Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Kinh Tê Giác

  1. GIỚI THIỆU VỀ BÀI KINH CHIẾC SỪNG TÊ GIÁC
  2. 41 CÂU KỆ NGÔN TRONG BÀI KINH CHIẾC SỪNG TÊ GIÁC
  3. CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN
  4. CÂU KỆ NGÔN THỨ 2
  5. CÂU KỆ NGÔN THỨ 3
  6. CÂU KỆ NGÔN THỨ 4
  7. CÂU KỆ NGÔN THỨ 5
  8. CÂU KỆ NGÔN THỨ 6
  9. CÂU KỆ NGÔN THỨ 7
  10. CÂU KỆ NGÔN THỨ 8

↑ trở lên

GIỚI THIỆU VỀ BÀI KINH CHIẾC SỪNG TÊ GIÁC

KHAGGAVISĀṆA SUTTA

Bài kinh Chiếc Sừng Tê Giác, Khaggavisāṇa Sutta, là bài kinh tiếp theo sau bài kinh Dhaniya Sutta. Giống như bài kinh Uraga Sutta, kinh Khaggavisāṇa Sutta dùng hình ảnh một bộ phận cơ thể của loài vật để so sánh với đời sống của một vị ẩn sĩ lý tưởng.

Kinh Khaggavisāṇa Sutta có cả thảy 41 câu kệ ngôn. Tất cả các câu kệ ngôn đều sử dụng một điệp khúc ở dòng kệ cuối:

“Hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.

Có hai quan điểm nhận định về bài kinh nầy.

Quan điểm thứ nhất cho rằng 41 câu kệ ngôn nầy là do Chư Phật Độc Giác (Pacceka Buddha) đọc lên khi các Ngài chứng ngộ quả vị Phật. Hình ảnh của một vị Phật Độc Giác ít khi được đề cập đến trong các bản kinh Nikāya. Theo truyền thừa của các bậc thánh nhân, Phật Độc Giác được xếp sau Phật Toàn Giác nhưng đứng phía trên các vị Phật Thinh Văn Giác.

Bộ Nhân Chế Định (Puggalapaññatti), bộ thứ tư của Tạng Vi Diệu Pháp, mô tả vị Phật Độc Giác như sau: “Là một bậc tự mình giác ngộ chân lý nhưng không đạt đến mức độ toàn tri và cũng không đạt được những năng lực mầu nhiệm”.

Theo định nghĩa nầy, vị Phật Độc Giác có khác với vị Phật Toàn Giác. Một vị Phật Toàn Giác thành đạt trí tuệ ở mức độ viên mãn và sở hữu những năng lực siêu việt.

Các văn bản chú giải nêu rõ, khác với quan niệm thông thường, Chư Phật Độc Giác không phải không thuyết giảng (hoàn toàn giữ im lặng). Chư vị thường thuyết giảng Giáo Pháp một cách vắn tắt và đôi khi các Ngài có thâu nhận đệ tử. Tuy nhiên, các Ngài không thành lập đạo tràng và cũng không quảng bá Giáo Pháp một cách rộng rãi hay theo một hệ thống nhất định.

Quan điểm thứ hai cho rằng 41 câu kệ ngôn thuộc bài kinh Khaggavisāṇa Sutta không phải là do Chư Phật Độc Giác thuyết giảng mà chỉ là các câu kệ ngôn mô tả về đời sống tăng sĩ Phật giáo vào thời kỳ nguyên thủy.

Vào thời kỳ thuở ban đầu, Phật giáo chưa có một hệ thống tăng viện hẳn hòi. Các vị tu sĩ Phật giáo nguyên thủy sống du phương hành khất, rày đây mai đó. Chư vị thực hành Giáo Pháp một cách miên mật, để thoát ly khỏi những phiền toái nơi thế sự thường tình. Có thể nói đó là đời sống lý tưởng của các vị hành giả thọ hạnh đầu đà (dhutaṅga), sống nơi rừng sâu núi thẳm, thanh bần lạc đạo với nếp sống ẩn cư. Trưởng Lão Đại Ca Diếp (Mahāthera Kassapa) được xem như là hình mẫu tiêu biểu cho nếp sống lý tưởng nầy.

