Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Kinh Con Rắn


PāḷiTiếng Việt
Yo uppatitaṃ vineti kodhaṃ,
visaṭaṃ sappavisaṃva osadhehi;
Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ đang bộc phát,
như người dùng thuốc giải trừ nọc rắn đang lan rộng;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo rāgamudacchidā asesaṃ,
bhisapupphaṃva saroruhaṃ vigayha;
Ai đoạn trừ hoàn toàn tham dục
như ngắt bông sen trong hồ sen;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo taṇhamudacchidā asesaṃ,
saritaṃ sīghasaraṃ visosayitvā;
Ai đoạn trừ hoàn toàn tham ái như làm khô cạn dòng sông đang trôi chảy;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo mānamudabbadhī asesaṃ,
naḷasetuṃva sudubbalaṃ mahogho;
Ai phá bỏ hoàn toàn sự kiêu mạn như cơn nước lũ cuốn trôi chiếc cầu tre mỏng manh;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo nājjhagamā bhavesu sāraṃ,
vicinaṃ pupphamiva udumbaresu;
Ai không tìm thấy được cốt lõi nơi mọi sanh hữu,
như không tìm thấy hoa nơi cây sung;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yassantarato na santi kopā,
itibhavābhavatañca vītivatto;
Ai mà trong nội tâm không có sân hận,
vị đã vượt qua mọi trạng thái hiện hữu;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yassa vitakkā vidhūpitā,
ajjhattaṃ suvikappitā asesā;
Ai mà những (tà) tư duy đã bị thiêu hủy,
đã đoạn trừ hoàn toàn trong nội tâm;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo nāccasārī na paccasārī,
sabbaṃ accagamā imaṃ papañcaṃ;
Ai không chạy quá nhanh hay chạy lui quá xa,
vị đã vượt qua mọi chướng ngại vọng tưởng;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo nāccasārī na paccasārī,
sabbaṃ vitathamidanti ñatvā loke;
Ai không chạy quá nhanh hay chạy lui quá xa, vị ấy biết rõ thế gian: “Tất cả là không thật”.
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo nāccasārī na paccasārī,
sabbaṃ vitathamidanti vītalobho;
Ai không chạy quá nhanh cũng không chạy lui quá xa,
xa lìa tham ái, vị ấy biết rõ: “Thế gian nầy là không thật”;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo nāccasārī na paccasārī,
sabbaṃ vitathamidanti vītarāgo;
Ai không chạy quá nhanh cũng không chạy lui quá xa,
xa lìa tham dục, vị ấy biết rõ: “Thế gian nầy là không thật”;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo nāccasārī na paccasārī,
sabbaṃ vitathamidanti vītadoso;
Ai không chạy quá nhanh cũng không chạy lui quá xa,
xa lìa sân hận, vị ấy biết rõ: “Thế gian nầy là không thật”;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo nāccasārī na paccasārī,
sabbaṃ vitathamidanti vītamoho;
Ai không chạy quá nhanh cũng không chạy lui quá xa,
xa lìa si mê, vị ấy biết rõ: “Thế gian nầy là không thật”;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yassānusayā na santi keci,
mūlā ca akusalā samūhatāse;
Ai không còn các phiền não ngũ ngầm,
các gốc rễ bất thiện của vị ấy đã bị đoạn trừ;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yassa darathajā na santi keci,
oraṃ āgamanāya paccayāse;
Ai không có các pháp sanh ra từ phiền não
làm điều kiện cho vị ấy quay trở lại bờ bên nầy;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yassa vanathajā na santi keci,
vinibandhāya bhavāya hetukappā;
Ai không có các pháp phát sanh từ tham dục,
tạo nên sự trói buộc trong đời sống;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
Yo nīvaraṇe pahāya pañca,
anigho tiṇṇakathaṃkatho visallo;
Sau khi đoạn trừ năm triền cái, không còn sầu muộn,
vượt qua sự hoài nghi, nhổ bỏ mũi tên phiền não,
So bhikkhu jahāti orapāraṃ,
urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và ở nơi kia,
như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

  1. GIỚI THIỆU VỀ SUTTANIPĀTA - KINH TẬP
  2. GIỚI THIỆU CHƯƠNG URAGAVAGGA, CHƯƠNG CON RẮN
  3. KINH CON RẮN – URAGA SUTTA
  4. CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP
  5. CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN TRONG BÀI KINH CON RẮN
  6. TỪ BỎ SÂN HẬN
  7. DÒNG KỆ NGÔN ĐIỆP KHÚC TRONG BÀI KINH CON RẮN
  8. CÂU KỆ NGÔN THỨ HAI
  9. CÂU KỆ NGÔN THỨ BA
  10. CÂU KỆ NGÔN THỨ TƯ
  11. CÂU KỆ NGÔN THỨ NĂM
  12. CÂU KỆ NGÔN THỨ SÁU
  13. CÂU KỆ NGÔN THỨ BẢY
  14. CÂU KỆ NGÔN THỨ 8-13
  15. CÂU KỆ NGÔN THỨ 14 - 17

↑ trở lên

GIỚI THIỆU VỀ SUTTANIPĀTA - KINH TẬP

Kinh Tập – Suttanipāta là quyển thứ năm trong tập Pāli Nikāya thứ năm, Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya).

Kinh Tập có giá trị quý báu giống như Kinh Pháp Cú (Dhammapada) nhờ vào lối diễn đạt súc tích, chuyển tải những giáo lý rất gần gũi, sát sao với lời dạy nguyên thủy của Đức Phật.

Kinh Tập là một tuyển tập bao gồm 72 bài kinh, được sắp xếp theo năm chương (chapters), trong đó có các bài kinh rất nổi tiếng như Kinh Từ Bi (Metta Sutta), Kinh Tam Bảo (Ratana Sutta), Kinh Hạnh Phúc (Maṅgala Sutta).

Các bài kinh trong Kinh Tập chủ yếu được viết bằng thể kệ (văn vần), đôi lúc các vần kệ lại được xen lẫn với thể kinh (văn xuôi).

Nội dung chủ yếu của Kinh Tập mô tả hình mẫu lý tưởng của một vị hiền triết (muni), một hành giả xuất gia hoàn toàn thoát ly khỏi mọi ràng buộc nơi thế gian.

Hai chương cuối của Kinh Tập, chương Aṭṭhakavagga và chương Pārāyanavagga, được xem là hai chương sách tập hợp những bài kinh cổ xưa nhất trong văn học Pāli, với nội dung triết lý rất sâu xa.

Trong bản tiếng Anh của bộ Kinh Tập, Bhante Bodhi đã trình bày thêm bản chú giải đặc biệt của Kinh Tập là Paramatthajotikā II.

Nhờ vào bản chú giải nầy, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nội dung của bài kinh thông qua câu chuyện xuất xứ, rồi những lời giải thích thật chi tiết, cặn kẽ từng câu kệ Pāli.

↑ trở lên

GIỚI THIỆU CHƯƠNG URAGAVAGGA, CHƯƠNG CON RẮN

Kinh Tập (Suttanipāta) có năm chương.

Chương đầu tiên có tựa đề là Uragavagga, có nghĩa là Chương Con Rắn, lấy theo tên của bài kinh đầu tiên.

Chương Uragavagga có cả thảy 12 bài kinh.

Bài kinh đầu tiên là Uraga Sutta, Bài Kinh Con Rắn.

Bài Kinh Uraga Sutta có 17 câu kệ ngôn, mỗi câu kệ ngôn gồm bốn dòng kệ.

Các câu kệ đều kết thúc với một điệp khúc: “Vị Tỳ Kheo từ bỏ sanh hữu ở đây và nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ”.

