâu đài của Dạ xoa Āḷavaka với ý nghĩ: “Đây là tòa lâu đài làm bằng vàng, bằng ngọc ngà hay châu báu? Chúng ta hãy đến đó để mà xem”.
Khi họ đến Dạ xoa Āḷavaka sẽ hỏi những người khách các câu hỏi. Nếu khách không trả lời được, Dạ xoa sẽ tìm cách làm phân tán tâm họ, hay bóp nát trái tim, hay nắm chân của khách rồi quăng qua phía bên kia sông Hằng.
Theo thói quen đó, Dạ xoa đã nói với Đức Thế Tôn những lời nói trịch thượng:
_ Nầy Sa môn, tôi sẽ hỏi ông một câu hỏi. Nếu ông không trả lời được thì tôi sẽ làm phân tán tâm ông, hay bóp nát trái tim, hay nắm chân ông rồi quăng qua phía bên kia sông Hằng.
Những câu hỏi mà Dạ xoa Āḷavaka định hỏi xuất phát từ đâu?
Tương truyền rằng cha và mẹ của Dạ xoa khi theo hầu Đức Phật Tổ Kassapa (vị Phật trong quá khứ) đã học được tám câu hỏi với đầy đủ câu trả lời. Họ đã dạy cho Dạ xoa Āḷavaka lúc còn nhỏ tuổi. Về sau Dạ xoa chỉ còn nhớ các câu hỏi, còn phần đáp án thì quên hết.
Để không quên phần còn lại, Dạ xoa Āḷavaka đã khắc tám câu hỏi trên những phiến bằng vàng rồi treo lên trong cung điện.
Ở đây, chúng ta biết là không một ai trong toàn thể thế gian nầy có thể gây trở ngại hay chướng duyên cho Chư Phật trong bốn điều. Bốn điều đó là:
1. không một ai có thể ngăn cản phẩm vật cúng dường đến Chư Phật
2. không một ai có thể gây tổn hại mạng sống của Chư Phật
3. không một ai có thể gây trở ngại cho trí tuệ toàn tri của Chư Phật, và
4. không một ai có hào quang sáng hơn hào quang của Chư Phật
Do đó, khi nghe những lời khoác lác của Dạ xoa , Đức Thế Tôn đã đáp lời:
_ Nầy Dạ xoa, Như Lai không thấy bất cứ ai trong thế giới của Chư Thiên, Ma vương, Phạm Thiên, giữa hội chúng Sa môn, Bà la môn, Chư Thiên và nhân loại, ai có thể làm phân tán tâm Như Lai, hay bóp nát trái tim, hay nắm chân Như Lai rồi quăng qua phía bên kia sông Hằng. Nhưng ngươi có thể hỏi Như Lai bất cứ điều gì muốn hỏi.
Nơi đây, bản chú giải Paramatthajotikā có lời giải thích như sau:
Không một ai trong thế gian nầy có thể hành xử với Đức Thế Tôn như những lời đe dọa của Dạ xoa Āḷavaka.
Cụm từ trong thế giới của Chư Thiên (sadevake loke) là để chỉ cho các vị Chư Thiên trong năm tầng trời dục giới: Tứ Đại Thiên Vương, Đao Lợi, Dạ Ma, Đâu Xuất và Hóa Lạc Thiên.
Ma vương (samārake): vị Chư Thiên thống lãnh tầng trời dục giới thứ sáu, cõi Tha Hóa Tự Tại.
Phạm Thiên (sabrahmake): các vị Phạm Thiên nhiều oai lực ở các tầng trời sắc giới.
Giữa hội chúng Sa môn, Bà la môn (sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya): để chỉ cho các Sa môn, Bà la môn, các ngoại đạo đối nghịch với Phật giáo.
Chư Thiên và nhân loại (sadevamanussāya): Chư Thiên ở cụm từ nầy là Chư Thiên theo danh xưng, là các vị vua chúa, hoàng thân quốc thích.
Nhân loại ở đây là con người bình thường như chúng ta.
Không một ai trong tất cả phân loại chúng sanh vừa kể có thể gây tổn hại hay gây cản trở Đức Thế Tôn được.
Sau khi nói lời khẳng định như vậy, Đức Thế Tôn cho phép Dạ xoa đặt câu hỏi: “Ngươi có thể hỏi Như Lai bất cứ điều gì muốn hỏi”.
Tiếp theo Dạ xoa Āḷavaka đã nêu lên các câu hỏi bằng lời kệ ngôn. Các câu kệ ngôn là nội dung chính của Bài Kinh Āḷavaka Sutta.

