Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Kinh Từ Bi (Metta Sutta)

  1. DUYÊN KHỞI CỦA BÀI KINH METTĀ SUTTA
  2. BÀI KINH METTĀ SUTTA
  3. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN (143)
  4. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ HAI (144)
  5. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ BA, THỨ TƯ, THỨ NĂM
  6. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ CHÍN, THỨ MƯỜI
  7. METTĀ SUTTA

↑ trở lên

DUYÊN KHỞI CỦA BÀI KINH METTĀ SUTTA

Trong một kỳ an cư ở khu vực gần miền núi Hy mã lạp sơn, một nhóm năm trăm (500) vị Tỳ Kheo bị các phi nhân ở vùng đất đó quấy phá, cản trở. Các vị phải quay trở về Chùa Kỳ Viên ở thành Xá Vệ (Sāvatthī) để xin phép Đức Thế Tôn nhập hạ kỳ sau ở một nơi khác.
Đức Thế Tôn sau khi quán xét nhân duyên thấy rõ năm trăm vị Tỳ Kheo trên lại có duyên lành với vùng đất đó, nên Ngài đã dạy thêm cho chư vị bài kinh Mettā Sutta để hộ thân, và nội dung bài kinh cũng là đề mục thiền định.

Theo thông lệ khi gần đến kỳ an cư mùa mưa, mùa nhập hạ của Chư Tỳ Kheo Tăng (rằm tháng 6 âm lịch), chư vị đều đến Chùa Kỳ Viên đảnh lễ Đức Thế Tôn, để xin học hỏi nơi Ngài một đề mục thiền định.

Đức Thế Tôn quan sát căn duyên của từng vị hành giả, sau đó Ngài dạy một đề mục thiền định thích hợp theo cơ tánh của từng vị đệ tử.

Lúc bấy giờ, có một nhóm năm trăm vị Tỳ Kheo, sau khi học hỏi đề mục thiền định với Đức Thế Tôn, liền xin phép đi về một vùng xa ở biên giới để tu tập. Đức Thế Tôn chấp thuận.

Sau khi đảnh lễ Bậc Đạo Sư, hội chúng năm trăm vị Tỳ Kheo, theo sự hướng dẫn của vị trưởng đoàn, bắt đầu hướng về một vùng đất xa xôi ở bên sườn núi dãy Hy mã lạp sơn.

Đặt chân đến một miền đất xa vắng nhưng chư vị Tỳ Kheo lại gặp thuận duyên rất lớn. Các Ngài đi vào một thôn xóm gần 1.000 gia đình sống nơi miền núi.

Những thị dân ở vùng biên giới xa xôi, khi được gặp các vị Sa môn Thích Tử, họ vui mừng vô cùng. Họ cùng nhau thành tâm đặt bát cúng dường vật thực đến chư vị ngay trong ngày đầu tiên.

Sau khi biết được ý định của chư Tôn Đức Tăng tìm nơi an cư trong ba tháng hạ, cả dân làng đều khẩn cầu các Ngài hãy ở lại nơi đây để nhập hạ, để toàn thể dân làng có phước duyên đặt bát cúng dường Chư Tăng mỗi ngày.

Chư Tăng quán xét mọi việc rất tốt nên vị trưởng đoàn đồng ý ở lại nhập hạ theo lời thỉnh cầu của người dân làng.

Vô cùng hoan hỷ người dân trong thôn xóm bắt tay nhanh vào việc xây dựng 500 ngôi cốc nhỏ cho Chư Tăng. Mọi người lần lượt đem đến cúng dường chư vị đầy đủ vật dụng trong sinh hoạt.

Đã bắt đầu vào hạ nên chư Tỳ Kheo rất nghiêm túc trong thực hành Pháp. Buổi sáng sau khi đi vào làng khất thực và trở về trú xứ thọ thực xong, các vị đều đi vào rừng sâu để tu tập.

Sau khi nghe tiếng chuông hiệu lệnh của vị Trưởng Lão, mỗi vị nhanh chóng tìm cho mình một gốc cây thích hợp, rồi ngồi kiết già nỗ lực tu tập thiền định đến chiều tối chư vị mới quay trở về cốc liêu của mình.

Dân làng đều hoan hỷ hộ độ cúng dường đầy đủ vật thực đến Chư Tăng mỗi ngày.

Mọi việc diễn tiến hết sức thuận lợi cho chư vị Tỳ Kheo trong tháng đầu tiên của mùa an cư.

Chư Tỳ Kheo Tăng ở nơi đó có đầy đủ bốn yếu tố thuận lợi cho một vị hành giả tu tập thiền định.

Đó là pháp, tài, lữ và địa.

Pháp là pháp môn thiền định thọ trì từ Đức Thế Tôn. Tài là vật thực do dân làng dâng cúng đầy đủ. Lữ là thiện bằng hữu, cả hội chúng đều là năm trăm vị Tỳ Kheo giới đức trong sạch, pháp hành tinh tấn. Và địa là vùng đất các Ngài đang ở rất thuận lợi, rất an vui.
Tháng an cư đầu tiên của nhóm năm trăm vị Tỳ Kheo nơi vùng núi Hy mã lạp sơn trôi qua bình yên. Chư vị thành đạt được pháp hành rất khả quan.

Nhưng không ai ngờ ở nơi đó lại có một số chúng sanh không hoan hỷ với pháp hành của chư vị hành giả Tỳ Kheo.

Nguyên do là khi các vị sư vào nơi rừng sâu, ngồi thiền dưới cội cây, oai đức của chư Tỳ Kheo Tăng làm cho các vị thọ thần (the tree deities) đang ở trên các cây cao không thể nào ở yên trên đó được.

Ông bà chúng ta thường nói với nhau là: “Đức trọng quỷ thần kinh”!

Các vị thọ thần phải leo xuống phía dưới, bồng bế con cái rồi đi tản mác ở đây đó khắp nơi.

Phải đợi cho đến khi các vị Tỳ Kheo quay trở lại trú xứ ở khu vực ven làng, họ mới có thể trở lại chỗ ở thường ngày.

Sự việc nầy cũng giống như khi nhà vua hay một vị quan tể tướng đi đến kinh lý ở một ngôi làng nào thì trưởng làng, rồi tất cả người dân từ già trẻ lớn bé trong ngôi làng không ai có thể ngồi yên được.

Chúng ta hiểu cho tình trạng khó khăn của các vị thọ thần ở nơi đó xảy ra tương tự như vậy.

“Như thế này cuộc sống quá vất vả!”, chư vị thọ thần bàn luận với nhau: “Không biết đến bao giờ các vị sư đây mới chịu rời khỏi địa phận của chúng ta?”.

Họ tiếp tục bàn luận với nhau:

_ Chư Tỳ Kheo đã đến đây được một tháng. Nghe nói đâu họ dự định ở luôn tới ba tháng. Nếu đúng như vậy thì chúng ta vô cùng khổ sở.

Bây giờ chỉ còn có một cách là gây sợ hãi, khiếp đảm cho họ, khiến cho họ phải rời khỏi nơi đây càng sớm càng tốt. Nghĩ là làm.

Khi màn đêm buông xuống. Như thường lệ, nơi am thất riêng mỗi vị Tỳ Kheo đều ngồi thiền về đêm. Các vị thọ thần liền hóa ra thân hình các loài ma quỷ đứng ngay sau lưng mỗi vị Tỳ Kheo, rồi đồng thanh rú lên, la hét những tiếng kinh hoàng.