Vị Tỳ Kheo được mô tả trong câu kệ ngôn là vị hành giả tiến tu để diệt trừ một phiền não nhất định nào đó.
Việc thực hành nhắm đạt đến một thành quả tương ứng với từng mục tiêu trên hành trình tu tập.
Mỗi câu kệ ngôn đều mô tả một hành động kép của việc từ bỏ, điều nầy được so sánh với hành động lột bỏ lớp da cũ của loài rắn.
Hành động thứ nhất là từ bỏ, diệt trừ một phiền não nào đó.
Và hành động thứ hai là từ bỏ sanh hữu ở đây và nơi kia.
Cả hai hành động từ bỏ nêu trên có mối quan hệ hỗ tương.
Mối quan hệ được xem là sự liên quan giữa hai chân lý trong Tứ Diệu Đế: Tập Đế và Diệt Đế.
Các phiền não và vô minh chính là sự thật về nguyên nhân của sự khổ, Tập Đế.
Từ bỏ các phiền não và vô minh là sự thật về sự diệt khổ, Diệt Đế.
Kết quả là việc trải nghiệm sự giải thoát nội tâm ở nơi đây và ngay bây giờ, và giải thoát hoàn toàn khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Cụm từ xuất hiện trong điệp khúc từ bỏ là ‘Orapāraṃ’, ở nơi đây và nơi kia.
Bhante Bodhi, vị dịch giả Kinh Tập đã có những lời giải thích về thuật ngữ nầy rất đặc biệt như sau:
Trong các bản kinh Nikāya, thông thường từ Pāli Oraṃ có nghĩa là ở đây hay từ Orimaṃ tīraṃ có nghĩa bờ bên đây để chỉ cho luân hồi (saṃsāra), vòng xoay của sanh, lão, bệnh, tử.
Trong khi đó từ Pāraṃ có nghĩa là bên kia hay từ Pārimaṃ tīraṃ có nghĩa bờ bên kia để chỉ cho Niết Bàn (Nibbāna), sự chấm dứt sanh tử luân hồi.
Bờ bên đây được mô tả là không an toàn, chứa nhiều hiểm nguy.
Bờ bên kia được mô tả là an toàn, không còn nguy hiểm, và là mục tiêu của việc thực hành.
Vị hành giả cố gắng vượt từ bờ bên đây sang bờ bên kia, như trong ví dụ rất phổ biến là ví dụ về chiếc bè trong Kinh Ví Dụ Con Rắn (Trung Bộ Kinh).
Ví dụ về chiếc bè nầy cũng xuất hiện trong Kinh Tập, nhất là nơi chương năm, the Pārāyanavagga.
Tuy nhiên, nơi Bài Kinh Con Rắn thì cụm từ “Orapāraṃ”, ở nơi đây và bên kia, theo ngữ cảnh của bài kinh thì không có nghĩa là bờ bên nầy và bờ bên kia như ý nghĩa thông thường.
Thế thì “Orapāraṃ”, ở nơi đây và bên kia, có ý nghĩa gì?
Bhante Bodhi giải thích như sau:
Orapāraṃ hay ở nơi đây và bên kia phải được hiểu trong mối liên hệ hỗ tương trong thế giới hữu tình.
Ở đây để chỉ cho kiếp sống ở thế giới hiện hữu.
Nơi kia để chỉ cho kiếp sống vị lai.
Hay là ở đây để chỉ cho kiếp sống trong các cõi dục.
Nơi kia để chỉ các kiếp sống của các hành giả đắc thiền sanh vào các cảnh giới thiền tương ứng.
Theo lời giải thích của Bhante Bodhi, chúng tôi xin phiên dịch cụm từ đó là sanh hữu ở đây và sanh hữu nơi kia, để chỉ cho các kiếp sống hiện hữu giữa dòng chảy của đời sống bất tận.

Sau khi có lời giới thiệu về bài kinh đầu tiên của chương đầu tiên trong Kinh Tập, chúng tôi xin trình bày tiếp câu kệ ngôn thứ nhất như sau:

Yo uppatitaṃ vineti kodhaṃ, visaṭaṃ sappavisaṃva osadhehi;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


English: One who removes the anger that has arisen as one removes with herbs a snake’s spreading venom;
That bhikkhu gives up the here and the beyond as a serpent sheds its old worn-out skin.

Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ bộc phát, như người dùng thuốc giải trừ nọc rắn đang lan rộng;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ sanh hữu ở đây và sanh hữu nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Trong bản chú giải Paramatthajotikā II có ghi chi tiết câu chuyện xuất xứ của câu kệ ngôn trên.

↑ trở lên

KINH CON RẮN – URAGA SUTTA


  1. Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ đang bộc phát, như người dùng thuốc giải trừ nọc rắn đang lan rộng;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  2. Ai đoạn trừ hoàn toàn tham dục như ngắt một bông sen trong hồ sen;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  3. Ai đoạn trừ hoàn toàn tham ái như làm khô cạn dòng sông đang trôi chảy;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  4. Ai phá bỏ hoàn toàn sự kiêu mạn như cơn nước lũ cuốn trôi chiếc cầu tre mỏng manh;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  5. Ai không tìm thấy được cốt lõi nơi mọi sanh hữu, như không tìm thấy hoa nơi cây sung (không hề có hoa);
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  6. Ai mà trong nội tâm không có sân hận, vị đã vượt qua mọi trạng thái hiện hữu;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  7. Ai mà những (tà) tư duy đã bị thiêu hủy, diệt tận hoàn toàn trong nội tâm;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  8. Ai không chạy quá nhanh, không chạy lui quá xa, vị đã vượt qua mọi chướng ngại vọng tưởng;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  9. Ai không chạy quá nhanh, không chạy lui quá xa, vị ấy biết rõ về thế gian, “Tất cả đều không thật”;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  10. Ai không chạy quá nhanh, không chạy lui quá xa, xa lìa tham ái, và biết rõ, “Tất cả đều không thật”;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  11. Ai không chạy quá nhanh, không chạy lui quá xa, xa lìa tham dục, và biết rõ, “Tất cả đều không thật”;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  12. Ai không chạy quá nhanh, không chạy lui quá xa, xa lìa sân hận, và biết rõ, “Tất cả đều không thật”;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  13. Ai không chạy quá nhanh, không chạy lui quá xa, xa lìa si mê, và biết rõ, “Tất cả đều không thật”;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  14. Ai không còn các phiền não ngũ ngầm, các cội rễ bất thiện của vị ấy đã bị đoạn diệt;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  15. Ai không có các pháp sanh ra từ phiền não làm điều kiện cho vị ấy quay trở lại bờ bên nầy;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  16. Ai không có các pháp phát sanh từ tham dục, tạo nên trói buộc trong đời sống;
    Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.
  17. Sau khi đoạn trừ năm triền cái, không còn sầu muộn, vượt qua hoài nghi, nhổ lên mũi tên (phiền não), vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

TÓM TẮT NỘI DUNG BÀI KINH

Bài Kinh Con Rắn, Uraga Sutta, là bài kinh đầu tiên trong 12 bài kinh thuộc chương Uragavagga của tập Suttanipāta, Kinh Tập.

Bài Kinh Uraga Sutta có 17 câu kệ ngôn, mỗi câu kệ ngôn gồm bốn dòng kệ.

Các câu kệ đều kết thúc với một điệp khúc: “Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ”.

Vị Tỳ Kheo được mô tả trong câu kệ ngôn là vị hành giả tiến tu để diệt trừ một phiền não nhất định nào đó.

Việc thực hành nhắm đạt đến một thành quả tương ứng với các mục tiêu trên hành trình tu tập.

Mỗi câu kệ ngôn đều mô tả một hành động kép của việc từ bỏ, điều nầy được so sánh với hành động lột bỏ lớp da cũ của loài rắn.

Hành động thứ nhất là từ bỏ, diệt trừ một phiền não nào đó.

Và hành động thứ hai là từ bỏ (sanh hữu) ở đây và (sanh hữu) ở nơi kia.

Kết quả là vị hành giả trải nghiệm sự giải thoát nội tâm ở nơi đây và ngay bây giờ, và giải thoát hoàn toàn khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Bảy câu kệ ngôn đầu tiên nói về việc đoạn trừ các phiền não như sân hận, tham dục, ngã mạn v.v…

Câu kệ ngôn số 8 đến câu kệ số 13 xoay quanh ý nghĩa: “không chạy quá nhanh, không chạy lui quá xa”.

Câu kệ ngôn số 8 liên hệ đến việc vượt qua chướng ngại vọng tưởng, câu kệ số 9 lại nói đến sự nhận thức thế gian nầy là không thật.

Tiếp theo bốn câu kệ ngôn, từ số 10 đến số 13, vị hành giả xa lìa tham ái, tham dục, sân hận, si mê, dựa trên nền tảng của sự nhận thức đó.

Các câu kệ ngôn cuối, từ số 14 đến số 17, đều nhắc lại việc đoạn trừ các phiền não.

17 câu kệ ngôn trong Bài Kinh Con Rắn nêu rõ các phiền não ngủ ngầm trong nội tâm, căn bản của bất thiện pháp và các triền cái.

Trong từng trường hợp cụ thể, Đức Thế Tôn đã đọc các câu kệ ngôn trên để trợ giúp cho các hành giả đang tu tập thành đạt thánh quả A La Hán.

↑ trở lên

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP
CHO CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN TRONG BÀI KINH URAGA SUTTA, KINH CON RẮN

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đang ngự ở Āḷavī, tại ngôi tháp Aggāḷava.
Khi ấy các vị Tỳ Kheo ở Āḷavī đang xây dựng cốc liêu.
Các vị đốn cây và ra lệnh cho đốn cây.
Rồi một vị Tỳ Kheo ở Āḷavī đốn hạ một cội cây rất lớn.
Một vị chư thiên đang ngự ở cội cây đó nói với vị Tỳ Kheo đang đốn cây:
- Bạch Ngài, xin Ngài đừng đốn cây nầy. Vì đây là chỗ ở của chúng tôi.
Không quan tâm đến lời cầu xin khẩn thiết của vị chư thiên, vị Tỳ Kheo vẫn đốn cây, và chặt đứt cánh tay con của vị chư thiên ngự trên cội cây.
Vị chư thiên vô cùng phẫn nộ, nảy lên ý nghĩ sẽ giết chết ông sư ngay tại chỗ.
Thật là may mắn vị chư thiên kịp thời suy nghĩ lại:
- Thật không thích hợp cho ta đoạt mạng sống của một nhà sư!
Ta sẽ đi đến Đức Thế Tôn để trình bày sự việc lên Ngài.
Vị chư thiên đi đến Đức Thế Tôn rồi kể lại sự việc vừa xảy ra.
Đức Thế Tôn có lời tán thán vị ấy như sau:
- Lành thay, lành thay, này con!
Thật là tốt đẹp khi con không đoạt mạng sống của vị Tỳ Kheo.
Nếu hôm nay con giết vị sư đó, đây sẽ là việc làm gây tổn hại phước đức rất lớn cho con.
Bây giờ con hãy đi đến ở một cội cây trong khuôn viên Chùa Kỳ Viên.
Ở nơi đó chưa có vị nào đến ở.
Con hãy đi đến đó đi!
Bản chú giải nói rõ là vị chư thiên ngự trên cội cây ở khuôn viên Chùa Kỳ Viên vừa mới qua đời.
Sau khi nói như vậy xong, Đức Thế Tôn đọc lên một câu kệ ngôn để xóa tan sân hận trong tâm của vị chư thiên:
“Một người điều khiển được cơn giận dữ bộc phát được ví như người đánh xe khéo léo điều khiển một cỗ xe”.
Đây chính là câu kệ ngôn số 222 trong Pháp Cú Kinh.
Rồi người dân trong xứ sở Āḷavī ta thán:
- Làm sao mà những Sa môn, dòng Thích Tử lại đi chặt phá cây cối và sai người khác chặt phá cây cối?
Những Sa môn, dòng Thích Tử nay lại phá hoại các loài hữu tình!
Khi chư vị Tỳ Kheo nghe được những lời ta thán của người dân xứ Āḷavī, các vị trình bạch sự việc lên Đức Thế Tôn.
Nhân đó Đức Thế Tôn chế định điều học như sau:
“Vị Tỳ Kheo nào chặt phá cây cối sẽ phạm vào điều học Ưng Đối Trị (Pācittiya offense).”
Sau khi nói như vậy xong, Đức Thế Tôn đọc tiếp câu kệ ngôn cho toàn thể hội chúng:
“Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ bộc phát, như người thầy thuốc dùng thuốc để giải trừ nọc rắn đang lan rộng;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ sanh hữu ở đây và sanh hữu ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.”