↑ trở lên

41 CÂU KỆ NGÔN TRONG BÀI KINH CHIẾC SỪNG TÊ GIÁC
Bài Kinh Chiếc Sừng Tê Giác (Khaggavisāṇa Sutta) là bài kinh thứ ba thuộc chương một của bộ Kinh Tập (Suttanipāta).
Bài kinh có cả thảy là 41 câu kệ ngôn, được chia thành bốn chương nhỏ.
1. Khi đã từ bỏ gậy gộc với tất cả chúng sanh và không hãm hại bất cứ loài hữu tình nào, vị ấy không còn tham muốn đến cả con cái, huống gì là bạn đồng hành?
Vị ấy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
2. Với ai tạo nên sự ràng buộc, sẽ có luyến ái. Tiếp theo sau luyến ái là sự khổ phát sanh.
Thấy được điều nguy hiểm phát sanh từ nơi luyến ái, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
3. Luôn quan tâm tới những người bạn thân thiết, với tâm bị dính mắc, người ấy sẽ đánh mất điều tốt đẹp.
Thấy được mối nguy trong sự thân mật, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
4. Một người quá bận rộn với vợ con và gia đình, người ấy giống như một bụi tre gai chằng chịt.
Hãy như cụm măng non không vướng vào đâu, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
5. Như con nai sống thảnh thơi trong rừng, chạy nhảy bất cứ nơi đâu mà nó muốn; cũng vậy người trí, tầm cầu sự tự do, luôn sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
6. Phần đông mọi người hay gây phiền phức, dầu khi ấy ta đang nằm nghỉ, đang đứng, đang đi lại hay du hành.
Người tầm cầu sự tự do, thoát ra khỏi mọi phiền toái đó, hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
7. Giữa đám đông người, luôn có những cuộc vui và trò chơi. Tình thương đối với con của mình thì vô hạn.
Phải xa lìa người thân yêu thì thật sầu muộn. Ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
8. Không bất mãn với mọi người trong bốn phương hướng (từ, bi, hỷ, xã), luôn biết đủ với những gì đang có;
Vị ấy vượt qua mọi chướng ngại, không sợ hãi và sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
9. Ngay cả đến người xuất gia cũng rất khó mà làm vừa lòng họ, huống chi là người tại gia cư sĩ.
Không quan tâm đến con cái của người khác, vị ấy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
10. Sau khi thay đổi hình tướng của người thế tục giống như cây Koviḷāra thay lá, và cắt đứt mọi ràng buộc, vị anh hùng sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
11. Nếu tìm được một người bạn đồng hành, một người bạn có trí tuệ, giới hạnh, dũng cảm, sau khi khắc phục mọi chướng ngại, ta hãy kết giao với người bạn ấy, cùng sống chung nhiệt tâm và tinh cần.
12. Nhưng nếu không tìm được một người bạn đồng hành như vậy, như vị vua từ bỏ vương quốc đã bị chiếm đóng, ta hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
13. Chắc chắn là chúng ta sẽ tán dương sự đồng hành, điều nầy có nghĩa là ta nên kết bạn với người giỏi hơn hay bằng ta.
Nếu không được như vậy, hãy như một người thọ thực không bị khiển trách, nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
14. Sau khi thấy những chiếc vòng tay trang sức bằng vàng lóng lánh, được khéo làm bởi người thợ kim hoàn, va chạm lẫn vào nhau, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
15. Nếu sống chung với người khác, đôi khi ta phải nói lên lời nói ngon ngọt, lúc khác lại buông lời gay gắt.
Thấy được điều không hay như vậy, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
16. Dục lạc rất hấp dẫn, ngọt ngào, làm cho tâm thích thú, nhưng mãnh lực của nó luôn gây xáo trộn nội tâm.
Khi thấy rõ được sự nguy hiểm trong mọi hình thức dục lạc, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
17. Điều nầy (dục lạc) là nghịch cảnh, vết thương, tai nạn, cơn bệnh, mũi tên nhọn và thảm họa cho chính bản thân ta.
Khi thấy rõ được sự nguy hiểm trong mọi hình thức dục lạc, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
18. Nóng và lạnh, đói khát, gió nắng, muỗi mòng và rắn rít; sau khi nhẫn nại chịu đựng những điều khó khăn trên, ta hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
19. Như con voi đầu đàn với thân hình to lớn, đẹp như hoa sen, lìa bỏ bầy đàn để sống một mình trong rừng như voi muốn, ta hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
20. Không thể nào một người luôn thích thú với đám đông lại có thể thành đạt được sự giải thoát, dầu chỉ là tạm thời.
Sau khi lắng nghe lời dạy của Người Bà Con Mặt Trời (Đức Phật), vị ấy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
21. Ta đã vượt qua mọi quan điểm sai lầm, kiên định, và thành đạt được đạo lộ. Nhờ vào trí tuệ, ta không bị lạc lối bởi người khác, và sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
22. Không tham lam, không mưu cầu, không khao khát, không ganh tỵ, đoạn trừ hoàn toàn phiền não và vô minh, không mong muốn bất cứ điều gì trên thế gian nầy, vị ấy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
23. Không nên kết hợp với người bạn xấu, người mà luôn gây tổn hại, người luôn hướng tâm về điều bất thiện. Không nên giao du với người có khuynh hướng dễ duôi, lười biếng; làm được như vậy vị ấy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
24. Hãy thân cận với bậc đa văn, bậc trì Pháp, người thiện bằng hữu với trí tuệ sáng chói. Sau khi đã hiểu rõ điều lợi ích và loại bỏ được hoài nghi, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
25. Khi không còn thỏa mãn trong thế gian với ca nhạc, vui chơi, với ngũ dục, không còn thích thú trong dục lạc, và từ bỏ các đồ trang sức, vị thuyết giảng chân lý hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
26. Sau khi từ bỏ vợ con, cha mẹ, tài sản, lương thực, thân bằng quyến thuộc, và lần lượt xa rời các dục lạc, vị ấy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
27. Ở nơi đây là sự trói buộc, hạnh phúc thì ít ỏi, sự thỏa mãn cũng không nhiều; trái lại đau khổ luôn đầy dẫy, hơn nữa đó chính lại là cạm bẫy, biết rõ như vậy, người biết suy nghĩ nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
28. Giống như con cá phá vỡ mảnh lưới, giống như ngọn lửa đốt cháy hết nhiên liệu, sau khi đã phá tan các sợi dây trói buộc, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
29. Với ánh mắt nhìn xuống, với chân đi không lệch hướng, với các căn được điều phục; với tâm được phòng hộ, không ô nhiễm, và không dao động bởi tham dục, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
30. Sau khi từ bỏ hình tướng của người thế tục như cây pāricchattaka thay lá, rồi vận màu huỳnh y, và xuất gia, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
31. Không khởi lên lòng tham đối với vị ngon, không ham muốn vật thực, không phải nuôi dưỡng ai, đi khất thực từng nhà một, với tâm không dính mắc vào gia đình nầy hay gia đình nọ, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
32. Sau khi đã diệt trừ năm pháp chướng ngại của tâm, và tất cả phiền não; sau khi đoạn trừ kiến chấp, từ bỏ tham và sân, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
33. Sau khi từ bỏ lạc và khổ, từ bỏ hỷ và ưu; sau khi an trú xã và định thanh tịnh, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
34. Với sự tinh tấn để thành đạt mục tiêu tối thượng, với tâm không lười biếng và sự thực hành chuyên tâm, với sự kiên trì liên tục, kết hợp với sức mạnh và nội lực, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
35. Luôn ưa chuộng nếp sống độc cư và không xao lãng thiền định, luôn thực hành đúng theo lời dạy, sau khi thấy rõ sự nguy hiểm trong các cảnh giới tái sanh, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
36. Luôn mong muốn diệt trừ tham ái, chuyên cần, trí tuệ, học rộng, chánh niệm, thông hiểu về Pháp, ổn định trong hành xứ, luôn kiên trì nỗ lực, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
37. Như sư tử không run sợ trước tiếng động, như làn gió không dính mắc trong màn lưới, như bông sen không nhiễm phải bùn dơ, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
38. Như sư tử, được xem là chúa sơn lâm; với sức mạnh nanh vuốt, sư tử tấn công và khuất phục tất cả loài thú, vị ấy hãy sống ở nơi xa vắng; vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
39. Vào thời điểm thích hợp tu tập từ tâm giải thoát, tu tập bi tâm giải thoát, tu tập hỷ tâm giải thoát, và tu tập xã tâm giải thoát, không có sự xung đột với bất cứ ai ở thế gian, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
40. Sau khi đã đoạn trừ tham dục, sân hận và si mê, cắt đứt mọi kiết sử (phiền não trói buộc chúng sanh), không còn sợ hãi khi cái chết xảy đến, vị ấy hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
41. Họ tìm đến bạn rồi giúp bạn chỉ vì tư lợi; những người bạn không nghĩ đến tư lợi ngày nay thật khó tìm. Những người không tốt luôn chỉ biết đến tư lợi; do đó ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN

1. Khi đã từ bỏ gậy gộc với tất cả chúng sanh và không hãm hại bất cứ loài hữu tình nào, vị ấy không còn tham muốn đến cả con cái, huống gì là bạn đồng hành? Vị ấy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.

GIẢI NGHĨA

Từ “gậy gộc” theo nghĩa đen là vũ khí, được hiểu theo nghĩa bóng là thân hành ác, khẩu hành ác và ý hành ác. Những hành động bằng thân, khẩu và ý gây hại cho mình, gây hại cho người, những hành động đó được hiểu là gậy gộc.
“Tất cả chúng sanh” bao gồm tất cả chúng sanh ở mọi giới, mọi loài.
“Không hãm hại bất cứ loài hữu tình nào” là không gây hại đến bất cứ một chúng sanh nào.
Dòng kệ ngôn “Vị ấy không còn tham muốn đến cả con cái”. Từ con cái ở đây để chỉ cho con ruột, con nuôi hay đệ tử. Với những người thân yêu đó vị ấy không còn thương mến hay luyến ái.
“Huống gì là bạn đồng hành”: không còn sự ưa thích nơi hội chúng đông đảo.
“Vị ấy sống lẻ loi, đơn độc”: nếp sống lẻ loi, đơn độc trong câu kệ ngôn nầy được hiểu theo nhiều cách.
Lẻ loi, đơn độc là sống một mình theo cách hiểu thông thường. Hơn thế nữa, nghĩa của từ lẻ loi hay đơn độc là sự xuất gia, lìa bỏ mọi ràng buộc của đời sống gia đình. Lẻ loi, đơn độc là từ bỏ phiền não tham ái.
Lẻ loi, đơn độc là sự đoạn trừ hoàn toàn mọi phiền não. Phiền não trong tâm của vị hành giả không còn khả năng tái phát trở lại nữa. Nội tâm của Ngài hoàn toàn an tịnh, vắng lặng. Nội tâm của vị ấy trở nên lẻ loi, đơn độc với các phiền não.
Lẻ loi, đơn độc được hiểu theo nghĩa là sự giác ngộ của một vị Phật Độc Giác. Chư vị tự mình giác ngộ, không thầy chỉ dạy. Một hình ảnh lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác để mô tả nếp sống độc cư, thanh tịnh của một vị Phật Độc Giác (Pacceka Buddha).
Câu kệ ngôn đầu tiên trong bài kinh Khaggavisāṇa Sutta mô tả pháp hành của một bậc thánh giả. Vị ấy đã từ bỏ đao trượng, gậy gộc đối với tất cả chúng sanh, Ngài an trú vào tâm từ bi vô lượng. Và bằng đề mục là pháp từ bi, Ngài phát triển pháp thiền quán và chứng đắc sự giác ngộ của một vị Phật Độc Giác.

