Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Đại Lễ Vesak 2566

  1. BỨC THÔNG ĐIỆP ĐẠI LỄ VESAK 2566

↑ trở lên

BỨC THÔNG ĐIỆP ĐẠI LỄ VESAK 2566

Đại Lễ Vesak là ngày Đại Lễ Tam Hợp, kỷ niệm ngày Đức Bồ Tát đản sanh, Đức Bồ Tát thành đạo và Đức Phật viên tịch Niết Bàn.
Hướng đến kỷ niệm Đại Lễ Vesak 2566, chúng tôi biên dịch bài viết: “Bức thông điệp của Đức Thế Tôn” của Bhikkhu Bodhi, thuyết trình tại văn phòng Liên Hiệp Quốc trong ngày Đại Lễ Vesak, vào năm 2000.
______________

Từ thế kỷ thứ V trước công nguyên, Đức Thế Tôn đã trở thành biểu tượng cho nguồn ánh sáng nhiệm mầu ở toàn cõi Á Châu (The Light of Asia).
Kể từ thời điểm lịch sử đó, lời dạy của Ngài đã được truyền bá rộng rãi trên vùng đất rộng lớn, trải dài từ thung lũng Kabul cho đến xứ sở Nhật Bản, từ quốc đảo Sri Lanka cho tới miền đất lạnh giá Siberia.
Nhân cách cao thượng của Đức Thế Tôn đã định hình nên một nếp sống với các lý tưởng nhân văn và nền tảng đạo đức cao quý, đã tạo nên một truyền thống tâm linh năng động giúp nâng cao đời sống cho biết bao người.

Dung nhan khả ái và nụ cười hiền hòa của Đức Thế Tôn đã là nguồn cảm hứng cho nhiều thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực nghệ thuật như văn chương, hội họa, kiến trúc và điêu khắc.
Ngày hôm nay, đạo Phật được biết đến trên toàn thế giới, đã có rất nhiều người tự nguyện trở thành Phật tử. Một tôn giáo phương Đông bắt đầu tạo ảnh hưởng lên văn hóa phương Tây.
Trên bình diện quốc tế, hằng năm tổ chức Liên Hiệp Quốc đều dành riêng một ngày, the United Nations Vesak Day, để tôn vinh một bậc đạo sư với lòng từ bi và trí huệ sâu rộng, bậc thầy tâm linh của hàng triệu triệu con người.
Ý nghĩa đầu tiên của Đại Lễ Vesak là kỷ niệm ngày Đức Phật giáng trần.