Như vậy liên quan đến câu chuyện của câu kệ ngôn thứ nhất là Pháp và Luật được Đức Thế Tôn thuyết giảng ở ba nguồn kinh điển:


  1. Giới bổn Ba la đề mộc xoa (Pātimokkha)
  2. Pháp Cú Kinh (Dhammapada), và
  3. Kinh Tập (Suttanipāta)

Tiếp theo bản chú giải Paramatthajotikā giải thích rất chi tiết về từ ngữ và ý nghĩa của câu kệ ngôn thứ nhất.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN TRONG BÀI KINH CON RẮN

Câu kệ ngôn thứ nhất có nguyên văn Pāli như sau:
Yo uppatitaṃ vineti kodhaṃ, visaṭaṃ sappavisaṃva osadhehi;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.

Nghĩa là:
Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ đang bộc phát, như người dùng thuốc giải trừ nọc rắn đang lan rộng;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của dòng kệ ngôn đầu:
“Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ đang bộc phát”, (yo uppatitaṃ vineti kodhaṃ).

Từ Pāli “vineti” có nghĩa là từ bỏ, loại trừ, bỏ đi. Từ bỏ hay loại trừ ở đây là từ bỏ hay loại trừ tâm sân hận, làm lắng dịu được cơn giận dữ, sân hận.

Từ bỏ (vinayo) ở đây có hai phân loại:

I. Từ bỏ bằng cách chế ngự (saṃvaravinayo), và
II. Từ bỏ bằng cách đoạn trừ (pahānavinayo).

Như vậy loại trừ hay từ bỏ phiền não nói chung có hai phương pháp. Hoặc là bằng phương pháp chế ngự, hoặc là bằng phương pháp đoạn trừ. Hãy tìm hiểu về phương pháp thứ nhất.

I. Từ bỏ bằng cách chế ngự (saṃvaravinayo).
Trong phương pháp đầu tiên lại có năm phân loại nhỏ.
Từ bỏ bằng cách chế ngự gồm có chế ngự bằng giới hạnh, chế ngự bằng chánh niệm, chế ngự bằng trí huệ, chế ngự bằng nhẫn nại, và chế ngự bằng tinh tấn.


  1. Chế ngự bằng giới hạnh (sīlasaṃvaro):
    Sự chế ngự phiền não bằng giới hạnh được hiểu qua đoạn kinh sau:
    “Vị Tỳ Kheo sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, sống phòng hộ với sự phòng hộ của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chơn chánh thọ trì và học tập các học giới.” (Kinh Ước Nguyện, Trung Bộ Kinh bài số 6)
  2. Chế ngự bằng chánh niệm (satisaṃvaro):
    Ý nghĩa của chế ngự bằng chánh niệm được tìm thấy thông qua đoạn kinh Trường Bộ.
    “Ở đây, vị Tỷ Kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Như vậy là vị Tỳ Kheo chánh niệm, tỉnh giác.” (Kinh Sa Môn Quả, Trường Bộ Kinh bài số 2)
  3. Chế ngự bằng trí huệ (ñāṇasaṃvaro):
    Chế ngự bằng trí huệ được hiểu qua câu kệ ngôn trong Kinh Tập, Suttanipāta.
    “Đức Thế Tôn đã dạy cho ẩn sĩ Ajita:
    Mọi dòng sông (phiền não) tuôn chảy trên đời sống, có chánh niệm như là bờ đê.
    Như Lai nói về sự chế ngự các dòng chảy bằng phương tiện là trí huệ”, (kệ ngôn 1035).
  4. Chế ngự bằng nhẫn nại (khantisaṃvaro):
    Đoạn kinh Trung Bộ trình bày về phương pháp thứ tư nầy như sau.
    “Ở đây, vị Tỳ Kheo có như lý tác ý, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lị phỉ báng”, (Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Trung Bộ Kinh bài số 2)
  5. Chế ngự bằng tinh tấn (viriyasaṃvaro):
    Phương pháp sau cùng nầy được trình bày trong Tăng Chi Bộ Kinh như sau.
    “Ở đây khi mắt thấy các sắc, vị Tỳ Kheo không dính mắc vào tướng trạng và những dấu hiệu riêng biệt của các sắc. Nếu vị Tỳ Kheo không chế ngự nhãn căn, những ác pháp như tham ái và sầu muộn có thể xâm chiếm tâm của vị ấy.
    Do đó, vị ấy thực hành sự chế ngự, thu thúc nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn”, (Kinh Chế Ngự, chương bốn pháp, Tăng Chi Bộ Kinh).
    Như vậy, năm phương pháp trên được gọi là chế ngự vì các phương pháp tu tập để chế ngự thân tà hạnh và khẩu tà hạnh.
    Cũng được gọi là từ bỏ vì năm pháp chế ngự trên giúp từ bỏ thân tà hạnh và khẩu tà hạnh.


II. Từ bỏ bằng cách đoạn trừ (pahānavinayo).
Trong việc loại trừ hay từ bỏ phiền não có hai phân loại. Mỗi phân loại lớn lại có thêm 5 phân loại nhỏ.
Như vậy trong việc từ bỏ phiền não có cả thảy 10 phân loại hay phương pháp.
Từ bỏ phiền não bằng cách đoạn trừ có 5 phân loại nhỏ:

  1. Đoạn trừ bằng cách thay thế (tadaṅgappahānaṃ)
  2. Đoạn trừ bằng cách khắc chế (vikkhambhanappahānaṃ)
  3. Đoạn trừ bằng cách cắt đứt (samucchedappahānaṃ)
  4. Đoạn trừ bằng cách lắng dịu (paṭippassaddhippahānaṃ)
  5. Đoạn trừ bằng cách thoát ly (nissaraṇappahānaṃ)

Như vậy trong việc loại trừ hay từ bỏ phiền não, lậu hoặc chúng ta có cả thảy 10 phân loại hay phương pháp.
Trong đó phiền não được từ bỏ một cách tạm thời hoặc là được từ bỏ vĩnh viễn.
Như thế nào là đoạn trừ phiền não bằng cách thay thế?

