Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Rằm Tháng Bảy

  1. Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG BẢY
  2. TÔN GIẢ ĀNANDA VỚI NHIỀU ĐIỀU KỲ DIỆU
  3. I. CHIẾC BÓNG CỦA ĐỨC NHƯ LAI
  4. II. TÀNG KINH CÁC CỦA PHÁP BẢO
  5. III. CÁC BÀI PHÁP THOẠI ĐẶC BIỆT
  6. IV. CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG VÀ TÔN GIẢ ĀNANDA
  7. V. LÒNG TÔN KÍNH CỦA NỮ GIỚI ĐỐI VỚI TÔN GIẢ ĀNANDA
  8. VI. TÔN GIẢ ĀNANDA CHỨNG ĐẮC QUẢ VỊ THÁNH NHÂN A LA HÁN
  9. VII. TÔN GIẢ ĀNANDA VIÊN TỊCH NIẾT BÀN
  10. VIII. LỜI KẾT

↑ trở lên

Ý NGHĨA NGÀY LỄ RẰM THÁNG BẢY

Ngày rằm tháng bảy là ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu theo văn hóa dân tộc Việt Nam.
Trong ngày lễ Vu Lan chúng ta tỏ lòng tri ân sâu xa đến các ân đức cao quý, nhất là ân đức Tam Bảo, ân đức các bậc thầy tổ, ân đức ông bà, cha mẹ và các bậc hữu ân.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng ghi nhớ ngày rằm tháng bảy theo truyền thống Phật giáo Theravāda là ngày ĐẠI LỄ NIKINI POYA DAY.

Đại Lễ Nikini Poya đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử đạo Phật.

Đó là hội nghị kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất (PAṬHAMĀ SAṄGĪTI).

Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch ba tháng, Tôn giả MAHĀKASSAPA đã chủ trì hội nghị kết tập kinh điển lần đầu tiên, nhắm đến việc gìn giữ Giáo Pháp chân truyền cho nhiều thế hệ mai sau.
Cuộc kết tập được tổ chức với sự tham dự của năm trăm (500) vị thánh tăng A La Hán đầy đủ tứ tuệ phân tích tại ngôi thạch động Sattapaṇṇi (hang Thất Diệp) nơi thành Rājagaha (Vương Xá).
Trước ngày diễn ra hội nghị, Tôn giả ĀNANDA nỗ lực hành đạo và chứng đắc quả vị thánh nhân A La Hán. Tôn giả đã đóng vai trò quan trọng xuyên suốt kỳ kết tập.
Đức Vua AJĀTASATTU (A Xà Thế) là người bảo trợ chính cho hội nghị kết tập kinh điển vào thời điểm đó.
Vào ngày diễn ra hội nghị, đúng vào ngày rằm tháng bảy, năm trăm vị thánh nhân cùng vân tập bên trong ngôi thạch động Sattapaṇṇi.
Chư Tăng đồng suy cử Tôn giả Mahākassapa vào ngôi vị chủ tọa.
Với sự đồng thuận của Chư Tăng, Tôn giả Mahākassapa lần lượt hỏi Tôn giả Upāli về Luật (Vinaya) và Tôn giả Ānanda về Pháp (Dhamma).
Tôn giả Mahākassapa bắt đầu hỏi Tôn giả UPĀLI câu hỏi Đức Thế Tôn đã chế định học giới (sikkhāpāda) thứ nhất ở đâu, do nguyên nhân gì, và những quy định chi tiết của điều học thứ nhất là như thế nào.
Tôn giả Upāli đã trả lời thông suốt các câu hỏi của vị chủ tọa liên quan đến các điều học trong giới bổn Pātimokkha (Biệt biệt giải thoát giới).
Toàn thể chư tôn đức Tăng đều hoan hỷ với các câu trả lời của Tôn giả Upāli
Các thành viên trong kỳ kết tập sau đó cùng nhau đọc tụng lại toàn bộ nội dung liên quan đến Luật (Vinaya) cả thảy ba lần.
Kế tiếp, Tôn giả Mahākassapa hỏi Tôn giả Ānanda các câu hỏi liên quan đến Pháp (Dhamma).
Đức Thế Tôn đã thuyết giảng bài kinh Brahmajāla Sutta ở đâu, cho ai, nội dung bài kinh đó như thế nào.
Giống như Tôn giả Upāli, Tôn giả Ānanda đã trả lời rành rẽ các câu hỏi do vị chủ tọa nêu lên.
Rồi tiếp đến bài kinh Sāmaññaphala Sutta. Lần lượt như thế, hai vị tôn đức đã trùng tuyên toàn bộ nội dung các bài pháp thoại mà Đức Thế Tôn đã từng thuyết giảng.
Cùng một cách thức, hội nghị đồng thanh đọc tụng toàn bộ nội dung liên quan đến Pháp (Dhamma) cả thảy ba lần.
Hội nghị kết tập kinh điển nơi ngôi thạch động Sattapaṇṇi đã thành tựu phước báu viên mãn sau bảy tháng trùng tuyên liên tục của tất cả thành viên trong hội nghị.
Tập sách biên niên sử Mahāvaṃsa có ghi lại ngay sau khi toàn bộ Pháp và Luật (Dhamma Vinaya) đã được các bậc thánh nhân kết tập, quả địa cầu đã rúng động, chuyển động mạnh cả bảy lần.
Chư Thiên từ trên hư không hoan hỷ rải các loại hoa cúng dường khắp mặt sân của ngôi thạch động Sattapaṇṇi.
Tôn giả Mahākassapa cùng với toàn thể các bậc Thánh Tăng và Đức Vua Ajātasattu đồng quy định năm Đức Thế Tôn viên tịch là năm thứ nhất thuộc niên đại Phật lịch, Buddhist Era.
Hội nghị kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất vào đúng ngày rằm tháng bảy đóng vai trò quyết định cho sự tồn vong của đạo Phật trong suốt hơn 2000 năm qua.
Theo dòng chảy lịch sử Phật giáo đã có sáu hội nghị kết tập kinh điển.
Sau kỳ kết tập ở thành Rājagaha 100 năm, Tôn giả Yasa đã đứng ra tổ chức hội nghị kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ hai tại thành Vesālī.
Hội nghị kết tập lần thứ hai có sự tham dự của bảy trăm vị thánh nhân A La Hán tứ tuệ phân tích.
Vào thời điểm nầy Phật giáo không còn là một khối thống nhất. Giáo Hội đã chia thành hai bộ phái chính là Theravādins (Thượng Tọa Bộ) và Mahāsaṅghikas (Đại Chúng Bộ).
Đến thời đại của Hoàng Đế Asoka, khoảng 250 năm sau Đức Thế Tôn viên tịch, vào năm 293 trước dương lịch ở thành Pataliputta, Tôn giả Moggalaputta Tissa tiếp tục chủ tọa hội nghị kết tập kinh điển lần thứ ba.
Hội nghị lần nầy có sự góp mặt của một ngàn (1000) vị thánh nhân A La Hán tứ tuệ phân tích.
Sau hội nghị kết tập lần thứ ba, Hoàng đế Asoka đã gởi chín phái đoàn các vị sứ giả Như Lai truyền bá đạo Phật ra khỏi biên cương xứ sở Ấn Độ.
Đạo Phật bắt đầu vươn mình trở thành một tôn giáo thế giới kể từ thời điểm lịch sử đó.
Ba hội nghị kết tập kinh điển đầu tiên đều diễn ra nơi xứ Phật Ấn Độ.
Sang đến kỳ thứ tư đã có sự thay đổi địa điểm tổ chức hội nghị.
Vào năm 93 trước dương lịch, khoảng 450 năm sau khi Đức Thế Tôn viên tịch, hội nghị kết tập kinh điển lần thứ tư đã chính thức diễn ra ở ngôi chùa lịch sử ALUVIHARAYA ở miền trung phần Sri Lanka.
Năm trăm vị thánh nhân A La Hán cao quý đã tham dự hội nghị kết tập lần đầu được tổ chức bên ngoài xứ sở Ấn Độ.
Trong kỳ kết tập lần nầy, giáo lý đạo Phật được biết đến với dạng truyền khẩu bắt đầu được ghi chép thành văn tự trên các mẫu lá diệp bối.
Một khoảng thời gian khá dài sau đó, 2414 năm sau khi Đức Thế Tôn viên tịch, địa điểm tổ chức kết tập kinh điển lại thay đổi.
Năm 1871 sau dương lịch, 2400 vị Chư Tăng thông suốt Tam Tạng đã vân tập ở ngôi chùa Dakkhinārāma ở thành phố Mandalay, Myanmar xúc tiến cho công trình kết tập kinh điển lần thứ năm.
Đặc biệt, toàn bộ Tam Tạng kinh điển đã được khắc lên 229 phiến đá cẩm thạch. Một công trình văn hóa Phật giáo đã lưu lại giá trị cao quý của Pháp Bảo cho ngàn đời về sau.
Sang thế kỷ XX, thế giới Phật giáo lại có diễm phúc chứng kiến hội nghị kết tập kinh điển lần thứ sáu tại ngôi thạch động Mahapasana ở thủ đô Yangon, Myanmar.
Hội nghị bắt đầu khai mạc từ năm 1954 và thành tựu viên mãn vào năm 1956, đúng vào năm Phật lịch 2500.
Lần đầu tiên Chư Tăng từ nhiều quốc gia Phật giáo trên khắp thế giới cùng tham gia một hội nghị kết tập kinh điển.
Người Phật tử Việt Nam chúng ta thật vô cùng tự hào vào buổi lễ khai mạc hội nghị ở thủ đô Yangon, Hòa Thượng Bửu Chơn (Nāga Mahāthera) đã thay mặt cho phái đoàn Phật giáo Việt Nam đọc bài diễn văn chúc mừng cho sự thành công của hội nghị kết tập.

Các bậc cao tăng Phật giáo đã thể hiện quyết tâm dũng mãnh trong việc bảo tồn và truyền bá lời dạy của Đức Thế Tôn đến khắp mọi nơi trên thế giới.
Cỗ xe Phật giáo đã đi qua được nữa chặng đường với biết bao thăng trầm.
Đạo pháp hơn hai ngàn năm lịch sử, lúc thăng lúc trầm, nhưng nhiều thế hệ hậu bối luôn tiếp bước các bậc tiền nhân gìn giữ và truyền trao ngọn đèn Chánh Pháp lại cho đời sau.
Nhân ngày lễ rằm tháng bảy, người con Phật chúng ta hãy cầu nguyện cho ánh sáng của Chánh Pháp luôn tỏa sáng đến 5000 năm.
Ngưỡng mong ân đức Tam Bảo hằng gia hộ cho tất cả chúng sanh các loài hữu tình đều sống an vui hạnh phúc.
Kính chúc đến tất cả quý vị đều thọ hưởng ân phước của ngày lễ Vu Lan Báo Hiếu, Đại Lễ Nikini Poya Day.

