Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Kinh Dhaniya


PāḷiTiếng Việt
Dhaniyasuttaṃ Kinh Dhaniya
Pakkodano duddhakhīrohamasmi,
Anutīre mahiyā samānavāso;
Cơm tôi vừa nấu chín, sữa bò đã vắt xong.
Trên bờ sông Mahī, cả gia đình cùng chung sống quây quần.
Channā kuṭi āhito gini,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Căn nhà mái lợp kỹ, bếp hồng lửa sáng soi.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Akkodhano vigatakhilohamasmi
Anutīre mahiyekarattivāso;
Ta không còn sân hận, tâm không còn hoang vu.
Như Lai chỉ lưu lại một đêm trên bờ sông Mahī.
Vivaṭā kuṭi nibbuto gini,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Căn nhà được mở rộng, lửa tham nay tắt rồi.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Andhakamakasā na vijjare,
Kacche rūḷhatiṇe caranti gāvo;
Không có ruồi lằn và muỗi mòng.
Trên cánh đồng xa, đàn bò đang thong dong gặm cỏ.
Vuṭṭhimpi saheyyumāgataṃ,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Trận mưa lớn sắp đến không hề làm cho chúng nao núng.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Baddhāsi bhisī susaṅkhatā,
Tiṇṇo pāragato vineyya oghaṃ;
Ta khéo kết nên chiếc bè kiên cố để vượt qua cơn lũ lớn
và đã đến bờ bên kia an toàn.
Attho bhisiyā na vijjati,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Nay Như Lai không còn dùng đến chiếc bè nữa.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Gopī mama assavā alolā,
Dīgharattaṃ saṃvāsiyā manāpā;
Tôi có một người vợ ngoan hiền và đức hạnh.
Chúng tôi đã bao năm chung sống tâm đầu ý hợp.
Tassā na suṇāmi kiñci pāpaṃ,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Tôi không hề nghe lời ác hạnh nào nơi nàng.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Cittaṃ mama assavaṃ vimuttaṃ,
Dīgharattaṃ paribhāvitaṃ sudantaṃ;
Ta có một nội tâm nhu thuận và an tịnh.
Đã bao năm, Ta đã khéo huấn luyện và điều phục tâm.
Pāpaṃ pana me na vijjati,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Như Lai không hề thấy một ác pháp nào trong nội tâm.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Attavetanabhatohamasmi,
Puttā ca me samāniyā arogā;
Tôi sinh sống bằng công việc của chính mình.
Các con tôi chung sống với nhau, chúng rất khỏe mạnh.
Tesaṃ na suṇāmi kiñci pāpaṃ,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Tôi không nghe điều không tốt nào nơi bọn trẻ.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Nāhaṃ bhatakosmi kassaci,
Nibbiṭṭhena carāmi sabbaloke;
Ta không làm thuê cho ai cả và đi khắp mọi nơi
nhờ vào những gì Ta đã thành đạt.
Attho bhatiyā na vijjati,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Như Lai không cần đến lương bổng nữa.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Atthi vasā atthi dhenupā,
Godharaṇiyo paveṇiyopi atthi;
Ở đây, có các con bò mẹ và các bê con. Có các con bò cái đang mang thai và các con bò đang cho sữa.
Usabhopi gavampatīdha atthi,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Cũng có con bò đực đầu đàn mạnh mẽ.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Natthi vasā natthi dhenupā,
Godharaṇiyo paveṇiyopi natthi;
Ở đây, không có các con bò mẹ và các bê con. Không có các con bò cái đang mang thai và các con bò đang cho sữa.
Usabhopi gavampatīdha natthi,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Cũng không có con bò đực đầu đàn mạnh mẽ.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Khilā nikhātā asampavedhī,
Dāmā muñjamayā navā susaṇṭhānā;
Các cọc nhọn được đóng xuống dưới đất, không thể lay chuyển. Những sợi dây bện bằng cỏ muñja thì bền chắc.
Na hi sakkhinti dhenupāpi chettuṃ,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Ngay cả các con bê cũng không thể làm đứt dây buộc được.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Usabhoriva chetva bandhanāni,
Nāgo pūtilataṃva dālayitvā;
Như con bò đầu đàn bứt đứt mọi sợi dây buộc.
Như con voi dũng mảnh phá tan đám dây leo mỏng manh.
Nāhaṃ punupessaṃ gabbhaseyyaṃ,
atha ce patthayasī pavassa deva.
Như Lai không còn nhập vào thai tạng nữa.
Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Ninnañca thalañca pūrayanto,
mahāmegho pavassi tāvadeva;
Thật là lợi ích lớn lao cho chúng con
khi được gặp Đức Thế Tôn.
Sutvā devassa vassato,
imamatthaṃ dhaniyo abhāsatha.
Chúng con xin quy y nơi Ngài, bậc Pháp Nhãn,
bậc Thầy của chúng con, bậc đại mâu ni.
Lābhā vata no anappakā,
ye mayaṃ bhagavantaṃ addasāma;
Chúng con xin nương nhờ nơi Ngài, chúng con xin được sống đời phạm hạnh thiêng liêng với Đức Thế Tôn.
Saraṇaṃ taṃ upema cakkhuma,
satthā no hohi tuvaṃ mahāmuni.
Để vượt qua sanh tử và chấm dứt khổ đau.
Gopī ca ahañca assavā,
brahmacariyaṃ sugate carāmase;
Ai có con, người đó hoan hỷ với con.
Ai có đàn bò, người đó hoan hỷ với đàn bò.
Jātimaraṇassa pāragū,
dukkhassantakarā bhavāmase.
Ai có sanh y, người đó hoan hỷ với sanh y.
Ai không có sanh y, người đó không có hoan hỷ.
Nandati puttehi puttimā,
Gomā gohi tatheva nandati;
Ai có con,
người đó khổ vì con.
Upadhī hi narassa nandanā,
na hi so nandati yo nirūpadhi.
Ai có đàn bò,
người đó khổ vì đàn bò.
Socati puttehi puttimā,
Gopiyo gohi tatheva socati;
Ai có sanh y,
người đó sầu muộn vì sanh y.
Upadhī hi narassa socanā,
na hi so socati yo nirūpadhī’ ti.
Ai không có sanh y,
người đó không có sầu muộn.