  1. Đoạn trừ bằng cách thay thế (tadaṅgappahānaṃ):
    Là sự chấm dứt tình trạng hiện hữu, diễn biến của một dạng thái phiền não nào đó trong tâm thức. Không cho chúng tồn tại nữa mà tìm cách kết thúc bằng phương pháp thay thế.
    Như người thợ mộc thiện xảo hay đệ tử của người thợ mộc thiện xảo dùng cái nêm nầy để đánh bật một cái nêm khác.
    Thay thế một pháp phiền não nầy bằng một pháp đối tác khác. Ví dụ như dùng tâm từ bi để thay thế tâm sân hận, dùng tướng bất tịnh để thay thế tâm lý tham ái.
    Thay thế tâm đắm nhiễm trong các dục bằng việc thấy được sự nguy hiểm trong dục lạc.
    Đó là đoạn trừ phiền não bằng cách thay thế.
  2. Đoạn trừ bằng cách khắc chế (vikkhambhanappahānaṃ)
    Dùng các chi thiền để khắc chế các pháp triền cái.
    Đây là phương pháp dùng năm chi thiền: tầm, tứ, hỷ, lạc, và định để làm giảm thiểu những ảnh hưởng tai hại của năm pháp triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, phóng tâm, và hoài nghi.
    Vì năm chi thiền chính là khắc tinh của năm pháp triền cái vậy!
    Khi hành giả đạt đến trạng thái an chỉ định, đầy đủ năm chi thiền, khi đó năm triền cái bị khắc chế hoàn toàn.
  3. Đoạn trừ bằng cách cắt đứt (samucchedappahānaṃ)
    Là sự đoạn trừ vĩnh viễn những phiền não trong tâm của vị hành giả.
    Những phiền não vừa được đoạn trừ không còn khả năng sanh trở lại, tái phát trở lại vì đã bị cắt đứt hoàn toàn.
    Đây là kể cho trường hợp của vị hành giả Phật giáo đắc chứng được bốn đạo siêu thế: Tu Đà Hườn đạo, Tư Đà Hàm đạo, A Na Hàm đạo và A La Hán đạo.
    Khi một vị hành giả đắc đạo Tu Đà Hườn, bậc thánh nhân đã cắt đứt ba sợi dây kiết sử là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ.
    Chúng ta hiểu nơi đây là cắt đứt hoàn toàn, như ngắt đứt một chiếc lá xanh khỏi cành.
    Ba kiết sử trên không còn có thể phát sanh trở lại trong tâm của vị thánh nhân đạo Tu Đà Hườn. Trường hợp ba đạo siêu thế cao hơn nên được hiểu tương tự.
    Đây là phương pháp đoạn trừ phiền não bằng cách cắt đứt.
  4. Đoạn trừ bằng cách lắng dịu (paṭippassaddhippahānaṃ).
    Đoạn trừ phiền não bằng cách lắng dịu để chỉ cho trường hợp vị hành giả thành đạt bốn thánh quả siêu thế: Tu Đà Hườn quả, Tư Đà Hàm quả, A Na Hàm quả và A La Hán quả.
    Ngay tiếp theo đạo siêu thế là quả siêu thế. Không có sự gián đoạn nào giữa hai trạng thái tâm siêu thế. Tiếp theo ngay đạo Tu Đà Hườn là quả Tu Đà Hườn. Không có một sát na tâm nào xen vào giữa hai trạng thái siêu thế nêu trên.
    Đây được xem là một trong những ân đức của Pháp Bảo: Akāliko, là pháp không có thời gian, không chờ ngày giờ, là khi nào đắc đạo thì đắc quả không chậm trễ vậy!
    Vì tất cả phiền não, kiết sử đã bị đoạn trừ nơi bốn tâm đạo siêu thế bằng phương pháp cắt đứt, nên không còn phiền não, kiết sử nào để bốn tâm quả siêu thế đoạn trừ.
    Trong tâm của vị thánh nhân bốn quả siêu thế chỉ còn vắng lặng, thanh lương, an tịnh và mát mẻ. Đây được gọi là đoạn trừ phiền não bằng phương pháp lắng dịu.
  5. Đoạn trừ bằng cách thoát ly (nissaraṇappahānaṃ)
    Phương pháp cuối cùng để chỉ cho trạng thái Niết Bàn, đoạn trừ phiền não bằng cách thoát ly, giải thoát khỏi các pháp hữu vi, các pháp có điều kiện tạo tác nên.
    Vì tất cả mọi phiền não, kiết sử đã được đoạn trừ hoàn toàn ở giai đoạn trên nên Niết Bàn là trạng thái hạnh phúc nhất mà vị hành giả Phật giáo trải nghiệm được.
    Không còn bất cứ một pháp hành tạo tác nào được sanh ra trong giai đoạn nầy.
    Không còn có mặt của các cặp đối đãi nhị nguyên như tốt xấu, thiện ác, phước tội.
    Như cảnh tượng buổi ban mai là nơi vắng bặt bóng tối của đêm hôm trước vậy!


Như vậy gộp chung hai phân loại chế ngự và đoạn trừ chúng ta có cả thảy 10 phương pháp để từ bỏ hay loại trừ phiền não.

  1. Chế ngự bằng giới hạnh (sīlasaṃvaro)
  2. Chế ngự bằng chánh niệm (satisaṃvaro)
  3. Chế ngự bằng trí huệ (ñāṇasaṃvaro)
  4. Chế ngự bằng nhẫn nại (khantisaṃvaro)
  5. Chế ngự bằng tinh tấn (viriyasaṃvaro)
  6. Đoạn trừ bằng cách thay thế (tadaṅgappahānaṃ)
  7. Đoạn trừ bằng cách khắc chế (vikkhambhanappahānaṃ)
  8. Đoạn trừ bằng cách cắt đứt (samucchedappahānaṃ)
  9. Đoạn trừ bằng cách lắng dịu (paṭippassaddhippahānaṃ)
  10. Đoạn trừ bằng cách thoát ly (nissaraṇappahānaṃ)

Chúng ta trở lại dòng kệ “Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ đang bộc phát”.

Theo tập chú giải Paramatthajotikā II, sự làm lắng dịu cơn giận dữ hay từ bỏ sân hận trong dòng kệ nói trên chỉ ứng dụng cho một trong các phương pháp trên theo thứ tự từ 1 đến 8.

Ý nghĩa của câu kệ trên không áp dụng cho hai phương pháp cuối là đoạn trừ bằng cách lắng dịu và đoạn trừ bằng cách thoát ly.

(Còn tiếp)

↑ trở lên

TỪ BỎ SÂN HẬN

Dòng kệ trong câu kệ ngôn đầu của bài kinh Con Rắn là “Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ bộc phát” (yo uppatitaṃ vineti kodhaṃ).

Cách làm lắng dịu được trình bày bằng hai phương cách là chế ngự và đoạn trừ. Nhờ vào hai phương cách nầy chúng ta có thể làm lắng dịu được cơn giận dữ đang bộc phát, hay loại bỏ đi sự nóng giận, bực tức ở trong tâm.

Bài học hôm nay có chủ đề: “Từ bỏ sân hận”.

Tập chú giải Paramatthajotikā II trích dẫn các đoạn kinh văn trong Nikāya để làm sáng tỏ phương pháp đối trị sân hận.

Trước tiên, trong bài kinh Āghātapaṭivinaya Sutta, chương năm pháp thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Thế Tôn thuyết giảng như sau:

“Nầy các thầy Tỳ Kheo, có năm cách để đối trị lại sân hận mỗi khi tâm sân nổi lên với một ai. Thế nào là năm? Hãy rải tâm từ đến người mà ta đang sân hận; hãy rải tâm bi đến người mà ta đang sân hận; hãy rải tâm xã đến người mà ta đang sân hận; không nên quan tâm đến người đó, không để ý đến họ; hãy nghĩ rằng mỗi người có nghiệp lực riêng, không ai giống ai”.

Nội dung của đoạn kinh văn có giá trị một bài học tâm lý sâu sắc. Người mà chúng ta đang nóng nảy, người đó cũng có nỗi khổ niềm đau riêng. Suy nghĩ được như vậy sẽ giúp cho giảm bớt tâm lý sân hận, hoặc là lắng dịu được trạng thái nóng nảy, bực tức.
Sân hận là một trong những phiền não rất phiền toái. Hậu quả của một hành động sân hận gây ra thật là khôn lường. Người mang tâm trạng sân hận không bao giờ ngủ được ngon giấc.

Kế đến là bài kinh Ví Dụ Cái Cưa, Trung Bộ Kinh bài số 21.

Mặc dù đã dùng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng tâm hiềm hận vẫn âm ỉ trong lòng, vị hành giả hãy nhớ đến nội dung của bài kinh Trung Bộ như sau:

“Nầy các thầy Tỳ Kheo, nếu có một bọn cướp đến cắt đứt tay chân của các thầy bằng cái cưa sắc bén, nếu có vị nào khởi lên tâm sân hận với bọn cướp thì vị Tỳ Kheo đó đã không thực hành đúng đắn theo lời dạy của Như Lai”.

Hoặc là một đoạn kinh khác trong Tương Ưng Bộ Kinh để làm giảm thiểu đi sự sân hận:

“Khi dùng sự sân hận đáp trả người đang sân hận, việc làm đó gây nên tồi tệ cho chính bản thân.

Không dùng sân hận đáp trả sân hận, vị ấy thắng được trận chiến rất khó thắng.

Thực hành được như vậy là lợi ích cho cả hai, lợi ích cho bản thân và lợi ích cho người đang sân hận.

Khi biết được sân hận là kẻ thù của chính bản thân, vị hành giả dùng tâm niệm giữ gìn sự an tịnh trong tâm”, (Kinh Akkosa Sutta, Phẩm Brahmaṇa).

Chúng ta hãy tìm hiểu tiếp cách suy nghĩ khéo léo được nói đến trong bài kinh Kodhana Sutta, chương bảy pháp thuộc Tăng Chi Bộ Kinh.

“Nầy các thầy Tỳ Kheo, người sân hận tạo nên bảy điều thích thú hay thỏa mãn cho kẻ thù của mình. Thế nào là bảy?


  1. Ở đây, người thù nghịch luôn mong muốn cho kẻ thù: ‘Mong sao cho hắn ta thật là xấu xí’.
  2. Người thù nghịch luôn mong muốn cho kẻ thù: ‘Mong sao cho hắn ta bị mất ngủ’.
  3. Người thù nghịch luôn mong muốn cho kẻ thù: ‘Mong sao cho hắn ta không gặp được may mắn’.
  4. Người thù nghịch luôn mong muốn cho kẻ thù: ‘Mong sao cho hắn ta không có tài sản’.
  5. Người thù nghịch luôn mong muốn cho kẻ thù: ‘Mong sao cho hắn ta không có danh vọng’.
  6. Người thù nghịch luôn mong muốn cho kẻ thù: ‘Mong sao cho hắn ta không có bạn bè’.
  7. Người thù nghịch luôn mong muốn cho kẻ thù: ‘Mong sao cho hắn ta sau khi chết phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ và địa ngục’.


Như vậy, nầy các thầy Tỳ Kheo, người sân hận tạo nên bảy điều thích thú hay thỏa mãn cho kẻ thù của mình”.