ĐỨC BỒ TÁT ĐẢN SANH

Đức Bồ Tát giáng sanh vào ngày rằm tháng tư năm 623 trước công nguyên, tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi ngoại ô thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), ngày nay thuộc xứ sở Nepal.
Hạnh phúc thay, Chư Phật giáng sanh! Thế gian nầy trở nên hạnh phúc hơn biết bao khi có một vị Phật ra đời!
Tìm hiểu ý nghĩa Đại Lễ Vesak, chúng ta hãy cùng nhau trả lời cho câu hỏi: “Đức Phật là ai?”.
ĐỨC PHẬT hay BUDDHA không phải là danh từ riêng mà là danh hiệu tôn kính, có nghĩa là bậc giác ngộ (the Enlightened One, the Awakened One).
“Buddha” là danh hiệu để tôn vinh nhà hiền triết Siddhartha Gautama, người đã sinh ra và truyền đạo ở miền đông bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ V trước công nguyên.
Đức Phật Gautama là vị đã sáng lập nên truyền thống tâm linh, được biết đến là Phật giáo (Buddhism).
Từ “Buddha” là danh hiệu cao quý để vinh danh bậc giác ngộ xuất hiện trong một thời kỳ lịch sử nhất định.
Đức Phật Gautama là một vị Phật tương tự như bao vị Phật đã xuất hiện trong quá khứ, và rất nhiều vị Phật sẽ xuất hiện ở vị lai.
Theo vũ trụ quan Phật giáo, không thể nào tìm ra điểm khởi đầu của thế giới, thời điểm mà càn khôn vũ trụ được tạo dựng nên.
Qua dòng chảy vô tận của thời gian, từng hệ thống vũ trụ phát sanh lên, tiến hóa, rồi đi đến hoại diệt. Ngay sau đó, một hệ thống mới lại tiếp tục chu kỳ của thành, trụ, hoại, không.
Trên mặt đại dương mênh mông, từng đợt sóng lũ lượt kéo vào bờ, hết đợt sóng nầy lại tới đợt sóng khác, hết đợt nầy lại tới đợt khác; sự vận hành của vũ trụ bao la có thể so sánh với dòng di chuyển của các đợt sóng bất tận.
Trong mỗi hệ thống bao la như vậy, có vô số các cảnh giới là nơi sinh sống của các loài chúng sanh hữu tình.
Một cách cụ thể, chúng ta quan sát thấy có cảnh giới của loài người, loài vật. Có các cảnh giới mà chúng sanh sống trong đau khổ triền miên, lại có các cõi trời của các vị Chư Thiên với đầy đủ phúc lạc.
Trong các cảnh giới đó, các loài chúng sanh hữu tình lần lượt đi từ kiếp sống đến kiếp sống khác theo một chu trình khép kín, được gọi là saṃsāra, có nghĩa là chuyến đi vô định, vòng luân hồi.
Nguồn động lực tạo nên saṃsāra hay vòng luân hồi là vô minh và ái dục.
Các cảnh giới tái sanh được quy định bởi nghiệp lực của chúng ta; nghiệp lực là những hành động tốt và xấu, được tạo nên bởi thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Theo một quy luật khách quan, nghiệp lực tốt đem lại cảnh giới tái sanh hạnh phúc, nghiệp lực xấu dẫn dắt chúng sanh đến các cõi khổ.
Đời sống trong mọi cảnh giới hiện hữu đều vô thường, biến đổi; tất cả đều trải qua các giai đoạn già, bệnh và chết. Cho đến hạnh phúc ở các cõi trời cũng không thể tồn tại mãi.
Mỗi kiếp sống đều phải đi đến hồi kết, tiếp ngay sau đó là hình thức sống khác ở một cảnh giới mới. Không thể tìm ra ở bất kỳ nơi đâu trong cảnh giới tái sanh một nơi hạnh phúc và an toàn thật sự.
Tuy nhiên, ngoài cảnh giới của sanh tử, còn có một trạng thái hạnh phúc giải thoát, một trạng thái mà chúng ta có thể thành đạt ở đây và ngay bây giờ chính trong đời sống nầy.