Bỗng nhiên quỷ ma ở đâu xuất hiện rồi kêu réo inh ỏi làm cho tất cả hành giả đều khiếp sợ. Các vị không thể nào tập trung định tâm, tâm bấn loạn, rồi mất đi chánh niệm thường ngày.

Chưa dừng ở lại đó. Mùi hôi thối ở đâu xông lên nồng nặc đến nỗi có vị Tỳ Kheo phải ngất xỉu ngay tại chỗ ngồi thiền.

Nhưng điều đặc biệt là đến sáng ra, mỗi vị hành giả đều không ai kể lại việc hồi hôm cho vị sư bạn ở ngay cốc kế bên, vì sợ như vậy sẽ làm kinh động đến hội chúng.

Sự việc lập đi lập lại nhiều ngày. Càng ngày những hình ảnh và âm thanh càng thêm kinh khủng đến nỗi tất cả hội chúng Tỳ Kheo mất đi sự tu tập bình an trước đây.

Vị trưởng lão quan sát thấy có phát sanh điều bất ổn trong hội chúng, nên hội họp ngay tất cả chư vị lại. Với trách nhiệm của mình, vị trưởng lão bắt đầu câu chuyện:

_ Thưa chư huynh đệ, một tháng trước đây chúng ta đến đây ở rất yên ổn. Tất cả tu tập đều tiến bộ, nước da của các huynh đệ rất trong sáng, các căn của các vị rất thanh tịnh. Nhưng đến hôm nay thân hình của huynh đệ đều trở nên gầy gò, xanh xao và vàng vọt.
Điều gì đã xảy ra cho huynh đệ chúng ta vậy?

Khi nghe hỏi vậy, một vị Tỳ Kheo liền trả lời:

_ Kính bạch Ngài, về đêm con gặp phải những hình ảnh quỷ ma khiếp sợ, những tiếng la hét khiếp đảm, mùi hôi thối xông lên chịu không nổi, nên con không thể nào định tâm vào thiền định được.

Các vị Tỳ Kheo còn lại đều tường trình lên sự việc tương tự.

Vị trưởng lão mới ôn tồn nói:

_ Đức Thế Tôn có cho phép hai kỳ nhập hạ trong mùa an cư. Bây giờ ở đây không còn yên ổn cho chúng ta nữa. Hay là chúng ta hãy quay về Chùa Kỳ Viên để xin phép Đức Thế Tôn nhập hạ ở một nơi khác vậy. Tất cả năm trăm vị Tỳ Kheo đều đồng ý với lời đề nghị của vị trưởng đoàn.

Nên chư vị thu dọn nhanh chỗ ở, sắp xếp y bát, rời khỏi miền đất biên cương, rồi đi về phía thành Xá Vệ. Khi về đến nơi, các vị vào đảnh lễ Đức Thế Tôn ở Chùa Kỳ Viên.

Đức Thế Tôn thấy các vị Tỳ Kheo đi đến không hợp thời như vậy liền hỏi:

_ Nầy các vị Tỳ Kheo, Như Lai đã chế định điều học: “Vị Tỳ Kheo không được phép đi du hành trong ba tháng an cư.” Tại sao các vị lại trở về đây trong lúc nầy?

Vị trưởng đoàn thay mặt cho hội chúng năm trăm vị Tỳ Kheo tường trình sự việc lên Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn ngay sau đó quán xét khắp mọi nơi trong toàn cõi xứ Ấn Độ (Diêm Phù Đề), nhưng Ngài không thấy một nơi nào khác thích hợp cho các đệ tử, ngoại trừ miền đất đó.

Nên Ngài mới dạy chư vị Tỳ Kheo:

_ Nầy các thầy Tỳ Kheo, không có một trú xứ nào khác thích hợp cho các thầy ngoài nơi đó. Hãy trở lại miền đất đó, tiếp tục mùa an cư, các vị có thể đoạn trừ được phiền não ngay trong mùa hạ nầy. Hãy quay trở lại, hãy tiếp tục pháp hành ở vùng đất đó.
Nay Như Lai dạy thêm cho các thầy một Bài Hộ Kinh (the protective discourse). Bài kinh nầy sẽ hộ trì cho các thầy và cũng là đề mục hành thiền cho chư vị.

Rồi Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng về bài kinh Mettā Sutta, Kinh Tâm Từ.

Sau khi kết thúc bài kinh, Đức Thế Tôn dạy tiếp:

_ Nầy các đệ tử, hãy đi đến đó và ở ngay đúng chỗ đã ở. Vào ngày phát lộ mỗi nữa tháng, sau khi đánh lên tiếng chuông hiệu lệnh, tất cả hãy đọc tụng bài kinh nầy. Chư vị hãy thuyết giảng về nội dung bài kinh, thảo luận, hoan hỷ, tìm hiểu, tu tập và trau dồi về đề mục tâm từ. Làm được như vậy, các phi nhân ở vùng đất đó sẽ không quấy phá nữa mà trái lại họ sẽ hộ trì cho các thầy.

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn”, các vị Tỳ Kheo ấy vâng đáp Đức Thế Tôn.

Sau đó chư vị quỳ lên đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đi nhiễu ba vòng quanh Đức Thầy rồi mới lên đường. Trở về trú xứ trước đây, các vị làm đúng theo những gì Đức Thế Tôn đã chỉ dạy.

Các vị thọ thần ở nơi đó lần nầy được hưởng năng lực từ bi từ năm trăm vị Tỳ Kheo, nên tâm tư các vị thọ thần tràn đầy hoan hỷ và an lạc. Các vị thọ thần giờ đây hiểu ra là tất cả các vị sư đang cầu nguyện sự bình an và hạnh phúc cho họ.

Bây giờ đến phiên các vị thọ thần lại đích thân quét dọn cốc liêu cho các vị hành giả. Họ chuẩn bị đầy đủ nước uống, nước rửa tay chân, rồi còn tình nguyện đứng gác cả đêm cho các vị Tỳ Kheo an giấc.

Về phần năm trăm vị Tỳ Kheo Tăng, các Ngài tu tập siêng năng đề mục tâm từ (loving-kindness) do Đức Thế Tôn chỉ dạy.

Các vị hành giả lấy đó làm đề mục tu tập thiền chỉ, sau đó phát triển lên tuệ quán, và chỉ trong vỏn vẹn ba tháng an cư mùa mưa, cả hội chúng năm trăm vị Tỳ Kheo đều chứng đắc quả vị thánh nhân A La Hán.

Sau đó, chư vị Thánh nhân cử hành nghi lễ Tự Tứ với sự thanh tịnh cao quý bậc nhất.

Bản chú giải Paramatthajotikā kết thúc câu chuyện duyên khởi của bài kinh Mettā Sutta với dòng kệ ngôn như sau:

“Bằng cách nầy, những ai thuần thục trong pháp lành, luôn tu tập những điều lợi ích cần thiết, được thuyết giảng bởi Bậc Đạo Sư.
Đầy đủ pháp hành, viên mãn với trí huệ, vị ấy thể nhập vào trạng thái an tịnh (Niết Bàn), trải nghiệm sự thanh tịnh bậc nhất nơi nội tâm.

Do đó, người có trí hằng mong muốn thành đạt trạng thái Bất Tử, hãy thường xuyên tu tập thiện pháp, nỗ lực gìn giữ giới thanh tịnh, trau dồi định thanh tịnh và nâng cao huệ thanh tịnh.”


