Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Rằm Tháng hai

  1. Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG HAI

↑ trở lên

Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG HAI

(MEDIN POYA DAY)

Ngày rằm tháng hai Nhâm Dần, 2022, ở Việt Nam chỉ là một ngày rằm bình thường.

Nhưng hôm nay ở Sri Lanka, người dân tổ chức ngày lễ rất trọng thể. Họ kỷ niệm ngày lễ Medin Poya Day.

Medin Poya Day là ngày lễ kỷ niệm chuyến hành trình của Đức Thế Tôn trở về thăm kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), lần đầu tiên sau khi Ngài thành đạo.

Thắm thoát thời gian trôi nhanh kể từ lúc Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhatta) lìa bỏ hoàng cung đi xuất gia.

Đức Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đêm ngày nhớ thương con vô cùng. Vua cha đã gởi rất nhiều phái đoàn các vị sứ giả đi thỉnh cầu Đức Thế Tôn hồi hương.
Đức Thế Tôn lúc bấy giờ đang ngự ở thành Vương Xá (Rājagaha) của Đức Vua Bình Sa Vương (Bimbisāra).

Theo lời thỉnh cầu của phụ vương, Đức Thế Tôn bắt đầu chuyến hành trình trở về thăm lại quê hương.

Tháp tùng theo Đức Thế Tôn có rất đông đảo các vị đệ tử. Có cả thảy 20.000 vị thánh nhân A La Hán cùng đi theo Ngài.

Phái đoàn chia ra từng chặng đường để đi. Đi đến đâu Đức Thế Tôn đều thuyết pháp đến cho những cư dân quanh vùng. Chuyến hồi hương lịch sử kéo dài gần hai tháng.

Khi Đức Thế Tôn về đến kinh thành Ca Tỳ La Vệ, Đức Vua Tịnh Phạn và các vị hoàng thân, quốc thích cao niên không ai chịu đến đảnh lễ Ngài, vì mọi người đều có suy nghĩ là Đức Thế Tôn thua kém họ nhiều về địa vị và tuổi tác.

Hiểu được suy nghĩ đó và để khắc phục tánh ngã mạn của dòng họ Thích Ca (Sakya), Đức Thế Tôn đã bay lên không trung rồi thể hiện phép thần thông hiếm có, phép song thông, Yamaka Paṭihāra.

Duy chỉ có một vị Phật Toàn Giác mới thể hiện được phép thần thông nầy, cùng một lúc nước và lửa thoát ra từ nơi thân Ngài.

Thấy được thần thông quảng đại của người con cao quý, Đức Vua Tịnh Phạn đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và nói rằng đây là lần thứ ba trong đời vua cha đảnh lễ người con yêu quý.

Các vị hoàng thân còn lại đều noi theo gương Đức Vua Tịnh Phạn. Họ bèn tỏ lòng tôn kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc hiền triết của dòng Thích Ca.
Đức Thế Tôn đáp xuống dưới đất và an vị trên một chỗ ngồi đã chuẩn bị sẵn.

Nhân sự kiện hy hữu trên, Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng về bổn sanh kinh Vessantara Jātaka, câu chuyện tiền thân nhắc lại sự kiện tương tợ đã xảy ra trong kiếp sống quá khứ. Một lần nọ, Đức Bồ Tát đã từng thuyết pháp cho thân bằng quyến thuộc trong trường hợp giống như vậy.

Toàn thể hội chúng trong thành Ca Tỳ La Vệ đều vô cùng hoan hỷ tịnh tín với bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Thế Tôn. Sau đó, hoàng tộc cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng với Tăng đoàn về ngự nơi huê viên Nigrodhārāma.

Khi ra về, không một ai trong hoàng gia nhớ đến việc cung thỉnh Đức Thế Tôn và Chư Tăng cúng dường trai phạn ngày hôm sau.

Chính Đức Vua Tịnh Phạn còn có suy nghĩ là nếu con của ta không về lại hoàng cung thọ thực thì còn đi đâu. Ngài chỉ truyền lệnh chuẩn bị thực phẩm thượng vị cho buổi lễ cúng dường vào ngày mai.

Sáng hôm sau, Đức Thế Tôn quán xét nhân duyên, Ngài thấy rõ Chư Phật trong quá khứ khi về thăm thân bằng quyến thuộc, các Ngài vẫn đi trì bình khất thực như thường lệ.

Vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn dẫn đầu đoàn Chư Tăng đi trì bình khất thực trên các đường phố ở kinh thành Ca Tỳ La Vệ.

Khi nghe công chúa Da Du Đà La (Yasodhara) báo tin nầy, Đức Vua Tịnh Phạn rất đỗi buồn tủi. Nhà vua chạy ngay ra ngoài đường, nắm lấy tay Đức Thế Tôn rồi nói:

_ Ôi, Thái Tử con! Sao con lại gây tổn thương cho cha như vậy. Cha rất xót xa khi thấy con đi ăn xin trên những con đường mà trước đây con chỉ đi bằng chiếc kiệu vàng. Tại sao vậy con?

_ Thưa Phụ Vương, Như Lai không hề gây tổn thương cho Phụ Vương. Như Lai chỉ hành trì theo truyền thống của ba đời Chư Phật. Truyền thống của Chư Phật là nuôi sống bằng việc đi trì bình khất thực.

Nói đến đây, Đức Thế Tôn đọc lên câu kệ ngôn:

“Hãy giữ tâm niệm khi đứng trì bình khất thực trước nhà người tín thí.
Hãy sống theo Chánh Pháp. Người sống theo Chánh Pháp sẽ hạnh phúc ở đời nầy và đời sau”, (Pháp Cú Kinh, kệ ngôn số 168).

Nghe vừa dứt câu kệ ngôn, Đức Vua Tịnh Phạn chứng đắc ngay quả vị thánh nhân Nhập Lưu.

Giờ đây, vị quân vương thánh nhân hân hoan đến gần rước bát của Đức Thế Tôn và cung thỉnh Ngài cùng Chư Tăng về nơi hoàng cung thọ thực.

Chuyến đi lịch sử vào ngày rằm tháng hai của Đức Thế Tôn đã đem lại phước lành vi diệu cho cả dòng tộc Sakya và toàn thể thị dân trong kinh thành Ca Tỳ La Vệ.

Về sau rất nhiều vị trong hoàng tộc xuất gia và trở thành những vị đại đệ tử xuất sắc của Đức Thế Tôn như Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Nanda, Dì Mẫu Mahāpajapati Gotamī.

Trong các vị đó nổi bật nhất là Tôn giả Ānanda, vị thị giả tận tụy của Đức Thế Tôn, một ngôi Tàng Kinh Các của Pháp Bảo.

Đức Thế Tôn là bậc giác ngộ. Ngài giảng dạy Giáo Pháp để giúp cho tất cả chúng sanh hữu duyên, trong đó có dòng tộc Thích Ca, cũng được giác ngộ như Ngài.
Danh xưng THẾ TÔN, BHAGAVĀ có nghĩa bậc thánh nhân cao quý, người dẫn đạo tuyệt luân.

Đức Thế Tôn đã dẫn dắt tất cả mọi người, trong đó có thân bằng quyến thuộc của Ngài, trong đó có chúng ta, đi trên con đường chân chánh, biết tránh xa những con lộ nguy hiểm.

Đức Thế Tôn có danh xưng là SAKYA PUṄGAVO, có nghĩa là Bậc Long Tượng của dòng dõi Thích Ca.

Bậc Long Tượng đó là bóng cây cao che mát cho cả dòng tộc Sakya.

Một lần nọ, nhà vua Vidudabha vì mối tư thù đã kéo đại binh sang để tiêu diệt cả dòng Thích Ca.

Đức Thế Tôn đã đến ngồi nơi biên giới giữa hai nước và Ngài ngỏ lời với nhà vua là: “Đối với Như Lai, thân bằng quyến thuộc là một bóng mát to lớn”.

Nhà vua Vidūdabha hiểu ý của Đức Thế Tôn nên đành phải rút binh về.

Người con Phật chúng ta hãy noi theo gương lành của Đức Thế Tôn.

Hãy nhớ rằng giúp đỡ thân bằng quyến thuộc là một trong những điều hạnh phúc cao thượng (Hạnh Phúc Kinh).

Kính chúc đến tất cả đều thọ hưởng ân phước của ngày lễ rằm tháng hai, ngày lễ Medin Poya Day.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com