  1. GIỚI THIỆU VỀ BÀI KINH DHANIYA
  2. BÀI KINH DHANIYA SUTTA
  3. CÂU KỆ NGÔN THỨ NHẤT & THỨ HAI
  4. CÂU KỆ NGÔN THỨ BA - THỨ MƯỜI

↑ trở lên

GIỚI THIỆU VỀ BÀI KINH DHANIYA

Bài Kinh Dhaniya Sutta là bài kinh thứ hai trong tổng số 72 bài kinh trong Kinh Tập (Suttanipāta). Bài kinh Dhaniya Sutta là cuộc đối thoại bằng thể kệ (thơ) giữa Đức Thế Tôn và người mục đồng Dhaniya trên bờ sông Mahī.

Bài kinh có 17 câu kệ ngôn, bố cục được chia thành bốn phần chính như sau:

Phần thứ nhất của bài kinh, từ câu kệ số 1 đến câu kệ số 12, là cuộc đối thoại giữa Đức Thế Tôn và mục tử Dhaniya. Trong lời kệ nói lên niềm cảm hứng của mình, Dhaniya mô tả sự đầy đủ, sung túc và ổn định của cuộc sống gia đình ông ta. Trước hiện tượng mưa thiên nhiên, Dhaniya mời gọi vị thần mưa hãy làm mưa đi. Dhaniya tưởng tượng như có một vị thần mưa hô phong hoán vũ, tạo nên những cơn mưa.
Để trả lời cho Dhaniya, Đức Thế Tôn dùng hình ảnh, ngôn từ chính trong lời kệ của Dhaniya nhưng mang ý nghĩa hoàn toàn khác, để ca ngợi niềm hạnh phúc của đời sống xuất gia.

Sang phần hai là câu kệ ngôn thứ 13, câu kệ chuyển thể, mô tả một đám mây đen kéo đến báo hiệu một cơn mưa lớn. Phần ba là hai câu kệ ngôn 14 và 15 mô tả cảnh hai vợ chồng Dhaniya đồng quy y, nương nhờ nơi Đức Thế Tôn. Sau đó hai vợ chồng mục đồng Dhaniya xin xuất gia theo Đức Thế Tôn, sống đời phạm hạnh thiêng liêng, để vượt qua sanh tử, chấm dứt khổ đau.

Phần cuối của bài kinh là hai câu kệ 16 và 17.

Câu kệ ngôn số 16 là lời nói của Ác ma (Māra). Như một người thách thức với Chánh Pháp, Ác ma nói rằng con cái hay đàn gia súc (sanh y) là cội nguồn của niềm vui, hạnh phúc.

