Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Rằm Tháng Bảy

  1. Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG BẢY

↑ trở lên

Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG BẢY

Ngày rằm tháng bảy là ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu theo văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trong ngày lễ Vu Lan chúng ta tỏ lòng tri ân sâu xa đến các ân đức cao quý, nhất là ân đức Tam Bảo, ân đức các bậc thầy tổ, ân đức ông bà, cha mẹ và các bậc hữu ân.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng ghi nhớ ngày rằm tháng bảy theo truyền thống Phật giáo Theravāda là ngày ĐẠI LỄ NIKINI POYA DAY.

Đại Lễ Nikini Poya đánh dấu một sự kiện rất quan trọng trong dòng chảy lịch sử phát triển của đạo Phật.

Đó là kỳ hội nghị kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất (PAṬHAMĀ SAṄGĪTI).

NGUYÊN NHÂN KẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ NHẤT

Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch được bảy ngày, hàng đệ tử tứ chúng đông đảo nơi khu rừng Sāla ở thành Kusinārā chuẩn bị chu đáo cho khóa lễ trà tỳ, nhưng điều kỳ lạ là đài kim quan thiêng liêng không hề bắt lửa.

Rất ngạc nhiên, vị tiểu vương dòng tộc Malla mới hỏi Tôn giả Anuruddha nguyên do của hiện tượng kỳ diệu nầy.

Tôn giả Anuruddha đáp lời vị quân vương là do Tôn giả Mahākassapa đang cùng hội chúng năm trăm vị Tỳ Kheo trên đường trở về lại Kusinārā đảnh lễ Đức Thế Tôn lần sau cùng.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahākassapa cùng với hội chúng các vị Tỳ Kheo đang đến thị trấn Pāvā.

Ở nơi đó Ngài gặp một du sĩ ngoại đạo đi từ Kusinārā hướng về thị trấn Pāvā, trên tay vị ấy cầm một cánh hoa Mạn đà la (Mandārava), cánh hoa Chư Thiên.

Khi ấy, Tôn giả Mahākassapa đã hỏi vị du sĩ ngoại đạo:

_ Nầy đạo hữu, đạo hữu có biết Bậc Đạo Sư của chúng tôi không?

Vị du sĩ ngoại đạo trả lời:

_ Thưa Tôn giả, tôi có biết. Sa môn Gotama đã viên tịch Niết Bàn được bảy ngày rồi, nên tôi mới có cánh hoa Mạn đà la nầy.

Khi du sĩ ngoại đạo vừa dứt lời, các vị Tỳ Kheo chưa đắc thánh quả rất buồn rầu, thảm não; có một số vị ngã lăn trên mặt đất và than khóc: “Ôi, Đức Thế Tôn viên tịch Niết Bàn quá sớm! Ôi, Đấng Thiện Thệ viên tịch Niết Bàn quá sớm! Nay nguồn ánh sáng đã tắt lịm trên thế gian!”.

Trong khi đó, các vị Tỳ Kheo đã đắc thánh quả giữ sự trầm mặc và suy niệm: “Các pháp hữu vi vốn có bản chất là vô thường”.



Khi ấy Tôn giả Mahākassapa đã có lời an ủi, động viên hội chúng:

_ Nầy chư hiền Tỳ Kheo, hãy giữ tâm an tịnh, chớ có buồn rầu, chớ có than khóc. Đức Thế Tôn đã nhiều lần khuyên dạy huynh đệ chúng ta: “Tất cả những gì được sanh ra, lớn lên và phát triển mà không phải hoại diệt, điều đó sẽ không bao giờ có”.

Trong lúc bậc cao đức đang khuyên nhủ hội chúng năm trăm vị Tỳ Kheo như thế, bỗng đâu đó vang lên lời nói thật đáng trách.

Đó là lời nói của vị Tỳ Kheo lớn tuổi tên là Subhadda. Ông ta nói:

_ Thưa chư huynh đệ, các vị chớ có buồn rầu, chớ có than vãn nữa! Chúng ta nay đã hoàn toàn được tự do.

Trước đây, vị Đại Sa Môn đã gây rất nhiều khó khăn cho tất cả huynh đệ: “Điều nầy các vị Tỳ Kheo không được phép làm, điều nầy các vị Tỳ Kheo mới được phép làm”.

Giờ đây chúng ta có thể làm điều gì mình thích, và không làm điều gì mình không thích!

Lời nói gây phản cảm của vị Tỳ Kheo lớn tuổi Subhadda đã gây cho Tôn giả Mahākassapa rất quan ngại cho sự tồn vong của Giáo Pháp về sau.