Trạng thái đó được gọi là Niết Bàn (Nibbāna), có nghĩa là thổi tắt đi ngọn lửa tham lam, sân hận và si mê.
Có sự thực hành, có một con đường dẫn dắt chúng sanh đi từ khổ đau luân hồi cho đến hạnh phúc Niết Bàn; đi từ sự ràng buộc của tham ái và vô minh cho đến nơi giải thoát hoàn toàn.
Trãi qua thời gian rất lâu, con đường giải thoát đã rơi vào quên lãng. Mọi người không tìm ra dấu vết của con đường đi về Niết Bàn được nữa.
Thật là hạnh phúc, thật là may mắn cho tất cả chúng sanh khi có một người cao quý đã tìm lại được con đường xa xưa.
Vị ấy đã đi trên con đường chân chánh, đã thấu hiểu chân lý tối thượng, và giảng dạy cho chúng sanh ở thế gian để mỗi người đều có thể giác ngộ được như Ngài.
Bậc chân nhân thánh thiện đó không ai khác hơn chính là Đức Phật của chúng ta.
Đức Phật là bậc giác ngộ, là bậc đạo sư của toàn thể thế gian. Sứ mệnh của một vị Phật là tìm lại con đường giải thoát đã mất dấu từ lâu.
Đức Phật không phải là người duy nhất chứng đắc Niết Bàn. Những ai kiên trì đi trên con đường chánh đạo sẽ thành tựu cùng mục tiêu. Các bậc cao quý đó là thánh nhân A La Hán, bậc Ứng Cúng.
Một vị Phật xuất hiện trên thế gian để giảng dạy Giáo Pháp, và thành lập Tăng đoàn bao gồm các vị đệ tử có trách nhiệm gìn giữ lời dạy cho các thế hệ mai sau.
Trong giai đoạn Giáo Pháp còn thịnh hành, những ai chịu khó học hỏi và thực hành đúng đắn theo lời dạy của Đức Thế Tôn, chắc chắn vị ấy sẽ đạt được kết quả mong muốn.
Quả vị Phật Tổ là thành quả của một quá trình tu tập trải qua biết bao kiếp sống, trong quãng thời gian dường như là vô tận, hàng A tăng kỳ kiếp.
Một vị Phật tương lai được gọi với danh xưng là Đức Bồ Tát (Bodhisatta), hay giác hữu tình, nghĩa là một chúng sanh có chủng tử của giác ngộ.
Thông qua mỗi kiếp sống, vị Bồ Tát với chí nguyện rộng lớn sẽ trau dồi, vun bồi các phẩm chất chủ yếu của một vị Phật.
Một vị Bồ Tát cần phải thành tựu tất cả phẩm chất về đạo đức và tâm linh ở mức độ cao nhất. Các phẩm chất đó được gọi là các pháp Ba la mật (pāramitā), các phẩm chất siêu việt hay đức tính hoàn hảo (transcendent virtues or perfections).
Theo truyền thống Phật giáo Theravāda, có mười pháp Ba la mật là bố thí, trì giới, xuất gia, trí huệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết tâm, tâm từ và tâm xã.
Điều giúp cho một vị Bồ Tát luôn kiên trì trên con đường theo đuổi hạnh nguyện tự giác, giác tha chính là lòng mong muốn cho tất cả đều đạt đến cảnh giới Bất Tử.
Lòng quyết tâm đó được nuôi dưỡng bởi tình thương sâu rộng, lòng bi mẫn vô biên đối với biết bao chúng sanh đang trầm luân trong sông mê, bể khổ.
Nhân cách của một vị Phật là sự hoàn thiện các pháp Ba la mật. Giống như một viên kim cương được mài giũa tinh vi, phẩm chất cao thượng của Ngài được thể hiện đầy đủ qua các pháp pāramitā.
Sự ra đời của một vị Phật tương lai là niềm vui, là lợi ích, là hạnh phúc vĩnh hằng cho tất cả chúng sanh.
Tất cả người con Phật chúng ta kỷ niệm Đại Lễ Vesak để luôn tưởng nhớ đến một bậc đạo sư vô thượng, đã giảng dạy cho toàn thể thế gian con đường dẫn đến an tịnh và hạnh phúc cao thượng.
Ý nghĩa thứ hai của Đại Lễ Vesak là kỷ niệm ngày Đức Bồ Tát thành đạo.