↑ trở lên

TÔN GIẢ ĀNANDA VỚI NHIỀU ĐIỀU KỲ DIỆU

LỜI DẪN NHẬP
Tôn giả ĀNANDA là bậc thánh nhân có vai trò rất quan trọng trong kỳ kết tập kinh điển Phật giáo lần đầu tiên.
Trong các vị đại đệ tử của Đức Thế Tôn, Tôn giả Sāriputta được tôn vinh với danh hiệu Dhammasenāpati, nghĩa là bậc Tướng Quân Chánh Pháp,
Tôn giả Mahāmoggallāna là bậc có thần thông quảng đại chỉ sau Đức Thế Tôn.
Tôn giả Mahākassapa là vị đệ nhất hạnh đầu đà. Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch Niết Bàn, Tôn giả được xem là bậc lãnh đạo Tăng chúng.
Tôn giả Mahākaccāyāna là vị sa môn có khả năng diễn giải Phật ngôn lưu loát và chính xác nhất.
Tôn giả Upāli là bậc thông suốt về Tạng Luật.
Nhưng có thể nói trong toàn bộ chư vị đại đệ tử, không một ai vượt qua Tôn giả Ānanda về phương diện khả ái, một vị sa môn có sức cảm hóa và thu hút mọi người đến lạ thường.
Tôn giả Ānanda là người anh em chú bác với Đức Thế Tôn, cùng giáng sanh từ cung trời Đâu Suất (Tusita) và cả hai vị sanh ra trong cùng một ngày.
Khi Tôn giả chào đời, trong hoàng gia ai ai cũng đều vui mừng, hoan hỷ, cho nên họ đặt tên cho Ngài là Ānanda. Ānanda tiếng Pāli có nghĩa là vui mừng, hoan hỷ, hân hoan.
Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn trở về thăm quê hương, thành Ca Tỳ La Vệ, để hướng dẫn thân bằng quyến thuộc đi theo con đường Chánh Pháp. Ānanda cùng với các vị hoàng thân noi theo gương Đức Thế Tôn, từ bỏ đời sống vương giả, sống đời ly gia cắt ái.
Trong thời gian đầu, Ānanda xuất gia với hòa thượng bổn sư là Tôn giả PUṆṆA MANTĀNĪPUTTA. Tôn giả Ānanda tinh tấn tu học, nỗ lực hành đạo và ngay trong mùa hạ đầu tiên Ngài đã chứng đắc quả vị thánh nhân Tu Đà Hườn (Sotāpanna).
Trong giai đoạn hoằng pháp hai mươi năm đầu, Đức Thế Tôn chưa có thị giả chính thức. Khi tuổi ngày càng cao, Đức Thế Tôn yêu cầu Tăng chúng đề cử một vị thị giả để giúp đỡ cho Ngài một số công việc cần thiết.
Với phước duyên Ba la mật trong quá khứ, Tôn giả Ānanda đảm nhiệm vai trò vị thị giả (Aggupaṭṭhāyaka) kể từ thời điểm đó. Như hình với bóng, Tôn giả Ānanda đã theo bước chân Đức Như Lai ở mọi lúc và đi khắp mọi nơi.
Tôn giả Ānanda lo lắng chu đáo mọi việc cho Đức Thế Tôn. Vị thị giả đã chăm sóc cho thầy với tình thương của một người mẹ dành cho người con duy nhất của bà.
Mỗi khi Đức Thế Tôn lâm bệnh, Tôn giả Ānanda thức suốt cả đêm để chăm sóc thuốc thang. Mỗi đêm, Tôn giả với gậy và ngọn đèn trong tay đi vòng quanh hương thất Gandhakuti để giữ sự yên tịnh cho Đức Thế Tôn.
Tôn giả Ānanda có nhiều phước đức gần giống như Đức Phật. Tôn giả được xem là chiếc gạch nối giữa Đức Thế Tôn với Chư Tăng và hàng tại gia cư sĩ.
Rất nhiều lần, Đức Thế Tôn có lời khen ngợi, tán dương vị thị giả trước Tăng chúng.
Chúng sanh nào trong tam giới được Đức Thế Tôn khen ngợi, chúng sanh đó phải có phước đức lớn lắm, đặc biệt lắm!
Đức Thế Tôn đã từng nói:
_ Quốc vương Pasenadi Kosala, nhờ được nghe pháp từ Ānanda mà trở thành vị vua minh quân, hiền đức, như vị ấy được chính Như Lai cảm hóa vậy.
_ Khi hàng vua chúa, thường dân, các đạo sĩ được dịp yết kiến một vị Vua Chuyển Luân Thánh Vương, họ sẽ vui mừng như thế nào thì chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, thiện nam, tín nữ có dịp được gặp Ānanda, họ cũng hân hoan, tâm tư tràn ngập niềm vui y như vậy.
Rồi Đức Thế Tôn lại nói thêm: “Đó là phước hạnh của vị hành giả sắp bước chân vào ngưỡng cửa bất tử”.
Khi Phật tử giở quyển kinh Phật ra thì trang đầu tiên sẽ thấy ngay danh xưng của Tôn giả Ānanda: “Như vầy tôi nghe. Một thời, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá của trưởng giả Cấp Cô Độc”.
Câu kinh văn Pāli bắt đầu là: “Evaṃ me sutaṃ”, nghĩa là “Như vầy tôi nghe”.
Từ Pāli “me” có nghĩa là “tôi”, để chỉ cho Tôn giả Ānanda. Danh xưng Ānanda đã trở thành câu mở đầu cho tất cả kinh điển Phật giáo.
Tôn giả Ānanda là vị đại đệ tử nổi bật nhất về hạnh đa văn (bahussuta). Ngài là một vị Sa môn thông thái bậc nhất!
Tôn giả Ānanda được tôn xưng với danh hiệu là DHAMMABHAṆṆDĀGĀRIKA, (The Treasurer of the Dhamma), người gìn giữ kho tàng Giáo Pháp, hay là TÀNG KINH CÁC CỦA PHÁP BẢO.
Tôn giả Ānanda có khả năng ghi nhớ nhanh và nhớ thật chính xác bài pháp thoại mà Đức Thế Tôn chỉ nói qua một lần.
Tập chú giải Trưởng Lão Tăng Kệ, Tiểu Bộ Kinh, ghi nhận là Tôn giả Ānanda có thể lập lại bài pháp thoại rất dài của Đức Thế Tôn, với số lượng 60.000 chữ một cách rất dễ dàng.
Một lần nọ, Tôn giả đã đọc tụng 15.000 bài kệ của Đức Thế Tôn, mỗi bài với bốn câu kệ, không hề thiếu sót một câu kệ ngôn nào!
Thật là một điều kỳ diệu! Thật là một điều phi thường!
Có quá nhiều điều kỳ diệu để nói về Tôn giả Ānanda, có quá nhiều câu chuyện thật hay, thật cảm động để chúng ta kể cho nhau nghe về Tôn giả Ānanda, từ tháng nầy sang tháng khác, từ năm nầy sang năm khác, từ thiên niên kỷ nầy sang thiên niên kỷ khác.
Tôn giả Ānanda là hiện thân của biết bao điều kỳ diệu!

Ngày nay, khi bước chân đến thánh địa Kỳ Viên Tịnh Xá ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, chúng ta cùng nhau cung kính đi vòng quanh hương thất của Đức Thế Tôn.
Rồi mọi người sẽ đến đảnh lễ, chiêm bái cội đại thọ bồ đề Ānanda ở gần nơi đó.
Chúng ta sẽ lắng lòng thanh tịnh để được nghe cội đại thọ thì thầm rằng xưa kia ở ngôi tịnh xá nầy có một người đệ tử hằng đêm, với ngọn đèn trong tay, đi vòng quanh hương thất Gandhakuti để giữ cho thầy mình được an giấc.

↑ trở lên

I. CHIẾC BÓNG CỦA ĐỨC NHƯ LAI

Khi Đức Thế Tôn được năm mươi lăm tuổi, Tôn giả Ānanda bắt đầu đảm nhận vai trò thị giả chính thức (Aggupaṭṭhāyaka). Đây là phước báu Ba la mật mà Tôn giả đã tạo trữ trong khoảng thời gian 100.000 đại kiếp.
Kể từ đó, như bóng với hình, Tôn giả Ānanda theo bước chân Đức Như Lai đi khắp mọi nơi. Tôn giả một mực chăm sóc Đức Thế Tôn với tất cả tấm lòng kính mến và quý trọng.
Tập kinh Manorathapūraṇī, sách chú giải Tăng Chi Bộ Kinh, có ghi lại công việc hằng ngày của Tôn giả Ānanda như sau:
Mỗi buổi sáng, Tôn giả chuẩn bị nước nóng, nước lạnh cho Đức Thế Tôn, lo bàn chải đánh răng, rửa bàn chân thầy rồi lau cho thật khô ráo. Mỗi ngày, Tôn giả đều cẩn thận xoa bóp thân mình cho Đức Thế Tôn.
Hương thất Gandhakuṭi luôn được quét dọn sạch sẽ, y phục của Đức Thế Tôn luôn tươm tất, bình bát được sắp xếp nơi gọn gàng, ngăn nắp.
Lúc Đức Thế Tôn nghỉ trưa, Tôn giả đứng một bên quạt hầu thầy suốt cả buổi trưa. Khi màn đêm buông xuống, Tôn giả với cây gậy và ngọn đèn trong tay, đi vòng quanh hương thất Gandhakuṭi cả thảy chín lần để giữ gìn sự yên tịnh cho thầy.

Mỗi khi Đức Thế Tôn lâm bệnh, Tôn giả chăm sóc cho thầy cả đêm không hề ngủ. Về sau nầy khi Đức Thế Tôn càng lớn tuổi, vị thị giả càng lo lắng gấp bội phần.
Thời khóa biểu hằng ngày của vị thị giả được giữ y nguyên từ ngày này sang ngày khác, từ tháng nầy sang tháng khác, từ năm này sang năm khác.
Suốt hai mươi lăm năm ròng rã, ngôi hương thất Gandhakuṭi như lấp lánh sáng ngời với đôi bàn tay cần mẫn của Tôn giả Ānanda
Ānanda một mực tôn kính Đức Thế Tôn. Tôn giả không quản ngại hy sinh, đem thân mình để bảo vệ thầy.