Do đó, sau khi đã lo chu toàn lễ trà tỳ của Đức Bổn Sư, Tôn giả Mahākassapa với vai trò là bậc lãnh đạo Tăng đoàn, đã có lời tuyên ngôn quan trọng trước hội chúng đông đảo các vị Tỳ Kheo:

_ Chúng ta hãy trùng tuyên Pháp và Luật của Đức Bổn Sư trước khi điều phi Pháp lớn mạnh, còn Pháp thì lại bỏ quên, trước khi điều phi Luật lớn mạnh, còn Luật thì lại bỏ quên;

Trước khi những kẻ nói về phi Pháp trở nên đông đảo, còn những người nói về Pháp thì ít dần đi, trước khi những kẻ nói về phi Luật trở nên đông đảo, còn những người nói về Luật
thì ít dần đi.

THỂ THỨC KỲ KẾT TẬP KINH ĐIỂN LẦN THỨ NHẤT

Cuộc kết tập được tổ chức với sự tham dự của năm trăm (500) vị thánh tăng A La Hán thành tựu tứ tuệ phân tích tại ngôi thạch động Sattapaṇṇi (hang Thất Diệp) nơi thành Rājagaha (Vương Xá).

Trước ngày diễn ra hội nghị, Tôn giả ĀNANDA nỗ lực hành đạo và chứng đắc quả vị thánh nhân A La Hán. Tôn giả đã đóng vai trò rất quan trọng xuyên suốt kỳ kết tập.

Đức Vua AJĀTASATTU (A Xà Thế) là người bảo trợ chính cho hội nghị kết tập kinh điển vào thời điểm đó.

Vào ngày diễn ra hội nghị, đúng vào ngày rằm tháng bảy, năm trăm vị thánh nhân cùng vân tập bên trong ngôi thạch động Sattapaṇṇi.

Chư Tăng đồng suy cử Tôn giả Mahākassapa vào ngôi vị chủ tọa.

Với sự đồng thuận của Chư Tăng, Tôn giả Mahākassapa lần lượt hỏi Tôn giả Upāli về Luật (Vinaya) và Tôn giả Ānanda về Pháp (Dhamma).

Tôn giả Mahākassapa bắt đầu hỏi Tôn giả UPĀLI câu hỏi Đức Thế Tôn đã chế định học giới (sikkhāpāda) thứ nhất ở đâu, do nguyên nhân gì, và những quy định chi tiết của điều học thứ nhất là như thế nào.

Tôn giả Upāli đã trả lời thông suốt các câu hỏi của vị chủ tọa liên quan đến các điều học trong giới bổn Pātimokkha (Biệt biệt giải thoát giới).

Toàn thể chư tôn đức Tăng đều hoan hỷ với các câu trả lời của Tôn giả Upāli.

Các thành viên trong kỳ kết tập sau đó cùng nhau đọc tụng lại toàn bộ nội dung liên quan đến Luật (Vinaya) cả thảy ba lần.

Kế tiếp, Tôn giả Mahākassapa hỏi Tôn giả Ānanda các câu hỏi liên quan đến Pháp (Dhamma).

Đức Thế Tôn đã thuyết giảng bài kinh Brahmajāla Sutta ở đâu, cho ai, nội dung bài
kinh đó như thế nào.

Giống như Tôn giả Upāli, Tôn giả Ānanda đã trả lời rành rẽ các câu hỏi do vị chủ tọa nêu lên.

Rồi tiếp đến bài kinh Sāmaññaphala Sutta. Lần lượt như thế, hai vị tôn đức đã trùng tuyên toàn bộ nội dung các bài pháp thoại mà Đức Thế Tôn đã từng thuyết giảng.

Cùng một cách thức, hội nghị đồng thanh đọc tụng toàn bộ nội dung liên quan đến Pháp (Dhamma) cả thảy ba lần.

Hội nghị kết tập kinh điển nơi ngôi thạch động Sattapaṇṇi đã thành tựu phước báu viên mãn sau bảy tháng trùng tuyên liên tục Pháp và Luật của tất cả thành viên trong hội nghị.

Tập sách biên niên sử Mahāvaṃsa có ghi lại ngay sau khi toàn bộ Pháp và Luật (Dhamma Vinaya) đã được các bậc thánh nhân kết tập, quả địa cầu đã rúng động, chuyển động mạnh cả bảy lần.

Chư Thiên từ trên hư không hoan hỷ rải các loại hoa cúng dường khắp trên mặt sân của ngôi thạch động Sattapaṇṇi.

Sau đó, Tôn giả Mahākassapa cùng với toàn thể các bậc Thánh Tăng và Đức Vua Ajātasattu đồng quy định năm Đức Thế Tôn viên tịch là năm thứ nhất thuộc niên đại Phật lịch, Buddhist Era.

Hội nghị kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất vào đúng ngày rằm tháng bảy đóng vai trò quyết định cho sự phát triển và hưng thịnh của đạo Phật trong suốt hơn 2000 năm qua.

CÁC KỲ KẾT TẬP KINH ĐIỂN TIẾP THEO

Lịch sử Phật giáo đã ghi nhận chi tiết sáu kỳ hội nghị kết tập kinh điển.