Đức Phật đáp lời Ác ma bằng câu kệ ngôn cuối, câu số 17. Ngài nói hoàn toàn ngược lại với Ác ma. Theo quan điểm của đạo Phật, con cái hay đàn gia súc (sanh y) chính là cội nguồn của sầu muộn và đau khổ.

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP BÀI KINH DHANIYA SUTTA

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngự ở thành Sāvatthī. Khi ấy gia đình của người mục đồng Dhaniya sinh sống bên bờ sông Mahī.
Vào thời Đức Phật Tổ Kassapa, mục đồng Dhaniya là một vị thí chủ thuần thành. Hằng ngày ông chuẩn bị 20 phần vật thực đặt bát đến Chư Tăng. Gia đình ông tạo phước báu như vậy trong suốt 20.000 năm.

Chúng ta biết vào thời kỳ của Chư Phật Tổ trong quá khứ, tuổi thọ của chúng sanh rất lâu so với thời hiện tại. Khi vị đàn na qua đời, ông tái sanh vào các cảnh giới Chư Thiên. Và thọ hưởng hạnh phúc ở cõi trời trong suốt quãng thời gian giữa hai vị Phật, từ thời Đức Phật Kassapa đến thời Đức Phật Gotama.

Đến thời kỳ Đức Phật Tổ Gotama, vị thiên tử sanh vào gia đình người giữ ngân khố ở thành Dhammakoṇḍa, nơi xứ sở Videha. Vị thiên gia nam tử Dhaniya sinh sống bằng nghề chăn nuôi gia súc, nuôi bò để lấy sữa.

Đàn gia súc của ông có đến 30.000 con bò, trong đó 27.000 con bò có thể cho sữa. Một tài sản rất lớn vào thời đó. Gia đình của mục đồng Dhaniya không sống ở một nơi cố định. Tùy theo thời tiết trong năm, họ di chuyển đến các vùng đất có thể cung cấp đầy đủ cỏ và nước uống cho đàn gia súc đông đảo.

Gia đình của mục đồng Dhaniya có bảy người con trai, bảy người con gái, bảy người con dâu và rất nhiều người giúp việc. Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu, Dhaniya quan sát các hiện tượng trong tự nhiên, biết được mùa mưa sắp đến. Ông cho xây dựng chỗ ở cho cả gia đình và đàn gia súc ngay bên bờ sông Mahī.

Cả nhà đi tìm củi đốt, cỏ cho gia súc, thực phẩm dự trữ cho cả gia đình trong suốt mùa mưa. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, cả nhà quây quần bên bếp lửa và cùng ăn tối với nhau.

Sau bữa ăn, Dhaniya nằm xuống giường nghĩ lưng. Ông nghe từ chân trời xa tiếng sấm sét báo hiệu cơn mưa sắp đến. Trong niềm cảm hứng, thọ hưởng hạnh phúc cảnh gia đình sung túc, Dhaniya liên tục đọc lên các câu kệ ngôn cảm hứng.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đang ngự nơi hương thất ở Chùa Kỳ Viên. Ngài nghe được lời cảm hứng của mục đồng Dhaniya từ phương trời xa. Đức Thế Tôn với Phật nhãn quán sát thấy được cả hai vợ chồng Dhaniya đều có nhân duyên.

Ngài suy nghĩ: “Nếu Như Lai đến đó và giảng pháp cho họ, cả hai vị sẽ xuất gia và thành đạt quả vị A La Hán”. Trong một khoảnh khắc, từ khoảng cách 700 do tuần (yojanas), Đức Thế Tôn dùng thần thông hiện ra bên ngôi nhà của mục đồng Dhaniya; trong khi đó mục đồng Dhaniya với niềm cảm hứng dâng trào, liên tục đọc lên lời kệ: “Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!”.

↑ trở lên

BÀI KINH DHANIYA SUTTA
1. (Mục đồng Dhaniya nói)

Cơm tôi vừa nấu chín, sữa bò đã vắt xong. Trên bờ sông Mahī, cả gia đình cùng chung sống quây quần.
Căn nhà mái lợp kỹ, bếp hồng lửa sáng soi. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

2. (Đức Thế Tôn nói)

Ta không còn sân hận, tâm không còn hoang vu. Như Lai chỉ lưu lại một đêm trên bờ sông Mahī.
Căn nhà được mở rộng, lửa tham nay tắt rồi. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

3. (Mục đồng Dhaniya nói)

Không có ruồi lằn và muỗi mòng. Trên cánh đồng xa, đàn bò đang thong dong gặm cỏ.
Trận mưa lớn sắp đến không hề làm cho chúng nao núng. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