ĐỨC BỒ TÁT THÀNH ĐẠO

Một vị Phật tương lai giáng sanh ở nước cộng hòa Sakyan gần dãy núi Hy mã lạp sơn, vùng đất thuộc miền nam Nepal ngày nay.
Thân phụ của Đức Bồ Tát là Đức Vua Suddhodana (Tịnh Phạn Vương), thân mẫu là Hoàng Hậu Maha Māyā.
Đức Vua Tịnh Phạn đặt tên cho thái tử là Siddhartha (Sĩ Đạt Ta), có nghĩa là người thành tựu mọi ý nguyện.
Năm 16 tuổi, Thái Tử Sĩ Đạt Ta kết hôn với Công Chúa Yasodhara (Da Du Đà La), cả hai vị hoàng thân có với nhau một người con trai tên là Rahula (La Hầu La).
Càng trưởng thành, Thái Tử Sĩ Đạt Ta suy tư nhiều hơn về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống.
Có phải chúng ta sống trên cuộc đời chỉ để hưởng thụ dục lạc, hay để mưu cầu tài sản, quyền lực, địa vị trong xã hội? Hay có một điều gì khác tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn?
Để giải đáp cho nhiều suy tư, vào năm 29 tuổi Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã rời bỏ hoàng cung, ra đi xuất gia tầm chân lý.
Trong giai đoạn thanh xuân của cuộc đời, Ngài đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, xuất gia sống đời sống không gia đình, tìm một con đường để thoát ly khỏi sanh, già, bệnh, chết, phiền não và ô nhiễm.
Ròng rã trong sáu năm, đạo sĩ Sĩ Đạt Ta đi khắp miền thung lũng sông Hằng, gặp gỡ các vị thầy danh tiếng lúc bấy giờ, học hỏi nhiều phương pháp thiền định, và ghép mình vào pháp tu khổ hạnh rất nghiêm ngặt.
Nhưng sau đó Ngài đã từ bỏ giáo lý và phương pháp truyền thống để đi theo con đường của riêng mình.
Vào đêm trăng rằm tháng tư, Đức Bồ Tát ngồi thiền định dưới cội cây Assatha, còn gọi là cội đại thọ Bồ Đề (Bodhi Tree), ở địa phận Bodh Gaya thuộc bang Bihar ngày nay, và thành đạt sự giác ngộ viên mãn (Abhisambuddha).
Từ đó, Ngài được tôn xưng là một vị Phật. Danh xưng một vị Phật hay “A Buddha” có nghĩa là bậc giác ngộ.
Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp thoại đầu tiên, bài kinh Chuyển Pháp Luân, cho nhóm năm vị đạo sĩ Kiều Trần Như tại khu vườn nai ở Isipatana, nay là Sarnath.
Thể hiện hạnh nguyện giác tha, Đức Thế Tôn bắt đầu truyền bá Chánh Pháp trong suốt bốn mươi lăm năm. Ngài tiếp xúc với nhiều vị quân vương, các vị Bà la môn, thường dân, cả những người dân ở giai cấp thấp, đủ mọi tầng lớp trong xã hội Ấn Độ.
Đức Thế Tôn thuyết giảng đề tài khác nhau để thích ứng với nhiều căn cơ và hoàn cảnh của thính chúng, để giúp cho tất cả đều tiến bộ trong đời sống đạo đức và tâm linh.
Đức Thế Tôn là bậc giác ngộ. Đức Thế Tôn giảng dạy Giáo Pháp để giúp cho chúng sanh được giác ngộ như Ngài.
Giáo Pháp được Đức Thế Tôn khéo thuyết giảng. Giáo Pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, và được mỗi người trí tự mình thấu hiểu.
Giáo Pháp hướng đến một mục tiêu rõ ràng và thực tiễn. Đó là hạnh phúc trong đời sống hiện tại, hạnh phúc trong đời sống vị lai, và hạnh phúc cao thượng là Niết Bàn.
Điều quan trọng nhất trong đạo Phật là sự thực hành của người tín đồ, bởi vì chỉ niềm tin và lý thuyết suông không thể giúp cho người Phật tử trở nên trong sạch và thanh tịnh.
Chúng ta kỷ niệm Đại Lễ Vesak để đón mừng ngày mà ánh sáng của Giáo Pháp tỏa rạng trên thế gian, đem lại hạnh phúc và an lành cho tất cả.
Khi học hỏi Giáo Pháp, người Phật tử hãy chú ý đến hai điều cơ bản. Đó là mục tiêu và phương pháp học trong lời dạy của Đức Thế Tôn.
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu về mục tiêu của Giáo Pháp.