↑ trở lên

BÀI KINH METTĀ SUTTA

Bài Kinh Mettā Sutta, hay Kinh Karaṇīya Mettā Sutta, là một trong những bài kinh phổ biến nhất trong Kinh Tạng Pāli.
Mettā Sutta là bài kinh thứ tám trong tổng số 72 bài kinh trong Kinh Tập (Sutta Nipāta) thuộc Tiểu Bộ Kinh.
Bài kinh trên kết hợp với Ratana Sutta và Mahāmaṅgala Sutta, tạo nên một bộ ba được gọi là Kinh Paritta Suttas, Hộ Kinh, nghĩa là kinh hộ trì và đem lại điều phước lành.
Chủ đề của Kinh Mettā Sutta là thực hành thiền về tâm từ.

Nội dung đó được thể hiện nhất quán qua 10 câu kệ ngôn Pāli, từ câu kệ ngôn 143 đến câu kệ ngôn 152.
Bố cục của bài kinh có thể chia ra làm bốn phần chính như sau:

1. Phần thứ nhất gồm hai câu kệ ngôn đầu tiên và hai dòng đầu của câu kệ ngôn thứ ba: giới hạnh là bước căn bản để thực hành tâm từ.
2. Phần thứ hai gồm hai dòng kệ ngôn tiếp theo của câu kệ thứ ba, tiếp nối câu kệ thứ tư, cho đến câu kệ thứ sáu: tâm từ được thể hiện qua lời cầu nguyện: “Mong cho tất cả đều an lạc.”
3. Phần thứ ba từ câu kệ ngôn thứ bảy cho đến câu kệ thứ chín: cách thực hành thiền tâm từ.
4. Phần thứ tư là câu kệ sau cùng (152): phước báu của thiền tâm từ.

NỘI DUNG KINH METTĀ SUTTA

1. Với những ai thuần thục trong pháp lành, nên thực hành theo những điều sau, để thể nhập vào trạng thái an tịnh;
Vị ấy có khả năng, chất phác, chánh trực, biết lắng nghe lời khuyên, hiền hòa, không kiêu mạn.

2. Sống tri túc, dễ dàng được chu cấp, ít phận sự và có nếp sống thanh đạm;
Các căn thanh tịnh, minh mẫn, nhu thuận, không quá thân thiết với các gia đình tín chủ.

3. Không làm bất cứ điều gì, dầu nhỏ nhoi, để cho các bậc thiện trí thức có thể khiển trách; mà luôn tâm niệm:
Mong cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc và bình an; mong cho tất cả đều an lạc.

4. Bất cứ loài hữu tình nào, hết thảy không hề thiếu sót, dầu là yếu đuối hay mạnh mẽ;
Chúng sanh dầu có thân hình dài, to lớn, trung bình, ngắn gọn, vi tế hay thô sơ.

5. Những chúng sanh được nhìn thấy hoặc không thể nhìn thấy, ở xa hay ở gần;
Đã được sanh ra hay sắp được sanh ra. Mong cho tất cả đều an lạc.

6. Không nên lừa dối bất cứ ai, không nên xem thường ai, dầu họ đang ở nơi đâu;
Không nên vì sân hận hay oán thù mà mong cho người khác phải đau khổ.

7. Như người mẹ hiền luôn bảo vệ con của mình, người con duy nhất của bà, bằng chính mạng sống của mẹ;
Dường thế ấy, hãy trải rộng tình thương đến tất cả chúng sanh, tình thương không hạn lượng.

8. Vị ấy luôn trải rộng lòng từ, tình thương không hạn lượng đến khắp mọi nơi;
Đến bên trên, bên dưới, khoảng giữa, không có giới hạn, tâm không hận thù cũng không oan trái.

9. Khi đứng, khi đi, khi ngồi hay khi nằm, lúc nào hành giả cũng không có vẻ uể oải;
Luôn an trú với tâm niệm như thế. Đó được gọi là phạm trú vậy!

10. Không chấp vào tà kiến, thành tựu giới hạnh, viên mãn trí huệ;
Đoạn trừ lòng tham với cảnh dục, bậc thánh giả không còn sanh trở lại thai tạng nữa.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN (143)

1. Karaṇīyamatthakusalena, yanta santaṃ padaṃ abhisamecca;
Sakko ujū ca suhujū ca, sūvaco cassa mudu anatimānī.

Nghĩa:
1. Với những ai thuần thục trong pháp lành, nên thực hành theo những điều sau, để thể nhập vào trạng thái an tịnh;
Vị ấy có khả năng, chất phác, chánh trực, biết lắng nghe lời khuyên, hiền hòa, không kiêu mạn.

Chú thích từ ngữ:

Karaṇīyamatthakusalena = karaṇīya: fpp. phận sự, việc cần làm + m + attha: n. điều lợi ích + kusalena: n. thuần thục, thiện xảo.
Yanta = yantaṃ = yaṃ + taṃ = rel. pr. người mà, vị mà.
Santaṃ: n. an tịnh, mát mẻ.
Padaṃ: n. trạng thái.
Abhisamecca: absol. sau khi nhận thức được.
Sakko: m. có khả năng.
Ujū: m. ngay thẳng, chân thật.
Ca: prt: và.
Suhujū: m. chánh trực.
Suvaco: m. biết lắng nghe lời khuyên.
Cassa = ca + assa: opt. vị ấy cần phải.
Mudu: m. hiền hòa, nhu thuận.
Anatimānī: m. không kiêu mạn.

Chúng ta tìm hiểu dòng kệ ngôn đầu của câu kệ thứ nhất: “Với những ai thuần thục trong pháp lành”, (atthakusalena).

Thế nào là thuần thục trong pháp lành?

Bản chú giải Paramatthajotikā II giải thích rất chi tiết như sau:
a. Vị thuần thục trong pháp lành là người đi xuất gia trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn. Vị ấy siêng năng thực hành các thiện pháp sau đây.
Người xuất gia mong muốn thành tựu trong pháp Tứ Thanh Tịnh Giới.
Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Ba la đề mộc xoa (Pāṭimokkha), nhờ vào đức tin chân chánh.
Chế ngự với sự chế ngự các căn nhờ vào chánh niệm.
Thành tựu việc nuôi mạng chân chánh nhờ vào chánh tinh tấn.
Thành tựu giới quán tưởng vật dụng thanh tịnh nhờ vào trí huệ.
b. Vị thuần thục trong pháp lành là vị xuất gia thanh tịnh trong sự chế ngự giới bổn Ba la đề mộc xoa, bởi sự thanh tịnh cả bảy phân loại của giới bổn.
Là vị thành tựu sự chế ngự các căn bằng cách không cho sanh khởi tham dục và các ác, bất thiện pháp khi các căn tiếp xúc với các cảnh trần.
Là vị thành tựu việc nuôi mạng sống bằng việc ngăn ngừa các pháp tà mạng, thực hành theo pháp chánh mạng đã được Chư Phật và các bậc thiện trí thức tán dương.
Thành tựu giới quán tưởng vật dụng thanh tịnh nhờ vào trí huệ.
Và thành tựu sự tỉnh giác nhờ vào sự quán xét chi tiết các oai nghi.
c. Giống như một người làm sạch miếng vải bẩn bằng nước muối, hoặc làm sạch tấm gương bằng tro, hoặc tinh luyện thỏi vàng ròng trong lò nấu kim loại; tương tự, vị xuất gia làm trong sạch giới đức bằng trí tuệ.
Giống như con gà mái bảo vệ trứng của mình, như con bò Tây Tạng (Yak) bảo vệ đuôi của nó, như người mẹ bảo vệ đứa con duy nhất của bà, như người hư một mắt, phải bảo vệ con mắt còn lại; cũng vậy, vị xuất gia chuyên tâm trong việc gìn giữ giới đức của mình.
Vị thuần thục trong pháp lành là vị hành giả tự quán xét cả ngày lẫn đêm, và thấy mình không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào.
Là vị xuất gia trên nền tảng giới hạnh thanh tịnh, không còn ăn năn, sầu muộn, vị ấy nỗ lực thực hành để đoạn trừ phiền não, thực hành các bước tuần tự trong các đề mục thiền Kasiṇa (đề mục thiền định), và sau đó thành tựu sự chứng đắc trong các tầng thiền.
Là vị hành giả xuất ra khỏi thiền định, quán xét các pháp hữu vi, nhờ đó thành đạt quả vị thánh nhân A La Hán.
Đây được xem là vị hành giả ưu việt bậc nhất trong các vị thuần thục trong các pháp lành.
d. Trong số nầy, những vị được khen ngợi là thuần thục trong pháp lành, là những vị có nền tảng giới đức, sống được an lạc, tinh tấn đoạn trừ phiền não, là những vị hành giả thành đạt các đạo và các quả siêu thế.