Sau kỳ kết tập ở thành Rājagaha 100 năm, Tôn giả Yasa đã đứng ra tổ chức hội nghị kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ hai tại thành Vesālī.

Hội nghị kết tập lần thứ hai có sự tham dự của bảy trăm vị thánh nhân A La Hán thành đạt tứ tuệ phân tích.

Vào thời điểm nầy Phật giáo không còn là một khối thống nhất. Giáo Hội đã chia thành hai bộ phái chính là Theravādins (Thượng Tọa Bộ) và Mahāsaṅghikas (Đại Chúng Bộ).

Đến thời đại của Hoàng Đế Asoka, khoảng 250 năm sau Đức Thế Tôn viên tịch, vào năm 293 trước dương lịch ở thành Pātaliputta, Tôn giả Moggalaputta Tissa tiếp tục chủ tọa hội nghị kết tập kinh điển lần thứ ba.

Hội nghị lần nầy có sự góp mặt của một ngàn (1000) vị thánh nhân A La Hán thành đạt tứ tuệ phân tích.

Sau hội nghị kết tập lần thứ ba, Hoàng đế Asoka đã gởi chín phái đoàn các vị sứ giả
Như Lai truyền bá đạo Phật ra khỏi biên cương xứ sở Ấn Độ.

Đạo Phật bắt đầu vươn mình trở thành một tôn giáo thế giới kể từ thời điểm lịch sử đó.

Ba hội nghị kết tập kinh điển đầu tiên đều diễn ra nơi xứ Phật Ấn Độ.

Sang đến kỳ thứ tư đã có sự thay đổi địa điểm tổ chức hội nghị.

Vào năm 93 trước dương lịch, khoảng 450 năm sau khi Đức Thế Tôn viên tịch, hội nghị kết tập kinh điển lần thứ tư đã chính thức diễn ra ở ngôi chùa lịch sử ALUVIHARAYA ở miền trung của đảo quốc Sri Lanka.

Năm trăm vị thánh nhân A La Hán cao quý đã tham dự hội nghị kết tập lần đầu được tổ chức bên ngoài xứ sở Ấn Độ.

Trong kỳ kết tập lần nầy, giáo lý đạo Phật được biết đến với dạng truyền khẩu bắt đầu được ghi chép thành văn tự trên các mẫu lá diệp bối.

Một khoảng thời gian khá dài sau đó, 2414 năm sau khi Đức Thế Tôn viên tịch, địa điểm tổ chức kết tập kinh điển lại thay đổi.

Năm 1871 sau dương lịch, 2400 vị Chư Tăng thông suốt Tam Tạng đã vân tập ở ngôi chùa Dakkhinārāma ở thành phố Mandalay, Myanmar, đồng tâm hiệp lực tổ chức kỳ kết tập kinh điển lần thứ năm.

Đặc biệt, toàn bộ Tam Tạng kinh điển đã được khắc ghi lên 229 phiến đá cẩm thạch. Một công trình văn hóa Phật giáo đã lưu lại giá trị cao quý của Pháp Bảo cho ngàn đời về sau.

Sang thế kỷ XX, thế giới Phật giáo lại có diễm phúc chứng kiến hội nghị kết tập kinh điển lần thứ sáu tại ngôi thạch động Mahapasana ở thủ đô Yangon, Myanmar.

Hội nghị bắt đầu khai mạc từ năm 1954 và thành tựu viên mãn vào năm 1956, đúng vào năm Phật lịch 2500.

Lần đầu tiên Chư Tăng từ nhiều quốc gia Phật giáo trên khắp thế giới cùng tham gia một hội nghị kết tập kinh điển.

Người Phật tử Việt Nam chúng ta thật vô cùng tự hào vào buổi lễ khai mạc hội nghị ở thủ đô Yangon, Hòa Thượng Bửu Chơn (Nāga Mahāthera) đã thay mặt cho phái đoàn Phật giáo Việt Nam đọc bài diễn văn chúc mừng cho sự thành công của hội nghị kết tập kinh điển.

Các bậc cao tăng thạc đức Phật giáo đã thể hiện ý chí bền bĩ trong việc bảo tồn và truyền bá lời dạy của Đức Thế Tôn đến khắp mọi nơi trên thế giới.

Đạo pháp hơn hai ngàn năm lịch sử, có lúc thăng có lúc trầm, nhưng nhiều thế hệ hậu bối luôn tiếp bước các bậc tiền nhân gìn giữ và truyền trao ngọn đèn Chánh Pháp lại cho đời sau, “Truyền đăng tục diệm”.

Nhân ngày lễ rằm tháng bảy, người con Phật chúng ta hãy cầu nguyện cho ánh sáng của Chánh Pháp luôn tỏa sáng đến 5000 năm.

Ngưỡng mong ân đức Tam Bảo hằng gia hộ cho tất cả chúng sanh các loài hữu tình sống an lành hạnh phúc, thành đạt pháp mầu.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com