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN

Câu kệ ngôn đầu tiên được đọc lên bởi một vị Phật Độc Giác đặc biệt. Ngài đã vun bồi công hạnh Ba La Mật (Pāramī) trong suốt hai A Tăng Kỳ và 100.000 đại kiếp.
Thuở xưa vào thời kỳ Đức Phật Tổ Ca Diếp (Kassapa Buddha), Ngài là một vị Tỳ Kheo tu hạnh ẩn lâm và thọ trì pháp hành “đến và đi” trong suốt 20.000 năm.
Pháp hành “đến và đi” có nghĩa là pháp hành gì?
Bản chú giải Paramatthajotikā giải thích pháp hành “đến và đi” có nghĩa là vị hành giả có đem đi và có mang lại.
Có nghĩa là vị Tỳ Kheo hành giả luôn làm tròn bổn phận của mình đối với Thầy Tổ, đối với trú xứ đang cư ngụ. Và đặc biệt là vị ấy , không xao nhãng, luôn an trú trong đề mục thiền định. Đó là pháp hành “đến và đi” hay là vị hành giả có đem đi và có mang lại.
Sau khi hết tuổi thọ, vị Tỳ Kheo có pháp hành “đến và đi” tái sanh làm một vị Chư Thiên trên cõi trời. Sau khi mãn phần, vị Chư Thiên đó sanh vào thai bào của bà chánh hậu của Đức Vua ở thành Bārāṇasī.
Đến kỳ khai hoa nở nhụy, Hoàng Hậu hạ sanh một hài nhi xinh đẹp. Sự ra đời của Hoàng Tử là cả niềm vui lớn cho cả vương quốc, nhất là Đức Vua cha. Hoàng tử được đặt tên là Brahmadatta. Đến năm Hoàng tử được 16 tuổi, Đức Vua cha nhường lại ngôi vua cho Thái Tử.
Tân vương Brahmadatta trị vì một vương quốc rộng lớn và giàu có bậc nhất thời bấy giờ. Vị vua mới vừa tham gia triều chính, vừa thực hành đề mục kasiṇa thiền định và thành đạt năm thắng trí cùng với tám tầng thiền định!
Một ngày nọ Đức Vua suy nghĩ:
_ Công việc trị vì quốc gia làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc thiền định. Điều gì sẽ là tốt hơn, làm vua hay là thực hành pháp của vị ẩn sĩ? Hạnh phúc của vương quyền thì hạn hẹp, lại ngầm chứa nhiều nguy hiểm. Trong khi đó, hạnh phúc của đời ẩn sĩ thì vô lượng, vô biên.
Suy nghĩ như vậy, Ngài truyền gọi vị quan tể tướng vào và truyền bảo:
_ Nầy khanh, hãy cai trị vương quốc nầy đúng đắn, không làm điều gì sái quấy.
Nói như vậy xong, Ngài truyền giao đất nước lại cho vị tể tướng, rồi lên ngự trên tầng cao nhất của ngôi lâu đài, ở đó hưởng an lạc của thiền định. Chỉ có duy nhất một người đem thức ăn hằng ngày mới có thể tiếp xúc được với vị vua ẩn sĩ.
Thời gian đầu vị quan tể tướng làm rất tốt công việc được Đức Vua Brahmadatta giao phó. Nhưng sau đó ông bị Hoàng Hậu quyến rũ rồi phạm tội với bà. Mọi người thông báo cho Đức Vua sự việc. Lúc đầu vị ẩn sĩ không tin nhưng về sau tận mắt chứng kiến sự phạm tội giữa hai người, Đức Vua mới bắt vị quan tể tướng và định mức hình phạt tương ứng.
Nhưng sau đó Ngài suy nghĩ lại: “Nếu ta giết hoặc hình phạt kẻ ngu, việc nầy sẽ gây tổn hại cho sự hành đạo của ta”. Cho nên Ngài quyết định trục xuất vị quan tể tướng, đuổi ra khỏi vương quốc của mình.
Vị quan tể tướng phản phúc liền tìm đến một vị vua ở một xứ lân bang. Ông ta tìm đến hỏi thăm rồi chiếm được lòng tin của nhà vua mới. Một thời gian sau vị quan tể tướng liền tâu trình lên cho Đức Vua lân bang kế hoạch đánh phá và thôn tính vương quốc của Đức Vua Brahmadatta. Nghe nói riết cũng xiêu lòng, Đức Vua lân bang thân chinh dẫn binh hùng tướng mạnh kéo sang vương quốc Bārāṇasī, và đưa ra tối hậu thư: “Giao thành hay phải đánh nhau!”.
Ban đầu Đức Vua Brahmadatta ra lệnh tất cả án binh bất động, không chịu nghênh chiến vì sợ tổn hại sinh linh, sẽ vi phạm đến pháp hành của Ngài. Sau cùng những vị tướng giỏi của Vua Brahmadatta xin phép đánh thắng giặc mà không làm đổ một giọt máu nào. Và họ thành công, bắt sống được nhà vua đối nghịch và giao cho Đức Vua Brahmadatta.
Với bẩm tánh nhân hậu, đức độ, chính tay Đức Vua Brahmadatta đi xuống cởi trói cho kẻ thù và bỏ qua mọi lỗi lầm. Về sau cả hai đều trở thành đôi bạn tâm giao.
Khi đứng giữa ba quân tướng sĩ hùng dũng, Đức Vua Brahmadatta khởi lên một suy nghĩ:
_ Nhờ khéo bảo vệ tâm của mình, ta đã ngăn cản được cuộc đổ máu tàn khốc của cả đôi bên. Thật là phi thường! Thật là vi diêụ! Nguyện sao cho tất cả chúng sanh đều được hạnh phúc, không oán thù, không khổ não!
Bằng phương cách đó, Đức Vua Brahmadatta thành đạt thiền về tâm từ. Lấy đó làm nền tảng, Ngài quán xét các pháp hành, chứng đắc được trí tuệ của một vị Phật Độc Giác, viên mãn quả vị Phật Bích Chi.
Khi Ngài đang ngồi trên lưng voi hưởng thọ hạnh phúc quả vị Phật, các vị quan quân quỳ xung quanh tung hô Đức Vua Brahmadatta là bậc chiến thắng.
Khi ấy, Ngài trả lời: “Ta không còn là Đức Vua nữa. Ta đã là một vị Phật Độc Giác”.
Tất cả thần dân đều trả lời:
_ Không phải đâu, Hoàng Thượng! Một vị Phật Độc Giác không giống như Ngài hiện giờ đâu.
_ Thế thì một vị Phật Độc Giác ra sao?
_ Vị ấy có tướng mạo của người xuất gia và đầy đủ tám món vật dụng của người xuất gia (y, bát, vải lọc nước v.v…)
Khi đó, Đức Vua Brahmadatta chạm đầu vào bên tay phải của Ngài. Ngay tức khắc tướng mạo của một vị vua biến mất, thay vào đó là hình dáng của một vị xuất gia trang nghiêm, đầy đủ y bát, trông giống như một vị trưởng lão đã tu được 100 tuổi hạ.
Vị Phật Độc Giác nhập vào tứ thiền, bay lên khỏi lưng voi rồi đáp xuống trên một tòa sen.
Quần thần đều quỳ xuống đảnh lễ, đồng thanh hỏi Đức Phật:
_ Bạch Ngài, Ngài đã tu tập thiền định nào? Làm thế nào Ngài thành đạt được thiền định vi diệu như vậy?
Đức Phật Độc Giác mới bảo Ngài đã tu tập về đề mục tâm từ. Trên nền tảng đó Ngài phát triển tuệ quán và thành đạt được đạo quả Phật.
Tiếp theo Ngài đọc lên câu kệ ngôn:
“Khi đã từ bỏ gậy gộc với tất cả chúng sanh và không hãm hại bất cứ loài hữu tình nào, vị ấy không còn tham muốn đến cả con cái, huống gì là bạn đồng hành?
Vị ấy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.
Câu chuyện truyền đạt nội dung sâu sắc: Vị hành giả Phật giáo thực hành pháp hành “đến và đi” nghĩa là vị hành giả làm trọn bổn phận của một vị Tỳ Kheo và không xao lãng pháp môn thiền định.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ 2

2. Với ai tạo nên sự ràng buộc, sẽ có luyến ái. Tiếp theo sau luyến ái là đau khổ phát sanh.
Thấy được điều nguy hiểm phát sanh từ nơi luyến ái, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.

