Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Rằm Tháng Ba

  1. Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG BA

↑ trở lên

Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG BA

(BAK POYA DAY)

“Thanh minh trong tiết tháng ba”.

Vào dịp tiết thanh minh tháng ba âm lịch, người dân Việt Nam thường đi đến các cảnh chùa, dâng hương hoa, lễ phẩm cúng dường để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.
Trong khi đó, ở các quốc gia ảnh hưởng bởi văn hóa Ấn Độ, người dân bản xứ chuẩn bị tổ chức lễ hội đón mừng năm mới.

Ở Thái Lan thì có lễ hội hoàng tráng Songkran. Người dân ở các nước trong khu vực Nam Á như dân tộc Sinhala, dân tộc Tamil đón mừng năm mới với lễ hội cổ truyền Aluth Avurudda.

Riêng ở đất nước Phật giáo Sri Lanka, người Phật tử long trọng tổ chức lễ hội rằm tháng ba hằng năm, được biết đến là ngày đại lễ Bak Poya Day.

Ngày lễ Bak Poya Day là ngày kỷ niệm chuyến viếng thăm lần thứ hai của Đức Thế Tôn đến đảo quốc Sri Lanka, vào khoảng năm thứ năm sau khi Ngài thành đạo.

Theo tập biên niên sử Mahāvaṃsa, Đức Thế Tôn đã viếng thăm đảo quốc Sri Lanka cả thảy ba lần. Mỗi chuyến đi như vậy đều có ý nghĩa đặc biệt.

Lúc bấy giờ, ở đảo quốc Sri Lanka có xảy ra cuộc xung đột giữa hai vị hoàng thân tên là Mahodhara và Culodhara.

Cả hai vị hoàng thân mâu thuẩn với nhau vì tranh chấp chiếc ngai vàng bằng châu báu. Không ai chịu nhường ai nên cả hai bắt đầu dốc toàn lực cho một trận chiến long trời lở đất ở Nāgadīpa, miền Tây Bắc Sri Lanka.

Thật là may mắn, vào ngày rằm tháng ba lịch sử, Đức Thế Tôn đã đến miền đất Nāgadīpa đúng lúc để ngăn cản cuộc chiến huynh đệ tương tàn.

Đức Thế Tôn bay trên hư không, tỏa hào quang sáu màu từ kim thân, rồi đáp xuống nơi hai đạo quân sắp lao vào nhau.

Thoạt tiên, Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp thoại về sự tai hại của lòng thù hận và lợi ích của tinh thần hòa hợp, đoàn kết trong đời sống cộng đồng.

Cả hai vị hoàng thân Mahodhara và Culodhara thấu hiểu được lời của Đức Thế Tôn giảng dạy. Họ làm hòa với nhau, buông bỏ gươm dao; đồng thời hai vị hoàng thân đồng tác ý cúng dường bảo tọa quý báu đến Đức Thế Tôn.

Hẳn nhiên là Đức Thế Tôn không đón nhận món quà tặng của hai vị hoàng thân. Ngài đến đây chỉ để đem lại hòa bình cho xứ sở, đem hạnh phúc đến cho người dân.
Sau đó, mọi người xây dựng một bảo tháp để tôn thờ bảo tọa bằng châu báu đã có tác ý cúng dường lên Đức Thế Tôn.

Hiên nay, ngôi bảo tháp linh thiêng đó nằm trong khuôn viên của ngôi đại tự già lam Nāgadīpa Purāṇa Rājamaha Vihāra, ở bán đảo Jaffna thuộc Sri Lanka ngày nay.

Đức Thế Tôn xuất hiện trên thế gian nầy vì lợi ích cho phần đông, vì hạnh phúc cho phần động.

Sự xuất hiện của Đức Thế Tôn trên thế gian vì lòng bi mẫn cho đời, vì sự lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho toàn thể Chư Thiên và nhân loại.

Bức thông điệp từ bi và trí huệ của đạo Phật gởi đến cho nhân loại trong mọi thời đại là hận thù không thể giải quyết được bằng lòng thù hận. Duy chỉ có tình thương mới có thể chấm dứt lòng thù hận.

Chúng ta nhớ lại một giai thoại khi gia tộc bên nội và bên ngoại của Đức Thế Tôn sắp sửa đánh nhau để tranh lấy nguồn nước của con sông Rohini.

Đức Thế Tôn đã kịp thời ngăn chận cuộc chiến bằng câu hỏi đầy thuyết phục: “Nước của sông Rohini là quý, hay dòng máu quyến thuộc đang chảy trong huyết quản của quý vị là quý? Cái nào là quý hơn?”.

Giải pháp cho vấn đề bạo lực, xung đột ngày càng gia tăng trong thời đại ngày nay chính là dòng nước mát từ bi sớm dập tắt ngọn lửa của lòng hận thù.
Mọi công dân trên toàn cầu có thể khác nhau về chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng.

Nhưng cuộc sống của tất cả chúng ta sẽ trở nên hạnh phúc hơn biết dường nào khi đời sống cộng đồng được xây đắp trên nền tảng của tình huynh đệ, lòng bác ái, sự bao dung, và biết tôn trọng lẫn nhau.

Để được như vậy, mỗi người con Phật hãy khắc ghi trong tâm lời dạy vàng ngọc của Đức Thế Tôn:

“Chiến thắng gây nên lòng thù hận. Kẻ chiến bại luôn sống trong sầu muộn. Hạnh phúc thay khi chúng ta sống trong ý niệm hòa hợp, từ bỏ mọi ý nghĩ thắng bại”, (Pháp Cú Kinh, kệ ngôn 201).

Câu kệ ngôn được diễn thơ như sau:
“Thắng thêm nuôi dưỡng hận thù;
Khổ đau kẻ bại ngàn thu nhớ hoài.
Vui hòa chung sống hôm nay;
Lợi danh từ bỏ, vượt ngoài hơn thua”, (Nhà thơ Tâm Cao)

Trên đây là nội dung vắn tắt của ngày lễ Bak Poya Day.

Quý Phật tử có thể lắng nghe buổi pháp thoại với ý nghĩa chi tiết hơn của ngày lễ Bak Poya vào 3h chiều nay trên Zoom Lớp Học Pháp Chùa Pháp Bảo:
ID: 666 888 2301
Passcode: 123456
Kính chúc đến tất cả đều thọ hưởng ân phước của ngày lễ rằm tháng ba, ngày lễ Bak Poya Day.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com