Một lần nọ, Đề Bà Đạt Đa chuốc rượu say voi Nālagiri rồi xúi con vật hung dữ lao về phía Đức Thế Tôn để hãm hại Ngài. Vị thị giả ngay tức khắc xông lên phía trước đầu voi lấy thân mình che chắn, bảo vệ Đức Thế Tôn.
Cả ba lần Đức Thế Tôn khuyên bảo Ānanda lùi lại phía sau, nhưng Tôn giả vẫn đứng yên bất động tại chỗ. Đức Thế Tôn phải dùng năng lực thần thông dời Ānanda sang một bên, sau đó Ngài dùng tâm từ bi để chế ngự và thuần hóa voi dữ Nālagiri.
Sau sự kiện đó, Đức Thế Tôn đã nói với Tăng chúng: “Trong nhiều kiếp sống quá khứ, Ānanda đã rất nhiều lần che chở Như Lai y hệt như vậy”.
Không chỉ đơn thuần là vị thị giả tận tâm, Ānanda còn gánh vác thêm công việc của một người trợ lý đắc lực.
Tôn giả có khả năng truyền đạt lời giáo huấn, mọi mệnh lệnh của Đức Bổn Sư đến hàng ngàn Tăng chúng một cách nhã nhặn, nhanh chóng và kịp thời.
Tôn giả biết thời khắc phải lẽ để trình lên Đức Thế Tôn lời yêu cầu của chư tôn đức Tăng, lời thỉnh mời cúng dường của người đàn na tín thí.
Tôn giả đã hoạt động như chiếc gạch nối hiệu quả giữa Đức Thế Tôn với Chư Tăng và hàng tại gia cư sĩ.
Là một người rất giỏi về khâu tổ chức, Tôn giả biết phân bố và sắp xếp thời gian thích hợp để chư Tỳ Kheo và chư Tỳ Kheo Ni, vua chúa và các vị hoàng tử, thiện nam và tín nữ, cũng như các du sĩ ngoại đạo có dịp đến đảnh lễ và yết kiến Bậc Đạo Sư.
Điều mà vị thị giả quan tâm nhất là thầy của mình không bị làm phiền, không phải mệt mỏi vì thuyết giảng quá nhiều.
Một lần nọ, tại giảng đường ở thành Ca Tỳ La Vệ, Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp thoại cho các vị hoàng tộc Thích Ca tới tận khuya. Một lúc sau, Ngài lui về hương thất nghỉ ngơi, và bảo vị thị giả tiếp tục thuyết giảng cho thính chúng buổi pháp thoại còn lại.
Một lần khác, vị hoàng thân Mahānāma đến gặp Đức Thế Tôn để bạch hỏi những điều còn hoài nghi về Giáo Pháp. Khi đó Ānanda đã chủ động mời vị hoàng thân ra phía bên ngoài hương thất Gandhakuti, rồi đích thân giải thích rành mạch mọi thắc mắc của ông hoàng dòng Thích Ca.
Ānanda đã làm tất cả mọi việc để giữ gìn sức khỏe cho thầy.
Khi Đức Thế Tôn quan sát thấy các thửa ruộng ở xứ sở Magadha (Ma Kiệt Đà) được người nông dân đắp bờ ruộng rất ngăn nắp dễ coi, Ngài có gợi ý cho vị thị giả hãy phác họa hình dáng tấm y của Chư Tăng, như cách người dân bố trí các đường biên của thửa ruộng.
Tôn giả sau đó thiết kế nên tấm y cà sa theo lời gợi ý và được Đức Thế Tôn đồng thuận.
Tấm huỳnh y của Chư Tăng Phật giáo được may cắt theo hình dáng của thửa ruộng xuất phát từ câu chuyện trên, với ý nghĩa Chư Tăng là ruộng phước, là phước điền cao quý của Chư Thiên và nhân loại (anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa).
Hầu như những đề nghị của Ānanda trình lên đều được Đức Thế Tôn hoan hỷ chấp thuận.
Do lời thỉnh cầu của vị thị giả, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng bài kinh Ānāpānasati Sutta, kinh Niệm Số Tức Quan, đến Tôn giả Kimbila cùng với các đệ tử của vị ấy.
Mỗi khi Đức Thế Tôn đi hoằng pháp ở phương xa, chư thiện nam, tín nữ đến Chùa Kỳ Viên không được dịp đảnh lễ Đức Thế Tôn, họ rất buồn lòng. Ānanda trình bạch lên Đức Thế Tôn tâm lý chung của người đàn na tín thí.

Qua lời trình của Ānanda, Đức Thế Tôn chỉ dạy vị thị giả hãy trồng một cây bồ đề trong khuôn viên nhà chùa. Cội đại thọ bồ đề chính là hiện thân của Đức Như Lai.
Ānanda liền nhờ Tôn giả Mahāmoggalāna giữ lấy một trái chín rơi xuống từ cội đại thọ ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), sau đó Tôn giả nhận lại và nhờ ông trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) gieo trồng trong sân chùa.
Cây bồ đề mọc lên xanh tốt từ hạt giống lành đó có tên là cội đại thọ bồ đề Ānanda.
Hình ảnh gây xúc động nhất cho người con Phật chúng ta là vị thị giả dìu người thầy đi từng bước, từng bước, từ thành Rājagaha về Kusinara. Bài kinh Mahāparinibbāna Sutta có mô tả chi tiết về chặng đường cuối của Đức Thế Tôn đi về Niết Bàn.
Bài kinh kể cho chúng ta nghe tâm trạng buồn bã, não nề của Tôn giả Ānanda như sau:
“Bạch Đức Thế Tôn, thật là hạnh phúc cho con khi con biết Ngài đã qua khỏi cơn bạo bệnh.
Khi nhìn thấy Đức Thế Tôn bệnh nặng, con không thể chịu nổi, con cảm thấy như trời đất trước mặt con xoay chuyển. Bạch Đức Thế Tôn, con hầu như không thở được nữa khi con thấy Ngài đau đớn như vậy”.

Rồi Tôn giả chỉ còn biết đứng ôm mặt khóc vì không thể chịu nổi cảnh Đức Thế Tôn viên tịch. Tôn giả Ānanda quý kính, yêu mến, và thương Đức Thế Tôn hơn cả chính bản thân mình.
Đức Thế Tôn là bậc thầy cao quý của muôn loài. Tôn giả Ānanda là người học trò với tâm hồn thánh thiện. Hình ảnh Đức Thế Tôn và Tôn giả Ānanda đã tạo nên chất liệu kỳ diệu cho tình thầy trò cao quý và thiêng liêng.
Tôn giả Ānanda là vị Phật thứ hai ở trong lòng mỗi người con Phật chúng ta. Vị Phật ấy luôn sách tấn, động viên và truyền cảm hứng cho chúng ta trên con đường lần về bến bờ giác ngộ.

↑ trở lên

II. TÀNG KINH CÁC CỦA PHÁP BẢO
Đức Thế Tôn rất nhiều lần tán dương Tôn giả Ānanda trước cộng đồng Tăng lữ: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, Ānanda là một bậc thiện trí thức. Thật rất khó để tìm được một vị Tăng có trí huệ như Ānanda”, (Kinh Silabbata Sutta, chương ba pháp thuộc Tăng Chi Bộ Kinh).