Ở đây, năm trăm vị Tỳ Kheo trong câu chuyện dẫn nhập của Kinh Mettā Sutta chính là các vị thuần thục trong pháp lành.

Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Nên thực hành theo những điều như sau”, (karaṇīya): là sự thực hành theo pháp tam học: giới học, định học và huệ học.

Dòng kệ ngôn: “Để thể nhập vào trạng thái an tịnh”, (yanta santaṃ padaṃ abhisamecca): vị hành giả mong muốn an trú, thể nhập vào trạng thái an tịnh là Niết Bàn.

Hai dòng kệ ngôn cuối của câu kệ thứ nhất: “Vị ấy có khả năng, chất phác, chánh trực, biết lắng nghe lời khuyên, hiền hòa, không kiêu mạn.”

Dòng kệ ngôn trên giải thích rõ về các đức tính cần phải có của một vị Tỳ Kheo, nhất là vị Tỳ Kheo đang tu tập trong khu rừng.

Sau đây là các đức tính cần phải có của một vị hành giả Tỳ Kheo thực hành thiền tâm từ.
a. Vị ấy có khả năng (sakko): có sức khỏe, siêng năng, có năng lực.
Khả năng ở đây để chỉ cho hành giả biết rõ các bổn phận của vị ấy như sắp xếp trú xứ, làm tròn bổn phận đối với các bạn đồng phạm hạnh v.v…. Vị hành giả có khả năng thực hành để chứng đắc chân lý.
b. Chất phác (ujū): ngay thẳng, chân thật.
c. Chánh trực (suhujū): vị ấy phải huân tập đức tính tốt đó thường xuyên, không bê trễ, phải rất là ngay thẳng và chánh trực.
d. Biết lắng nghe lời khuyên (sūvaco): vị hành giả không chỉ có đức tính tốt là chất phác và chánh trực mà còn biết lắng nghe lời khuyên từ các bạn đồng phạm hạnh.
e. Hiền hòa (mudu): vị hành giả không chỉ biết lắng nghe lời khuyên mà tâm tư còn phải hiền hòa, nhu thuận. Tâm tánh hiền hòa được biểu hiện nơi khuôn mặt và cử chỉ.
f. Không kiêu mạn (anatimānī): khiêm tốn, không kiêu căng, không ngạo mạn. Điều quan trọng là vị hành giả không có tánh kiêu mạn, xem thường người khác.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ HAI (144)

2. Santussako ca subharo ca, appakicco ca sallahukavutti;
Santindriyo ca nipako ca, appagabbho kulesvananugiddho.


Nghĩa:

2. Sống tri túc, dễ dàng được chu cấp, ít phận sự và có nếp sống thanh đạm;
Các căn thanh tịnh, minh mẫn, nhu thuận, và không quá thân thiết với các gia đình tín chủ.

Chú thích từ ngữ:
Santussako: m. biết đủ, tri túc.
Subharo: m. dễ dàng được chu cấp.
Appakicco: m. ít phận sự.
Sallahukavutti: m. có nếp sống thanh đạm.
Santindriya: m. các căn được thanh tịnh.
Nipako: m. minh mẫn.
Appagabbho: m. nhu thuận.
Kulesvananugiddho = kulesuananugiddho: m. không quá thân thiết với các gia đình tín chủ.

Trong câu kệ ngôn trên, Đức Thế Tôn tiếp tục mô tả các đức tính của một vị Tỳ Kheo, nhất là vị Tỳ Kheo đang tu tập trong rừng.

1. Tri túc (santussako)

Thế nào là vị sống tri túc? Đó là vị hành giả sống biết đủ với mười hai pháp liên quan đến y phục, thực phẩm, trú xứ và dược phẩm trị bệnh.
Đối với y phục, vị ấy thực hành theo ba điều: tri túc với y phục của mình, tri túc với y phục đang có và có tâm bình đẳng với y phục.
Thực phẩm, trú xứ và dược phẩm trị bệnh được hiểu tương tự.
Điều mình có ở đây là bốn món vật dụng (y phục, thức ăn, trú xứ, dược phẩm trị bệnh) được nêu lên trong khi thọ đại giới và vị tân sư kể từ đây hiểu rõ: “Người xuất gia có được vật thực bằng cách đi khất thực.”
Tri túc với điều mình có nghĩa là vị hành giả nuôi sống với những gì người khác cho mình, dầu đó là tốt hay xấu, được cho ra một cách cung kính hay bất cẩn.
Vị ấy không hề thể hiện sự bực tức lúc đón nhận hay lúc sử dụng các món vật dụng đó.
Những gì đang có là những gì vị hành giả đã có được và đang sử dụng.
Tri túc với những gì đang có nghĩa là vị hành giả hài lòng, biết đủ với những gì mình đang có, không mong cầu thêm điều gì, từ bỏ sự mong cầu thái quá.
Tâm bình đẳng với vật dụng nghĩa là từ bỏ sự ưa thích và ghét bỏ, liên hệ với điều mình thích hay không thích.

2. Dễ dàng được chu cấp (subharo)

Một nhà sư rất khó khăn trong việc chu cấp hay hỗ trợ bởi tín thí là vị sư hay tỏ ra không bằng lòng hay khó chịu, ngay cả khi bình bát của vị ấy đã được sớt đầy cơm, thức ăn và các thực phẩm thượng vị khác.
Vị ấy chê bai thức ăn ngay trước mặt người đàn na, và nói: “Đây là món ăn mà ông đặt bát cho tôi đó hả?” rồi đem thức ăn ấy cho các vị sa di hay người khác, ngay trước mặt người tín chủ.
Khi Phật tử nhìn thấy vị sư hay hành xử như vậy, họ liền tránh vị ấy ngay từ xa, với suy nghĩ: “Không thể nào cung phụng cho một vị sư khó tính đến như vậy!”.
Nhưng đối với một vị sư dễ dàng được chu cấp, luôn có tâm bình đẳng và hài lòng với bất cứ vật gì vị ấy nhận được, dầu tốt hay xấu, nhiều hay ít, vị ấy đều hoan hỷ đón nhận.
Khi Phật tử nhìn thấy vị sư có đức tính tốt nầy, mọi người đều vô cùng hoan hỷ, nghĩ rằng: “Nhà sư của chúng ta rất dễ dàng chu cấp và luôn hài lòng với ngay cả vật dụng ít ỏi.”