GIẢI NGHĨA

Dòng kệ ngôn: “Với ai tạo nên sự ràng buộc, sẽ có luyến ái”.

Sự ràng buộc giữa người nam và người nữ được tạo nên qua hình dáng và âm thanh. Từ nơi ràng buộc sẽ phát sanh lên lòng luyến ái. Lòng luyến ái được hình thành chủ yếu từ nơi sự tham đắm và chấp thủ.
Dòng kệ ngôn: “Tiếp theo sau luyến ái là đau khổ phát sanh”. Sự khổ liên hệ trong đời nầy và sự khổ trong các đời sống kế tiếp. Đó chính là tâm trạng sầu, bi, khổ, ưu, não.
Dòng kệ ngôn: “Thấy được điều nguy hiểm phát sanh từ nơi luyến ái, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.
Thấy rõ được sự ràng buộc tạo nên luyến ái, và tiếp ngay sau luyến ái là cả một khối đau khổ phát sanh lên, vị hành giả hướng đến thoát ly khỏi mọi sự ràng buộc.

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO CÂU KỆ NGÔN SỐ 2

Tương tự câu chuyện trong câu kệ ngôn số 1, câu chuyện dẫn nhập cho câu kệ ngôn số 2 là câu chuyện của một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha).
Vào thời kỳ Đức Phật Tổ Kassapa, có một vị Bồ Tát hạnh Độc Giác thực hành pháp của vị ẩn sĩ trong 20.000 năm. Vị nầy thực hành pháp thiền định và thành đạt tầng sơ thiền.
Sau khi chết, vị Bồ Tát tái sanh vào cõi trời Phạm Thiên. Từ cõi trời Phạm Thiên, vị ấy sanh vào thai bào bà Chánh Hậu của Đức Vua xứ sở Bārāṇasī. Khi sanh ra đời, bé hài nhi nầy đặc biệt không cho một người phụ nữ nào động chạm đến thân mình. Khi ngửi thấy hơi của người phụ nữ, đứa bé liền khóc ngay. Thậm chí những người vú nuôi chăm sóc cho Hoàng tử bú sữa phải giả dạng thành người nam.
Đến lúc trưởng thành, Hoàng tử tính tình vẫn như vậy, không muốn nhìn thấy bất cứ người phụ nữ nào. Vì thế mọi người đặt cho Hoàng tử cái tên là Anitthigandha, có nghĩa là người không thích mùi hương của phụ nữ.
Khi Thái Tử được 16 tuổi, Vua cha nghĩ rằng đã đến lúc phải lập gia thất cho con mình. Vua cha cho tuyển chọn những cô thiếu nữ thật xinh đẹp trong vương quốc. Ngài truyền dạy một vị tể tướng tìm cách để cho Thái tử gần gũi phái nữ.
Một hôm, một vị quan tể tướng cho mời những cô tiểu thư thật xinh đẹp vào cung Thái Tử để múa hát. Thái Tử không những không đam mê sắc dục mà còn đánh đập vị quan tể tướng và đuổi vị ấy ra khỏi cung điện.
Để làm vui lòng mẫu hậu và vua cha, Thái tử bèn nhờ những nghệ nhân trong triều đình hãy làm cho mình một bức tượng thiếu nữ bằng vàng thật xinh đẹp, rồi nói nếu vua cha tìm ra được người đẹp như bức tượng nầy thì Thái Tử sẽ cưới cô ta ngay.
Khi pho tượng thiếu nữ xinh đẹp bằng vàng được hoàn tất, Đức Vua truyền cho quan quân đẩy pho tượng đi khắp vương quốc của mình và các xứ lân bang để tìm cho được người thiếu nữ đẹp như pho tượng. Đi tìm một người đẹp như bức tượng của nghệ nhân xứ Bārāṇasī không hề dễ dàng chút nào! Cả đoàn quan quân của triều đình đi đến khắp mọi nơi nhưng không tìm gặp được người như Thái Tử mong muốn.
Nhưng may mắn cuối cùng mọi người cũng tìm ra cô công chúa ở thành phố Sāgala thuộc xứ sở Madda. Công chúa xứ Madda còn đẹp hơn cả pho tượng gấp nhiều lần! Mọi người gởi tin vui về triều đình, báo cáo với Thái Tử đã tìm được người như ý.
Khi Thái tử Anitthigandha nghe được tin mừng, ông muốn gặp cô công chúa ngay tức khắc nên vội ra lệnh cho cả đoàn phải hộ tống công chúa xứ Madda về kinh thành gấp. Cả đoàn vâng lời Thái tử ngày đêm hộ giá công nương trực chỉ kinh thành Bārāṇasī. Nhưng thật bất hạnh! Vì đoạn đường quá xa xôi hiểm trở, lại gặp phải thời tiết khắc nghiệt khi đoàn hộ tống vừa về đến kinh thành thì công chúa lâm bệnh rồi đột ngột qua đời.
Ngay khi Thái Tử hay được hung tin công chúa xứ Madda từ trần, ông sầu muộn vô cùng tận. Nhưng ngay khi đó Thái Tử quán xét nguyên do nỗi sầu muộn trong lòng:
_ Nỗi sầu muộn nầy chỉ phát sanh lên đến những ai được sanh ra, chớ không phát sanh đến những ai không sanh ra. Như vậy, sầu muộn hay đau khổ phát sanh lên do sự sanh.
Rồi Ngài suy nghĩ tiếp nguyên nhân của sự sanh. Sanh phát sanh lên từ duyên Hữu. Suy tư một cách nghiêm túc, theo trí tuệ siêu việt từ trong kiếp quá khứ, Thái Tử thấy rõ được lý duyên khởi theo chiều thuận và chiều nghịch.
Như vậy, khi ngồi quán xét về lý duyên khởi, Thái Tử chứng đắc ngay quả vị Phật Độc Giác. Khi các vị quan thấy Ngài ngồi như vậy, với các căn thanh tịnh thọ hưởng hạnh phúc giải thoát, họ tưởng rằng Thái Tử đang rất buồn phiền nên tất cả quỳ xuống đảnh lễ và thưa:
_ Thưa Ngài Thái tử! toàn thể xứ Diêm Phù Đề (Jambudīpa) rất rộng lớn. Chúng tôi chắc chắn sẽ tìm được cho Ngài một thiếu nữ còn đẹp hơn công chúa xứ Madda.