Tôn giả Ānanda thường được biết đến với danh xưng là DHAMMABHAṆṆDĀGĀRIKA, the Treasurer of the Dhamma, người gìn giữ kho tàng Giáo Pháp, hay là TÀNG KINH CÁC CỦA PHÁP BẢO.
Giữa chư vị đại đệ tử của Đức Thế Tôn, Tôn giả Ānanda nổi bật hơn cả với năm phẩm chất ưu việt.
Phẩm kinh văn nơi Tăng Chi Bộ Kinh có ghi lại năm phẩm chất của Tôn giả Ānanda:
1. Tôn giả là bậc đa văn đệ nhất (bahussuta)
2. Có một trí nhớ siêu đẳng (satimanta)
3. Thông suốt ý nghĩa sâu xa của Phật ngôn (gatimanta)
4. Chuyên tâm trong việc gìn giữ và giảng dạy Phật ngôn (dhitimanta)
5. Là vị thị giả hầu Phật rất tận tâm (upaṭṭhāka)
Tôn giả Ānanda là vị đại đệ tử nghe nhiều nhất các bài pháp thoại của Đức Thế Tôn, gần như là nghe hầu hết toàn bộ lời của Phật dạy. Trước khi nhận lãnh vai trò thị giả, Tôn giả đã có lời cầu xin Đức Thế Tôn hoan hỷ thuyết lại các bài pháp trong lúc vị ấy vắng mặt.
Truyền thống Phật giáo ghi nhận toàn bộ Giáo Pháp có 84.000 “Dhammakkhandha”, nghĩa là 84.000 pháp môn (aggregates of the Dhamma).
Tôn giả Ānanda đã nói lên trong kinh Trưởng Lão Tăng Kệ là:
“Bần đạo đã thọ giáo 82.000 pháp môn từ chính Đức Thế Tôn, 2.000 pháp môn còn lại bần đạo được nghe từ chư huynh đệ”.
Ngay nơi trang đầu tiên của quyển kinh Phật, chúng ta sẽ đọc: “Như vầy tôi nghe. Một thời, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá của trưởng giả Cấp Cô Độc”.
Danh xưng “tôi” chính là Tôn giả Ānanda. Ānanda đã trở thành câu mở đầu cho tất cả kinh điển Phật giáo.
Không chỉ nghe Pháp nhiều nhất, Tôn giả Ānanda còn là vị Sa môn ghi nhớ Pháp nhiều nhất.
Một vị Sa môn thông thái bậc nhất!
Với trí nhớ thiên bẩm, Tôn giả Ānanda có khả năng nhớ thật nhanh, nhớ thật nhiều và nhớ thật chính xác tất cả những lời Phật dạy. Bậc đa văn quảng kiến bậc nhất đó đã biến bộ óc siêu việt của mình thành một kho tàng chứa đựng toàn bộ chân lý.
Khi Đức Thế Tôn vừa kết thúc một bài pháp thoại dài với khoảng 60.000 chữ; ngay sau đó, vị thị giả có thể lập lại toàn bộ nội dung bài pháp cho thính chúng, không hề bỏ sót một chữ!
Tôn giả Ānanda có lần đã đọc tụng 15.000 bài kệ ngôn của Đức Thế Tôn, mỗi bài với bốn câu kệ, không hề thiếu một câu kệ ngôn nào (chú giải Trưởng Lão Tăng Kệ).
Thật là bất khả tư nghì!
Trong kỳ kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất, nếu không có sự tham dự của Tôn giả Ānanda, chắc chắn cuộc kết tập không thể nào thành tựu được như những gì lịch sử đã ghi chép.
Tôn giả Ānanda có một nghệ thuật nghe Pháp rất đặc biệt, có lẽ không có người thứ hai nào trên thế gian nầy có được. Tôn giả Ānanda lại có khả năng nắm bắt được hết ý nghĩa thậm thâm trong lời Pháp mà Đức Thế Tôn truyền dạy.
Nhờ đó mà Tôn giả có thể trình bày Phật ngôn một cách trung thực nhất cho rất nhiều hội chúng.
Một lần nọ, chư vị tôn đức bao gồm Tôn giả Xá Lợi Phất, Tôn giả Mục Kiền Liên, Tôn giả Ca Diếp, Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Ānanda đồng tụ hội bên khu rừng Gosiṅga.
Chư vị tôn đức bàn bạc với nhau là một vị Tỳ Kheo với phẩm chất như thế nào sẽ làm cho khu rừng Gosiṅga trở nên sáng chói. Mỗi vị tôn đức lần lượt nói lên quan điểm của riêng mình.
Đến phần Ānanda, Tôn giả đã nói như sau:
_ Vị Tỳ Kheo nghe nhiều, ghi nhớ những điều đã nghe và nắm vững những điều đã nghe.
Các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa cụ túc, nói lên đời sống phạm hạnh hoàn hảo và thanh tịnh.
Vị Tỳ Kheo nghe nhiều các pháp như vậy, ghi nhớ pháp, tụng đọc pháp lớn tiếng, ý luôn suy tư về pháp và với trí tuệ thể nhập vào pháp.
Vị Tỳ Kheo ấy có thể thuyết pháp cho hàng tứ chúng một cách lưu loát và viên dung, để hướng tới chấm dứt mọi phiền não.
Vị Tỳ Kheo như vậy có thể làm cho khu rừng Gosiṅga trở nên sáng chói”.
Tôn giả Ānanda là một trong những vị thuyết giảng xuất sắc bậc nhất trong hàng đệ tử của Đức Thế Tôn.
Nhiều vị tân Tỳ Kheo rất ngưỡng mộ tài năng của Tôn giả Ānanda. Chư vị đến gặp Tôn giả với lời yêu cầu hãy giải thích cho họ những ý pháp sâu xa mà Đức Thế Tôn đã thuyết giảng vắn tắt.
Tôn giả luôn hoan hỷ cắt nghĩa cho chư huynh đệ với lời giải thích chi tiết, kết hợp với nhiều ví dụ minh họa sinh động.
Sau đó, chính Đức Thế Tôn có lời khuyến khích chư vị Tỳ Kheo là:
“Nầy chư Tỳ Kheo, Ānanda là một bậc hiền trí, Ānanda là một bậc trí huệ.
Nếu các vị đến hỏi Như Lai với những thắc mắc đó, Như Lai cũng chỉ giải thích như những gì mà Ānanda đã trình bày”.
Có lần Đức Thế Tôn đã xác nhận Quốc vương Pasenadi Kosala nhờ được nghe pháp từ Ānanda mà trở nên một vị minh quân, hiền đức.
Ngài còn nói thêm:
“Ānanda thông suốt lời dạy của Như Lai như thế nào, khi truyền đạt Phật ngôn lại cho người khác, Ānanda cũng làm cho họ được thông suốt y như vậy”.
Có một vị nam cư sĩ đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, ông ta nói ông biết cách đảnh lễ Phật Bảo và Tăng Bảo. Còn Pháp Bảo thì không biết phải tôn kính như thế nào, vì Giáo Pháp chưa được biên chép thành kinh sách, văn bản.
Đức Thế Tôn từ tốn nói:
_ Nầy nam cư sĩ, nếu muốn tôn kính Pháp Bảo, ông hãy đi đến đảnh lễ Ānanda. Vị ấy là người gìn giữ Giáo Pháp của Như Lai.
Tôn giả Ānanda chính là hiện thân của Pháp Bảo vậy!
Và phẩm hạnh thứ năm của Tôn giả Ānanda là một vị thị giả tận tụy được thể hiện qua lời kệ ngôn trong Trưởng Lão Tăng Kệ: “Trong suốt hai mươi lăm năm, bần đạo đã một lòng đi theo bước chân của Đức Thế Tôn, như bóng không rời hình”, (like a shadow that does not depart).
Tôn giả Ānanda là hình ảnh của bậc thánh nhân đa văn mà muôn đời về sau mọi người đều kính ngưỡng và tôn thờ.
Người con Phật chúng ta ngày nay nguyện noi theo gương lành của Tôn giả Ānanda.
Chúng ta nỗ lực học hỏi lời dạy của Đức Thế Tôn nhiều nhất có thể.
Chúng ta chuyên tâm ghi nhớ Giáo Pháp nhiều nhất có thể.
Chúng ta cố gắng hiểu ý nghĩa sâu xa của Giáo Pháp nhiều nhất có thể.
Chúng ta kiên trì gìn giữ và truyền trao lại Giáo Pháp nhiều nhất có thể.
Và như Tôn giả Ānanda, chúng ta hầu cận Đức Thế Tôn bằng cách thực hành theo lời dạy của Ngài nhiều nhất có thể.

↑ trở lên

III. CÁC BÀI PHÁP THOẠI ĐẶC BIỆT
Tôn giả Ānanda là hiện thân của Pháp Bảo. Tôn giả luôn chuyên tâm, nỗ lực trong việc học hỏi lời dạy của Đức Thế Tôn.
Nếu có ý pháp nào không được rõ, vị thị giả liền hỏi Đức Thế Tôn và sau đó được bậc thầy giải thích cặn kẽ.


Các bộ kinh văn Nikāya có ghi chép lại nhiều pháp thoại đặc biệt giữa Đức Thế Tôn và người đệ tử thân yêu.
Các pháp thoại đó là những bài pháp vô cùng quý giá cho hàng tứ chúng đệ tử, cho tất cả Phật tử chúng ta trong thời đại ngày hôm nay.
Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại một vài bài pháp thoại đặc biệt sau đây.
Một lần nọ, Tôn giả Ānanda bạch hỏi Đức Thế Tôn có hương thơm loài hoa nào vừa bay thuận theo hướng gió, vừa có thể bay ngược hướng gió.
Đức Thế Tôn nói là hương thơm đức hạnh của người Phật tử được quy y Tam Bảo, biết giữ giới, và có lòng quảng đại bố thí, hương thơm của người đó có thể vừa bay thuận theo hướng gió, vừa có thể bay ngược hướng gió (Kinh Gandhajāta Sutta, chương ba pháp, Tăng Chi Bộ Kinh).
Nhà thơ Tâm Cao có diễn ý kinh trên thành lời thơ thi vị:
“Hương chiên đàn, hương già la,
Tuy thơm nhưng phải đứng xa kính nhường.
Hương người đức hạnh mười phương,
Xông bay bốn cõi thiên vương ngạt ngào”.
Một dịp khác, Tôn giả hỏi Đức Thế Tôn làm như thế nào để một vị Tỳ Kheo sống luôn an lạc với đời sống xuất gia.
Đức Thế Tôn giải thích rõ ràng là vị Tỳ Kheo hãy trau dồi giới hạnh tinh nghiêm nhưng không vì vậy mà xem thường các vị huynh đệ khác. Vị ấy tự chế ngự mình chớ không lo kiểm soát người khác.
Vị ấy không lo âu, buồn rầu khi không có ai biết đến mình, vị hành giả ấy chứng đắc bốn tầng thiền định không khó nhọc.
Và vị Tỳ Kheo ấy chứng đắc quả vị thánh nhân A LA HÁN (Kinh Phāsu Sutta, chương năm pháp, Tăng Chi Bộ Kinh).
Lại nữa, bài kinh Kimatthiya Sutta, chương 10 pháp thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, có ghi lại cuộc đàm đạo giữa hai thầy trò về phước báu của giới hạnh.
Tôn giả Ānanda xin Đức Thế Tôn thuyết giảng như thế nào là lợi ích của giới hạnh và ý nghĩa của giới hạnh.
Đức Thế Tôn đáp lời theo nhiều tầng bậc ý nghĩa như sau:
“Giới hạnh có lợi ích không hối tiếc, có ý nghĩa không hối tiếc.
Không hối tiếc có lợi ích hân hoan, có ý nghĩa hân hoan.
Hân hoan có lợi ích hoan hỷ, có ý nghĩa hoan hỷ.
Hoan hỷ có lợi ích khinh an, có ý nghĩa khinh an.
Khinh an có lợi ích an lạc, có ý nghĩa an lạc.
An lạc có lợi ích định tâm, có ý nghĩa định tâm.
Định tâm có lợi ích như thật tri kiến, có ý nghĩa như thật tri kiến.
Như thật tri kiến có lợi ích nhàm chán, ly tham, có ý nghĩa nhàm chán, ly tham.
Nhàm chán, ly tham có lợi ích giải thoát tri kiến, có ý nghĩa giải thoát tri kiến”.
Như vậy, giới hạnh đem lại thiện pháp theo tuần tự và giúp cho vị hành giả phát huy công phu tu tập đến mức tối thượng.
Bằng cách như thế, Đức Thế Tôn giúp nâng cao trình độ nhận thức của Tôn giả Ānanda và lần hồi biến người đệ tử thân tín thành một kho tàng Pháp Bảo.
Có đôi lúc Tôn giả Ānanda trình bày quan điểm riêng của mình. Trong những trường hợp như vậy, Đức Thế Tôn đôi khi tán thành, đôi khi Ngài có điều chỉnh lại cho thích hợp.
Như một lần nọ, Tôn giả Ānanda bộc bạch với Đức Thế Tôn là một nữa đời sống phạm hạnh thành tựu là do có được người bạn lành, thiện bằng hữu, và thiện bằng hữu (Kinh Upaddha Sutta, Phẩm Bát Chánh Đạo, Tương Ưng Bộ Kinh).
Đức Thế Tôn liền nói ngay:
_ Không nên nói như thế, này Ānanda, không nên nói như thế!
Mà phải nói toàn bộ đời sống phạm hạnh nầy y cứ trên người bạn lành, thiện bằng hữu, và thiện bằng hữu. Khi một vị Tỳ Kheo có pháp thiện bằng hữu, vị đó sẽ nỗ lực tu tập và hành trì theo bát chánh đạo.
Bài kinh Mahānidāna Sutta, bài số 15 trong Trường Bộ Kinh, có ghi lại suy nghĩ của Tôn giả Ānanda như sau:
_ Kỳ diệu thay, bạch Đức Thế Tôn! Kỳ diệu thay, bạch Đức Thế Tôn!
Bạch Đức Thế Tôn, pháp duyên khởi rất thâm sâu, thật sự là thâm sâu. Con đã hiểu pháp ấy rất minh bạch rõ ràng.
Một lần nữa, Đức Thế Tôn không đồng ý. Ngài lại nói:
_ Này Ānanda, chớ có nói vậy! Này Ānanda chớ có nói vậy! Này Ānanda, pháp duyên khởi rất thâm sâu, thật sự là thâm sâu.
_ Này Ānanda, chính vì không hiểu được pháp duyên khởi mà chúng sanh hiện tại rối ren như một cuồng chỉ rối, và không thể nào thoát ra khỏi cõi khổ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, không thể nào thoát ra khỏi sanh tử.
Rồi Ngài bắt đầu giảng dạy cho vị thị giả pháp duyên khởi một cách rất chi tiết.
Một buổi sáng nọ, Tôn giả Ānanda đi vào thành Sāvatthī khất thực. Trên đường trở về Chùa Kỳ Viên, Tôn giả nhìn thấy một cỗ xe ngựa thật là lộng lẫy của Bà la môn Jānussoni.
Tôn giả đã mô tả cho Đức Thế Tôn vẻ đẹp hoàng tráng của cỗ xe nhà quý tộc, và hỏi tiếp thầy là hình dáng của cỗ xe Chánh Pháp ra làm sao.
Nhân đó Đức Thế Tôn thuyết giảng:
_ Nầy Ānanda, bát chánh đạo là cỗ xe thù thắng, là cỗ xe Pháp, là cỗ xe bất khả chiến bại.
_ Nầy Ānanda, bát chánh đạo được tu tập, được làm cho viên mãn sẽ đưa đến đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si.
Rồi Đức Thế Tôn nói lên câu kệ ngôn với nhiều ẩn dụ như sau:
Chánh niệm là người điều khiển xe một cách thiện xảo, giới luật là thân xe, thiền định là trục xe, sự tinh tấn là bánh xe v.v….
Người hành giả cưỡi lên cỗ xe Chánh Pháp như thế với chiếc áo giáp là sự nhẫn nại, với vũ khí là sự xuất gia, để đi về nơi giải thoát không còn ràng buộc là Niết Bàn (Kinh Brāhmaṇa Sutta, Phẩm Bát Chánh Đạo, Tương Ưng Bộ Kinh).
Tuy nhiên, có thể nói một trong những pháp thoại đặc sắc nhất là bài kinh được ghi lại trong Phẩm kinh Ānanda, chương 3 pháp trong Tăng Chi Bộ Kinh.
Đó là bài kinh Cūḷanikā Sutta.
Một hôm Tôn giả Ānanda đi đến bên Đức Thế Tôn. Sau khi đến, Tôn giả đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch với Đức Thế Tôn:
_ Có lần con được nghe Đức Thế Tôn nói: “Abhibhū, vị đệ tử của Ðức Phật Tổ SIKHĪ, đứng ở cõi Phạm Thiên, có thể làm cho cả ngàn thế giới nghe được tiếng nói của vị ấy.
_ Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn có thể làm cho tiếng nói của Ngài âm vang đến bao xa?
Đức Thế Tôn chỉ nói ngắn gọn:
_ Nầy Ānanda, vị ấy chỉ là đệ tử của một vị Phật. Còn âm thanh của Như Lai là vô lượng.
Lần thứ hai, Tôn giả hỏi lại và Đức Thế Tôn chỉ trả lời chừng đó.
Lần thứ ba, Tôn giả hỏi tiếp, khi đó Đức Thế Tôn mới hỏi lại Ānanda là có từng nghe về một tiểu thiên thế giới. Tôn giả liền thỉnh cầu Đức Thế Tôn giảng về tiểu thiên thế giới.
Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng về cấu trúc của một tiểu thiên thế giới.
Xa cho đến mặt trăng, mặt trời di chuyển trong quỹ đạo của chúng và chói sáng khắp bốn phương với ánh sáng, xa như vậy là một ngàn thế giới.
Trong phạm vi ấy có một ngàn mặt trăng, một ngàn mặt trời, một ngàn núi Tu Di, một ngàn cõi Diêm phù đề, một ngàn cõi Tây ngưu hóa châu, một ngàn cõi Bắc cưu lưu châu, một ngàn cõi Ðông thắng thần châu, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn vị Đại Vương.
Trong phạm vi ấy có một ngàn cõi Tứ đại thiên vương, một ngàn cõi Ba mươi ba, một ngàn cõi Dạ ma, một ngàn cõi Đâu suất, một ngàn cõi Hóa lạc, một ngàn cõi Tha hóa tự tại, một ngàn cõi Phạm Thiên.
Này Ānanda, như vậy là một tiểu thiên thế giới (sahassī cūḷanikā lokadhātu).
Này Ānanda, một ngàn tiểu thiên thế giới với tất cả hệ thống đó hợp lại thành một trung thiên thế giới (dvisahassī majjhimikā lokadhātu).
Này Ānanda, một ngàn trung thiên thế giới với tất cả hệ thống đó hợp lại thành một đại thiên thế giới (tisahassī mahāsahassī lokadhātu).
Nầy Ānanda, Như Lai chiếu ánh sáng khắp đến cả ba ngàn đại thiên thế giới (tam thiên đại thiên thế giới), cho tất cả chúng sanh có thể thấy được ánh sáng của Như Lai.
Rồi Như Lai phát âm và làm cho âm thanh lan tỏa đến cả ba ngàn thế giới.
Nầy Ānanda, Như Lai có thể làm cho âm thanh vang xa đến cả ba ngàn thế giới hay xa hơn thế nữa nếu Như Lai muốn.
Khi nghe đến đây, Tôn giả Ānanda với tất cả tín tâm đảnh lễ Đức Thế Tôn và nói:
_ Bạch Đức Thế Tôn, thật là lợi ích cho con, thật là hạnh phúc cho con khi con có được một bậc Đạo Sư với đại thần lực, với đại uy lực như vậy.
Mỗi người con Phật chúng ta cũng đến quỳ dưới chân Đức Thế Tôn và nói tiếp lời Tôn giả Ānanda:
_ Bạch Đức Thế Tôn!
Thật là hạnh phúc cho chúng con, thật là may mắn cho chúng con, chúng con thật là có phước khi được quy y, được nương tựa nơi Đức Thế Tôn, ngôi Phật Bảo vô thượng.
Thật là hạnh phúc cho chúng con, thật là may mắn cho chúng con, chúng con thật là có phước khi được quy y, được nương tựa nơi lời dạy của Đức Thế Tôn, ngôi Pháp Bảo quý báu.
Thật là hạnh phúc cho chúng con, thật là may mắn cho chúng con, chúng con thật là có phước khi được quy y, được nương tựa nơi chư đệ tử của Đức Thế Tôn, ngôi Tăng Bảo với Tôn giả Ānanda cao quý và thánh thiện.