Sự nóng nảy, tức giận không bao giờ là một điều tốt, điều đáng khen cả. Sân hận tự gây tổn hại trước hết cho chính bản thân người đang sân hận. Sân hận là nguyên nhân của điều tổn hại. Sân hận gây ra mọi sự xáo trộn trong tâm. Tốt hơn hết là không nên nóng giận vì bất kỳ lý do gì. Nhưng nếu cơn giận dữ bất chợt nổi lên, hãy sáng suốt để kiềm chế và giải tỏa cơn giận đó ngay, như người lái xe khéo léo điều khiển một chiếc xe đang chạy với tốc độ rất cao.

Nói về sự nguy hiểm của tâm sân hận, Bhante Dhammananda đã viết như sau: “Có những loài vật không thấy được ban ngày. Có những loài vật không thấy được ban đêm. Nhưng người bị tâm sân hận chi phối sẽ không thấy được cả ban ngày lẫn ban đêm”.
Chúng ta sẽ không thấy được lợi ích của chính minh, lợi ích của người khác, lợi ích của cả hai nếu lúc nào trong tâm cũng đầy dẫy sự sân hận.

“Người sân hận không biết được điều hay, lẽ phải.

Người sân hận không hề biết được Giáo Pháp”, (Kinh Kodhana Sutta).

Một đoạn kinh khác trong tập Phật Thuyết Như Vậy, Tiểu Bộ Kinh, có ghi lại như sau:

“Sân hận lôi kéo chúng sanh đến khổ cảnh.
Hiểu rõ được tai hại của sân hận, người có trí diệt trừ phiền não đó”.

Lại nữa, một câu kệ ngôn trong Pháp Cú Kinh có dạy:

“Vị hành giả chế ngự sân hận, từ bỏ sự kiêu mạn, vị ấy sẽ đoạn trừ được tất cả pháp kiết sử”, (kệ ngôn số 221).
Tất cả các kinh văn nêu trên đều giải thích ý nghĩa cho dòng kệ: “Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ bộc phát”.

Và dòng kệ tiếp theo là: “Như người dùng thuốc giải trừ nọc rắn đang lan rộng”, (visaṭaṃ sappavisaṃva osadhehi).

Khi một người bị rắn cắn, nọc độc lan tỏa khắp châu thân của người ấy. Nọc độc của loài rắn có thể giết chết người xấu số hay gây ra sự đau khổ gần như chết. Người thầy thuốc nhanh chóng dùng nhiều loại thuốc bào chế từ rễ cây, các loài thảo dược trị nọc rắn đắp vào vết thương để hút nọc độc ngay tức khắc.

Tương tự, khi cơn giận dữ bộc phát và xâm chiếm nội tâm, chúng ta không nên chất chứa trong lòng sự giận dữ mà hãy làm lắng dịu, xóa tan, loại trừ, từ bỏ sân hận bằng đủ mọi phương cách nêu trên.

Đó là ý nghĩa của dòng kệ ngôn: “Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ bộc phát, như người dùng thuốc giải trừ nọc rắn đang lan rộng”.

↑ trở lên

DÒNG KỆ NGÔN ĐIỆP KHÚC TRONG BÀI KINH CON RẮN

Chúng ta đọc tiếp dòng kệ ngôn sau cùng của bài kinh Con Rắn (Uraga Sutta).

Đây được xem là điệp khúc của bài kinh, được lập đi và lập lại ở mỗi câu kệ ngôn.

“So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ”.

Nghĩa là: “Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ”.

Ở đây, vị hành giả Tỳ Kheo được so sánh với con rắn lột bỏ đi lớp da cũ kỹ. Hành động trong thế giới tự nhiên của loài bò sát được so sánh với một vị hành giả từ bỏ đi các phiền não cụ thể nào đó. Một sự so sánh rất thi vị!

Dòng kệ “Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia”, (so bhikkhu jahāti orapāraṃ) mô tả một hành động kép. Trước hết là loại bỏ phiền não và kế đến là từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia (sanh hữu).

Hành động kép nầy được lý giải là mô tả được ánh sáng của hai chân lý: Tập Đế và Diệt Đế. Phiền não là nguyên nhân của khổ và sự chấm dứt phiền não là sự chấm dứt khổ. Kết quả là vị hành giả trải nghiệm được sự giải thoát nội tâm và thoát ly khỏi vòng luân hồi.

Chúng ta hãy đọc kỹ từ Pāli: “ orapāraṃ! ”

Thông thường, orapāraṃ trong các bản kinh văn Nikāya thường được chiết tự thành oraṃ hay orimaṃ tīraṃ nghĩa là bờ bên nầy, để chỉ cho saṃsāra, vòng luân hồi của sanh, già, bệnh và chết. Và pāraṃ hay pārimaṃ là Niết Bàn, nơi kết thúc vòng sanh tử.

Bờ bên nầy đầy dẫy hiểm nguy, trong khi đó bờ bên kia được mô tả là an toàn, không có nguy hiểm. Mục tiêu của việc tu tập là vị hành giả có thể từ bờ bên nầy vượt qua đến bờ bên kia, được mô tả trong ví dụ phổ biến là ví dụ về chiếc bè (Kinh Alagaddūpama Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 22).

Tuy nhiên, trong bài kinh Con Rắn thuộc Kinh Tập, orapāraṃ không có nghĩa là bờ bên nầy và bên kia theo cách hiểu thông thường. Bhikkhu Bodhi trong bản nguyên tác Anh văn giải thích orapāraṃ để chỉ cho ở nơi đây là kiếp sống hiện hữu trong thế giới nầy, và ở nơi kia là các kiếp sống vị lai. Ở nơi đây là cõi dục giới, và ở nơi kia là các cõi sắc giới, vô sắc giới.
Cách hiểu đúng nhất là từ bỏ các kiếp sống hiện hữu trong đời sống nầy, sanh hữu. Thuật ngữ sanh hữu để chỉ cho các kiếp sống hiện hữu trên thế gian nầy.

Trở lại dòng kệ ngôn: “Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia”. Tập chú giải Paramatthajotikā II giải thích tiếp bởi vì kiết sử sân hận được đoạn trừ hoàn toàn bằng thánh đạo thứ ba, A Na Hàm; cho nên từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia có ý nghĩa là đoạn trừ được năm hạ phần kiết sử.

Theo ý nghĩa trên, ở nơi đây nghĩa là tự ngã; ở nơi kia nghĩa là tha nhân.

Ở nơi đây nghĩa là sáu nội căn; ở nơi kia nghĩa là sáu ngoại cảnh.

Ở nơi đây nghĩa là cõi nhân loại; ở nơi kia nghĩa là thế giới Chư Thiên.

Ở nơi đây nghĩa là cõi dục giới; ở nơi kia nghĩa là cõi sắc giới, cõi vô sắc giới.

Và ý nghĩa sau cùng của dòng kệ ngôn: “Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia” để chỉ cho bậc thánh nhân A La Hán đã đoạn trừ hoàn toàn năm thượng phần kiết sử.

Khi Đức Thế Tôn đọc lên dòng kệ ngôn tới đây, vị Tỳ Kheo trong câu chuyện dẫn nhập chứng được quả vị thánh nhân A La Hán.

Chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của dòng kệ ngôn sau cùng: “như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ”, (urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ).

Loài rắn tùy theo nhiều chủng loại bò sát khác biệt có nhiều cách để lột bỏ đi lớp da cũ. Nói chung, chúng sẽ thấy nhàm chán đối với lớp da cũ, nhờ vào các phương tiện, rồi dùng hết sức để bỏ lột xác. Có thể con rắn sẽ quấn mình vào gốc cây, hòn đá, dựa một điểm tựa rồi căng mình ra để lột bỏ lớp da cũ. Xong công việc, con rắn nhẹ nhàng bò đi nơi nào nó muốn.

Tương tự, vị hành giả là một bậc Thích Tử cao quý, cảm thấy nhàm chán với những phiền não trong nội tâm của mình, với sự trợ giúp của thầy giỏi, bạn tốt, bắt đầu vận dụng hết công phu tu tập để loại bỏ tuần tự các phiền não như loài rắn lần lần lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Sau khi đã từ bỏ (sanh hữu) ở nơi đây và nơi kia, vị Tỳ Kheo đạt thành thánh quả và có thể đi lại thảnh thơi khắp nơi trong tam giới.

Do đó, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng:

“Ai làm lắng dịu được cơn giận dữ đang bộc phát, như người dùng thuốc giải trừ nọc rắn đang lan rộng;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ”.

Pháp thoại của Đức Thế Tôn đã trợ duyên cho rất nhiều cho thính chúng an trú vào thánh quả.

Kết thúc câu kệ ngôn đầu tiên trong bài kinh Con Rắn (Uraga Sutta).

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ HAI
Câu kệ ngôn thứ hai có nguyên văn Pāli như sau:
2. Yo rāgamudacchidā asesaṃ, bhisapupphaṃva saroruhaṃ vigayha;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

2. Ai đoạn trừ hoàn toàn tham dục như ngắt bông sen trong hồ sen;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.


Câu chuyện dẫn nhập cho câu kệ ngôn nầy được kể lại như sau.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngự ở Sāvatthī nơi Chùa Kỳ Viên của Trưởng giả Cấp Cô Độc. Khi ấy, Tôn giả Sāriputta có một đệ tử thị giả trước khi xuất gia là con của một người thợ kim hoàn. Vị thầy bổn sư nghĩ rằng niệm về thân bất tịnh sẽ thích hợp cho vị tân sư, cho nên Tôn giả đã dạy cho vị ấy đề mục bất tịnh để đối trị tham dục.