↑ trở lên

Ý NGHĨA HAI CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN

Khi Đức Thế Tôn cho phép Dạ xoa Āḷavaka đặt câu hỏi, Dạ xoa đã hỏi với dạng kệ ngôn. Hai câu kệ ngôn 181 và 182 là câu hỏi của Dạ xoa và câu đáp của Đức Thế Tôn.
Hai cậu kệ ngôn đầu tiên trong Bài Kinh Āḷavaka Sutta có nguyên văn Pāli như sau:

181. Kiṃ sūdha vittaṃ purisassa seṭṭhaṃ, kiṃ su suciṇṇaṃ sukhamāvahāti;
Kiṃ su have sādutaraṃ rasānaṃ, kathaṃ jīviṃ jīvitamāhu seṭṭhaṃ.
182. Saddhīdha vittaṃ purisassa seṭṭhaṃ, dhammo suciṇṇo sukhamāvahāti;
Saccaṃ have sādutaraṃ rasānaṃ, paññājīviṃ jīvitamāhu seṭṭhaṃ.

Dịch nghĩa:
181. Cái gì là tài sản quý giá nhất của con người?
Điều gì khéo thực hành sẽ đem lại hạnh phúc?
Điều nào có hương vị ngọt ngào nhất?
Sống như thế nào gọi là sống cao thượng?
182. Đức tin là tài sản quý giá nhất của con người;
Pháp khéo thực hành sẽ đem lại hạnh phúc;
Chân lý có hương vị ngọt ngào nhất;
Sống với trí tuệ là nếp sống cao thượng.
Kệ ngôn 181 là câu hỏi của Dạ xoa Āḷavaka. Các câu hỏi nầy Dạ xoa đã học hỏi từ cha mẹ của ông ta.
Thuở xưa Đức Phật Tổ Kassapa đã dạy cho cha mẹ của Dạ xoa các câu hỏi cùng các câu trả lời. Đến đời của mình, Dạ xoa lại quên mất đi các câu trả lời.
Như Đức Phật Tổ Kassapa đã giảng giải trước đây, Đức Thế Tôn trình bày đáp án với câu kệ ngôn 182.
Chúng ta tìm hiểu dòng kệ đầu tiên.
a. Saddhīdha vittaṃ purisassa seṭṭhaṃ: Đức tin là tài sản quý giá nhất của con người.
Giống như kho tàng là nơi có đầy đủ vàng vòng, châu báu. Tài sản quý giá đem lại sự hạnh phúc và thịnh vượng.
Tài sản sung túc giúp ngăn ngừa sự đói khát, đẩy lùi sự nghèo khổ, và được mọi người trong xã hội trân quý.
Cũng tương tự như vậy, đức tin của thường nhân và đức tin của bậc thánh nhân đem lại phước báu hiệp thế và phước báu siêu xuất thế gian.
Đức tin đó giúp cho chúng sanh chấm dứt được sự đau khổ của sanh, già, bệnh và chết.
Đức tin là nhân duyên để thành đạt các pháp cao quý như Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo Bồ Đề.
Như lời kệ ngôn trong Pháp Cú Kinh có ghi lại như sau:
“Một người với đức tin và giới hạnh, thành đạt danh tiếng và tài sản, người đó luôn được kính trọng dầu ở bất cứ nơi đâu”, (kệ ngôn 303).
Đức tin được xem như là tài sản, chúng ta thường gọi là Tín Tài.
Tín tài là tài sản luôn theo liền với ta như hình với bóng và không có tài sản nào có thể so sánh được với tín tài.
Tín tài là nhân duyên cho tất cả mọi phước lành. Tín tài cũng là duyên lành cho các tài sản vật chất khác phát sanh lên.
Đức tin là tài sản quý giá nhất của con người bởi vì người có đức tin chuyên tâm làm việc thiện và thành đạt các loại tài sản; còn người không có đức tin lại dùng tài sản để gây nên tổn hại.
Dòng kệ ngôn tiếp theo:
b. Dhammo suciṇṇo sukhamāvahāti: Pháp khéo thực hành sẽ đem lại hạnh phúc.
Pháp ở đây là mười thiện nghiệp: bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ, thuyết pháp, thính pháp, tùy hỷ phước, hồi hướng phước và trau dồi chánh kiến.
Pháp nếu khéo thực hành sẽ đem lại hạnh phúc. Thực hành theo mười thiện nghiệp trên sẽ đem lại hạnh phúc ở đời nầy, hạnh phúc ở đời vị lai, và hạnh phúc cao quý nhất là Niết Bàn.
c. Saccaṃ have sādutaraṃ rasānaṃ: Chân lý có hương vị ngọt ngào nhất.
Từ Pāli “Sacca” có nhiều ý nghĩa. Tùy theo ngữ cảnh của câu kinh mà xác định ý nghĩa cho phù hợp.
Ở đây, Sacca có nghĩa là chân lý, là lời nói chân thật (the truthful speech).
Lời nói chân thật có một năng lực mãnh liệt. Năng lực đó có thể giúp chúng ta làm được những việc phi thường.
Như lời kinh trong Bổn Sanh Kinh có ghi lại như sau:
“Do nói lên lời chân thật một người có thể đi trên nước, có thể hóa giải chất độc, có thể làm cho trời đổ mưa.
An trú trong lời nói chân thật, vị hành giả thành đạt được Niết Bàn.
Trong các hương vị ở thế gian, lời nói chân thật có hương vị ngọt ngào nhất;
Do nói lời chân thật, các vị Sa môn, Bà la môn đã vượt qua đại dương sanh tử”.
Lời nói chân thật có hương vị ngọt ngào nhất, tuyệt vời nhất.
Các hương vị tinh tế ở thế gian được sử dụng để nuôi dưỡng cơ thể vật chất, đem lại hỷ lạc còn xen lẫn phiền não.
Ngược lại, hương vị của chân lý nuôi dưỡng tâm linh với pháp thiền chỉ và thiền quán, cùng đem lại hỷ lạc không còn phiền não.
Chân lý là hương vị của Pháp Bảo và chính là hương vị của sự giải thoát.
d. Paññājīviṃ jīvitamāhu seṭṭhaṃ: Sống với trí huệ là nếp sống cao thượng
Ở đây, người tại gia cư sĩ có trí huệ sống làm các ngành nghề khác nhau. Vị ấy thọ trì tam quy, gìn giữ ngũ giới, bố thí, thọ trì bát quan, thực hành thiền định.
Bậc xuất gia sống với trí tuệ là vị Sa môn thực hành giới hạnh, có phước báu là không lỗi lầm, kế đến việc thực hành cao hơn là thanh tịnh tâm linh.
Người sống với trí tuệ như vậy được gọi là người sống cao thượng nhất.
Như vậy, hai câu kệ ngôn đầu tiên trong Bài Kinh Āḷavaka Sutta, Đức Thế Tôn thuyết giảng về bốn pháp: đức tin, thiện pháp, chánh ngữ và trí huệ.