4. (Đức Thế Tôn nói)

Ta khéo kết nên chiếc bè kiên cố để vượt qua cơn lũ lớn và đã đến bờ bên kia an toàn.
Nay Như Lai không còn dùng đến chiếc bè nữa. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

5. (Mục đồng Dhaniya nói)

Tôi có một người vợ ngoan hiền và đức hạnh. Chúng tôi đã bao năm chung sống tâm đầu ý hợp.
Tôi không hề nghe lời ác hạnh nào nơi nàng. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

6. (Đức Thế Tôn nói)

Ta có một nội tâm nhu thuận và an tịnh. Đã bao năm, Ta đã khéo huấn luyện và điều phục tâm.
Như Lai không hề thấy một ác pháp nào trong nội tâm. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

7. (Mục đồng Dhaniya nói)

Tôi sinh sống bằng công việc của chính mình. Các con tôi chung sống với nhau, chúng rất khỏe mạnh.
Tôi không nghe điều không tốt nào nơi bọn trẻ. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

8. (Đức Thế Tôn nói)

Ta không làm thuê cho ai cả và đi khắp mọi nơi nhờ vào những gì Ta đã thành đạt.
Như Lai không cần đến lương bổng nữa. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

9. (Mục đồng Dhaniya nói)

Ở đây, có các con bò mẹ và các bê con. Có các con bò cái đang mang thai và các con bò đang cho sữa.
Cũng có con bò đực đầu đàn mạnh mẽ. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

10. (Đức Thế Tôn nói)

Ở đây, không có các con bò mẹ và các bê con. Không có các con bò cái đang mang thai và các con bò đang cho sữa.
Cũng không có con bò đực đầu đàn mạnh mẽ. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

11. (Mục đồng Dhaniya nói)

Các cọc nhọn được đóng xuống dưới đất, không thể lay chuyển. Những sợi dây bện bằng cỏ muñja thì bền chắc.
Ngay cả các con bê cũng không thể làm đứt dây buộc được. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

12. (Đức Thế Tôn nói)

Như con bò đầu đàn bứt đứt mọi sợi dây buộc. Như con voi dũng mảnh phá tan đám dây leo mỏng manh.
Như Lai không còn nhập vào thai tạng nữa. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

13. Ngay lúc đó một đám mây tạo nên cơn mưa lớn làm nước ngập tràn đất trũng và gò cao.
Khi nghe tiếng mưa rơi, Dhaniya nói lên lời như sau.

14. Thật là lợi ích lớn lao cho chúng con khi được gặp Đức Thế Tôn.
Chúng con xin quy y nơi Ngài, bậc Pháp Nhãn, bậc Thầy của chúng con, bậc đại mâu ni.

15. Chúng con xin nương nhờ nơi Ngài, chúng con xin được sống đời phạm hạnh thiêng liêng với Đức Thế Tôn.
Để vượt qua sanh tử và chấm dứt khổ đau.

16. (Ác Ma nói)

Ai có con, người đó hoan hỷ với con. Ai có đàn bò, người đó hoan hỷ với đàn bò.
Ai có sanh y, người đó hoan hỷ với sanh y. Ai không có sanh y, người đó không có hoan hỷ.

17. (Đức Thế Tôn nói)

Ai có con, người đó khổ vì con. Ai có đàn bò, người đó khổ vì đàn bò.
Ai có sanh y, người đó sầu muộn vì sanh y. Ai không có sanh y, người đó không có sầu muộn.

Sau khi lắng nghe hết bài kinh, hai vợ chồng Dhaniya cùng xuất gia theo Đức Thế Tôn. Sau khi xuất gia, cả hai vị đệ tử của Đức Thế Tôn đều thành đạt quả vị thánh nhân A La Hán.

Về sau dân chúng trong vùng để tưởng nhớ đến hai vị thánh nhân, họ đã cho xây dựng nên một ngôi chùa.

Cho đến ngày nay ngôi chùa lịch sử được biết đến là Chùa Mục Đồng (Gopālakavihāra).

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ NHẤT & THỨ HAI

TRONG BÀI KINH DHANIYA SUTTA

1. (Mục đồng Dhaniya nói)

Cơm tôi vừa nấu chín, sữa bò đã vắt xong. Trên bờ sông Mahī, cả gia đình cùng chung sống quây quần.
Căn nhà mái lợp kỹ, bếp hồng lửa sáng soi. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

Gia đình mục tử Dhaniya là một gia đình giàu có. Họ sở hữu một số lượng lớn đàn gia súc. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, Dhaniya nằm trên giường nghỉ ngơi. Rồi ông nghe từ xa sấm chớp vang lên, Dhaniya thốt lên lời cảm hứng.