3. Ít phận sự (appakicco): vị hành giả có ít phận sự.

Vị ấy không sẵn sàng tham gia vào nhiều công việc như các vị sư bạn khác khi họ luôn ưa thích trong công việc, ưa thích nói chuyện, ưa thích tụ hội v.v….
Trong tự viện, vị ấy ít bận rộn vì không có bổn phận nào trong việc xây dựng cốc liêu, phòng ốc, sửa sang vật dụng nhà chùa, hay dạy dỗ các vị Sa di hay quản lý nhân sự.
Vị hành giả chỉ biết sắp xếp y bát, làm những việc cá nhân, nhưng vị ấy tập trung hết tâm trí cho việc hành đạo của một vị tu sĩ.

4. Nếp sống thanh đạm (sallahukavutti): vị hành giả có nếp sống thanh bần, giản dị.

Khi một vị Tỳ Kheo có quá nhiều vật dụng nếu có đi đâu xa vị ấy phải khởi hành với rất nhiều tùy tùng đi theo, để mang vác đồ đạc cho mình, nào là y bát, vải trải giường, dầu thoa v.v….
Trái lại, một vị hành giả có rất ít vật dụng, chỉ có vỏn vẹn ít vật cần thiết của một vị tu sĩ, như y bát, dao cạo tóc, tọa cụ, vị ấy sẽ đi bất cứ nơi đâu giống như con chim chỉ mang theo đôi cánh.

5. Các căn thanh tịnh (santindriyo): các căn của vị hành giả được thanh tịnh.

Các căn không bị ô nhiễm bởi tham dục và các phiền não khác, khi các căn tiếp xúc với các cảnh trần đáng ưa thích.

6. Minh mẫn (nipako): thông minh, sáng suốt.

Vị hành giả thông minh, sáng suốt trong việc gìn giữ giới hạnh; khéo léo trong việc tìm kiếm y phục cùng các phương tiện khác một cách thích hợp như chỗ ở, trai đường, lời nói, bạn đồng tu, vật thực, thời tiết và oai nghi.

7. Nhu thuận (appagabbho): tinh tế, lịch sự, nhã nhặn.

Đây có nghĩa là vị hành giả không có các hành động về thân thô tháo, các lời nói khiếm nhã, và vô số trường hợp của tâm không nhu thuận.
Các trường hợp của thân hành xử thô tháo là cách hành xử không đúng phép của vị Tỳ Kheo đối với Tăng chúng khi ở nơi đông người, ở chỗ riêng tư, ở nhà ăn, ở nơi phòng tắm, trên con đường đi khất thực, và khi đi vào nhà các tín chủ.

Ở những nơi như vậy, vị Tỳ Kheo ngồi không đúng cách, hoặc là duỗi thẳng chân ra, hoặc là bắt chéo chân, dầu nơi đó đang có sự hiện diện của vị Trưởng Lão.
Ở nơi nhà ăn, vị Tỳ Kheo không biết chuẩn bị chỗ ngồi tốt cho các vị Tỳ Kheo cao hạ, rồi chính vị ấy lại giành chỗ ngồi với các sư mới xuất gia.
Ở nơi nhà trù, vị ấy đốt lửa hay làm những việc linh tinh khác mà không xin phép vị Trưởng Lão.

Liên quan đến phòng tắm như đã được ghi trong nội quy: “Ai đến phòng tắm trước thì sử dụng trước, ở đây không kể về hạ lạp.”
Không màng gì đến luật lệ, vị Tỳ Kheo ấy đến phòng tắm sau rồi gây phiền đến cho tất cả các vị đã đến trước.
Trên lối đi khất thực, vị ấy đi trước các vị Trưởng Lão để giành cho mình chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, thực phẩm tốt nhất.
Khi đi vào nhà tín chủ, vị ấy đi ngay sau lưng các vị cao hạ, rồi đùa giỡn với con của các gia chủ.
Các trường hợp của lời nói khiếm nhã là lời nói không thích hợp liên quan đến sinh hoạt của Tăng Già, trong một nhóm, và nơi nhà của các thí chủ.
Có nghĩa là có vị nói Pháp ở giữa Tăng Chúng mà không xin phép vị tôn túc, tương tự như vậy đối với sinh hoạt trong một nhóm và ở nhà các tín chủ.
Khi các gia chủ hỏi Chư Tăng điều gì, vị đó tự động trả lời mà không xin phép vị Trưởng Lão.
Ở nơi nhà các tín chủ, vị ấy nói năng bất cẩn: “Đây là cái gì vậy? Có cháo hay cái gì để ăn không? Ông sẽ cho tôi cái gì? Có gì để ăn? Có gì để uống?”.
Vô số các trường hợp của ý không thanh tịnh là những ý nghĩ tà vạy, như tham dục, diễn ra trong tâm của vị Tỳ Kheo ấy nhưng chưa thể hiện ra hành động.

8. Không tự ràng buộc với các gia đình tín chủ (kulesu ananugiddho).

Khi vị Tỳ Kheo đi vào trong nhà của gia chủ, vị ấy không có tham lam vì không mong cầu tài vật hay là tạo nên các mối ràng buộc không thích hợp với các gia chủ.
Vị ấy không buồn với họ, không vui với họ, không trở nên vui vì họ vui mà cũng không buồn vì họ buồn.
Vị ấy không tự nguyện đi làm những công việc riêng tư của các tín chủ.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ BA, THỨ TƯ, THỨ NĂM

(145, 146, 147)

3. Na ca khuddaṃ samācare kiñci, yena viññū pare upavadeyyuṃ;
Sukhino va khemino hontu, sabbe sattā bhavantu sukhitattā.


Nghĩa:

3. Vị ấy không làm bất cứ điều gì, dầu nhỏ nhoi, khiến cho các bậc thiện trí thức phải khiển trách;
Mong cho tất cả chúng sanh hữu tình đều được hạnh phúc và bình an; mong cho tất cả đều an lạc.

Chú thích từ ngữ:
Na: prt. không.
Khuddaṃ samācare = khudda – m – ācare: pr.opt. việc cần làm.
Kiñci: n. bất cứ điều gì.
Yena: n. điều mà.
Viññū: n. các bậc trí.
Pare: n. cái khác, người khác.
Upavadeyyuṃ: pr.opt. có thể khiển trách.
Sukhino: m. hạnh phúc.
Va: prt. và.
Khemino: m. bình an.
Hontu: pr.imp. mong là, hãy là.
Sabbe sattā: m. tất cả chúng sanh.
Bhavantu: pr.imp. mong là, hãy là.
Sukhitattā: m. tự thân an lạc.