Vị Phật Độc Giác lúc bấy giờ mới trả lời:
_ Ta không còn sầu muộn. Nay Ta đã một vị Phật Bích Chi an tịnh (Paccekabuddha).
Rồi Ngài đọc lên câu kệ ngôn:
“Với ai tạo nên sự ràng buộc, sẽ có luyến ái. Tiếp theo sau luyến ái là sự khổ phát sanh.
Thấy được điều nguy hiểm phát sanh từ nơi luyến ái, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ 3
3. Luôn quan tâm tới những người bạn thân thiết, với tâm bị dính mắc, người ấy sẽ đánh mất điều tốt đẹp.
Thấy được mối nguy trong sự thân mật, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO CÂU KỆ NGÔN SỐ 3
Câu chuyện dẫn nhập cho câu kệ ngôn số 3 mở đầu giống như vị Bồ Tát hạnh Độc Giác Phật trong câu kệ ngôn số 2.
Vị Bồ Tát nầy có phước đức làm vua ở xứ sở Bārāṇasī. Vị ấy có thực hành thiền định và đắc chứng tầng thiền thứ nhất.
Sau đó Bồ Tát có suy nghĩ điều nào là tốt hơn khi sống hạnh ẩn sĩ hay làm vua. Và vị ấy đã chọn cho mình nếp sống của vị ẩn sĩ.
Rồi Đức Vua xứ Bārāṇasī trao lại quyền cai quản vương quốc cho bốn vị quan lớn nhất trong triều đình. Đức Vua khuyên nhủ họ hãy cai trị đất nước đúng theo pháp.
Khi Đức Vua đã lui về sau để sống đời ẩn sĩ, bốn vị quan tể tướng bắt đầu hành xử không đúng pháp. Họ quen nhận của hối lộ và phán xử công việc triều đình không đúng theo pháp luật. Dân chúng trong xứ Bārāṇasī rất bất bình với bốn vị quan tể tướng nói trên.
Một ngày nọ, đích thân Đức Vua từ nơi am thất phải thân chinh ra sảnh đường chính.
Mọi người bắt đầu nhốn nháo, hét to lên:
_ Bọn quan lại kia đều là quân bất chánh. Xin Đức Vua hãy bắt hết bọn chúng!
Chịu không nổi tiềng ồn ào, nhà vua rời khỏi hội trường và đi lên tận ngôi lầu cao, để ngồi xuống thiền định. Tuy nhiên tiếng ồn luôn làm gián đoạn việc thiền định của Ngài.
Vì thế Ngài phải suy nghĩ:
_ Điều gì là tốt hơn, ngai vàng hay cuộc sống ẩn sĩ?
Đến đây Ngài kiên quyết từ bỏ nếp sống vương giả, rồi chứng đắc lại tầng sơ thiền. Trên nền tảng thiền định, Ngài phát triển pháp thiền quán và chứng đắc quả vị Phật Độc Giác.
Về sau có người hỏi đề mục thiền định của Ngài là gì, vị Phật Độc Giác đã đọc lên câu kệ ngôn:
“Luôn quan tâm tới những người bạn thân thiết, với tâm bị dính mắc, người ấy sẽ đánh mất điều tốt đẹp.
Thấy được mối nguy trong sự thân mật, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.
GIẢI NGHĨA
Trước hết chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa của từ “người bạn thân”.
Có hai phân loại: người bạn tại gia và người bạn xuất gia.
Thế nào là người bạn tại gia? Đó là người bạn có thể cho chúng ta những gì thật khó cho, làm được việc khó làm, chịu đựng được việc khó mà chịu đựng.
Đó là người bạn không hé lộ bí mật, chuyện riêng tư của bạn, là người biết gìn giữ bí mật, chuyện riêng tư của bạn mình.
Đó là người bạn không bỏ rơi bạn mình khi gặp khó khăn, là người bạn không khinh rẻ khi bạn mình rơi vào cảnh túng quẫn.
Đó là người bạn có thể hy sinh cả mạng sống để bảo vệ bạn mình.
Và thế nào là người bạn xuất gia?
Đó là vị Tỳ Kheo nhu thuận và dễ mến, là một vị sư gương mẫu, đáng kính trọng.
Đó là một vị giảng sư nhiệt huyết và thuyết giảng những thời pháp thật cao siêu.
Đó là một bậc đồng phạm hạnh không hoan hỷ khi bạn của mình có chiều hướng dễ duôi.
Là một vị sư luôn khuyến khích để bạn mình thành tựu giới học.
Đó là một vị sư hỗ trợ cho bạn mình thực hành tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo.
Dòng kệ ngôn: “Luôn quan tâm tới những người bạn thân thiết, với tâm bị dính mắc”.
Chúng ta có những người bạn rất thân thiết, tại gia hay xuất gia vừa nêu trên. Từ đó chúng ta tạo nên tình bằng hữu thân thiết và có sự quan tâm lẫn nhau.
Dòng kệ ngôn: “Với tâm bị dính mắc, người ấy sẽ đánh mất điều tốt đẹp”.
Nhưng với tâm lý chủ quan, chấp thủ người bạn như thuộc quyền sở hữu của riêng mình. Chính từ đây phát sanh rất nhiều vấn đề tiêu cực.
Đó là điều tốt đẹp gì? Đó là điều tốt đẹp trong hiện tại, điều tốt đẹp trong vị lai và điều tốt đẹp cao quý nhất là pháp thiền định, giải thoát.
Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Thấy được mối nguy trong sự thân mật, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.
Do sự thân mật quá mức với bạn hữu mà chúng ta sẽ đối diện với mối nguy trước mắt. Đó là đánh mất cơ hội để thực hành pháp thiền định.
Cho nên vị Phật Độc Giác trong câu kệ ngôn số 3 khuyên nhủ chúng ta muốn thành đạt hạnh phúc lớn nhất là thiền định hãy nên sống đơn độc và lẻ loi như chiếc sừng tê giác.






↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ 4
4. Một người quá bận rộn với vợ con và gia đình, người ấy giống như một bụi tre gai chằng chịt.
Hãy như cụm măng non không vướng vào đâu, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO CÂU KỆ NGÔN SỐ 4
Liên quan đến câu kệ ngôn số 4 là câu chuyện của ba vị Phật Độc Giác.
Trong thời kỳ Đức Phật Tổ Kassapa, có ba vị Bồ Tát hạnh Độc Giác Phật thực hành pháp “đến và đi” trong 20.000 năm.
Sau khi mãn tuổi thọ, cả ba vị Bồ Tát đều tái sanh về cõi trời.
Từ cõi trời, vị cao niên nhất trong ba vị sanh vào hoàng tộc của Đức Vua ở kinh thành Bārāṇasī. Hai vị còn lại sanh vào hoàng tộc của những vị vua ở xứ sở lân cận.
Hai vị nhỏ tuổi hơn tiếp tục thực hành thiền định, từ bỏ ngai vàng, đi xuất gia, rồi lần lượt thành đạt quả vị Phật Độc Giác.
Chư vị thánh nhân có trú xứ tại ngôi núi Nandamūlaka.
Một ngày nọ, sau khi xuất khỏi thiền định, hai vị Phật Độc Giác tự hỏi: “Do nhờ phước duyên nào mà chúng ta có thể đạt đến sự giác ngộ như thế nầy?”.
Quán xét nhân duyên, chư vị thấy được nhờ vào sự thực hành pháp “đến và đi” trong thời kỳ Giáo Pháp của Đức Phật Kassapa.
Rồi các Ngài tìm hiểu thêm vị cao niên nhất bây giờ đang ở đâu?
Các vị thấy được vị huynh trưởng đang làm vua ở xứ sở Bārāṇasī.
Chư vị nhớ lại vị huynh trưởng của các Ngài là vị sư huynh rất gương mẫu. Khi còn tu tập hạnh Bồ Tát thời Đức Phật Kassapa, vị huynh trưởng luôn là một vị Tỳ Kheo thiểu dục, tri túc, luôn luôn nhắc nhở, sách tấn các bạn đồng phạm hạnh tu tập.
Thế nên, hai vị Phật liền tìm cách giải thoát bạn mình ra khỏi đời sống vương giả.
Một ngày nọ, Đức Vua xứ Bārāṇasī đang dạo chơi trong vườn thượng uyển với đoàn tùy tùng. Hai vị Phật vân du trên hư không rồi ngự xuống nơi vườn thượng uyển, đứng nơi một bụi tre lớn.
Đức Vua nhìn thấy hai vị Phật, tuy chưa quen biết nhưng trong lòng có ngay sự cảm mến.
Đức Vua đến gần hai vị, chấp tay xá chào và hỏi:
_ Kính bạch các Ngài, hai vị là ai?
_ Thưa Đại vương, chúng tôi được gọi là “không bị dính mắc”.
_ Thưa Ngài, thế nào là không bị dính mắc?
_ Thưa Đại vương, là không nắm quá chặt.
Rồi chỉ tay vào bụi tre kế bên, hai vị Phật giải thích:
_ Thưa Đại vương, ví như bụi tre rậm rạp nầy với các cành tre đan chặt vào nhau. Thật rất khó cho một người dùng dao đốn bỏ hay nhổ bụi tre lên.
Cũng tương tự như vậy, Đức Vua đang bị đan chặt vào hoàng tộc. Nhưng giống như bụi măng non mọc kế bên, không bị ràng buộc, rất dễ cho một người dùng dao cắt hay nhổ bụi măng và mang đi.
Giống như chúng tôi đây được tự do đi lại khắp mọi nơi!
Sau khi nhắc nhở cho Đức Vua, bằng hữu của mình trong kiếp trước, hai vị Phật Độc Giác theo đường hư không trở về đỉnh núi Nandamūlaka.
Ngay khi đó, Đức Vua xứ sở Bārāṇasī suy nghĩ ta sẽ trở thành người không bị dính mắc như hai vị hiền nhân kia. Đức Vua ngồi xuống ngay bụi tre, phát triển tuệ quán và chứng đắc ngay quả vị Phật Độc Giác.
Khi được các vị hoàng tộc hỏi về đề mục thiền định, Ngài đọc lên câu kệ ngôn như sau:
“Một người quá bận rộn với vợ con và gia đình, người ấy giống như một bụi tre gai chằng chịt.
Hãy như cụm măng non không vướng vào đâu, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.
Các câu kệ ngôn trong bài kinh Chiếc Sừng Tê Giác nói lên niềm hạnh phúc của vị hành giả sống đơn độc, ẩn cư, không thích hội chúng, lẻ loi như chiếc sừng duy nhất của con tê giác.
Như câu kệ ngôn số 4 mô tả:
“Một người quá bận rộn với vợ con và gia đình, người ấy giống như một bụi tre gai chằng chịt.
Hãy như cụm măng non không vướng vào đâu, ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.
Một người quá bận rộn với vợ con và gia đình, người ấy giống như một bụi tre gai chằng chịt. Một người gia chủ, sống đời gia đình có vợ con, họ phải chăm lo, nuôi dưỡng vợ và con.
Từ nơi đời sống gia đình phát sanh tình cảm luyến ái với vợ, với con trai và con gái.
Từ sự luyến ái phát sanh tâm dính mắc vào vợ con. Tình cảnh người đó được ví như một bụi tre gai, các cành tre đan vào nhau chằn chịt, không cách gì có thể rút các cành tre ra được.
Câu kệ ngôn của bậc thánh giả khuyên dạy chúng ta sau khi thấy được sự nguy hiểm trong sự dính mắc như vậy, hãy cắt đứt tâm tham ái, dính mắc vào gia đình.
Hãy đoạn trừ tham dục, ngã mạn, tà kiến, đoạn trừ tất cả phiền não phát sanh từ đời sống gia đình bằng trí tuệ của đạo, trí tuệ của quả siêu thế.
Hãy như một bụi măng non không bị vướng vào đâu, khác xa hình ảnh cả bụi tre gai chi chít, vướng víu, chằng chịt. Hãy như chiếc sừng tê giác, lẻ loi và đơn độc.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ 5

5. Như con nai sống thảnh thơi trong rừng, chạy nhảy bất cứ nơi đâu mà nó muốn; cũng vậy, người trí tầm cầu sự tự do, luôn sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.

GIẢI NGHĨA

“Như con nai sống thảnh thơi trong rừng, chạy nhảy bất cứ nơi đâu mà nó muốn”: dòng kệ mô tả trạng thái tự do, thoải mái không ràng buộc của con thú sống trong rừng.
Nó đi đứng, chạy nhảy thảnh thơi vì nó được tự do. Không bị giam cầm, dính bẫy hay bị trói buộc. Nó hít thở không khí tự do trong lãnh địa của nó là khu rừng bao la.
Tương tự, hình ảnh đó được so sánh với bậc thiện trí thức trong Phật giáo.
Dòng kệ ngôn: “Cũng vậy, người trí tầm cầu sự tự do, luôn sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.
Sự tự do có hai là bản thân sự tự do và người tự do
1. Sự tự do chính là 37 phẩm trợ đạo Bồ đề, như Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Giác Chi và Bát Chánh Đạo.
2. Người tự do: người có đầy đủ phẩm chất của 37 phẩm trợ đạo nói trên được gọi là người tự do.
Người trí tầm cầu sự tự do, luôn sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác. Sự tự do ở đây có nghĩa là thoát ra khỏi ảnh hưởng của tâm phiền não. Để đạt được sự tự do như vậy, chúng ta nên tìm về nếp sống cô tịch, yên lặng, độc cư của vị hành giả Phật giáo.