Tuy nhiên, vị học trò dường như không thích hợp với đề mục đó nên có trình pháp với thầy là không thấy tiến bộ trong hành thiền. Tôn giả Sāriputta có lời động viên hành giả nên cố gắng thêm. Nhưng bốn tháng đã trôi qua mà vị tân sư không đạt được sự tiến bộ nào trong thiền định.

Sau đó, Tôn giả Sāriputta dắt đệ tử của mình đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, và kể lại cho Bậc Đạo Sư sự việc.
Đức Thế Tôn đã nói: “Biết rõ đề mục nào thích hợp cho vị sư nầy không phải là lãnh vực của Sāriputta. Chính Như Lai sẽ chỉ dẫn cho vị ấy”.

Rồi Đức Thế Tôn bằng thần thông tạo nên một bông sen đẹp đẽ, đặt vào lòng bàn tay của vị sư, và nói: “Nầy thầy Tỳ Kheo, hãy đem bông sen nầy để nơi tọa thiền của thầy. Hãy lấy bông sen nầy làm đề mục rồi niệm: màu đỏ, màu đỏ”.

Sở dĩ như vậy là do Đức Thế Tôn quán xét thấy rõ vị Tỳ Kheo nầy trong 500 kiếp sống quá khứ đã từng là người thợ kim hoàn, và người thợ nầy rất ưa chuộng màu đỏ. Nên đề mục kasina đỏ là thích hợp nhất với vị ấy.

Làm theo đúng những gì Đức Thế Tôn chỉ dạy, vị hành giả hữu duyên chỉ trong thời gian ngắn đã chứng đắc cả bốn tầng thiền. Vị ấy lần lượt nhập vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền và xã khỏi các tầng thiền một cách thuần thục.

Kế đến, Đức Thế Tôn làm cho bông hoa sen héo úa đi. Khi vị Tỳ Kheo xã thiền ra, nhìn thấy bông hoa sen úa tàn, đổi màu sắc, vị ấy thành đạt tưởng về vô thường: “Bông hoa sen xinh đẹp nay đã héo tàn”. Vị Tỳ Kheo tiếp tục quán niệm tưởng vô thường: “Cái gì là vô thường, cái đó là khổ não; cái gì là khổ não, cái đó là vô ngã”. Nhờ quán niệm như vậy, vị hành giả thấy được cả ba cõi là dục giới, sắc giới và vô sắc giới đều bốc cháy.

Khi vị Tỳ Kheo đang quán pháp như vậy, một cậu bé đi xuống một ao sen gần đó bơi lội, bứt từng bông sen rồi gom lại thành một bó sen. Cảnh tượng từng bông sen bị ngắt đứt khỏi cành, từng cánh sen rơi xuống hồ nước tạo cho vị Tỳ Kheo một ấn tượng giống như đám cháy lớn trong một khu rừng. Tiếp tục quán sát các pháp với tuệ quán như vậy, vị hành giả thấy toàn cả ba cõi đều bốc cháy như một ngôi nhà đang gặp hỏa hoạn. Để tìm cho ra một nơi ẩn náu trong tam giới thật không hề có.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đang ngự trong ngôi hương thất ở Chùa Kỳ Viên. Ngài hóa hiện kim thân màu vàng ròng trước vị Tỳ Kheo. Vị ấy từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Đức Thế Tôn. Với đầy đủ nhân duyên, Đức Thế Tôn liền đọc lên câu kệ ngôn:

“Ai đoạn trừ hoàn toàn tham dục như ngắt một bông sen trong hồ sen;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ”.

Theo ý nghĩa của câu kệ ngôn, tham dục để chỉ cho tâm tham luyến, dính mắc vào năm cảnh dục là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon và xúc chạm êm ái. Ai đoạn trừ hoàn toàn tham dục là vị hành giả đoạn trừ lòng tham dục với tất cả khuynh hướng phiền não ngũ ngầm. Như ngắt một bông sen trong hồ sen là cậu bé trong câu chuyện ngắt đứt từng bông sen trong hồ sen.

Cũng vậy, vị Tỳ Kheo suy niệm về sự nguy hiểm của tham dục: “Không có ngọn lửa nào bằng lửa tham”, (Pháp Cú Kinh, kệ ngôn 202).

“Phiền não tham dục như một ngọn lửa thiêu đốt tâm của tôi”, (Kinh Ānanda Sutta, Tương Ưng Vaṅgisa, Tương Ưng Bộ Kinh).
Hay là: “Những ai bị đắm nhiễm tham dục sẽ rơi trở lại đời sống như con nhện rơi vào chính chiếc lưới do nó tạo nên”, (Pháp Cú Kinh, câu 347).

“Những ai bị tham dục chế ngự, người ấy sẽ hủy hoại cuộc sống nầy”, (Kinh Channa Sutta, chương ba pháp, Tăng Chi Bộ Kinh).
Từ bỏ tham dục bằng cách chế ngự và đoạn trừ như đã giải thích ở câu kệ ngôn thứ nhất, bằng pháp quán tưởng về tướng bất tịnh của các pháp, vị hành giả từng chút một và từng chút một đoạn trừ tham dục bằng đạo quả A Na Hàm. Sau cùng vị ấy đoạn trừ hoàn toàn phiền não tham dục bằng A La Hán đạo.

Trên đây là lời giải thích ý nghĩa của câu kệ ngôn thứ hai trong bài kinh Con Rắn. Khi Đức Thế Tôn đọc dứt câu kệ ngôn, vị Tỳ Kheo trong câu chuyện thành đạt quả vị thánh nhân A La Hán.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ BA
Câu kệ ngôn thứ ba có nguyên văn Pāli như sau:

3. Yo taṇhamudacchidā asesaṃ, saritaṃ sīghasaraṃ visosayitvā;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

3. Ai đoạn trừ hoàn toàn tham ái như làm khô cạn dòng sông đang trôi chảy;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Nhân duyên Đức Thế Tôn thuyết giảng câu kệ ngôn nầy được kể lại như sau.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngự ở Sāvatthī. Khi ấy có một vị Tỳ Kheo đang ở bên hồ sen Gaggarā. Vị ấy khởi lên một tư duy bất thiện liên quan đến tham ái. Hiểu được tâm của vị Tỳ Kheo đang bị tham ái chế ngự, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng câu kệ ngôn:

“Ai đoạn trừ hoàn toàn tham ái như làm khô cạn dòng sông đang trôi chảy;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ”.

Ở đây, tham ái được giải thích là sự khát khao trong các cảnh, sự tham muốn không khi nào biết thỏa mãn. Tham ái trong cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

Dòng sông đang trôi chảy là hình ảnh ẩn dụ để chỉ cho phiền não tham ái. Ý nghĩa của ẩn dụ dòng sông tham ái trôi chảy là chúng sanh không nhận thức được sự nguy hiểm trong các sanh hữu, bị cuốn trôi từ cảnh giới thấp nhất cho đến cảnh giới cao nhất là phi tưởng phi phi tưởng xứ. Liên tục từ cảnh giới nầy đến cảnh giới khác, từ đời nầy sang đời khác, trôi nổi bất tận.

Chúng ta hãy quán xét về sự nguy hiểm trong mọi hình thức tham ái như sau: “Với mãnh lực tham ái, chúng sanh sẽ đi lang thang bất tận trong vòng luân hồi nầy, không có điểm dừng nghỉ hay kết thúc”, (Kinh Itivuttaka, Tiểu Bộ Kinh).

Hay là: “Thế gian nầy là thiếu thốn, khát khao, làm nô lệ cho lòng tham ái”, (Kinh Ratthapāla Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 82).

Làm khô cạn dòng sông đang trôi chảy bằng cách chế ngự và đoạn trừ phiền não từng chút một như đã giải thích ở phần trên. Vị hành giả Phật giáo đoạn trừ tham ái bằng A La Hán đạo. Ngay trong khoảnh khắc đó, vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Khi Đức Thế Tôn đọc dứt câu kệ ngôn, vị Tỳ Kheo trong câu chuyện trên thành đạt quả vị thánh nhân A La Hán.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ TƯ

Câu kệ ngôn thứ tư có nguyên văn Pāli như sau:

4. Yo mānamudabbadhī asesaṃ, naḷasetuṃva sudubbalaṃ mahogho;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

4. Ai phá bỏ hoàn toàn sự kiêu mạn như cơn nước lũ cuốn trôi chiếc cầu tre mỏng manh;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Nhân duyên Đức Thế Tôn thuyết giảng câu kệ ngôn nầy như sau.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngự ở thành Sāvatthī. Khi ấy có một vị Tỳ Kheo đang ở bên bờ sông Hằng. Vị Tỳ Kheo ấy quan sát thấy có một chiếc cầu tre được xây dựng, bắc ngang một con sông nước cạn, khi nước lũ chưa tràn về. Nhưng khi mùa mưa đến, nước sông dâng cao, rồi cơn nước lũ ập đến, cuốn trôi đi cây cầu tre mỏng manh.

Chứng kiến cảnh tượng đó, vị Tỳ Kheo khởi lên một suy niệm về trạng thái vô thường của các pháp. Hiểu được suy nghĩ của người đệ tử, Đức Thế Tôn thuyết giảng câu kệ ngôn:

“Ai phá bỏ hoàn toàn sự kiêu mạn như cơn nước lũ cuốn trôi chiếc cầu tre mỏng manh;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ”.