↑ trở lên

Ý NGHĨA CÁC CÂU KỆ NGÔN TIẾP THEO

Sau khi nghe câu kệ ngôn trả lời của Đức Thế Tôn, Dạ xoa Āḷavaka rất hoan hỷ.
Vì muốn được nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng tiếp nên Dạ xoa lại hỏi tiếp, hình thành nên hai câu kệ ngôn số 183 và 184.
Hai câu kệ ngôn nầy có nguyên văn Pāli như sau:

183. Kathaṃ su tarati oghaṃ, kathaṃ su tarati aṇṇavaṃ;
Kathaṃ su dukkhamacceti, kathaṃ su parisujjhati.
184. Saddhā tarati oghaṃ, appamādena aṇṇavaṃ;
Viriyena dukkhamacceti, paññāya parisujjhati.

Nghĩa là:
183. Làm thế nào để vượt qua cơn nước lũ?
Làm thế nào để vượt qua đại dương?
Làm thế nào để chế ngự đau khổ?
Làm thế nào trở nên hoàn toàn thanh tịnh?”

Đức Thế Tôn thuyết giảng:

184. Vượt qua cơn nước lũ bằng niềm tin;
Vượt qua được biển lớn bằng sự nỗ lực;
Có thể chế ngự đau khổ bằng sự tinh tấn;
Một người trở nên hoàn toàn thanh tịnh nhờ vào trí huệ.

Chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của dòng kệ đầu trong kệ ngôn 184.
“Vượt qua cơn nước lũ bằng niềm tin” (saddhā tarati oghaṃ).

Có bốn dòng nước lũ lớn. Đây là pháp ẩn dụ để chỉ cho phiền não: tham dục, hữu (chấp thủ), tà kiến và vô minh.
Khi vị hành giả vượt qua được bốn cơn nước lũ nói trên, vị ấy vượt qua biển lớn của luân hồi (saṃsāra), vượt qua được đại dương đau khổ và làm thanh tịnh được ô nhiễm và phiền não.
Nếu hành giả không có đức tin, thiếu vắng niềm tin, vị ấy sẽ không thể nào bắt đầu cho hành trình vượt qua cơn lũ lớn.
Điều thật rõ ràng là một người sống dễ duôi, không chuyên cần, tâm lại bị dính mắc vào ngũ trần, chấp thủ vào trong đó, sẽ không thể nào vượt qua được biển lớn của luân hồi (saṃsāra).
Một người lười biếng sống rất đau khổ, rất ô nhiễm bởi ác pháp.