“Cơm tôi vừa nấu chín, sữa bò đã vắt xong”: dòng kệ ngôn mô tả hoàn cảnh gia đình sung túc, đầy đủ lương thực.
“Trên bờ sông Mahī, cả gia đình cùng chung sống quây quần”: họ chọn trú xứ bên bờ sông Mahī, để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho gia đình, đầy đủ cỏ cho đàn gia súc. Nếu hoàn cảnh nơi đây thuận lợi, gia đình Dhaniya có thể ở lại cho đến hết mùa mưa.
“Căn nhà mái lợp kỹ”: nơi ăn, chốn ở của cả gia đình ổn định. Mọi người đều có chỗ che mưa, trú nắng.
“Bếp hồng lửa sáng soi”: trong bếp ngọn lửa ấm áp, reo vui. Nó giữ ấm cho cả gia đình, ngăn ngừa các loài thú dữ tấn công. Ngọn lửa còn có tác dụng hun khói để xua đuổi muỗi mòng, các loài côn trùng gây hại cho đàn gia súc.

Các dòng kệ trên mô tả khung cảnh ấm cúng của một gia đình hạnh phúc, như bao gia đình của người dân xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.
Trước niềm cảm hứng dâng trào, mục đồng Dhaniya đọc đi đọc lại liên tục lời kệ ngôn: “Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!”.

2. (Đức Thế Tôn nói)

Ta không còn sân hận, tâm không còn hoang vu. Như Lai chỉ lưu lại một đêm bên bờ sông Mahī.
Căn nhà được mở rộng, lửa tham nay tắt rồi. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!

Để đáp lại lời cảm hứng của mục đồng Dhaniya, Đức Thế Tôn dùng chính những hình ảnh, ngôn từ trong câu kệ ngôn đầu nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác.

Trong lời kệ của Dhaniya, ông dùng từ “pakkodano” có nghĩa là cơm được nấu chín. Mượn lại âm vận tương tự, Đức Thế Tôn đọc lên: “akkodhano” có nghĩa là không sân hận.

Chúng ta hiểu cách sử dụng từ ngữ trong 17 câu kệ nơi bài kinh đặc biệt nầy đều tương tự, đối lập nhau về ngôn từ lẫn ý nghĩa.

“Ta không còn sân hận”: tất cả mọi hình thức sân hận, nóng giận từ thô thiển đến vi tế, Đức Thế Tôn đã đoạn trừ tận gốc rễ ngay dưới cội Bồ Đề, trong đêm Ngài thành đạo. Cho nên Ngài nói lên lời khẳng định là trong nội tâm không còn chút mảy may sân hận nào.
“Tâm không còn hoang vu”: trạng thái tâm hoang vu được so sánh như mảnh đất khô cằn, không có chất phù sa mầu mỡ, dầu cho người nông dân cố gắng canh tác đến mấy cũng không thu hoạch được vụ mùa như ý muốn.
Có năm thể hiện của tâm hoang vu (cetokhila): hoài nghi Đức Phật, hoài nghi Giáo Pháp, hoài nghi Chư Tăng, hoài nghi điều học và luôn tỏ ra sân hận với các bạn đồng tu. Đức Thế Tôn đã đoạn trừ hoàn toàn năm tâm hoang vu nầy sau đêm Ngài thành đạo.
“Như Lai chỉ lưu lại một đêm bên bờ sông Mahī”: khác với gia đình mục đồng Dhaniya, Đức Thế Tôn chỉ nghỉ lại một đêm bên bờ sông Mahī, vì lợi ích cho cả gia đình.
“Căn nhà được mở rộng”: căn nhà nơi đây là hình ảnh ẩn dụ, khác với căn nhà mà Dhaniya đang lưu trú. Ẩn dụ căn nhà để chỉ cho thân ngũ uẩn. Đối với người thường, căn nhà ngũ uẩn nơi cất giấu tham dục và được che kín bởi mái che phiền não. Nước mưa sẽ thấm dột vào mái nhà phiền não đó. Có nghĩa là ngoại cảnh bên ngoài sẽ tác động đến tâm phàm nhân, làm dấy lên phiền não.
Riêng căn nhà của Như Lai đã được ngọn gió thánh đạo thổi bay đi mái che phiền não. Nên ngôi nhà được rộng mở và phiền não không còn cơ may lọt vào tâm của Như Lai nữa.
“Lửa tham nay tắt rồi”: để đối lập hình ảnh bếp lửa nơi ngôi nhà mục đồng Dhaniya, Đức Thế Tôn dùng hình ảnh ngọn lửa phiền não nơi tâm của Ngài đã bị dập tắt. Những ngọn lửa trong tâm như tham, sân, si, sanh, già, đau, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đã được dập tắt bởi dòng nước thánh đạo.