↑ trở lên

IV. CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG VÀ TÔN GIẢ ĀNANDA
Đức Thế Tôn thành lập Giáo Hội bao gồm các bậc thánh nhân cao quý. Tôn giả Ānanda là vị Sa môn có đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển và hưng thịnh của Giáo Hội.
Tôn giả nổi bật lên trong cộng đồng Tăng lữ với giới đức, lòng từ bi, trí nhớ siêu việt, học vấn uyên bác và tinh thần phục vụ vị tha.
Tăng đoàn của Đức Thế Tôn được vững mạnh là nhờ vào sự hòa hợp, thống nhất giữa các thành viên (members of the Saṅgha). Sự hòa hợp được mô tả như là “nước với sữa” (Kinh Cūḷagosiṅga Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 31).
Mỗi khi có sự xích mích, bất hòa xảy ra, Tôn giả Ānanda luôn là vị đi tiên phong làm lắng dịu và xóa tan mọi bất đồng trong nội bộ Tăng chúng.
Như một vị sứ giả của Như Lai, Ānanda có sự gắn bó chặt chẽ với chư vị đại đệ tử của Đức Thế Tôn như Tôn giả Sāriputta, Tôn giả Mahāmoggallāna, Tôn giả Mahākassapa, Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Kaṅkha Revata (Kinh Mahāgosiṅga Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 32).
Trong các vị huynh đệ đồng đạo, đặc biệt Tôn giả Ānanda có tình bạn thâm giao với Tôn giả Sāriputta.
Tôn giả Sāriputta rất quý mến Ānanda vì luôn nghĩ rằng lẽ ra công việc phục vụ Đức Thế Tôn phải do chính mình đảm nhận. Về phần mình, Ānanda rất kính mến Tôn giả Sāriputta vì Tôn giả vị đệ tử xuất sắc bậc nhất của Đức Thế Tôn.
Hai vị tôn túc thường trao đổi qua lại các đệ tử trong nhóm để cùng nhau dìu dắt, hướng dẫn.
Tôn giả Ānanda rất chăm lo cho sự tiến bộ tinh thần của các vị huynh đệ, nhất là các vị sư mới xuất gia. Chư huynh đệ thường đến gặp Tôn giả với lời yêu cầu giải thích cho họ nghe ý nghĩa pháp sâu xa vì họ biết Ānanda là kho tàng Pháp Bảo.
Mỗi lần các vị đến gặp Ānanda, ai ai cũng đều vui mừng, hoan hỷ khi được gặp Tôn giả; càng hoan hỷ hơn khi được nghe Tôn giả giảng pháp và tất cả đều tiếc nuối khi bài pháp thoại kết thúc.
Đó cũng là tâm trạng chung của các vị Tỳ Kheo Ni, vua chúa và các vị hoàng tử, thiện nam và tín nữ, cũng như các du sĩ ngoại đạo, mỗi khi họ có dịp yết kiến Tôn giả Ānanda.
Với đức từ bi học hỏi được từ nơi Đức Thế Tôn, Ānanda rất quan tâm chăm sóc cho các vị huynh đệ bị bệnh.

Một lần nọ, Đức Thế Tôn với sự trợ giúp của Tôn giả Ānanda đã tắm rửa, chăm sóc cho một vị Tỳ Kheo bị bệnh nặng.
Sau đó, Đức Thế Tôn đã có lời giáo giới chư Tỳ Kheo Tăng: “Vị nào chăm sóc cho các huynh đệ bị bệnh, vị đó được xem như chăm sóc cho Như Lai”.
Tôn giả Ānanda có niềm tin Giáo Hội là nơi truyền trao bức thông điệp từ bi và trí huệ của Đức Thế Tôn; Tăng đoàn chính là nguồn an lạc và hạnh phúc cho toàn thể thế gian.
Tôn giả Ānanda như một dòng suối mát đem lại niềm cảm hứng và khích lệ cho các thành viên trong Tăng đoàn. Tất cả thành viên trong Tăng đoàn đều quý mến và tôn kính Ānanda.
Tôn giả như một ngọn hải đăng lan tỏa ánh sáng của niềm tin và hy vọng đến khắp mọi nơi. Tôn giả Ānanda chính là hiện thân của Đức Thế Tôn vậy!