Một người không có trí tuệ, không biết được con đường đi đến sự thanh tịnh và trong sạch thì làm sao có thể trong sạch và thanh tịnh được?
Do đó, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng cho Dạ xoa Āḷavaka: “Vượt qua cơn nước lũ bằng niềm tin”.

Ở đây, đức tin hay niềm tin là căn bản cho thánh đạo Nhập Lưu. Vượt qua cơn nước lũ bằng niềm tin có nghĩa là bậc thánh nhân Nhập Lưu đã vượt qua cơn nước lũ đầu tiên là tà kiến.

Tiếp theo là dòng kệ ngôn:

“Vượt qua được biển lớn bằng sự nỗ lực” (appamādena aṇṇavaṃ).
Chúng ta hiểu ý nghĩa của dòng kệ ngôn nầy như thế nào?

Bậc thánh nhân Nhập Lưu luôn có đức tánh chuyên cần, đức tánh của vị hành giả liên tục tu tập để phát triển thiện pháp.
Nhờ tinh cần như vậy mà bậc thánh giả thành đạt tiếp tầng thánh thứ hai là đạo quả Nhất Lai. Ở đây Ngài vượt qua được một cơn lũ rất lớn khác nữa, đó là hữu hay sự chấp thủ.
Tương ứng với hai dòng kệ ngôn đầu của kệ ngôn 184 là hai quả vị thánh nhân: Nhập Lưu và Nhất Lai.

Tiếp theo là dòng kệ ngôn:

“Có thể chế ngự đau khổ bằng sự tinh tấn” (viriyena dukkhamacceti).
Kế đến bậc thánh giả vượt qua được cơn lũ lớn thứ ba là tham ái.
Bằng pháp tinh tấn, bậc thánh giả đoạn trừ được tham dục, phiền não còn dư sót lại ở hai tầng thánh đầu tiên. Và Ngài thành đạt được thánh quả Bất Lai.

Và dòng kệ ngôn cuối:

“Một người trở nên hoàn toàn thanh tịnh nhờ vào trí huệ” (paññāya parisujjhati).

Ở giai đoạn cuối, bậc thánh giả tiếp tục nỗ lực để thành đạt sự thanh tịnh tuyệt đối nhờ vào trí tuệ.
Với thanh gươm bén trí tuệ, bậc thánh nhân cắt đứt hết tất cả phiền não, đặc biệt là diệt trừ được phiền não tệ hại nhất chưa được đoạn trừ là vô minh.
Ở đây, Ngài vượt qua được cơn lũ vô minh bằng thánh đạo A La Hán.
Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng đến đây, Dạ xoa Āḷavaka chứng đắc được thánh quả Nhập Lưu.
Với câu kệ ngôn 184, Đức Thế Tôn trả lời các câu hỏi của Dạ xoa Āḷavaka và giúp an trú Dạ xoa vào quả vị thánh nhân.
Bốn dòng kệ của câu kệ ngôn 184 tương ứng với sự thành đạt bốn tầng thánh trong Phật giáo.
Ở đây, chúng ta biết là bậc thánh nhân Nhập Lưu nổi bật ở pháp đức tin. Còn bậc thánh Nhất Lai với pháp tinh tấn, bậc thánh Bất Lai với pháp thiền định, và bậc thánh A La Hán với pháp trí tuệ.


Ý NGHĨA CÁC CÂU KỆ NGÔN TIẾP THEO TRONG BÀI KINH ĀḶAVAKA SUTTA

Sau khi nghe lời thuyết giảng của Đức Thế Tôn với câu kệ ngôn 184, Dạ xoa Āḷavaka chứng đắc Pháp nhãn và trở thành một bậc thánh nhân Nhập Lưu.
Liên hệ đến pháp trí tuệ hiệp thế và trí tuệ siêu thế, Dạ xoa Āḷavaka bắt đầu hỏi tiếp kệ ngôn số 185. Tùy theo câu hỏi, Đức Thế Tôn đã đáp lời bằng các kệ ngôn 186, 187 và 188.
Các câu kệ ngôn trên có nguyên văn Pāli như sau:

185. Kathaṃ su labhate paññaṃ, kathaṃ su vindate dhanaṃ;
Kathaṃ su kittiṃ pappoti, kathaṃ mittāni ganthati;
Asmā lokā paraṃ lokaṃ, kathaṃ pecca na socati.
186. Saddahāno arahataṃ, dhammaṃ nibbānapattiyā;
Sussūsaṃ labhate paññaṃ, appamatto vicakkhaṇo.
187. Patirūpakārī dhuravā, uṭṭhātā vindate dhanaṃ;
Saccena kittiṃ pappoti, dadaṃ mittāni ganthati.
188. Yassete caturo dhammā, saddhassa gharamesino;
Saccaṃ dhammo dhiti cāgo, sa ve pecca na socati.