MỤC TIÊU CỦA GIÁO PHÁP

Lời dạy của Đức Thế Tôn trực tiếp hướng tới nội dung quan trọng nhất của nhân sinh. Đó là sự khổ đau bàng bạc trong cuộc sống.
Đức Thế Tôn nhấn mạnh những ai thực hành đúng đắn theo lời dạy của Ngài sẽ thành đạt ở nơi đây và ngay bây giờ trạng thái an tịnh và hạnh phúc cao thượng.
Nhưng lời giáo huấn của Ngài không dựa trên những mẩu chuyện thần thoại hay các yếu tố thần linh.
Đức Thế Tôn nói rõ hơn các nội dung thường thấy trong tôn giáo như nghi lễ thờ cúng, giáo điều, quan điểm siêu hình đều không thể giúp cho tâm thức của chúng sanh giải thoát khỏi ô nhiễm và ràng buộc.
Giáo lý tinh hoa của đạo Phật là chân lý Tứ Diệu Đế.
Đó là sự thật cao thượng về khổ đau.
Sự thật cao thượng về nguyên nhân của khổ đau.
Sự thật cao thượng về chấm dứt khổ đau.
Và sự thật cao thượng về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau.
Trọng tâm trong lời dạy của Đức Thế Tôn là nỗi khổ, niềm đau của tất cả chúng sanh. Đặc biệt là cách mà Ngài tiếp cận vấn đề theo quan điểm tâm lý học trong Phật giáo.
Đức Thế Tôn truy tìm tận gốc rễ của khổ đau ở ngay trong nội tâm của chúng ta. Đó là tham ái, chấp thủ và vô minh.
Do khổ đau sanh khởi từ nội tâm nên cách chữa bệnh cũng phải ngay trong nội tâm mà ra, chớ không thể nơi nào khác được.
Thế gian pháp là tâm thức chưa giác ngộ, là nội tâm đầy dẫy phiền não, lo sợ và sầu muộn.
Phật pháp là tâm linh giác ngộ, là nội tâm tỉnh thức, an lạc và hạnh phúc.
Con đường đi từ thế gian pháp về với Phật pháp là con đường Bát Chánh Đạo.
Con đường chánh đạo bao gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Dấn bước trên con đường về lại bờ giác, người con Phật sẽ thành đạt trí huệ toàn hảo và nội tâm giải thoát không còn dao động.
Sau khi đọc qua nội dung mục tiêu của Giáo Pháp, chúng ta tìm hiểu phần nội dung tiếp theo.
PHƯƠNG PHÁP HỌC TRONG LỜI DẠY CỦA ĐỨC THẾ TÔN
Đặc điểm nổi bật trong cách dạy đạo của Đức Thế Tôn là luôn tiếp cận với mục tiêu.
Giáo lý trong nhà Phật luôn nhấn mạnh đến tính tự lực (self-reliance), bởi vì sự thành công trong cuộc sống không thể đến từ thái độ ỷ lại nơi người khác.
Chìa khóa mở ra cánh cửa Bất Tử là tâm thanh tịnh và sự hiểu biết.
Trí huệ là năng lực tinh thần quan trọng bậc nhất trong suốt quá trình tu tập.
Do đó, Đức Thế Tôn luôn khuyến khích hàng đệ tử tu học bằng chính sự hiểu biết của họ, hãy tìm hiểu lời dạy của người thầy dưới ánh sáng của suy luận và trí huệ.
Giáo Pháp là để được trải nghiệm, lời dạy phải được suy xét và thực hành theo, chớ không phải là giáo điều để tin tưởng.
Khi người đệ tử chuyên cần hành trì theo lời dạy của bậc đạo sư, vị ấy sẽ cảm nhận được hỷ lạc và an tịnh. Sự hạnh phúc lại tăng dần theo mức độ thực hành.
Nét đặc trưng của Giáo Pháp là sự trong sáng.
Lời dạy của Đức Thế Tôn luôn súc tích, rộng mở, đơn giản nhưng thâm sâu.
Đó là sự kết hợp giữa nếp sống đạo đức với nhãn quan thông suốt mọi diễn biến trong đời sống hằng ngày.
Mỗi bước đi vững vàng trên chánh đạo sẽ giúp cho người hành giả ngày càng tiến bộ, mỗi ngày càng gần với mục tiêu hơn.
Đức Thế Tôn mở rộng cánh cửa giải thoát cho tất cả mọi người, tất cả nam phụ lão ấu, cho mọi tầng lớp trong xã hội thời Ấn Độ cổ đại.
Lời dạy của Đức Thế Tôn không chỉ dành riêng cho giới tu sĩ mà còn là lời chỉ dẫn cần thiết cho hàng tại gia cư sĩ, những người sống đời sống gia đình và gánh vác nhiều trách nhiệm trong xã hội.
Nếp sống đạo đức căn bản của người thiện nam, tín nữ là pháp ngũ giới (the five precepts).
Bên cạnh đó, mỗi thành viên cần thực hiện tốt bổn phận của mình trong các mối quan hệ xã hội, như quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quan hệ giữa thầy và trò v.v….
Lời dạy thiết thực đó nhắm đến nâng cao một đời sống xã hội hài hòa, an bình và thịnh vượng.
Như một cơn mưa lớn tạo nên sự mát mẻ, sức sống cho muôn loài vạn vật, lời dạy của Đấng Từ Phụ đem lại sự lợi ích, an lành và hạnh phúc cho tất cả.
Một ý nghĩa quan trọng khác của Đại Lễ Vesak là kỷ niệm ngày Đức Thế Tôn viên tịch Niết Bàn.