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO CÂU KỆ NGÔN SỐ 5

Vào thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Tổ Kassapa, có một vị Tỳ Kheo tu tập thiền định rất tinh tấn. Vị Tỳ Kheo ấy sau khi hết tuổi thọ tái sanh vào một gia đình giàu có ở thành Bārāṇasī.
Do được cha mẹ nuông chiều quá mức cậu công tử đâm ra hư hỏng, lớn lên cậu ta phạm vào giới tà dâm. Khi chết đi, cậu công tử rơi vào địa ngục.
Chịu đựng mọi bất hạnh trong cảnh khổ, đến lúc hết nghiệp xấu, chúng sanh đó do quả phước có tu tập đời trước sanh làm bé gái trong một gia đình giàu có cũng ở thành Bārāṇasī.
Thân thể của một chúng sanh từ địa ngục mới sanh lại rất nóng nên người mẹ mang thai có cảm giác như bụng mình đang bị đốt cháy. Do ảnh hưởng của nghiệp lực tà dâm còn dư sót lại, khi đứa bé gái chào đời cả cha mẹ, thân quyến, những người thân trong gia đình đều ghét bỏ, ác cảm với bé hài nhi.
Theo thời gian cô bé gái lớn lên rồi lập gia đình. Về nhà chồng, không chỉ người chồng không thương yêu gì người vợ mà cả gia đình bên chồng đều lạnh lùng với cô dâu mới.
Một lần nọ trong thành Bārāṇasī có tổ chức một lễ hội truyền thống lớn kéo dài nhiều ngày. Cả gia đình người chồng đều đi tham dự. Người chồng đi dự lễ chỉ dắt theo các cô hầu gái mà không thông báo cho vợ mình cùng đi.
Có thể hiểu được tâm trạng của người vợ buồn bã đến chừng nào khi bị gia đình bên chồng hắt hủi đến như vậy. Khi người chồng về lại nhà, cô ta lấy hết can đảm để nói với chồng:
_ Sao anh lại đối xử với em như vậy? Nếu anh thấy em không xứng đáng thì em xin về lại nhà em.
Người chồng chẳng nói, chẳng rằng, cũng không buồn nhìn đến khuôn mặt đẫm nước mắt của vợ mình. Đến sáng ngày hôm sau, người chồng tiếp tục đi dự lễ hội mà cũng không nói gì với vợ mình.
Người vợ hết sức buồn bã đem theo một ít thức ăn, ngồi lên một cỗ xe rồi hướng về lễ hội nơi chồng mình đang tham dự.
Ngay lúc ấy, một vị Phật Độc Giác từ đỉnh núi Nandamūlaka vừa mới xuất thiền diệt sau bảy ngày. Vị ấy quán xét: “Hôm nay ta sẽ đi hóa duyên ở nơi đâu?”.
Vị ấy thấy được duyên lành đầy đủ của cô vợ bất hạnh trong thành Bārāṇasī. Ngài bay theo đường hư không rồi đứng khất thực trên con đường mà chiếc xe cô tín nữ sắp đi qua.
Khi thấy vị Phật Độc Giác với hình dáng trang nghiêm của bậc thánh nhân, cô tín nữ phát sanh đức tin, bước ngay xuống xe, đến quỳ đảnh lễ Ngài. Cô ta rước bình bát của Ngài, đặt hết tất cả vật thực vào trong bình bát.
Cô ta cúng dường thêm hoa sen trong bình bát, đặt bình bát lên bông sen, rồi kính dâng đến bậc thánh nhân.
Rồi cầm trên tay vòng hoa xinh đẹp, cô ấy quỳ đảnh lễ Đức Phật rồi nói lên lời phát nguyện đặc biệt như sau:
1. Kính bạch Ngài, như những bông hoa nầy, mong cho con luôn được yêu thương, quý mến ở nơi đâu con đến.
2. Kính bạch Ngài, ở trong thai bào của người mẹ rất là khổ sở, mong cho con sau nầy luôn được sanh ra trên một bông sen.
3. Kính bạch Ngài, số phận người nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi. Mong cho con được sanh làm người nam.
4. Kính bạch Ngài, mong cho con thành đạt pháp giác ngộ mà Ngài đã thành đạt.
Rồi cô ta dâng lên cho Đức Phật Độc Giác một bó hoa sen và phát nguyện tiếp điều thứ năm:
5. Kính bạch Ngài, mong cho con luôn được xinh đẹp như bông hoa sen nầy.
Đức Phật Độc Giác khi ấy tiếp nhận bình bát cúng dường vật thực, bông sen rồi Ngài bay lên hư không mà phúc chúc cho cô tín nữ:
“Cầu chúc cho lời cầu nguyện của con sớm được thành tựu.
Mong cho mọi ước nguyện được viên mãn như trăng trong ngày rằm”.
Sau khi phúc chúc phước báu cho cô tín nữ, Đức Phật Độc Giác theo đường hư không trở về đỉnh núi Nandamūlaka.
Cô tín nữ nhìn dõi theo bóng của bậc thánh nhân với tất cả tấm lòng tôn kính.
Ân đức của một vị Phật quả thật là nhiệm mầu! Ngay lúc đó nghiệp cũ mà cô đã tạo trong quá khứ (tội tà dâm) hoàn toàn tiêu trừ. Thân hình cô tín nữ trở nên xinh đẹp lạ thường.
Rồi người chồng trước đây ghét bỏ cô ta bao nhiêu giờ thì bỗng nhiên yêu mến cô và hối thúc mọi người dẫn người vợ mình đến ngay nơi lễ hội.
Ngay cả thân quyến bên chồng thay đổi hoàn toàn thái độ. Họ thấy xấu hổ cho hành động trước đây của họ, vội vã cho người đi tìm cô để xin lỗi.
Kể từ đó, người chồng và gia đình bên chồng đều yêu mến người vợ giống như một viên ngọc quý trong nhà.
Cô tín nữ hưởng đầy đủ quả phước lành, sau khi hết tuổi thọ cô ta tái sanh làm một vị Chư Thiên nam sinh trên một tòa sen, đúng như lời ước nguyện.
Đặc biệt vị Chư Thiên nầy dầu đi đứng nằm ngồi đều ở trên một tòa sen.
Các vị Chư Thiên khác đặt tên cho bạn của họ là “vị Chư Thiên Đại Liên”, vị chư thiên ở trên bông sen lớn.
Do quả phước cúng dường đến vị Phật Độc Giác, Chư Thiên Đại Liên tái sanh luân chuyển liên tục trong cả sáu tầng trời dục giới, từ Tứ Đại Thiên Vương cho đến Tha Hóa Tự Tại.
Vị Chư Thiên Đại Liên với phước báu cúng dường Đức Phật Độc Giác được hưởng hạnh phúc vô biên nơi các cõi trời trong thời gian lâu dài.
Khi ấy, Đức Vua trong kinh thành Bārāṇasī là một vị minh quân nhưng Đức Vua lại hiếm muộn con. Trong cung phi, Đức Vua có cả thảy 20.000 cung nữ, nhưng không một ai sinh con cho Đức Vua.
Vị chánh hậu là một Hoàng hậu đức hạnh và trí tuệ. Bà ta thường nói: “Thưa Hoàng thượng, một người phụ nữ đầy đủ giới đức sẽ sanh con theo như ý muốn”.
Rồi Hoàng hậu bắt đầu thọ trì pháp ngũ giới một cách tốt đẹp.
Khi vị Hoàng hậu đức hạnh xứ Bārāṇasī thọ trì ngũ giới và cầu nguyện có con như vậy, ngai vàng của Đức Trời Đế Thích trên cung trời Đao Lợi trở nên nóng lên. Khi hiện tượng lạ nầy phát sanh tất có một điều gì ở trần gian mà Đức Đế Thích phải tham gia vào.
Khi biết được lời cầu nguyện của Hoàng hậu xứ Bārāṇasī, Đức Trời nghĩ rằng Ngài sẽ giúp cho bà được toại nguyện.
Đích thân Ngài giáng trần, đến trước Hoàng hậu và hỏi:
_ Thưa Hoàng hậu, bà có điều ước nguyện gì?
_ Thưa Ngài Đế Thích, con chỉ cầu mong sao có một đứa con.
_ Thưa Hoàng hậu, bà sẽ được như ý nguyện.
Khi trở về cõi trời, Đức Trời Đế Thích bắt đầu quán sát: “Có vị chư thiên nào ở đây mà tuổi thọ sắp mãn?”.
Ngài biết được Chư Thiên Đại Thiên sắp mãn phần và tái sanh lên một cõi trời cao hơn.
Ngài đến ngay lâu đài của vị ấy rồi nói:
_ Đại Liên thân mến! mong hãy vì Ta mà giáng trần giúp ích cho chúng sanh.