↑ trở lên

V. LÒNG TÔN KÍNH CỦA NỮ GIỚI ĐỐI VỚI TÔN GIẢ ĀNANDA
Theo văn hóa truyền thống các nước Á Đông, người phụ nữ hầu như không có vai trò gì trong đời sống xã hội.
Ở Trung Hoa, các bậc cha mẹ thường nói với nhau là gia đình nào sanh một người con trai, xem như họ có phước đã sanh được mười người con. Nhưng gia đình nào sinh mười cô con gái, nhà đó hầu như không có đứa con nào.
Nhìn sang đất nước Ấn Độ, người dân ở đó cũng có suy nghĩ tương tự. Ở thời Ấn Độ cổ đại, người phụ nữ chỉ là công dân hạng hai. Họ không được học chữ, không được đọc kinh sách thánh hiền.
Khi Đức Thế Tôn cho phép người phụ nữ xuất gia, Ngài đã tạo nên một thay đổi rất lớn trong xã hội Ấn Độ, điều mà chưa có tiền lệ trước đó.
Tôn giả Ānanda đã đóng vai trò chính yếu trong việc thành lập Giáo Hội cho các vị Tỳ Kheo Ni (Bhikkhunī).
Sách Cūḷavagga thuộc Tạng Luật (Vinaya Piṭaka) có ghi chép lại sự kiện chi tiết nầy.
Khoảng năm thứ năm sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn lúc đó đang ngự tại Tịnh Xá Nigrodhārāma của hoàng tộc Thích Ca, nơi thành Ca Tỳ La Vệ.
Khi ấy người dì mẫu của Đức Thế Tôn là bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đến xin phép Đức Thế Tôn cho phép nữ giới được xuất gia.
Cả ba lần, lần nào Đức Thế Tôn cũng đều từ chối.
Sau đó, Đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn trở về ngôi đại tự Kutagarasala ở thành Vesāli, ngôi thành mà Đức Thế Tôn đã thuyết giảng bài kinh Ratana Sutta, kinh Châu Báu.
Nhưng dì mẫu Gotamī vẫn không nản chí. Bà cùng với năm trăm (500) cô công nương dòng Thích Ca tự xuống tóc, đắp y vàng của người xuất gia, rồi đi bộ hướng về kinh thành Vesāli.
Trên một đoạn đường dài hằng trăm cây số, họ phải đi chân trần trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt. Đi đến cổng ngôi đại tự, các cô công nương lá ngọc cành vàng rất mệt mỏi với đôi bàn chân sưng húp, y phục bụi bặm, vóc dáng tiều tụy.
Chợt lúc Tôn giả Ānanda đi ra cổng chùa, nhìn thấy lệnh bà Gotamī đang đứng đó với khuôn mặt buồn bã, Tôn giả liền hỏi:
_ Thưa dì mẫu Gotamī, sao lệnh bà lại đứng đây buồn bã như vậy?
Bà Gotamī trả lời:
_ Thưa Tôn giả Ānanda, chúng tôi có xin phép Đức Thế Tôn xuất gia nhưng Ngài không đồng ý. Nay chúng tôi đến đây khẩn hoản cầu xin Ngài một lần nữa.
_ Thôi, lệnh bà với quý vị hãy đứng đây. Tôi sẽ vào tìm cách thưa chuyện với Đức Thế Tôn.
Tôn giả đi vào đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi kể lại tình cảnh khó khăn của bà Gotamī với năm trăm cô công nương dòng Thích Ca, và xin phép Ngài cho họ được xuất gia.
Tiếp tục, cả ba lần Đức Thế Tôn đều từ chối lời cầu xin của vị thị giả.

Suy nghĩ một lúc, Tôn giả hỏi Đức Thế Tôn:
_ Bạch Đức Thế Tôn, nếu người nữ xuất gia, sống đời sống không gia đình trong Giáo Pháp của Ngài, họ có thể chứng đắc được thánh quả Nhập Lưu, thánh quả Nhất Lai, thánh quả Bất Lai, thánh quả A La Hán hay không?
_ Nầy Ānanda, nếu người nữ xuất gia, sống đời sống không gia đình trong Giáo Pháp của Như Lai, họ có thể thành tựu các thánh quả như Ānanda vừa nói.
Nhân đó, Tôn giả mới nói tiếp:
_ Bạch Đức Thế Tôn, người nữ xuất gia, sống đời sống không gia đình trong Giáo Pháp của Như Lai, họ có thể thành tựu được các thánh quả.
Bạch Đức Thế Tôn, dì mẫu Gotamī đã giúp đỡ Thế Tôn rất nhiều. Khi mẹ của Ngài mệnh chung, lệnh bà đã yêu thương và chăm sóc cho Thế Tôn như chính con ruột của bà.
Lành thay, bạch Đức Thế Tôn, nếu Ngài cho phép lệnh bà Gotamī cùng với năm trăm cô công nương được xuất gia.
Đến đây, Đức Thế Tôn mới nói:
_ Nầy Ānanda, nếu Gotamī thọ trì Bát Kỉnh Pháp thì lệnh bà cùng với các nữ nhân sẽ được phép xuất gia trong Giáo Pháp của Như Lai.
Bộ Luật Cūḷavagga có ghi lại rất chi tiết nội dung của Bát Kỉnh Pháp. Bát Kỉnh Pháp (garudhammā) bao gồm các điều học đặc biệt dành riêng cho nữ giới.
Ví dụ như dầu cho đã thọ đại giới được một trăm năm, một vị Tỳ Kheo Ni cũng phải đảnh lễ và tôn kính đúng pháp đối với một vị Tỳ Kheo chỉ mới xuất gia được một ngày.
Tôn giả Ānanda đọc thuộc Bát Kỉnh Pháp rồi đi ra bên ngoài tường trình lại lời dạy của Đức Thế Tôn.
Lệnh bà Gotamī cùng hội chúng năm trăm công nương dòng Thích Ca đều mừng rỡ, hoan hỷ thọ trì pháp mà Đức Thế Tôn vừa truyền dạy. Đối với hội chúng Gotamī, Bát Kỉnh Pháp là pháp mà họ sẽ trân quý thọ trì trọn đời.
Giáo hội Tỳ Kheo Ni đã được thành lập kể từ sự kiện hy hữu đó.

Nếu không có Tôn giả Ānanda thì sẽ không có giáo hội Tỳ Kheo Ni, không có danh xưng Tỳ Kheo Ni (Bhikkhunī).
Nếu không có Tôn giả Ānanda thì không có vị Ni trưởng khả kính Mahāpajāpatī Gotamī cùng với giáo đoàn Tỳ Kheo Ni thánh thiện.
Nếu không có Tôn giả Ānanda thì cũng không có tập kinh Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā) về sau.
Đến đây chúng ta đã hiểu lý do vì sao Ni chúng luôn tôn thờ Tôn giả Ānanda.
Nói chung, về phần nữ giới, họ luôn ngưỡng mộ và sùng bái Tôn giả Ānanda, một vị thầy với tướng mạo khả ái, phẩm hạnh nghiêm trang, kiến thức uyên bác và giọng nói của Tôn giả rất giống với giọng nói của Đức Thế Tôn.
Nhà chiêm bái nổi tiếng Huyền Trang có ghi chép lại trong bản ký sự chuyến hành hương nơi đất Phật với nhiều mô tả quý giá.
Ở miền Trung phần Ấn Độ, nơi địa phận Mathurā, nhà sư Huyền Trang quan sát thấy có rất nhiều bảo tháp được xây dựng để tôn thờ Xá Lợi của chư vị đại đệ tử Đức Thế Tôn.
Vào những ngày lễ hội tôn giáo chính, một số đông hàng tứ chúng đệ tử đã đi đến lễ bái, cúng dường hương hoa, nhang đèn nơi các bảo tháp.
Chư vị nào chuyên thọ trì Tạng Abhidhamma luôn đi đến đảnh lễ bảo tháp của Tôn giả Sāriputta.
Còn vị nào chuyên về thiền định sẽ đến đảnh lễ bảo tháp của Tôn giả Mahāmoggallāna.
Chư vị nào chuyên thọ trì Tạng Kinh sẽ đến đảnh lễ bảo tháp của Tôn giả Puṇṇa Mantāniputta.
Còn vị nào chuyên về Tạng Luật đều đi đến đảnh lễ bảo tháp của Tôn giả Upāli.
Các vị Sa di (Samaṇera) cùng nhau đi đến đảnh lễ bảo tháp của Tôn giả Rāhula.
Còn lại, hầu hết chư vị Tỳ Kheo Ni đều đến đảnh lễ bảo tháp của Tôn giả Ānanda.
Ngày nay, ở các nước theo truyền thống Phật giáo Theravāda, Giáo Hội của các vị Tỳ Kheo Ni không còn nữa.
Người nữ khi xuất gia theo Phật giáo Nam Tông, họ chỉ được gọi là Tu Nữ, chớ không gọi theo danh xưng Bhikkhunī.
Các vị thọ trì bát quan trai giới là điều học căn bản và dường như chỉ hơn được người tín nữ một bậc.
Tuy nhiên, dầu danh xưng như thế nào, vai trò ra làm sao, Ni giới luôn tôn kính, quy ngưỡng nơi Tôn giả Ānanda, vị thầy đã tạo điều kiện cho họ được phép xuất gia.
Trong tâm thức của nữ giới, Tôn giả Ānanda chính là vị Phật thứ hai (Anubuddha).

↑ trở lên

VI. TÔN GIẢ ĀNANDA CHỨNG ĐẮC QUẢ VỊ THÁNH NHÂN A LA HÁN
Trước khi viên tịch Niết Bàn, Đức Thế Tôn có lời an ủi và sách tấn vị thị giả: “Nầy Ānanda, con sẽ sớm thành đạt thánh quả cao quý nhất”.
Sau khi lo hoàn tất buổi lễ trà tỳ chu đáo, Tôn giả Ānanda quay trở lại ngôi Tịnh Xá Kỳ Viên ở thành Sāvatthī.
Lòng người đệ tử trĩu nặng nỗi ưu buồn khi hương thất Gandhakuti vẫn còn đây mà hình bóng người thầy tôn quý nay ở nơi đâu?
“Người xưa nay đã về đâu?
Chỉ còn mây trắng lòng sầu nhớ thương”.
Tôn giả bắt đầu quét dọn xung quanh hương thất, sắp xếp lại nơi phòng nghỉ, đổ đầy nước nơi phòng tắm, như là Đức Thế Tôn vẫn đang ngự trong hương thất Gandhakuti.
Tất cả những ai đến Chùa Kỳ Viên nhìn thấy Tôn giả đang loay hoay quét dọn quanh hương thất đều không cầm được nước mắt.
Lúc nầy, Tôn giả Ānanda biết rõ mình còn một việc rất quan trọng nữa để hoàn thành. Ngài lên đường đi về khu vực miền núi thuộc xứ sở Kosambī.
Ở nơi đó, trong khung cảnh tĩnh mịch núi rừng, một vị Chư Thiên đã đến đảnh lễ Tôn giả, cùng nói lên lời cầu nguyện cho Ngài.
Đó là ngày hôm trước của hội nghị kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất tại ngôi thạch động Sattapaṇṇi.
Tôn giả Ānanda đã nỗ lực hành đạo suốt cả ngày. Về đêm, khi thời gian trôi qua hết canh thứ nhất, tâm của Tôn giả Ānanda đã gột sạch mọi phiền não tùy miên.
Sang đầu canh thứ hai, khi Tôn giả định nằm nghỉ lưng một chút, ngay trong khoảnh khắc đó ánh đạo mầu đã bừng sáng trong tâm của Ngài.
Tôn giả Ānanda là vị đại đệ tử duy nhất thành đạt quả vị thánh nhân A La Hán, trong tư thế nghiêng mình, ngoài bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
Đến đây, Tôn giả nhận thức rõ mình đã hoàn thành công việc tối hậu: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, đã đặt xuống gánh nặng, những gì cần làm đã làm xong, và không còn trở lại đời sống nầy nữa”.
Đây là thành quả cao quý nhất mà Tôn giả Ānanda đã gieo trồng phước đức, tu tập từ 100.000 đại kiếp, kể từ thời Đức Phật Tổ PADUMUTTARA, một vị Phật trong thời quá khứ.
Theo kinh sách ghi chép lại, Tôn giả Ānanda hưởng thọ đến 120 tuổi!
Về cuối đời, Tôn giả thường lưu trú tại Kosambī, khu vực Tây Ấn, và tiếp tục truyền trao Chánh Pháp cho các hàng đệ tử tiếp nối.
Những vị đệ tử nổi bật của Tôn giả Ānanda, như Tỳ Kheo Sāṇavāsī, sau nầy đã đóng vai trò chính yếu trong kỳ kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ II, vào Phật lịch năm 100.
Sau khi lần lượt các bậc tôn túc trưởng lão viên tịch, Tôn giả Ānanda được xem là bậc lãnh đạo tối cao của Tăng chúng.
Tôn giả như cội đại thọ Ānanda nơi ngôi Chùa Kỳ Viên, vươn tàng cây cao lớn che mát cho hàng tứ chúng đệ tử lúc bấy giờ.