ĐỨC THẾ TÔN VIÊN TỊCH NIẾT BÀN

Sau khoảng thời gian bốn mươi lăm năm, Đức Thế Tôn nhận thấy sứ mệnh hoằng pháp của Ngài đã viên mãn.
Vào năm tám mươi tuổi thọ, Đức Thế Tôn an nhiên viên tịch Niết Bàn nơi khu vườn Sala, gần thành Kusinara, nay là bang Uttar Pradesh, năm 543 trước Công Nguyên.
Trước giờ phút viên tịch, Đức Thế Tôn có lời nhắc nhở đến tất cả là sau khi Ngài Niết Bàn, Pháp và Luật mà Đức Như Lai đã giảng dạy chính là người thầy của các đệ tử.
Để ngăn bớt giọt lệ sầu thương của tứ chúng, Đức Thế Tôn giảng dạy đặc tính vô thường luôn chi phối lên pháp hữu vi, bao gồm cả sắc thân tứ đại của Ngài.
Những gì được sanh ra, kết hợp lại, chịu sự biến đổi, làm thế nào có thể không tan rã, có thể không hoại diệt? Điều đó sẽ không bao giờ có!
Trước giờ đi xa, Đức Thế Tôn có lời dặn dò đến toàn thể hội chúng:
“Các con hãy xây dựng hòn đảo cho chính mình, hãy nương tựa nơi chính mình, đừng nương tựa vào bất cứ điều gì khác.
Hãy lấy Chánh Pháp làm hòn đảo cho chính mình, hãy lấy Chánh Pháp làm nơi nương tựa cho chính mình, đừng nương tựa vào bất cứ điều gì khác.
Sau khi Như Lai viên tịch, những ai xây dựng được hòn đảo cho chính mình, nương tựa được nơi chính mình, không nương tựa vào bất cứ điều gì khác;
Những ai biết lấy Chánh Pháp làm hòn đảo, lấy Chánh Pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa vào bất cứ điều gì khác, chư vị ấy là những đệ tử ưu tú bậc nhất trong đạo tràng của Như Lai”.
Chúng ta hãy đọc đi, đọc lại lời giáo huấn vàng ngọc của Đức Thế Tôn, ghi sâu vào trong tâm, và đừng bao giờ lãng quên giá trị cao quý vô vàn của Pháp Bảo.

BỨC THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THẾ TÔN CHO THỜI ĐẠI NGÀY NAY