Với hai câu kệ ngôn đầu trong bài kinh Mettā Sutta, Đức Thế Tôn chỉ dạy cho các vị hành giả các đức tánh tốt cần phải trau dồi.
Sau đó, Ngài dạy tiếp câu kệ ngôn thứ ba hướng dẫn cho các hành giả nỗ lực tu tập thêm nhiều pháp lành.
Dòng kệ ngôn: “Vị ấy không làm bất cứ điều gì, dầu nhỏ nhoi khiến cho các bậc thiện trí thức phải khiển trách.”
Vị hành giả sẽ không làm bất cứ điều gì, dầu nhỏ đến đâu, mà vì nguyên nhân đó các bậc có trí sẽ khiển trách vị ấy.
Các lỗi lầm nhỏ đó liên quan đến hành động của thân, khẩu và ý.
Có nghĩa là vị hành giả luôn giữ gìn oai nghi tế hạnh của vị Sa môn: thân không hành động thô tháo, khẩu không nói lời khiếm nhã, và ý không vẩn đục bởi các tư duy không lành mạnh.
Vị hành giả tu tập thiền về tâm từ (cũng như các đề mục còn lại khác) luôn cố gắng không vi phạm các điều lỗi nhỏ nhặt nêu trên.
Để cho các bậc có trí có thể khiển trách: ở đây chúng ta cần phân biệt giữa kẻ thiểu trí (unwise) và người có trí (wise).
Người có trí, sau khi quán xét và nhận định rõ vấn đề, sẽ khiển trách ai đáng bị khiển trách và khen ngợi ai đáng được khen ngợi.
Còn kẻ thiểu trí thì không được như vậy!
Do đó, Phật tử chúng ta đừng làm bất kỳ điều gì để cho các bậc thiện trí thức, họ buộc lòng phải lên tiếng.
Đức Thế Tôn hướng dẫn cho các vị hành giả những việc cần phải làm và những việc không nên làm.
Chúng ta tìm hiểu dòng kệ ngôn tiếp theo:
“Mong cho tất cả chúng sanh hữu tình đều được hạnh phúc và bình an;
mong cho tất cả đều được an lạc.”
Tất cả chúng sanh hữu tình (sabbe sattā): tất cả chúng sanh vạn loại hữu tình, không bỏ sót một ai.
Hạnh phúc (sukhino): hạnh phúc thể chất.
Bình an (khemino): không có tổn hại, thoát khỏi điều tai họa.
An lạc (sukhitattā): hạnh phúc tinh thần.
Đây chính là cốt lõi của thiền về tâm từ.
Lòng cầu mong chân thành đến cho tất cả mọi điều tốt đẹp. Đây là lời kinh hộ trì cho tất cả hành giả thoát khỏi mọi nguy hiểm, khó khăn.
Đồng thời cũng là đề mục thực hành thiền chỉ.

4. Ye keci pāṇabhūtatthi, tasā vā thāvarā anavasesā;
Dīghā vā ye mahantā vā, majjhimā rassakā aṇukathūlā.
5. Diṭṭhā vā ye va adiṭṭhā, ye ca dūre vasanti avidūre;
Bhūtā vā sambhavesī vā, sabbe sattā bhavantu sukhitattā.

Nghĩa:
4. Tất cả chúng sanh hữu tình, dầu là yếu đuối hay mạnh mẽ, tất cả mọi loài không có dư sót,
Chúng sanh đó dầu có thân hình dài, to lớn, trung bình, ngắn gọn, vi tế hay thô sơ.
5. Những chúng sanh được nhìn thấy hoặc không thể nhìn thấy, ở xa hay ở gần.
Đã được sanh ra hay sắp được sanh ra, mong cho tất cả đều an lạc.

Chú thích từ ngữ:
Ye keci: m. bất cứ điều gì, bất cứ ai.
Pāṇabhūtatthi = pāṇabhūta + atthi
Pāṇabhūta
: m. các chúng sanh hữu tình, loài có hơi thở.
Atthi: pr. Có
Tasā: m. yếu đuối.
Thāvarā: m. mạnh mẽ.
Anavasesā: m. không loại trừ ai.
Dīghā: m. dài.
Mahantā: m. to lớn.
Majjhimā: m. trung bình.
Rassakā: m. ngắn, nhỏ.
Aṇukathūlā: m. vi tế, thô sơ.
Diṭṭhā: m. được nhìn thấy.
Adiṭṭhā: m. không được nhìn thấy.
Dūre: m. ở xa.
Vasanti: pr. sống.
Avidūre: m. ở gần.
Bhūtā: m. đã được sanh ra.
Sambhavesī: sắp được sanh ra.

Ba câu kệ ngôn đầu Đức Thế Tôn thuyết giảng cho các vị Tỳ Kheo tu tập trong rừng sâu, cũng như cho tất cả các hành giả tu thiền, bước cơ bản là trau dồi giới hạnh, sau đó hành giả sẽ huân tập tâm từ bi, bác ái.
Nhưng đối tượng để hành giả hướng tâm từ bi đến là ai? Đó là tất cả chúng sanh vạn loài hữu tình.
Trong ba câu kệ ngôn đầu, Đức Thế Tôn đã nói về cách tu tập tâm từ một cách khái quát.
Sau đó, Đức Thế Tôn đọc hai câu kệ ngôn tiếp để trình bày sự thực hành một cách chi tiết hơn.
Ở đây, chúng ta hiểu là khi tâm của vị hành giả theo dõi quá nhiều đề mục cùng một lúc, tâm của vị ấy không thể nào an trụ vào một điểm được.
Vì đối tượng là chúng sanh được nói một cách chung chung, không cụ thể.
Do đó, Đức Thế Tôn giới hạn lại đề mục là nói chúng sanh đó theo từng phân loại.
Cách trình bày của Đức Thế Tôn giúp cho vị hành giả dễ an trú tâm hơn vào từng phân loại chúng sanh cụ thể. Và đối tượng là chúng sanh trở thành đề mục sáng tỏ hơn trong tâm của vị hành giả.

Hãy đọc câu kệ ngôn thứ tư:

4. Tất cả chúng sanh hữu tình, dầu là yếu đuối hay mạnh mẽ, tất cả mọi loài không có dư sót,
Chúng sanh đó dầu có thân hình dài, to lớn, trung bình, ngắn gọn, vi tế hay thô sơ.

Ở dòng đầu của kệ ngôn: “Tất cả chúng sanh hữu tình, dầu là yếu đuối hay mạnh mẽ, tất cả mọi loài không có dư sót.”
Tất cả chúng sanh hữu tình (ye keci pāṇabhūtatthi): tất cả chúng sanh có mạng sống hay các loài có hơi thở vì hơi thở luôn gắn liền với mạng sống.
Dầu là yếu đuối hay mạnh mẽ (tasā vā thāvarā): yếu đuối hay mạnh mẽ ở đây được hiểu theo nghĩa bóng.
Yếu đuối là những chúng sanh còn run sợ hay còn tham ái. Từ yếu đuối ở đây để chỉ cho chúng sanh còn tham ái và sợ hãi.
Mạnh mẽ là chúng sanh can trường, mạnh mẽ. Đây để chỉ cho bậc thánh nhân A La Hán, bậc đã đoạn trừ ái dục và sợ hãi.
Tất cả mọi loài không có dư sót (anavasesā): đề cập đến tất cả, không bỏ sót một chúng sanh nhỏ bé nào.
Dòng thứ hai của câu kệ ngôn: “Chúng sanh đó dầu có thân hình dài, to lớn, trung bình, ngắn gọn, vi tế hay thô sơ.”
Chúng sanh đó dầu có thân hình dài (dīghā): như các loài rồng rắn, các loài bò sát.
To lớn (mahantā): như loài cá, rùa to lớn ở đại dương.
Trung bình (majjhimā): chúng sanh có thân hình không quá to lớn cũng không quá nhỏ bé như trâu bò, các loài gia súc.
Ngắn ngọn (rassakā): chúng sanh có thân hình nhỏ bé như các con thú cưng.
Vi tế hay thô sơ (aṇukathūlā): thô sơ để chỉ cho chúng sanh hay sinh vật có thể thấy được bằng mắt thường; còn vi tế là các loài chúng sanh chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi, như các loài vi sinh vật.