Nghĩa là:
185. Làm thế nào thành đạt trí huệ?
Làm thế nào để có tài sản?
Làm thế nào để có danh tiếng?
Làm thế nào để kết giao tình bằng hữu?
Đi từ thế giới nầy sang thế giới khác, làm thế nào để không còn sầu muộn?

Đức Thế Tôn thuyết giảng:

186. Những ai có niềm tin nơi Giáo Pháp của bậc giác ngộ, hướng đến Niết Bàn, lại mong muốn được học hỏi, người ấy sẽ thành đạt trí huệ với sự chuyên cần và thông minh của mình.
187. Làm công việc thích hợp, có trách nhiệm, người luôn năng động sẽ có tài sản.

Bằng sự chân thật, một người có được danh tiếng; đức tính quảng đại sẽ kết giao tình bằng hữu.

188. Một người cư sĩ có niềm tin thuần thành, lại có được bốn pháp là chân lý, giáo pháp, chuyên cần và bố thí, người đó sẽ không sầu muộn khi đi sang thế giới khác.

Chúng ta đọc câu kệ ngôn 186 trước tiên.

“Những ai có niềm tin nơi Giáo Pháp của bậc giác ngộ, hướng đến Niết Bàn, lại mong muốn được học hỏi, người ấy sẽ thành đạt trí huệ với sự chuyên cần và thông minh của mình”.

Những ai có niềm tin nơi Giáo Pháp của bậc giác ngộ, hướng đến Niết Bàn, người ấy sẽ thành đạt trí huệ.

Ở đây hành giả thành đạt được trí huệ hiệp thế và trí huệ siêu xuất thế gian.

Giáo Pháp (Dhamma) ở đây là Pháp Bảo mà nhờ đó Chư Phật Toàn Giác, Chư Phật Độc Giác và Chư Thinh Văn Giác đã thành đạt Niết Bàn.
Nhưng ở đây một người không chỉ đặt niềm tin nơi Giáo Pháp đã là đủ.

Vị ấy phải có mong muốn mãnh liệt được học hỏi (sussūsaṃ).
Sau khi đã có niềm tin, người tầm đạo đi đến gần các bậc thầy tế độ, thầy bổn sư, rồi làm tròn bổn phận của người học trò.
Sau đó, các vị thầy sẽ chỉ dạy cho học trò của mình Giáo Pháp.

Người học phải có sự chuyên cần (appamatto). Phải có sự siêng năng, ghi nhớ những gì mình đã được học.
Phải có sự thông minh (vicakkhaṇo). Phải có khả năng phân tích và thấu hiểu những gì mình đã ghi nhớ trong tâm.
Như vậy, chính nhờ vào niềm tin mà một người tầm cầu chân lý thực hành đúng phương pháp để thành đạt trí huệ.
Qua sự mong muốn học hỏi, vị ấy biết được phương pháp để thành đạt trí huệ.
Nhờ vào sự chuyên cần, người học không quên những gì đã được học; và
Nhờ vào trí huệ vị ấy thấu triệt, nắm vững được cốt lõi, tinh hoa của điều được học hỏi.
Như vậy, người học đạo kiên trì đi từng bước theo lời dạy của Đức Thế Tôn trong câu kệ ngôn trên chắc chắn sẽ thành đạt được trí huệ.

Chúng ta đọc dòng kệ đầu của câu kệ ngôn 186.

“Làm công việc thích hợp, có trách nhiệm, người luôn năng động sẽ có tài sản” (patirūpakārī dhuravā, uṭṭhātā vindate dhanaṃ).

Làm công việc thích hợp: khi có công việc cần phải làm, người thực hiện không nệ hà đến thời gian, địa điểm, cùng những nguyên nhân khác.
Trái lại, họ chịu khó tận dụng mọi cơ hội để thành đạt tài sản thế gian và tài sản siêu xuất thế gian.
Có trách nhiệm: với tinh thần trách nhiệm cao, không bỏ qua nhiệm vụ phải làm.
Người luôn năng động sẽ có tài sản: một người làm việc với sự nhiệt tình, năng nổ, siêng năng, người ấy sẽ thành đạt tài sản.