Ở đây, sự kiêu mạn là tâm lý tự cao phát sanh do hoàn cảnh trong xã hội và nhiều yếu tố khác. Sự kiêu mạn có ba hình thức, khi chúng ta có những dạng suy nghĩ như sau: 1. Tôi là người tài giỏi nhất trong thiên hạ; 2. Tôi bình thường như mọi người; 3. Tôi có vẻ như thua kém tất cả.

Từ ba dạng suy nghĩ trên, tâm lý kiêu mạn có thể được phân chia thành chín phân loại.

Một người ở địa vị cao tự so sánh hơn, bằng hoặc thua kém với người khác.

Một người trung lưu trong xã hội tự so sánh hơn, bằng hoặc thua kém với bạn của mình.

Và một người ở địa vị thấp tự so sánh hơn, bằng hoặc thua kém với người khác.

Chúng ta nên quán xét về sự nguy hại của tâm lý kiêu mạn: “Do tâm lý kiêu mạn, chúng sanh bị rơi vào khổ cảnh”, (Kinh Itivuttaka, Tiểu Bộ Kinh). Rồi từng chút một từ bỏ tâm lý kiêu mạn bằng cách chế ngự và đoạn trừ phiền não như đã giải thích ở các câu kệ ngôn trên.

Vị hành giả Phật giáo từ bỏ hoàn toàn sự kiêu mạn bằng thánh đạo A La Hán. Giống như sức mạnh kinh hồn của trận lũ lớn phá tan chiếc cầu tre bắc ngang dòng sông. Ngay trong sát na đó, vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Khi Đức Thế Tôn đọc dứt câu kệ ngôn, vị Tỳ Kheo trong câu chuyện thành đạt quả vị thánh nhân A La Hán.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ NĂM

Câu kệ ngôn thứ năm có nguyên văn Pāli như sau:

5. Yo nājjhagamā bhavesu sāraṃ, vicinaṃ pupphamiva udumbaresu;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

5. Ai không tìm thấy được cốt lõi nơi mọi sanh hữu, như không tìm thấy hoa nơi cây sung;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Câu chuyện dẫn nhập cho câu kệ ngôn nầy được kể lại như sau.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đang ngự ở thành Sāvatthī. Khi ấy có một gia đình Bà la môn chuẩn bị hôn lễ cho người con gái. Vị Bà la môn, người cha của cô dâu có suy nghĩ: “Nay ta sẽ kết một vòng hoa thật đặc biệt, trước đây chưa từng có, để con gái ta trang điểm trong ngày cưới”.

Suy nghĩ như vậy, ông Bà la môn đi khắp thành Sāvatthī để tìm một vòng hoa thật đặc biệt cho cô con gái của mình. Nhưng ông không thể tìm được theo như ý muốn.

Trên đường đi, ông gặp một nhóm thanh niên Bà la môn. Nghĩ rằng họ có thể giúp được, ông hỏi:

_ Nầy các cậu, có thể chỉ cho bác nơi đâu tìm được một ít bông hoa thật đẹp mà trước đây chưa từng ai nhìn thấy?

Thật tinh nghịch, các thanh niên trả lời ông Bà la môn:

_ Thưa bác, có bông hoa hái từ cây sung là những bông hoa xinh đẹp nhất mà trước đây chưa từng ai nhìn thấy!

Hết sức vui mừng ông Bà la môn trở về nhà để sáng mai có thể tìm được bông hoa từ những cây sung. Sáng hôm sau, ông Bà la môn thức dậy thật sớm, đem theo thức ăn đi đường, đi đến cây sung ở bờ sông Aciravatī.

Ông quan sát theo dõi từng cây sung một, nhưng không hề thấy một bông hoa nào, dầu chỉ là một nụ hoa. Rồi đến bữa trưa, ông đi qua phía bờ bên kia sông để tìm kiếm tiếp tục. Qua bên kia bờ ông thấy một nhà sư đang ngồi tham thiền dưới một cội cây mát mẻ. Ông Bà la môn không để ý gì đến nhà sư, chỉ loay hoay tìm kiếm bông hoa trên cây sung.
Nhà sư thấy vậy mới hỏi ông Bà la môn:

_ Nầy ông Bà la môn, ông đang tìm gì vậy?

_ Tôi đang đi tìm bông hoa của cây sung, thưa Ngài!

_ Ông ơi! Cây sung đâu có ra hoa đâu mà tìm. Nếu ông tiếp tục tìm kiếm bông hoa trên cây sung, việc làm của ông chỉ vô ích mà thôi.

Rồi Đức Thế Tôn từ phương xa biết được tâm của vị Tỳ Kheo đang suy tư về việc tầm cầu vô lý của ông Bà la môn. Đức Thế Tôn xuất hiện trước mặt vị Tỳ Kheo, và đọc lên câu kệ ngôn:

“Ai không tìm thấy được cốt lõi nơi mọi sanh hữu, như không tìm thấy bông hoa nơi cây sung;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ”.

Cốt lõi nơi đây chỉ cho tự ngã, cái tôi (atta). Mọi sanh hữu bao gồm cõi dục giới, cõi sắc giới và cõi vô sắc giới.

Một hành giả quán xét với trí huệ sẽ không thấy có một tự ngã nào trong tất cả kiếp sống. Với tuệ quán về pháp vô thường và vô ngã, vị ấy lần lượt thành đạt các trạng thái siêu thế (thành đạt đạo quả). Vị thánh giả từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ SÁU

Câu kệ ngôn thứ sáu có nguyên văn Pāli như sau:

6. Yassantarato na santi kopā, itibhavābhavatañca vītivatto;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

6. Ai mà trong nội tâm không có sân hận, vị đã vượt qua mọi trạng thái hiện hữu;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Dòng kệ ngôn: “Ai mà trong nội tâm không có sân hận” nói đến chư vị thánh giả đã diệt trừ tâm sân hận bằng tầng thánh thứ ba, A Na Hàm đạo.

Thế nào là: “Vị đã vượt qua mọi trạng thái hiện hữu”? (bhava và vibhava).

Bhava có nghĩa là thành công; vibhava là thất bại.

Bhava có nghĩa là phát triển; vibhava là tiêu hoại.

Bhava có nghĩa là thường kiến; vibhava là đoạn kiến.

Bhava có nghĩa là phước báu; vibhava là tội lỗi.

Bằng bốn tầng thánh đạo, bậc thánh nhân vượt qua hết tất cả mọi bhava và vibhava. Câu kệ ngôn trên mô tả sự thanh tịnh tuyệt đối của các bậc thánh nhân. Chư vị từ bỏ hoàn toàn sân hận, đoạn trừ các phiền não, và thoát ly khỏi mọi hình thức chấp thủ.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ BẢY

Câu kệ ngôn thứ bảy có nguyên văn Pāli như sau:

7. Yassa vitakkā vidhūpitā, ajjhattaṃ suvikappitā asesā;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

7. Ai mà những (tà) tư duy đã bị thiêu hủy, đã đoạn trừ hoàn toàn trong nội tâm;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Có các tà tư duy (tư duy không chân chánh) như tư duy hay suy nghĩ về tham dục, sân hận, và oán hại, suy nghĩ về lợi lộc, danh xưng, quyền lợi thế gian v.v….

Vị Tỳ Kheo suy nghĩ về nguy hiểm của những tư duy như vậy. Rồi nương vào pháp đối nghịch của các tà tư duy để đốt cháy chúng, diệt trừ hoàn toàn các tà tư duy nhờ vào ba thánh đạo đầu tiên (Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm).

Với thánh đạo A La Hán, bậc thánh giả sẽ: “diệt tận hoàn toàn (phiền não) trong nội tâm”.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ 8-13

CÂU KỆ NGÔN THỨ TÁM

Câu kệ ngôn thứ tám có nguyên văn Pāli như sau:

8. Yo nāccasārī na paccasārī, sabbaṃ accagamā imaṃ papañcaṃ;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

8. Ai không chạy quá nhanh hay chạy lui quá xa, vị đã vượt qua mọi chướng ngại vọng tưởng;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Thế nào là chạy quá nhanh? Thế nào là chạy lui quá xa?

Một hành giả tinh tấn quá mức, tâm rơi vào loạn động, được gọi là vị chạy quá nhanh; một hành giả quá thụ động, trở nên lười biếng, là chạy lui quá xa.

Vị hành giả tu tập khổ hạnh mong cầu tái sanh thiên giới là vị chạy qua nhanh; một vị khác sống lợi dưỡng, đắm nhiễm trong dục lạc ngũ trần, là vị chạy lui quá xa.

Chạy quá nhanh là để chỉ cho người chấp vào thường kiến; chạy lui quá xa để chỉ cho người chấp vào đoạn kiến.

Chạy quá nhanh để chỉ cho những ai luôn mong mỏi việc chưa tới; chạy lui quá xa để chỉ những ai mãi lo buồn chuyện đã qua.

Chạy quá nhanh để chỉ cho người luôn suy tư về tương lai; chạy lui quá xa để chỉ cho người luôn suy nghĩ quá khứ.

Do đó, vị hành giả thực hành con đường trung đạo từ bỏ cả hai cực đoan, vị ấy sẽ không chạy quá nhanh, sẽ không chạy lui quá xa.