Câu kệ ngôn thứ năm:

5. Những chúng sanh được nhìn thấy hoặc không thể nhìn thấy, ở xa hay ở gần.
Đã được sanh ra hay sắp được sanh ra. Mong cho tất cả đều an lạc.

Dòng kệ ngôn đầu: “Những chúng sanh được nhìn thấy hoặc không thể nhìn thấy, ở xa hay ở gần.”

Những chúng sanh được nhìn thấy (diṭṭhā): những chúng sanh ở trong tầm mắt của chúng ta.
Hoặc không thể nhìn thấy (adiṭṭhā): những chúng sanh ở tận dưới đáy đại dương hay ở trong rừng sâu núi thẳm.
Ở xa hay ở gần (ye ca dūre vasanti avidūre): xa hay gần nơi đây để chỉ cho vị trí của chúng sanh đang ở so với vị trí của chúng ta.
Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Đã được sanh ra hay sắp được sanh ra, mong cho tất cả đều an lạc.”
Đã được sanh ra hay sắp được sanh ra (bhūtā vā sambhavesī vā): chúng sanh đã được sanh ra để chỉ cho các bậc thánh nhân A La Hán. Chư vị đã sanh ra và không còn sanh trở lại nữa.
Hay sắp được sanh ra là các bậc thánh nhân hữu học. Chư vị đã đoạn trừ các kiết sử thấp và chỉ còn tái sanh trong thời hạn tối thiểu.
Các chúng sanh sắp được sanh ra là các chúng sanh phàm nhân, luôn đi tìm nơi tái sanh.
Các chúng sanh sắp được sanh ra là chúng sanh trong bốn loài: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh. Các chúng sanh đó đều có khuynh hướng tầm cầu đời sống tái sanh tương lai.
Dòng kệ ngôn trọng tâm: “Mong cho tất cả đều an lạc.”
Mong cho tất cả đều an lạc (sabbe sattā bhavantu sukhitattā): vị hành giả phát khởi tâm từ bi đến tất cả chúng sanh. Ý nghĩa nầy đã được giải thích ở bên trên.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ CHÍN, THỨ MƯỜI
(151, 152)

9. Tiṭṭhañ caraṃ nisinno vā, sayāno vā yāvatassa vigatamiddho;
Etaṃ satiṃ adhiṭṭheyya, brahmametaṃ vihāraṃ idhamāhu.


Nghĩa:
Khi đứng, khi đi, khi ngồi hay khi nằm, lúc nào vị ấy cũng không có vẻ uể oải.
Luôn an trú với tâm niệm như thế. Đó được gọi là phạm trú vậy.

Chú thích từ ngữ:
Tiṭṭhaṃ: pr.p. đứng
Caraṃ: pr.p. đi
Nisinno: p.p. ngồi
Sayāno: pr.p. nằm
Yāvatāssa = yāvatā – assa: pr.opt. cho đến khi vị ấy có thể
Vigatamiddho = vigata: không có + middho: m. sự uể oải
Etaṃ satiṃ: f. tâm niệm như thế
Adhiṭṭheyya: pr.opt. nên an trú
Brahmametaṃ = brahma – m – etaṃ: m. phạm hạnh nầy
Vihāraṃ: m. an trú
Idhamāhu = idha – m – āhu: ở đây được gọi là

Sau khi đã thuyết giảng cách hành thiền về tâm từ, Đức Thế Tôn giảng giải tiếp là không có một tư thế, oai nghi cố định nào cho việc thực hành.
Hãy chọn cho mình một oai nghi thích hợp nhất!

Khi đứng, khi đi, khi ngồi hay khi nằm, lúc nào vị ấy cũng không có dáng vẻ uể oải. Luôn an trú với tâm niệm như thế. Đây chính là nguyên tắc quan trọng trong tu tập thiền định.

Không nên quá bận tâm vào tư thế ngồi, cũng không nên lo nghĩ là phải ngồi thiền trong bao lâu.

Chúng ta hiểu là việc ngồi thiền hay huân tập chánh niệm, tỉnh giác có thể được thực hiện ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào.

Hãy giữ cho thân tâm luôn ở trạng thái tích cực. Không lừ đừ, mệt nhọc, dã dượi, uể oải.

Thân và tâm của vị hành giả luôn năng động, nhiệt tình, hăng hái và siêng năng trong việc thực hành.

Điểm quan trọng nhất ở nơi đây là vị hành giả phải nắm vững nguyên lý thực hành. Vị hành giả phải luôn an trú với tâm niệm như thế và như thế.

Vị ấy sống với ý niệm về tình thương, an trú trong ảnh hưởng của tâm từ trong mọi lúc, mọi nơi.

Vị nào làm được như vậy, vị đó sẽ được Đức Thế Tôn khen ngợi.

Đức Thế Tôn khen ngợi việc thực tập như vậy chính là phạm trú (brahmametaṃ vihāraṃ idhamāhu).

Phạm trú là gì?
Phạm trú là sự an trú cao quý nhất trong Pháp Luật của Đức Thế Tôn.
Phạm trú là sự vắng mặt các lỗi lầm. Phạm trú đem lại điều lợi lạc cho chính bản thân và tha nhân.
Phạm trú được xem là nơi an trú của các vị Chư thiên, các vị Phạm thiên.
Liên tục, bền bĩ, kiên trì và nỗ lực, vị hành giả an trú tâm vào ý niệm tình thương; dầu là đang đứng, đang đi, đang ngồi, hay đang nằm, lúc nào thân tâm của vị ấy cũng an lạc và thảnh thơi.

10. Diṭṭhiñca anupagamma, sīlavā dassanena sampanno;
Kāmesu vineyya gedhaṃ, na hi jātu gabbhaseyyaṃ punaretīti.


Nghĩa:
Không chấp thủ tà kiến, thành tựu giới hạnh, viên mãn trí huệ;
Đoạn trừ lòng tham với cảnh dục, vị hành giả không còn sanh trở lại thai tạng nữa.

Chú thích từ ngữ:
Diṭṭhiṃ: f. tà kiến
Anupagamma: absol. từ bỏ
Sīlavā: m. giới hạnh
Dassanena: n. trí huệ
Sampanno: m. viên mãn
Kāmesu: m. trong các dục
Vineyya: pr.imp. đoạn trừ
Gedhaṃ: m. tham ái
Jātu: ind. thật vậy, chắc vậy
Gabbhaseyyaṃ: f. nằm trong thai bào
Punaretīti = puna – r – eti’ti: pr. đi lại

Không chấp thủ tà kiến: chấp thủ vào sự hiểu biết sai lầm, cho rằng trong thân nầy có tự ngã, là thân kiến.

Thành tựu giới hạnh: thành tựu giới thanh tịnh.

Viên mãn trí huệ: hoàn hảo về chánh kiến hay trí huệ của thánh đạo Nhập Lưu, kết hợp với giới thanh tịnh.

Đoạn trừ lòng tham với cảnh dục: bằng thánh đạo A Na Hàm, hành giả đoạn trừ hoàn toàn phiền não tham dục.

Vị hành giả không còn sanh trở lại thai tạng nữa: bậc thánh giả không bao giờ sanh vào thai bào của người mẹ nữa, không còn trở lại cõi dục nữa.

Ý nghĩa sâu xa của câu kệ ngôn nầy là gì?