↑ trở lên

VII. TÔN GIẢ ĀNANDA VIÊN TỊCH NIẾT BÀN
Sau khi Đức Thế Tôn viên tịch, Tôn giả Ānanda còn trụ thế 40 năm để làm chỗ nương tựa tinh thần cho hàng tứ chúng đệ tử.
Đến năm được 120 tuổi, Tôn giả thấy thời điểm ra đi đã đến, Ngài chuẩn bị bước theo chân Đức Thế Tôn đi về Niết Bàn.
Theo bản chú giải của Pháp Cú Kinh (Dhammapadaṭṭhakathā), Tôn giả Ānanda lần hồi đi đến bờ sông Rohiṇī. Ở hai bên bờ sông là nơi cư trú của hai dòng tộc nội và ngoại của Tôn giả, dòng tộc Sakyans và dòng tộc Koliyans.
Ở đó, Tôn giả Ānanda bay lên giữa hư không và nhập thiền đề mục về lửa. Ngọn lửa tam muội từ nơi thân Ngài xuất hiện, hỏa táng phần nhục thân, còn lại Xá Lợi rơi xuống ở hai bên bờ sông.

Ngay lúc đó, quả địa cầu rung động mạnh, chuyển động mạnh cả bảy lần để báo hiệu sự kiện Niết Bàn vô dư y của một vị đại đệ tử Phật.
Một ngôi sao sáng vụt tắt trên bầu trời Phật Pháp!
Tôn giả Ānanda ra đi an nhiên tự tại như lời kinh Ratana Sutta, kinh Châu Báu:
“Nghiệp lực cũ đã chấm dứt, nghiệp lực mới không còn phát sanh, tâm của chư vị không ưa thích việc tái sanh trong tương lai.
Hạt giống đã bị phá hủy, lòng tham muốn đời sống không còn nữa, bậc trí như vậy thường viên tịch giống như một ngọn đèn tắt vậy!”.
Hai dòng tộc Sakyans và dòng tộc Koliyans ở hai bên bờ sông Rohiṇi kính cẩn đón nhận phần Xá Lợi của Tôn giả Ānanda và xây dựng ngôi bảo tháp để tôn thờ Xá Lợi của bậc thánh nhân cao quý.
Di sản tinh thần Tôn giả Ānanda để lại cho thế hệ đời sau là vô giá.
Danh xưng của Ngài là lời mở đầu cho toàn bộ kinh điển nhà Phật: “Evaṃ me sutaṃ, như vầy tôi nghe”.
Ngày hôm nay người con Phật chúng ta còn có duyên may đọc được các bản kinh Phật là nhờ vào trí nhớ siêu việt của Tôn giả Ānanda.
Một cách cụ thể hơn, có thể lược kể các bài kinh do chính Tôn giả Ānanda thuyết giảng như sau:
1. Bài kinh Aṭṭhakanāgara Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 52: bài kinh ghi lại lời giảng của Tôn giả Ānanda về 11 cánh cửa dẫn tới pháp Bất Tử.
2. Bài kinh Sekha Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 53: do lời yêu cầu của Đức Thế Tôn, Tôn giả Ānanda đã giảng về con đường thực hành của bậc thánh nhân hữu học.
3. Bài kinh Ānandabhaddekaratta Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 132: một phiên bản của bài kinh Bhaddekaratta Sutta, nói về nếp sống trong hiện tại.
5. Bài kinh Gopakamoggallāna Sutta, Trung Bộ Kinh bài số 108: Tôn giả Ānanda giải thích cho Bà la môn Gopaka Moggallāna về cách thức Tăng đoàn duy trì sự đoàn kết sau khi Đức Thế Tôn viên tịch.
6. Và các câu kệ ngôn của chính Tôn giả Ānanda được ghi chép lại trong tập kinh Trưởng Lão Tăng Kệ thuộc Tiểu Bộ Kinh.
Mẫu thiết kế nên bộ y cà sa cho Chư Tăng do chính bàn tay khéo léo của Tôn giả Ānanda. Ngài đã mô phỏng theo bờ ruộng ở các thửa ruộng xứ sở Magadha để tạo dáng cho chiếc huỳnh y.
Truyền thống tụng kinh Paritta cũng xuất phát từ vị Tôn giả khả kính. Tôn giả Ānanda vừa rải nước thánh từ chiếc bình bát của Đức Thế Tôn, vừa tụng đọc bài kinh Ratana Sutta , kinh Châu Báu, xung quanh thành Vesāli giúp cho mọi dịch bệnh, tai ương đều được hóa giải.
Tôn giả Ānanda còn được nhớ đến với cội đại thọ bồ đề Ānanda ngày nay nơi ngôi Tịnh Xá Kỳ Viên ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Truyền thống lễ bái, cúng dường cội bồ đề xuất phát từ cội đại thọ bồ đề Ānanda nầy.
Nơi đây chúng ta hãy đọc lại những vần kệ ngôn của chư tôn đức Tăng đã đọc lên cúng dường Tôn giả Ānanda vào thời điểm Tôn giả viên tịch Niết Bàn:
“Vị Tôn giả khả kính vừa nhập Niết Bàn
Ngài là bậc thánh nhân đa văn đệ nhất
Bậc gìn giữ kim ngôn mỹ từ của Đức Thế Tôn ở trong tâm
Tôn giả là hiện thân cho ánh sáng Phật Pháp, xóa tan đi màn đêm vô minh
Một bậc luôn kiên định với vai trò phục vụ Giáo Hội
Bậc thầy của trí huệ, tỉnh giác, sống chuyên cần và an tịnh
Đó là Tôn giả khả kính Ānanda, ngôi Tàng Kinh Các của Pháp Bảo”.

↑ trở lên

VIII. LỜI KẾT
Tất cả phước đức và sự viên thành đạo quả của Tôn giả Ānanda là cả một quá trình tu tập bền bỉ và gieo trồng phước báu Ba la mật từ vô lượng kiếp.
Vào thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Tổ PADUMUTTARA, cách đây gần 100.000 đại kiếp, một khoảng thời gian lâu vô tận, có một chúng sanh đã phát lời thệ nguyện trở thành thị giả cho một vị Phật tương lai.
Đó chính là tiền thân của Tôn giả Ānanda.
Khi đó, Tôn giả là một hoàng tử có tên là Sumana, người anh em cùng cha khác mẹ với Đức Thế Tôn Padumuttara.
Một ngày nọ, hoàng tử Sumana được diện kiến vị thị giả của người anh mình, ông đem lòng mến mộ và có lòng mong muốn sau nầy mình cũng được như vậy.
Sau đó, hoàng tử Sumana xin phép vua cha cho theo hầu cận người anh trai trong thời gian bảy ngày. Rồi vị hoàng tử trở lại hoàng cung và bắt đầu cho xây dựng các ngôi tịnh xá để cúng dường đến Đức Thế Tôn và Chư Tăng.
Sumana tinh tấn thọ trì thập giới (the ten precepts) trong thời gian ba tháng an cư, và hết lòng hộ độ đến Đức Thế Tôn cùng chư tôn đức Tăng.
Với tất cả phước báu mình đã làm được, hoàng tử Sumana phát nguyện xin trở thành vị thị giả chính thức cho một vị Phật ở tương lai.
Đức Thế Tôn Padumuttara đã thọ ký cho lời phát nguyện của người em mình, hoàng tử Sumana, được đúng theo như ý nguyện trong ngày vị lai.
Đến thời kỳ Đức Phật Tổ KASSAPA, vị chúng sanh hữu phước đó đã cúng dường cái giá đỡ bình bát đến một vị Tỳ Kheo.
Trong một kiếp sống khác khi làm vua, nhà vua với nhiều đức tin đã cúng dường tịnh thất, cốc liêu cho tám vị Phật Độc Giác trong khu vườn thượng uyển. Rồi chuyên tâm cúng dường vật thực đến quý Ngài trong thời gian 10.000 năm!
Trong nhiều kiếp sống quá khứ, tiền thân của Tôn giả Ānanda đã hỗ trợ, trợ duyên rất nhiều cho Đức Bồ Tát chúng ta hoàn thành được hạnh nguyện Ba la mật.
Tôn giả Ānanda đã có một hành trang phước đức thập phần viên mãn.
Tôn giả Ānanda là hiện thân cho biết bao điều kỳ diệu!
Tôn giả Ānanda là người anh em chú bác với Đức Thế Tôn, cùng giáng sanh từ cung trời Đâu Suất (Tusita) và sanh ra cùng một ngày với Đức Thế Tôn.
Khi Tôn giả chào đời, tất cả mọi người trong hoàng gia, ai nấy đều hoan hỷ vui mừng, và họ đặt tên cho Ngài là Ānanda.
Ānanda tiếng Pāli có nghĩa là vui mừng, hoan hỷ, hân hoan (great delight).
Khi xuất gia theo Đức Thế Tôn, chỉ trong mùa hạ đầu tiên vị tân Tỳ Kheo Ānanda đã chứng đắc quả vị thánh nhân Nhập Lưu (Sotāpanna), bậc thánh nhân hữu học.