Chúng ta đọc dòng thứ hai của kệ ngôn 187:

“Bằng sự chân thật, một người có được danh tiếng; đức tính quảng đại sẽ kết nối tình bằng hữu” (saccena kittiṃ pappoti, dadaṃ mittāni ganthati).

Bằng sự chân thật, một người có được danh tiếng: bằng lời nói chân thật, bằng chân ngôn, chúng sanh tùy theo hạnh nguyện sẽ thành đạt địa vị của một vị Phật Toàn Giác, vị Phật Độc Giác và chư vị đệ tử Thinh Văn Giác.
Đức tính quảng đại sẽ kết nối tình bằng hữu: bằng việc cho điều khó cho, giúp đỡ điều khó giúp đỡ mà mọi người kết giao được tình bằng hữu.
Câu kệ ngôn số 187 trình bày các phương pháp thực hành để chúng ta có thể thành đạt được lợi ích hiệp thế và lợi ích siêu xuất thế gian.
Và câu kệ ngôn cuối, kệ ngôn 188:
Một người cư sĩ có niềm tin thuần thành, lại có được bốn pháp là chân lý, giáo pháp, chuyên cần và bố thí, người đó sẽ không sầu muộn khi đi sang thế giới khác.
“Làm thế nào để đi sang thế giới khác mà không phải sầu muộn?” là câu hỏi của Dạ xoa Āḷavaka.
Đức Thế Tôn đã trả lời ngắn gọn, hướng về hàng tại gia cư sĩ.
Người tại gia có được các pháp cao quý như đức tin, chân lý nghĩa là lời nói chân thật, siêng năng học hỏi giáo pháp, biết làm tròn nhiệm vụ của mình và sống quảng đại, bao dung; vị ấy sẽ không sầu muộn khi đi sang thế giới khác.
Thông qua các câu kệ ngôn mà Đức Thế Tôn thuyết giảng cho Dạ xoa Āḷavaka, người Phật tử chúng ta học tập được nếp sống đạo đức Phật giáo.
Người tầm đạo phải nỗ lực hết sức mình để có thể thành đạt tài sản thế gian và tài sản của các bậc thánh nhân.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÁC CÂU KỆ NGÔN PHẦN CUỐI

Phần cuối của Bài Kinh Āḷavaka Sutta bao gồm các câu kệ ngôn từ câu 189 đến câu
192, với nguyên văn Pāli như sau:

189. Iṅgha aññepi pucchassu, puthū samaṇabrāhmaṇe;

Yadi saccā damā cāgā, khantyā bhiyyodha vijjati.

190. Kathaṃ nu dāni puccheyyaṃ, puthū samaṇabrāhmaṇe;

Yohaṃ ajja pajānāmi, yo attho samparāyiko.

191. Atthāya vata me buddho, vāsāyāḷavimāgamā;

Yohaṃ ajja pajānāmi, yattha dinnaṃ mahapphalaṃ.

192. So ahaṃ vicarissāmi, gāmā gāmaṃ purā puraṃ;

Namassamāno sambuddhaṃ, dhammassa ca sudhammatanti.

Nghĩa là:

Đức Thế Tôn nói:

189. Bây giờ ngươi hãy đi đi, và hỏi những người khác, nhiều vị Sa môn và Bà la môn,
là có điều chi quý hơn chân lý, sự tự chế, bố thí và nhẫn nại.

Dạ xoa Āḷavaka nói:

190. Sao con phải đi hỏi các vị Sa môn và Bà la môn khác?

Hôm nay con đã hiểu là thiện pháp hướng đến đời sống tương lai.

191. Chính vì lợi ích của con mà Đức Thế Tôn đã ngự đến Āḷavī.

Ngày hôm nay con đã hiểu là pháp bố thí đem lại phước báu dồi dào.

192. Nay con sẽ đi khắp mọi nơi, từ làng mạc, thôn quê cho tới thành thị, để tán dương
Đức Thế Tôn, để ca ngợi sự vi diệu của Giáo Pháp.

GIẢI THÍCH

Sau khi đã trả lời các câu hỏi của Dạ xoa Āḷavaka, Đức Thế Tôn nói tiếp câu kệ ngôn
189:

“Bây giờ ngươi hãy đi đi, và hỏi những người khác, nhiều vị Sa môn và Bà la môn, là
có điều chi quý hơn chân lý, sự tự chế, bố thí và nhẫn nại”.

Chúng ta lưu ý tới bốn pháp được Đức Thế Tôn nhắc đến trong câu kệ ngôn nầy.