Dòng kệ ngôn đầu:
“Không chấp vào tà kiến, thành tựu giới hạnh, viên mãn trí huệ.”

Chủ đề xuyên suốt của bài kinh là thực hành thiền đề mục tâm từ. Đến phần cuối, Đức Thế Tôn nhấn mạnh: “Không chấp vào tà kiến.”
Bởi vì tâm từ có đối tượng là chúng sanh loài hữu tình. Khi quan sát về chúng sanh, hành giả dễ phát sanh quan điểm về tự ngã.
Suy nghĩ trong chúng sanh luôn tồn tại một cái tôi, cái ta, hay là tự ngã (atta). Đây là phiền não thân kiến. Quan điểm sai lầm cho rằng trong thân nầy có tồn tại một cái ngã trường tồn, bất biến.
Do đó, Đức Thế Tôn đã giảng dạy tiếp cho năm trăm vị Tỳ Kheo là “Không nên chấp vào tà kiến.”

Ở đây đề mục về tâm từ được hiểu là tu tập ở bước căn bản, tâm từ là đề mục thiền chỉ (samatha).

Trên cơ sở thiền chỉ, Đức Thế Tôn dẫn dắt chư vị, phát triển tiếp tục tuệ quán hay thiền quán (vipassanā) để thành đạt đạo quả thánh nhân.

Bằng cách nào?
Sau khi an trú trong trạng thái thiền định gọi là Phạm trú, vị hành giả xuất ra khỏi thiền và phát triển tuệ quán, quán xét các pháp hữu vi bao gồm danh pháp và sắc pháp.
Không chấp vào tà kiến ở đây có nghĩa là vị hành phân biệt được rõ ràng đâu là danh pháp, đâu là sắc pháp.
Tuệ quán hay tuệ minh sát giúp cho chúng ta thấy rõ được tấm thân nầy chỉ là sự tập hợp của các pháp hữu vi mà thôi, không có chúng sanh, không có cái ngã nào có thể tìm được ở trong thân nầy.
Tất cả đều chỉ là do nhân duyên mà hợp thành mà thôi.
Như nhiều bộ phận phụ tùng ráp lại sẽ tạo thành một chiếc xe, cũng vậy, thân nầy chỉ là một tập hợp của ngũ uẩn, thường được gọi theo danh từ chế định là con người, chúng sanh, loài hữu tình v.v….
Dòng kệ ngôn đầu mô tả sự thành tựu giới thanh tịnh và tuệ là sự chứng đắc thánh đạo.
Vị hành giả đoạn trừ tà kiến, thành tựu giới và viên mãn về trí huệ. Trí huệ ở đây là trí huệ của bậc thánh nhân, kết hợp với giới thanh tịnh.
Đó là các bậc thánh nhân hữu học, các bậc thánh Tu Đà Hườn, bậc thánh Tư Đà Hàm.
Tuy nhiên ở giai đoạn nầy, phiền não tham dục vẫn chưa được đoạn trừ hoàn toàn. Phiền não tham vẫn còn dư sót lại ở trong tâm của bậc thánh nhân hữu học.
Dòng thứ hai của câu kệ ngôn:
“Đoạn trừ lòng tham với cảnh dục, vị hành giả không còn sanh trở lại thai tạng nữa.”
Đoạn trừ lòng tham với ngũ dục hay đoạn trừ lòng tham dục: ở đây sau khi đã làm suy yếu đi rất nhiều phiền não tham ở giai đoạn thánh đạo Tư Đà Hàm, bậc thánh giả tiếp tục đoạn trừ hoàn toàn phiền não tham bằng thánh đạo A Na Hàm.
Vị hành giả không còn sanh trở lại thai tạng nữa: đối với bậc thánh nhân A Na Hàm, các Ngài không còn sanh trở lại cõi dục nữa.
Từ cõi nhân gian, chư vị tái sanh về cõi ngũ tịnh cư (thuộc cõi sắc giới). Ở đó các Ngài tiếp tục chứng đắc quả vị A La Hán và viên tịch Niết Bàn.
Kinh Mettā Sutta mô tả về hành trạng tu tập của các bậc thánh giả. Chư vị tu tập đề mục tâm từ ở giai đoạn cơ bản, sau đó các Ngài phát triển lên tuệ minh sát và thành đạt các thánh quả.
Kinh Mettā Sutta, Kinh Tâm Từ là bài hộ kinh, Paritta Sutta, cũng là đề mục để chư vị hành giả tu tập thiền định, thiền tâm từ.

↑ trở lên

METTĀ SUTTA

Hiền nhân có đủ đức tài,
Hằng tìm lợi ích tương lai cho mình.
Dọn lòng an tịnh thanh bình,
Tiến vào cực lạc, vô sanh Niết Bàn.
Giữ lòng chánh trực đoan trang,
Nhu hòa, lương thiện, chẳng màng khoe khoang.
Thanh bần thủ phận an nhàn,
Không ham thế sự tịnh an cõi lòng.
Lục căn chế ngự nghiêm phòng,
Không cho liều lĩnh vướng trong lục trần.
Không làm nhơ bẩn tinh thần,
Tránh lời chê trách thánh nhân phê bình.
Nguyện cầu tất cả chúng sanh,
Dồi dào hạnh phúc, hòa bình an vui.
Cầu cho ba giới, bốn loài,
Chúng sanh yếu mạnh, ngắn dài, bình trung.
Béo gầy, nhỏ lớn khôn cùng.
Hữu hình, vô tướng muôn trùng gần xa.
Chưa sanh hoặc đã sanh ra,
Thảy đều thọ hưởng hà sa phước lành.
Nguyện không lừa gạt dối quanh,
Khinh người miệt chúng, hư danh trang hiền.
Dầu cho thân thuộc xóm giềng,
Người dưng kẻ lạ các miền xa xăm.
Trong cơn phẩn nộ giận thầm,
Cũng không lo nghĩ mưu thâm hại người.
Như lòng từ mẫu vui tươi,
Trăm cay ngàn đắng luôn cười vì con.
Dẫu cho một mất một còn,
Bảo tồn con trẻ vuông tròn vui chơi.
Tình thương ghi tạc đời đời,
Từ bi rộng lớn bầu trời thênh thang.
Học theo từ mẫu gương vàng,
Mở lòng thương mến họ hàng gần xa.
Chúng sanh khắp cõi sa bà,
Thoát vòng khổ não, vượt qua luân hồi.
Ngày ngày rải khắp nơi nơi,
Bốn phương tám hướng, bầu trời bao la.
Tấm lòng bác ái vị tha,
Đượm nhuần tư tưởng đậm đà tình thương.
Lòng từ trong sạch như gương,
Không mang ác cảm, không vương tư thù.
Chú tâm, niệm niệm công phu,
Khi đi, khi đứng, chuyên tu tham thiền.
Nằm ngồi suy niệm thường xuyên,
Chuyên tầm đạo quả, gieo duyên Niết Bàn.
Đó là pháp xuất thế gian,
Đó là phương pháp đưa đàng vô sanh.
Thánh nhân ca ngợi tán thành,
Xuôi dòng thánh vức, lữ hành Nhập Lưu.
Vượt lên đến mức tối ưu,
Khai thông tuệ nhãn, tầm sưu đỉnh đầu.
A Hàm đạo tuệ nhiệm mầu,
Đoạn tuyệt tà kiến, xóa tan dục tình.
Bất Lai cảnh giới hữu hình,
Phạm thiên thượng ngự, quang vinh Niết Bàn.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com