Ở phần cuối của bài thuyết trình, Bhikkhu Bodhi đã đúc kết bài viết với tiêu đề: “Bức thông điệp của Đức Thế Tôn cho thời đại ngày nay”, (The Buddha’s message for today).
Bước vào thế kỷ XXI, nhân loại chứng kiến sự phát triển vượt bậc về khoa học và kỹ thuật. Sự phát triển đó góp phần nâng cao đời sống con người về mọi mặt.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta hiện đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề mang tính toàn cầu.
Đó là xung đột về sắc tộc và tôn giáo, là hố sâu ngăn cách giàu nghèo, là sự khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, là sự phá hủy môi trường sống trên quy mô rộng lớn.
Toàn thế giới trở nên rối loạn và bất an bởi vì tâm thức của chúng sanh trong thời đại mới không còn bình an nữa!
Hãy can đảm nhìn thẳng vào vấn đề, và cố gắng tìm ra nguyên nhân sâu xa nằm ở nơi đâu.
Cội nguồn sâu xa của khổ đau kiếp người chính là ba gốc rễ của ác pháp: tham lam, sân hận và si mê.
Do lòng tham chi phối, thế giới tươi đẹp bỗng trở nên một thị trường mênh mông mà ở đó thân phận con người chỉ còn đơn thuần là người tiêu dùng, thậm chí trở thành món hàng hóa.
Ảnh hưởng bởi tâm lý sân hận, sự khác biệt về quốc gia và sắc tộc đã châm ngòi cho bạo lực, tạo nên vòng xoáy bất tận của thù hận.
Tâm si mê, điên đảo luôn gieo rắc cuồng tín và gây nên làn sóng đấu tranh ý thức hệ.
Trên bình diện quốc tế, bên cạnh các sự thay đổi chính sách cần thiết để ứng phó với cơn khủng hoảng dài hạn, con người thời đại cần phải có định hướng sáng suốt từ nơi tôn giáo.
Phật giáo đã cung ứng giải pháp khả thi nào cho các vấn đề của xã hội ngày hôm nay? Trước các vấn nạn của thời đại, lời dạy của Đức Thế Tôn đã gợi mở cho chúng ta sự chỉ dẫn cần thiết như thế nào?
Điều quan trọng nhất là một phương thức tư duy mới.
Chúng ta nên có suy nghĩ những biểu hiện nơi người khác cũng là sự phản ánh của chính bản thân mình.
Không nên chỉ biết có lợi ích bản thân.
Hãy nghĩ rằng điều phúc lợi cho số đông cũng chính là phúc lợi dành cho mỗi cá nhân.
Hãy ngừng ngay thói quen tự cho mình là trung tâm của vũ trụ. Thay vào đó, lợi ích chung của xã hội phải là điều ưu tiên hàng đầu.
Tư duy mới đó được định hình qua ba nguyên tắc như sau:
1. Hãy thay thế tham lam quá độ bằng lòng quảng đại, sự trợ giúp và hợp tác chung với nhau.
2. Hãy thay đổi lòng thù hận, oan trái bằng lòng từ ái, bao dung và tha thứ.
3. Hãy ý thức được thế giới mà chúng ta đang sống chung luôn có sự tương tác lẫn nhau. Một hành động bất cẩn, thiếu trách nhiệm dầu ở bất cứ nơi đâu đều tiềm ẩn mối nguy hại cho tất cả.
Để hướng đến nền đạo đức có giá trị phổ quát, mọi việc làm đều phải xuất phát ngay từ trong nội tâm.
Hai nguyên tắc chủ đạo của đạo đức Phật giáo là tình thương và lòng bi mẫn.
Tình thương, lòng bác ái giúp chúng ta hiểu bản thân mình mong muốn hạnh phúc, người khác cũng có mong muốn y hệt như vậy.
Một trái tim nhân hậu, luôn thương người sẽ hiểu được đã là con người thì ai ai cũng lánh xa đau khổ.
Luôn suy nghĩ như vậy, tự nhiên chúng ta sẽ đối xử với người khác tử tế đúng theo cách mà mình muốn người khác đối xử với mình.
Đức Thế Tôn đã từng giảng dạy có một pháp gây tác động mạnh mẽ lên vạn pháp, đó chính là tâm thức của chúng sanh.
Một nền hòa bình thật sự giữa các dân tộc, giữa các quốc gia chỉ có thể hình thành từ trái tim của con người.
Sự thành tựu đó không thể nào đạt được bằng tiến bộ vật chất, hay các phát minh kỹ thuật, mà đạt được bằng các giá trị tinh thần.
Chỉ khi thay đổi được bản thân, chúng ta mới có thể thay đổi thế giới theo một chiều hướng tốt đẹp.
Để có thể thay đổi được bản thân, chúng ta phải hiểu rõ được chính mình và biết cách vượt qua chính mình.
Như vậy, đạo Phật cung ứng cho nhân loại ở thế kỷ XXI một giải pháp thiết thực cho các vấn nạn toàn cầu. Đó là con đường trau dồi đạo đức và tu tập tâm linh.
Trước ngưỡng cửa tiến vào thiên niên kỷ mới, lời dạy của Đức Thế Tôn là nguồn ánh sáng dẫn đường, chỉ lối cho toàn nhân loại đi từng bước vững vàng đến một thế giới hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng.


↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com