Ở dòng kệ cuối, Đức Thế Tôn dùng lại chính điệp khúc của Dhaniya: “Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!” để nói lên hạnh phúc của Ngài, một bậc đã thoát ly thế gian.

Hai câu kệ ngôn đầu tiên trình bày hai niềm hạnh phúc đối lập lẫn nhau: hạnh phúc nơi thế gian đời thường và hạnh phúc của đời sống giải thoát khỏi thế gian.

Một đàng lợi ích thế gian
Một đàng hạnh phúc Niết Bàn thoát ly.



↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ BA - THỨ MƯỜI

3. (Mục đồng Dhaniya nói)

Không có ruồi lằn và muỗi mòng. Trên cánh đồng xa, đàn bò đang thong dong gặm cỏ.
Cơn mưa lớn sắp đến không hề làm cho chúng nao núng. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Khi nghe câu kệ ngôn của Đức Thế Tôn, Dhaniya không ngạc nhiên hỏi: “Ai đã nói lên lời kệ ngôn?”. Trái lại, muốn được nghe tiếp những lời nói hay của vị mâu ni mà Dhaniya chưa từng gặp, mục đồng tiếp tục đọc lên lời kệ cảm hứng: “Không có ruồi lằn và muỗi mòng”. Dhaniya muốn nói đàn gia súc của ông được bảo vệ (hun khói) khỏi sự tấn công của ruồi muỗi, các loài côn trùng.
“Trên cánh đồng xa, đàn bò đang thong dong gặm cỏ”: mục đồng Dhaniya luôn chọn chỗ ở, nơi có đầy đủ nước uống và thức ăn cho cả đàn gia súc.
“Cơn mưa lớn sắp đến không hề làm cho chúng nao núng”: dòng kệ ngôn mô tả đàn bò sữa đầy đủ thức ăn nên được mạnh khỏe. Chúng đủ sức chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết.
Dhaniya tỏ ra rất hài lòng về phương tiện sinh sống của cả gia đình ông, khi cả đàn gia súc gồm hàng ngàn con bò sữa được mọi người chăm sóc chu đáo.

4. (Đức Thế Tôn nói)

Ta khéo kết nên chiếc bè kiên cố để vượt qua cơn lũ lớn và đã đến bờ bên kia an toàn.
Nay Như Lai không còn dùng đến chiếc bè nữa. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Dhaniya dùng phương tiện thuyền bè để di chuyển cả gia đình và đàn gia súc đến một nơi an toàn, tránh khỏi lũ lụt. Cả gia đình trú lại trên bờ sông Mahī và có suy nghĩ nơi đang ở đã là an toàn.
Để đáp lại câu kệ của Dhaniya, Đức Thế Tôn đã nói: “Ta khéo kết nên chiếc bè kiên cố”. Chiếc bè nơi đây là hình ảnh ẩn dụ để chỉ cho thánh đạo. Đức Thế Tôn đã khéo kết nên chiếc bè thánh đạo được tạo nên bởi nhiều chi phần của con đường thánh đạo tám ngành, được kết chặt lại bởi trí tuệ.
Đây là chiếc bè rất kiên cố bởi vì nó được tạo nên bởi 37 chi phần tạo nên giác ngộ. Đó là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo. Nhờ vào chiếc bè kiên cố nầy, Đức Thế Tôn đã vượt qua được cơn lũ lớn. Dòng nước lũ (ogha) là một ẩn dụ để chỉ cho bốn pháp hằng nhấn chìm chúng sanh trong đại dương sinh tử luân hồi. Đó là tham dục, hữu ái, tà kiến và vô minh.
Dòng kệ ngôn: “Và đã đến bờ bên kia an toàn”: sau khi vượt qua cả bốn dòng nước lũ lớn, Đức Thế Tôn đã đặt chân lên bờ bên kia một cách an toàn. Bờ bên kia để chỉ cho trạng thái Niết Bàn, một nơi an toàn tuyệt đối.
Dòng kệ ngôn: “Nay Như Lai không còn dùng đến chiếc bè nữa. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!”: sau khi đã hoàn tất hành trình, Đức Thế Tôn không còn phải sử dụng lại phương tiện là chiếc bè nữa. Với niềm hân hoan của một hành giả đã giải thoát, Đức Thế Tôn nói đúng lời cảm thán của mục đồng Dhaniya: “Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!”.