Khi Đức Thế Tôn được năm mươi lăm tuổi, Tôn giả Ānanda bắt đầu đảm nhận vai trò thị giả chính thức (Aggupaṭṭhāyaka).
Kể từ thời điểm đó, Tôn giả Ānanda bước theo bước chân Đức Như Lai ở mọi lúc, ở mọi nơi như bóng không rời hình.
Vị thị giả tận tụy chăm sóc, lo lắng cho Đức Thế Tôn cả ngày lẫn đêm. Về đêm, Tôn giả Ānanda với ngọn đèn trong tay, đi vòng quanh hương thất Gandhakuṭi cả chín lần để gìn giữ sự yên tịnh cho thầy.
Tôn giả Ānanda quý kính, yêu mến, và thương Đức Thế Tôn hơn cả chính bản thân mình. Tất cả đã tạo nên chất liệu kỳ diệu cho tình thầy trò thiêng liêng và thánh thiện.
Không chỉ đơn thuần là vị thị giả tận tâm, Ānanda còn gánh vác thêm công việc của một người trợ lý cho Đức Thế Tôn một cách đắc lực.
Tôn giả biết phân bố và sắp xếp thời gian hợp lý để chư Tỳ Kheo và chư Tỳ Kheo Ni, vua chúa và các vị hoàng tử, thiện nam và tín nữ, cũng như các du sĩ ngoại đạo có dịp đến đảnh lễ và yết kiến Bậc Đạo Sư.
Như chiếc gạch nối giữa Đức Thế Tôn với tất cả mọi người, Ānanda có khả năng truyền đạt lời giáo huấn, mọi mệnh lệnh của Đức Bổn Sư đến Tăng chúng một cách nhanh chóng và kịp thời.
Đồng thời lời yêu cầu cùng những thông tin từ bên ngoài, Tôn giả biết thời điểm phải lẽ để trình lên Đức Thế Tôn.
Giữa chư vị đại đệ tử của Đức Thế Tôn, Tôn giả Ānanda nổi bật hơn cả với năm phẩm chất ưu việt. Đó là bậc đa văn đệ nhất, có một trí nhớ siêu đẳng, thông suốt ý nghĩa sâu xa của Phật ngôn, chuyên tâm giảng dạy Phật ngôn, và là vị thị giả hầu Phật tận tâm nhất.
Tôn giả Ānanda là vị đại đệ tử nghe nhiều nhất pháp thoại của Đức Thế Tôn, gần như là nghe hầu hết toàn bộ lời Phật dạy.
Tôn giả có một nghệ thuật nghe Pháp đặc biệt đến nỗi Đức Thế Tôn phải ngợi khen: “Ngoài Ānanda ra, không có người thứ hai nào trên thế gian có khả năng nghe Pháp được như vậy”.
Vị Tôn giả ấy có tài năng thiên bẩm là nhớ thật nhanh, nhớ thật nhiều và nhớ thật chính xác tất cả những lời Đức Thế Tôn giảng dạy.
Tương truyền rằng một lần nọ Đức Thế Tôn vừa kết thúc một bài pháp thoại dài; ngay sau đó, vị thị giả đã lập lại toàn bộ nội dung bài pháp cho thính chúng, không hề sót một chữ!
Danh xưng “Ānanda” đã trở thành câu mở đầu cho tất cả kinh điển Phật giáo.
Bậc đa văn quảng kiến bậc nhất đã biến bộ óc siêu việt của mình thành một kho tàng chứa đựng toàn bộ chân lý.
Không chỉ nhớ thật nhiều Phật ngôn, Ānanda lại có khả năng thông suốt ý nghĩa thậm thâm trong từng lời Pháp mà Đức Thế Tôn truyền dạy.
Nhờ đó Tôn giả có thể diễn giảng Phật ngôn một cách trung thực nhất cho nhiều hội chúng.
Đức Thế Tôn có lần đã khen ngợi người đệ tử thân tín như sau:
“Ānanda thông suốt lời dạy của Như Lai như thế nào, khi trình bày Phật ngôn lại cho người khác, Ānanda cũng làm cho họ được thông suốt y như vậy”.
Vị pháp sư đại tài Ānanda biết cách làm cho thính chúng lắng nghe tập trung bài giảng và hầu hết mọi người đều cảm thấy tiếc nuối khi pháp sư kết thúc bài pháp; vì bên cạnh kiến thức uyên bác, Tôn giả còn có tướng mạo khả ái và giọng nói rất giống giọng nói của Đức Thế Tôn.
Khi một vị cư sĩ hỏi Đức Thế Tôn cách thức để tôn vinh ngôi Pháp Bảo, Đức Thế Tôn đã không ngần ngại khuyên vị ấy hãy đi đến đảnh lễ Ānanda, vì Tôn giả là người gìn giữ Giáo Pháp của Như Lai.
Trong cộng đồng Tăng lữ, Tôn giả Ānanda đều được tất cả chư huynh đệ quý mến và tôn kính không chỉ vì hạnh đa văn đệ nhất mà còn do đức từ bi và tinh thần phục vụ vị tha.
Tôn giả Ānanda là một thiện bằng hữu, thiện bằng lữ (kalyāṇamitta) của tất cả chư vị Tỳ Kheo.
Tôn giả Ānanda luôn chăm lo cho sức khỏe và sự tiến bộ tinh thần của các vị huynh đệ, nhất là các vị sư mới xuất gia.
Với đức từ bi học hỏi từ nơi Đức Thế Tôn, Ānanda rất quan tâm chăm sóc cho các vị huynh đệ bị bệnh.
Một lần nọ, chính Đức Thế Tôn với sự trợ giúp của Tôn giả Ānanda đã tắm rửa, săn sóc cho một vị Tỳ Kheo bị bệnh nặng. Sau đó, Đức Thế Tôn đã ban lời giáo huấn có ý nghĩa nhân văn rất cao: “Vị Tỳ Kheo nào chịu khó chăm sóc cho các huynh đệ bị bệnh, vị đó đã chăm sóc cho chính Như Lai”.
Tôn giả Ānanda có niềm tin vào Giáo Hội là nơi truyền trao bức thông điệp từ bi và trí huệ của Đức Thế Tôn; Tăng đoàn là nguồn an lạc và hạnh phúc cho toàn thể thế gian.
Tôn giả Ānanda là vị đã khai sinh nên dòng tu nữ giới lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
Nếu không có Tôn giả Ānanda thì không có giáo hội Tỳ Kheo Ni, không có danh xưng Tỳ Kheo Ni (Bhikkhunī).
Nếu không có Tôn giả Ānanda thì không có điều học “Bát Kỉnh Pháp” (garudhammā) được ghi lại trong sách Cūḷavagga thuộc Tạng Luật.
Nếu không có Tôn giả Ānanda thì cũng không có tập kinh Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā).
Hầu hết chư Tỳ Kheo Ni và hàng nữ giới đều ngưỡng mộ và tôn thờ Tôn giả Ānanda.
Lúc Đức Thế Tôn sắp nhập vô dư y Niết Bàn, người đệ tử thân tín không thể chịu nổi cảnh xa lìa người thân thương đã tìm một chỗ vắng, đứng ôm mặt mà khóc.
Đức Thế Tôn cho gọi Ānanda vào bên trong và nói lời an ủi:
_ Tất cả những gì được sanh ra, lớn lên và phát triển mà không phải hoại diệt, điều đó không bao giờ xảy ra. Thân ngũ uẩn của Như Lai cũng không ngoại lệ.
Rồi Ngài nói thêm lời sách tấn: “Nầy Ānanda, con đã tạo nhiều phước đức. Con sẽ sớm thành đạt thánh quả cao quý nhất”.
Chính nhờ lời động viên tinh thần của người thầy tôn quý mà Tôn giả đã thành đạt thánh quả A La Hán cùng với sáu thắng trí (chalābhiññā), vào trước ngày diễn ra kỳ kết tập kinh điển Phật giáo lần đầu tiên tại ngôi thạch động Sattapaṇṇi.
Trong kỳ kết tập lịch sử kéo dài suốt bảy tháng nơi miền ngoại ô thành Vương Xá, Tôn giả Ānanda đã đóng góp vai trò vô cùng quan trọng khi trùng tuyên lại tất cả pháp thoại của Đức Thế Tôn.
Theo kinh sách ghi chép lại, Tôn giả Ānanda hưởng thọ đến 120 tuổi! Ngài là cội tùng lâm đại thọ che chở, bảo bọc cho hàng tứ chúng đệ tử sau khi Đức Thế Tôn viên tịch.
Về cuối đời, Tôn giả Ānanda vẫn tiếp tục truyền trao Chánh Pháp cho các thế hệ đệ tử tiếp nối.
Những vị Tỳ Kheo xuất gia với Tôn giả Ānanda sau đó được gởi đi hoằng pháp ở những miền xa xôi hẻo lánh như Kasmir ngày nay.
Các vị Tỳ Kheo đệ tử của Tôn giả Ānanda về sau tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong kỳ kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ II, vào Phật lịch năm 100.
Tôn giả Ānanda là hiện thân của biết bao điều kỳ diệu trong cuộc sống!
Tôn giả đã bắt đầu chuyến hành trình tâm linh từ thời Đức Phật Tổ Padumuttara và kết thúc vẻ vang trong thời của vị Phật hiện tại, Phật Tổ Gotama.
Tôn giả Ānanda là một bậc thánh nhân với lòng từ bi và trí huệ thâm sâu.
Ngài là một vị Sa môn thông thái bậc nhất.
Một nhân cách lớn.
Một bậc thiện trí thức, một thiện bằng hữu, thiện bằng lữ.
Một vị pháp sư đại tài.
Vị đã khai sinh dòng tu cho nữ giới.
Là chiếc bóng của Đức Như Lai.
Trên tất cả, Tôn giả Ānanda là kho tàng của Pháp Bảo, là ngôi Tàng Kinh Các của Pháp Bảo.
Là danh xưng DHAMMABHAṆṆDĀGĀRIKA mà muôn đời về sau tất cả chúng con đều tôn thờ và kính ngưỡng.
Ngôn ngữ trên thế gian luôn có giới hạn, không thể nào đủ để chúng con có thể diễn tả nên lời sự cao quý vô vàn của vị Tôn giả khả kính, khả ái.
Chúng con chỉ có thể mượn danh xưng “ANUBUDDHA” để tôn vinh Ngài, để thờ phượng Ngài ở trong tâm: “Tôn giả Ānanda là vị Phật thứ hai của tất cả chúng con”.
Vị Phật ấy thường xuyên sách tấn, động viên tinh thần chúng con:
_ Các con hãy nỗ lực học hỏi lời dạy của Đức Thế Tôn nhiều nhất có thể.
_ Các con hãy chuyên tâm ghi nhớ Giáo Pháp nhiều nhất có thể.
_ Các con hãy cố gắng hiểu ý nghĩa sâu xa của Giáo Pháp nhiều nhất có thể.
_ Các con hãy kiên trì gìn giữ và truyền trao lại Giáo Pháp nhiều nhất có thể.
_ Và các con hãy cố gắng thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn nhiều nhất có thể.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com