Thế nào là chướng ngại vọng tưởng (papañca)? Đó là tham ái, ngã mạn và tà kiến. Thông qua suy nghĩ và chấp thủ vào ngũ uẩn “là tôi”, “là của tôi”, “là tự ngã của tôi”, sẽ phát sanh lên trong tâm chúng sanh các loại vọng tưởng nêu trên.

Bằng con đường trung đạo, thực hành theo bát chánh đạo, vị hành giả thành đạt thánh đạo A La Hán, đoạn trừ hoàn toàn tất cả vọng tưởng.

CÂU KỆ NGÔN THỨ CHÍN

Câu kệ ngôn thứ chín có nguyên văn Pāli như sau:

9. Yo nāccasārī na paccasārī, sabbaṃ vitathamidanti ñatvā loke;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

9. Ai không chạy quá nhanh hay chạy lui quá xa, vị ấy biết rõ thế gian: “Tất cả là không thật”.
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Câu kệ ngôn thứ 9 giống như câu kệ số 8, chỉ khác ở dòng kệ: “Vị ấy biết rõ về thế gian: Tất cả là không thật”.

Từ “tất cả” ở đây để chỉ cho tất cả các pháp, không loại trừ một pháp nào. Một cách chính xác, tất cả để chỉ cho các pháp hữu vi, là đối tượng cho thiền quán.

Các đối tượng đó được phân loại thành các uẩn, các xứ và các giới. Không thật là sao? Có nghĩa là thiếu vắng, trống rỗng, không có cốt lõi.

Tất cả đều là không thật bởi vì các pháp đều thiếu đi bản chất cốt lõi. Tuy nhiên, người phàm nhân, với tâm phiền não, nhận thức các pháp là đẹp đẽ, thường hằng, hạnh phúc và hữu ngã.

Dòng kệ ngôn: “Vị ấy biết rõ về thế gian: Tất cả là không thật”: Vị hành giả với tuệ quán thấy rõ các pháp bao gồm uẩn, xứ và giới, tất cả đều rỗng không, không có bản chất thật sự.

CÂU KỆ NGÔN THỨ MƯỜI

10. Yo nāccasārī na paccasārī, sabbaṃ vitathamidanti vītalobho;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

10. Ai không chạy quá nhanh cũng không chạy lui quá xa, xa lìa tham ái, vị ấy biết rõ: “Thế gian nầy là không thật”;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

CÂU KỆ NGÔN MƯỜI MỘT

11. Yo nāccasārī na paccasārī, sabbaṃ vitathamidanti vītarāgo;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

11. Ai không chạy quá nhanh cũng không chạy lui quá xa, xa lìa tham dục, vị ấy biết rõ: “Thế gian nầy là không thật”;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

CÂU KỆ NGÔN MƯỜI HAI

12. Yo nāccasārī na paccasārī, sabbaṃ vitathamidanti vītadoso;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

12. Ai không chạy quá nhanh cũng không chạy lui quá xa, xa lìa sân hận, vị ấy biết rõ: “Thế gian nầy là không thật”;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

CÂU KỆ NGÔN MƯỜI BA

13. Yo nāccasārī na paccasārī, sabbaṃ vitathamidanti vītamoho;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

13. Ai không chạy quá nhanh cũng không chạy lui quá xa, xa lìa si mê, vị ấy biết rõ: “Thế gian nầy là không thật”;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Bốn câu kệ ngôn, từ câu số 10 đến câu số 13 có nội dung tương tự, chỉ khác đi phiền não tham, sân hoặc si.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ 14 - 17

Câu kệ ngôn mười bốn có nguyên văn Pāli như sau:

14. Yassānusayā na santi keci, mūlā ca akusalā samūhatāse;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

14. Ai không còn các phiền não ngũ ngầm, các gốc rễ bất thiện của vị ấy đã bị đoạn trừ;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Các phiền não ngũ ngầm là các phiền não nằm sâu trong nội tâm của chúng ta. Các phiền não đó chưa được đoạn trừ. Đó là tham dục, sân hận, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi và vô minh.

Gốc rễ là cách nói ẩn dụ, ý muốn nói gây tác động đến tính cách của chúng ta. Bất thiện có ý nghĩa là không an ổn, đáng bị khiển trách và tạo nên hậu quả tai hại. Gốc rễ của bất thiện chính là tham lam, sân hận và si mê.

Dòng kệ ngôn: “Ai không còn các phiền não ngũ ngầm, các gốc rễ bất thiện của vị ấy đã bị đoạn trừ” nghĩa là bậc thánh nhân đã đoạn trừ các bất thiện pháp nêu trên nhờ vào sự chứng đắc các đạo quả thánh.

Không phải các phiền não ngũ ngầm đều là gốc rễ của điều bất thiện. Như tham dục vừa là phiền não ngũ ngầm, vừa là gốc rễ bất thiện. Còn tà kiến, ngã mạn, hoài nghi chỉ là phiền não ngũ ngầm chớ không phải là gốc rễ của bất thiện pháp.

Theo ý nghĩa câu kệ ngôn trên, Đức Thế Tôn nói đến bậc thánh nhân đoạn trừ các phiền não ngũ ngầm, đồng thời nhổ sạch tận gốc rễ bất thiện pháp.

CÂU KỆ NGÔN MƯỜI LĂM

Câu kệ ngôn mười lăm có nguyên văn Pāli như sau:

15. Yassa darathajā na santi keci, oraṃ āgamanāya paccayāse;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

15. Ai không có các pháp sanh ra từ phiền não làm điều kiện cho vị ấy quay trở lại bờ bên nầy;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Phiền não là các pháp sanh khởi lên có khuynh hướng thiêu đốt, làm mất đi sự an tịnh nội tâm. Các pháp sanh ra từ phiền não là các pháp phát sanh kế tiếp theo phiền não.

Bờ bên nầy để chỉ cho thân ngũ uẩn, là đối tượng cho sự chấp thủ. Quay trở lại có nghĩa là phát sanh lên.

Dòng kệ ngôn: “Ai không có các pháp sanh ra từ phiền não làm điều kiện cho vị ấy quay trở lại bờ bên nầy” có nghĩa là vị hành giả đã diệt trừ các pháp phát sanh từ phiền não, các pháp tạo nên nhân duyên cho chúng sanh lại có thân ngũ uẩn, tiếp tục tái sanh.

CÂU KỆ NGÔN MƯỜI SÁU

Câu kệ ngôn mười sáu có nguyên văn Pāli như sau:

16. Yassa vanathajā na santi keci, vinibandhāya bhavāya hetukappā;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

16. Ai không có các pháp phát sanh từ tham dục, tạo nên sự trói buộc trong đời sống;
Vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Các pháp phát sanh từ tham dục được hiểu tương tự như các pháp phát sanh từ phiền não trong câu kệ ngôn thứ mười lăm. Tham dục (vana) ở đây có nghĩa là sự ham muốn. Ham muốn những đối tượng ưa thích và dính mắc vào trong đó.

Các pháp phát sanh từ tham dục (vanathajā) để chỉ cho sự tăng trưởng lòng tham bằng việc chiếm hữu đối tượng ưa thích. Tạo nên sự trói buộc trong đời sống có nghĩa là sự tái sanh trong tương lai do tâm bị dính mắc vào trong các cảnh dục.

Dòng kệ ngôn: “Ai không có các pháp phát sanh từ tham dục, tạo nên sự trói buộc trong đời sống” nghĩa là bậc thánh nhân đã diệt trừ các phiền não ngủ ngầm liên quan đến tham dục bằng thánh đạo A La Hán.


CÂU KỆ NGÔN MƯỜI BẢY

Câu kệ ngôn mười bảy có nguyên văn Pāli như sau:

17. Yo nīvaraṇe pahāya pañca, anigho tiṇṇakathaṃkatho visallo;
So bhikkhu jahāti orapāraṃ, urago jiṇṇamivattacaṃ purāṇaṃ.


Nghĩa là:

17. Sau khi đoạn trừ năm triền cái, không còn sầu muộn, vượt qua sự hoài nghi, nhổ bỏ mũi tên phiền não, vị Tỳ Kheo từ bỏ ở đây và ở nơi kia, như loài rắn lột bỏ lớp da cũ kỹ.

Năm triền cái bao gồm tham dục, sân hận, hôn trầm, phóng tâm và hoài nghi. Sở dĩ các pháp nầy được gọi là triền cái (nīvaraṇa) vì chúng ngăn che tâm, cản trở chúng ta thực hành điều lợi ích.

Vị hành giả đoạn trừ năm triền cái bằng thiền định, bằng thánh đạo, thánh quả siêu thế.

Vị ấy không còn sầu muộn do nội tâm của vị ấy đã vắng mặt tất cả phiền não.

Vị hành giả vượt qua sự hoài nghi có nghĩa là vị ấy đã vượt qua sự nghi ngờ về sự hiện hữu của chính mình trong quá khứ, hiện tại và vị lai.
Vị ấy nhổ bỏ mũi tên phiền não nghĩa là vị hành giả đoạn trừ được mũi tên tham dục, sân hận, si mê, ngã mạn và tà kiến.

Câu kệ ngôn cuối trong Bài Kinh Con Rắn mô tả sự thành tựu pháp giải thoát viên mãn của một bậc thánh nhân.

Vị ấy từ bỏ hết tất cả ô nhiễm và phiền não nên được gọi là vị hành giả đã từ bỏ ở nơi đây và ở nơi kia, như loài rắn đến đúng thời điểm lột bỏ đi lớp da cũ kỹ của chúng.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com