5. (Mục đồng Dhaniya nói)

Tôi có một người vợ ngoan hiền và đức hạnh. Chúng tôi đã bao năm chung sống tâm đầu ý hợp.
Tôi không hề nghe điều ác hạnh nào từ nơi nàng. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Sau khi nghe dứt câu kệ vừa của Đức Thế Tôn, mục đồng Dhaniya bày tỏ tiếp niềm hạnh phúc của ông ta. Hạnh phúc của Dhaniya là có một người vợ ngoan hiền và đức hạnh. Trong gia đình của Dhaniya có bảy người con trai và bảy người con gái. Hai vợ chồng đã chung sống với nhau từ lâu, rất tâm đầu ý hợp.

6. (Đức Thế Tôn nói)

Ta có một nội tâm nhu thuận và an tịnh. Đã bao năm, Ta đã khéo huấn luyện và điều phục tâm.
Như Lai không hề thấy một ác pháp nào trong nội tâm. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
“Ta có một nội tâm nhu thuận”: Đức Thế Tôn đã dạy dỗ chính tâm của Ngài một cách thiện xảo. Tâm thức luôn ở dưới quyền điều khiển của Đức Thế Tôn, chớ Ngài không ở dưới quyền điều khiển của tâm thức. “Và an tịnh”: tâm của Đức Như Lai an tịnh hay thanh tịnh vì đã giải thoát khỏi mọi phiền não.
Dòng kệ ngôn: “Ta đã khéo huấn luyện tâm và điều phục tâm”. Đức Thế Tôn đã nuôi dưỡng nội tâm bằng chất liệu là các thiện pháp, ngay từ thời còn là Bồ Tát Sumedha, trong thời kỳ Đức Phật Tổ Nhiên Đăng (Dīpaṅkara Buddha). Nội tâm của Đức Thế Tôn đã được điều phục bằng phương tiện vi diệu. Tâm của Đức Thế Tôn không bao giờ bất an hay dao động mà luôn vận hành theo ý muốn của Ngài.
“Như Lai không hề thấy một ác pháp nào trong nội tâm”: sự vắng bặt hoàn toàn mọi bất thiện pháp trong tâm của Đức Thế Tôn. Không phải tới lúc viên thành chánh giác mà ngay lúc còn sống trong hoàng cung, khi còn là Thái Tử Tất Đạt Đa, Đức Bồ Tát không hề khởi lên thân ác hạnh, khẩu ác hạnh và ý ác hạnh, khiến cho các bậc thiện trí phải phê bình hay khiển trách.
Rồi đến lúc Bồ Tát rời bỏ hoàng cung đi xuất gia, cho tới lúc Ngài thành đạo. Trong bảy năm ròng rã như vậy, Ác Ma (Māra) theo dõi Ngài liên tục để tìm cho ra lỗi lầm. Nhưng Ác Ma cũng không thể tìm thấy nơi Đức Thế Tôn một lỗi lầm nào, dầu một lỗi nhỏ như là sợi tóc.
Đến nỗi Ác Ma phải thốt lên lời như sau: “Suốt bảy năm liên tục, Ta theo sát bên Đức Thế Tôn như hình với bóng, nhưng không thể tìm thấy một lỗi nhỏ nào nơi Ngài, một bậc đức hạnh vẹn toàn”.

7. (Mục đồng Dhaniya nói)

Tôi sinh sống bằng công việc của chính mình. Các con tôi chung sống với nhau, chúng rất khỏe mạnh.
Tôi không nghe điều không tốt nào nơi bọn trẻ. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
“Tôi sinh sống bằng công việc của chính mình”: Mục đồng Dhaniya nuôi sống bản thân và cả gia đình đông đảo bằng việc chăn nuôi bò sữa. Ông độc lập về kinh tế, không phải làm thuê, làm mướn cho ai.
“Các con tôi chung sống với nhau, chúng rất khỏe mạnh. Tôi không có nghe điều không tốt nào nơi bọn trẻ”: gia đình Dhaniya là cả một đại gia đình. Các thành viên bao gồm người vợ, bảy người con trai, bảy người con gái và bảy người con dâu.
Họ chung sống với nhau rất hòa thuận và hạnh phúc như lời kệ ngôn đầu tiên: “Trên bờ sông Mahī, cả gia đình cùng chung sống quây quần”. Các thành viên trong gia đình không làm điều gì cho người gia chủ phải phiền lòng. Và mục đồng Dhaniya rất hạnh phúc về điều đó.