Chân lý (sacca): để chỉ cho lời nói chân thật, lời chân ngôn.

Sự tự chế (dama): sự tự chế ở đây nghĩa là trí tuệ hiệp thế và trí tuệ siêu thế. Vì trí tuệ
chế ngự được phiền não, chế ngự được thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.

Bố thí (cāga): cho ra, sự bố thí, lòng quảng đại.

Nhẫn nại (khantya): lòng nhiệt thành đón nhận những thử thách trong cuộc sống. Pháp
nhẫn nại được biểu hiện rõ nét ở tinh thần trách nhiệm và tính năng động để thành đạt được
lợi ích.

Bốn pháp là sự chân thật, trí tuệ, bố thí và nhẫn nại là hành trang quý báu cho tất cả
chúng ta khi đi từ thế giới nầy sang thế giới khác.

Sau khi được nghe Đức Thế Tôn giảng dạy như vậy, Dạ xoa đã bày tỏ cảm nghĩ với các
câu kệ ngôn như sau:

“Sao con phải đi hỏi các vị Sa môn và Bà la môn khác?

Hôm nay con đã hiểu là thiện pháp hướng đến đời sống tương lai.

Chính vì lợi ích của con mà Đức Thế Tôn đã ngự đến Āḷavī.

Ngày hôm nay con đã hiểu là pháp bố thí đem lại phước báu dồi dào”.

Dạ xoa Āḷavaka đã là bậc thánh nhân Nhập Lưu, đâu cần phải tìm hiểu điều gì khác
ngoài lời dạy của Đức Bổn Sư.

Bậc thánh giả ngay từ bây giờ đã hiểu rõ huấn từ của Đức Thế Tôn đem lại trí tuệ và lợi
ích trong đời sống hiện tại, đồng thời đem lại một đời sống hạnh phúc ở tương lai.

Phần đời sống còn lại chỉ là để tán dương ân đức vô lượng của Tam Bảo:

“Nay con sẽ đi khắp mọi nơi, từ làng mạc, thôn quê cho tới thành thị, để tán dương Đức
Thế Tôn, để ca ngợi sự vi diệu của Giáo Pháp”.

Bài Kinh Āḷavaka Sutta kết thúc với lời tán dương ân đức Tam Bảo của Dạ xoa
Āḷavaka, nay đã là bậc thánh nhân Nhập Lưu (Sotāpanna).

↑ trở lên

PHẦN CUỐI TRONG CÂU CHUYỆN DẠ XOA ĀḶAVAKA

Chúng ta nhớ lại phần đầu của câu chuyện khi quân lính của nhà vua xứ sở Āḷavī bắt cóc được hoàng tử hài nhi, họ bồng đứa bé đi ngay đến chỗ ở của Dạ xoa Āḷavaka.

Khi mọi người đến nơi, Đức Thế Tôn vừa kết thúc bài thuyết giảng cho Dạ xoa Āḷavaka. Tiếng tán thán ca ngợi Pháp Bảo của Chư Thiên tụ hội về nghe pháp vang dội khắp mọi nơi: Sadhu! Sadhu! Sadhu!

Khi ấy trời vừa rạng sáng.

Nghe được âm thanh lạ thường của các vị Chư Thiên, mọi người nghĩ rằng có thể là Đức Thế Tôn đã quang lâm đến đây, rồi họ nhìn thấy hào quang chiếu sáng rực rỡ của Ngài.
Trước đây, tất cả khi đi vào khu vực nầy đều phải kinh sợ nhưng hôm nay thì không. Họ đi vào bên trong và thấy Đức Thế Tôn ngồi trên một bảo tọa, còn Dạ xoa Āḷavaka đang đứng chấp tay rất cung kính.
Quân lính đang bồng hoàng tử, họ giao đứa bé cho Dạ xoa rồi nói:
_ Thưa Dạ xoa, đây là hoàng tử xứ Āḷavī. Chúng tôi đem đến đây như một lễ vật. Hãy ăn thịt hoàng tử hay làm những gì tùy thích.
Dạ xoa Āḷavaka vô cùng xấu hổ khi những lời nói như vậy lại được nói trước Đức Thế Tôn.
Dạ xoa bồng lấy hoàng tử rồi dâng lên hai tay cho Đức Thế Tôn và nói:
_ Bạch Đức Thế Tôn, hoàng tử nhỏ bé nầy được mọi người đem lại cho con, nhưng nay con dâng hoàng tử xứ sở Āḷavī lên Đức Thế Tôn. Xin Ngài hãy vì lòng từ bi đón nhận để đứa bé được an lạc và hạnh phúc lâu dài.
Rồi Dạ xoa nói lên lời kệ ngôn như sau:
“Vị hoàng tử nầy có rất nhiều phước đức, tướng mạo đẹp đẽ, tuấn tú khôi ngô;
Với lòng hoan hỷ vô biên, con dâng hoàng tử xứ Āḷavī đến Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy nhận lãnh vì lợi lạc cho đời”.
Bản chú giải Paramatthajotikā giải thích điểm nầy là hoàng tử xứ Āḷavī đã tu tập phước đức từ cả 100.000 đại kiếp nên nay có được tướng mạo rất xinh đẹp.
Đức Thế Tôn đón nhận lấy hoàng tử rồi đáp lời Dạ xoa:
“Mong cho hoàng tử được sống lâu!
Nầy Dạ xoa, mong cho ngươi luôn được an lạc!”.
Rồi Đức Thế Tôn trao hoàng tử lại cho nhóm quân lính tùy tùng. Ngài có lời dặn dò: “Hãy nuôi dưỡng hoàng tử lớn khôn, khi ấy hãy trao lại cho Như Lai”.