8. (Đức Thế Tôn nói)

Ta không làm thuê cho ai cả và đi khắp mọi nơi nhờ vào những gì Ta đã thành đạt.
Như Lai không cần đến lương bổng nữa. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Để đáp lại hạnh phúc đời thường của Dhaniya, Đức Thế Tôn bày tỏ niềm an lạc, hạnh phúc của riêng Ngài.
Khi Dhaniya nói ông hoàn toàn độc lập, không lệ thuộc vào ai, không phải làm thuê cho ai cả, nhưng thật ra Dhaniya, cũng như bao chúng sanh khác trên thế gian đều mang thân phận nô lệ, là nô lệ cho lòng tham dục của chính mình. Bởi lẽ, thế gian nầy luôn thiếu thốn, khát khao và làm nô lệ cho tham ái.
Chỉ có Đức Thế Tôn mới thật sự là không còn làm thuê cho ai bởi vì Ngài không còn làm nô lệ cho lòng tham ái nữa.
“Và đi khắp mọi nơi nhờ vào những gì Ta đã thành đạt”: từ thời còn là Bồ Tát Sumedha trong thời kỳ Đức Phật Tổ Nhiên Đăng, cho đến lúc thành đạt quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài đã vun bồi phước báu Ba La Mật để thành đạt trí tuệ Toàn Giác.
Đến hôm nay Đức Thế Tôn đã thành tựu viên mãn nguyện lực từ xa xưa nên Ngài được thảnh thơi, an hưởng hạnh phúc giải thoát, Niết Bàn.
“Như Lai không cần đến lương bổng nữa”: Đức Thế Tôn không còn tái sanh nữa.

9. (Mục đồng Dhaniya nói)

Ở đây, có các con bò mẹ và các bê con. Có các con bò cái đang mang thai và các con bò đang cho sữa.
Cũng có con bò đực đầu đàn mạnh mẽ. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Với câu kệ ngôn trên, mục đồng Dhaniya mô tả về đàn gia súc của gia đình ông. Trong đàn bò, có các bò mẹ. Luôn quấn quýt theo sau các bò mẹ là các con nghé, bê con. Rồi có các con bò cái đang mang thai và những con bò đang cho sữa.
Quan trọng nhất trong đàn gia súc là con bò đầu đàn. Nó có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ cả bầy đàn trước sự tấn công của các loài thú dữ.

10. (Đức Thế Tôn nói)

Ở đây, không có các con bò mẹ và không có các bê con. Không có các con bò cái đang mang thai và không có các con bò đang cho sữa.
Cũng không có con bò đực đầu đàn mạnh mẽ. Nầy thần mưa ơi, nếu muốn hãy làm cho mưa rơi!
Thoạt tiên, khi đọc lướt qua, chúng ta nghĩ đơn giản Đức Thế Tôn đang nói về hoàn cảnh sống của người xuất gia, không có cánh đồng cỏ, không có đàn gia súc như mục đồng Dhaniya.
Thật ra câu kệ ngôn trên có ẩn ý rất sâu xa.
“Ở đây” là trong đạo tràng của Đức Thế Tôn.
“Không có các con bò mẹ”: không có các vọng tưởng, vốn là những tư duy, những suy nghĩ không được huấn luyện, không được điều phục.
“Không có các bê con”: bê con là ẩn dụ để chỉ cho những phiền não ngủ ngầm trong nội tâm. Đó có thể là tham lam, sân hận, ngã mạn, tà kiến v.v….
“Không có các con bò cái đang mang thai”: Con bò cái đang mang thai ở đây chỉ cho pháp hành bất thiện lẫn pháp hành thiện. Con bò cái đang mang thai để chỉ cho các pháp hành đem lại sự tái sanh trong tương lai.
“Và không có các con bò đang cho sữa”: ẩn dụ con bò đang cho sữa chỉ cho phiền não tham ái.
“Cũng không có con bò đực đầu đàn mạnh mẽ”: ẩn dụ con bò đực đầu đàn mạnh mẽ để chỉ cho sự chủ ý (cetanā), là pháp chủ đạo trong việc tạo nên nghiệp lực (kamma).

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com