Hoàng tử Āḷavaka được trao qua tay từ quan quân đến Dạ xoa Āḷavaka, rồi từ Dạ xoa trao sang Đức Thế Tôn. Rồi từ nơi Đức Thế Tôn, hoàng tử được giao lại cho quan quân. Do đó, hoàng tử xứ Āḷavī được gọi với tên là Hatthaka Āḷavaka, có nghĩa là Āḷavaka với những cánh tay.
Khi các thị dân trong thành Āḷavī trông thấy nhóm người quay trở về với đứa bé, tất cả đều hoảng sợ. Họ gặng hỏi:
_ Có phải là Dạ xoa chê hoàng tử còn quá nhỏ không?
Đoàn người vừa trở về mới báo tin vui:
_ Đừng nên hoảng sợ nữa! Đức Thế Tôn đã cứu giúp tất cả chúng ta.
Rồi họ kể lại hết mọi sự việc. Tất cả thị dân trong thành Āḷavī cảm thấy dường như mình chết đi sống lại.
Khi đến thời đi khất thực, Đức Thế Tôn từ chỗ ở của Dạ xoa Āḷavaka đi vào thành Āḷavī khất thực. Dạ xoa Āḷavaka mang hộ y bát của Đức Thế Tôn, đi theo Ngài nữa đoạn đường rồi quay trở lại.
Khi Đức Thế Tôn khất thực trong thành và thọ thực xong, Ngài ngồi an tọa trên một bảo tọa được chuẩn bị sẵn dưới một cội cây ở cổng thành.
Rồi nhà vua cùng tất cả người dân trong thành đi đến gần Đức Thế Tôn. Sau khi đến, họ đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống xung quanh Ngài.
Họ hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, làm thế nào Ngài có thể cảm hóa được một Dạ xoa hung tợn đến như vậy?”.
Đức Thế Tôn kể lại cho mọi người nghe câu chuyện rồi Ngài thuyết giảng lại bài pháp đã thuyết cho Dạ xoa Āḷavaka.
Sau khi kết thúc pháp thoại, 84.000 chúng sanh thể nhập vào Giáo Pháp, đồng chứng đắc thánh quả Nhập Lưu (Sotāpanna).
Sau đó, nhà vua cùng thị dân thành Āḷavī kiến tạo một chỗ ở cho Dạ xoa Āḷavaka không cách xa thị trấn. Từ đó họ thường cúng dường đến Dạ xoa nhiều phẩm vật cùng hương hoa.
Khi hoàng tử trưởng thành, người dân gởi hoàng tử đến Đức Thế Tôn với lời nhắc nhở: “Hoàng tử nợ mạng sống của mình với Đức Thế Tôn. Hoàng tử hãy đi và phục vụ Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng”.
Khi hoàng tử xứ Āḷavī đi đến gần Đức Thế Tôn và Tăng chúng không bao lâu sau, vị ấy chứng đắc được quả vị Bất Lai (Anāgāmi).
Bậc thánh giả sau đó học hỏi hết toàn bộ lời dạy của Đức Thế Tôn và có đồ chúng rất đông, bao gồm 500 vị cư sĩ tại gia.
Nơi một đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Thế Tôn đã tán thán công hạnh của bậc thánh Bất Lai Hatthaka Āḷavī như sau: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, Hatthaka Āḷavī được xem là thiện nam xuất sắc nhất trong hàng cư sĩ của Như Lai, với một hội chúng đông đảo nhờ vào bốn nhiếp pháp”.
Bốn nhiếp pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.


↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com