_ Thưa , cõi trần thế rất nhiều hệ lụy, con không muốn đi đâu!
_ Đừng nói thế, Đại Liên! Không phải là Đại Liên đã từng tạo phước nơi cõi người nên nay mới được như bây giờ sao. Khi sống ở đó, chúng sanh sẽ có cơ hội tạo phước báu Ba la mật (Pāramī). Hãy đi đi, Đại Liên thân mến.
_ Ở trong thai bào của người mẹ thật kinh khủng. Con không thể chịu đựng nổi đâu!
_ Tại sao lại phải sanh vào thai bào? Do phước báu trước đây Đại Liên sẽ sanh lại trên một tòa sen. Hãy an tâm.
Do Đức Trời Đế Thích thuyết phục nhiều lần như vậy, cuối cùng Chư Thiên Đại Liên đồng ý sanh lại cõi người.
Từ cõi trời, vị Chư Thiên Đại Liên sanh ra trên một bông sen lớn trong hồ sen ở vườn thượng uyển của Đức Vua Bārāṇasī.
Vào buổi tối hôm đó, Hoàng Hậu nằm mơ thấy mình đi đến vườn thượng uyển cùng với 20.000 cung phi, sau đó đón nhận một bé trai từ một bông sen ở hồ sen vườn thượng uyển.
Khi trời rạng sáng, sau khi đã thọ trì ngũ giới, Hoàng Hậu đi đến đúng nơi bông sen mà vị thiên tử sanh lại trên đó. Khi thấy bông sen xinh đẹp tự nhiên Hoàng hậu muốn ôm bông sen vào lòng.
Chính bà lội xuống bờ hồ và ôm ngay bông sen vào lòng. Ngay khi ấy bông sen nở ra, Hoàng Hậu thấy một đứa bé đẹp như vàng ròng đang nằm trên đó.
Bà ta la lớn lên: “Tôi đã có đứa con”.
Mọi người tùy tùng đồng thanh hô to mừng cho Hoàng Hậu rồi thông báo ngay với Đức Vua là Hoàng Hậu đã sanh con.
Tất cả nhanh chóng rước đứa bé về hoàng cung và Đức Vua xem đó như chính bé trai được Hoàng Hậu sanh ra.
Hoàng tử lớn lên với sự chăm sóc kỹ lưỡng của hoàng gia, hàng ngày có đến 20.000 người cung nữ chăm sóc bé Hoàng tử.
Tất cả thần dân trong thành Bārāṇasī đều yêu thương, quý mến vị Hoàng tử được sanh ra trên một bông sen. Đây chính là sự thành tựu điều ước nguyện từ trong quá khứ của Hoàng tử.
Hằng ngày họ gởi tặng Hoàng tử vô số lễ vật, biết bao là thức ăn thượng vị.
Tuy nhiên việc ái mộ quá mức nầy cũng gây phiền cho chúng sanh hữu phước đó. Khi trưởng thành trở nên vị Đông Cung Thái tử, Ngài đã cảm nhận được sự phiền phức nầy.
Lúc bấy giờ có một vị Phật Độc Giác đang ẩn tu ở vườn Lộc Giả (Isipatana). Ngài thường đi vào thành Bārāṇasī để khất thực.
Một buổi sáng như thường lệ, Đức Phật xuất khỏi thiền định và quán xét sáng hôm nay sẽ đi khất thực ở nơi đâu.
Ngài thấy rõ sẽ đi đến nơi gần lâu đài của vị Hoàng tử.
Đức Phật tiếp tục tìm hiểu thêm về nghiệp lực của Hoàng tử trong quá khứ.
Ngài thấy rõ Hoàng tử đã từng cúng dường vật thực đến vị Phật Độc Giác và vị Hoàng tử nầy đã viên mãn được bốn điều ước nguyện.
Còn lại một điều là thành đạt pháp giác ngộ. Như vậy hôm nay ta sẽ giúp cho vị ấy thành tựu điều ước nguyện cuối cùng.
Suy nghĩ như vậy, Đức Phật Độc Giác đi về phía hoàng cung để khất thực.
Khi thấy bóng dáng vị thánh nhân, Thái tử hoan hỷ thưa rất cung kính:
_ Kính bạch Ngài, xin Ngài hãy dừng chân.
Nghe như vậy vị Phật không nói gì cả, Ngài quay lưng lại và đi về chỗ ngụ của mình ở khu vườn nai.
Thái tử hết sức buồn nghĩ rằng bậc thánh nhận đã giận mình nên vội vã xin phép cha mẹ đi đến khu vườn nai để xin lỗi.
Cỡi trên lưng voi sang trọng, Thái tử được hộ giá bởi tùy tùng đông đảo trực chỉ khu vườn nai.
Trên đường đi, Thái tử nhìn thấy một đàn nai đang tung tăng chạy nhảy mới day qua hỏi người hầu:
_ Đó là con vật gì vậy?
_ Thưa Thái tử, đó là những con nai thảnh thơi trong rừng.
_ Chúng có bị làm phiền như ta đây không? Lúc nào mọi người cũng đoanh vây xung quanh?
_ Thưa không Thái tử! Những con nai có thể tự do chạy nhảy bất cứ nơi đâu chúng muốn.
Nghe đến đây, Thái tử suy nghĩ ước gì mình được như đàn nai, tung tăng chạy nhảy bất cứ nơi đâu mình thích, không phải lúc nào cũng có người theo hộ tống như bây giờ.
Đức Phật Độc Giác biết Thái tử sẽ đi đến tịnh thất của Ngài nên Ngài sắp xếp mọi thứ gọn ghẽ, lưu lại vết chân Ngài trên đường đi kinh hành hằng ngày. Rồi Ngài biến mất.
Đi đến nơi Thái tử xuống khỏi lưng voi và cho mọi người ở lại phía bên ngoài. Một mình Thái tử đi vào nơi tịnh thất của Đức Phật Độc Giác.
Mọi vật xung quanh đều ngăn nắp, gọn gàng tạo cho Thái tử niềm hoan hỷ. Nhưng chỉ thấy dấu chân của Đức Phật trên đường đi kinh hành mà không thấy Ngài đâu.
Khi đi vào bên trong cốc liêu vắng vẻ cũng không có gì ngoài chiếc bồ đoàn mà Ngài tọa thiền mỗi ngày.
Một suy nghĩ chợt phát sanh nơi Thái tử: “Bậc thánh nhân nầy quả thật là không quan tâm điều gì ngoài việc thực hành pháp”.
Thái tử ngồi xuống suy nghĩ như vậy, phát sanh niềm hoan hỷ, phát triển tuệ giác và chứng đắc quả vị Phật Độc Giác ngay tại chỗ ngồi. Ngài ngồi yên đó an hưởng hạnh phúc giải thoát cao quý.
Bên ngoài chờ quá lâu sốt ruột, vị quan tể tướng buộc lòng phải đi vào bên trong tịnh thất nhưng không thấy một ai chỉ có Thái tử đang ngồi hết sức an tịnh.
Vị quan tể tưởng quỳ bên vị Đông cung rồi thưa:
_ Thưa Thái tử, chắc chắn là bậc thánh nhân sống ở đây. Có thể là Ngài đi vắng đôi lát. Ngày mai chúng ta sẽ quay trở lại và Thái tử sẽ xin lỗi cũng không muộn. Xin Thái tử đừng quá bận tâm về điều nầy.
Vị Phật Độc Giác trong hình hài của Thái tử trả lời:
_ Ta không có gì phải bận tâm!
_ Thưa Thái tử, Ngài nói như vậy có nghĩa là gì?
_ Nay Ta không còn là Thái tử nữa mà đã là một vị Phật Độc Giác.
Nói như vậy xong, Ngài đọc lên câu kệ ngôn:
“Như con nai sống thảnh thơi trong rừng, chạy nhảy bất cứ nơi đâu mà nó muốn; cũng vậy, người trí tầm cầu sự tự do, luôn sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ 6

6. Phần đông mọi người hay gây phiền phức, dầu khi ấy ta đang nằm nghỉ, đang đứng, đang đi lại hay du hành.
Người tầm cầu sự tự do, thoát ra khỏi mọi phiền toái đó, hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO CÂU KỆ NGÔN THỨ 6

Thưở xưa có một vị vua tên là Brahmadatta. Vị vua nầy có một cá tính đặc biệt là chỉ nghe một người nói ở một nơi riêng biệt.
Vì thế, thần dân trong nước đặt thêm cho nhà vua cái tên là Ekavajjika, có nghĩa là chỉ nghe một người nói mà thôi.
Khi các vị quan trong triều đình muốn tâu trình lên Đức Vua công việc gì họ phải nói với ông ta ở nơi riêng tư, dầu đó là việc xấu hay tốt.
Vì lẽ đó, một hôm nhà vua đang nằm nghỉ trưa, một vị quan đến đánh thức vua dậy rồi nói: “Thưa Hoàng thượng, thần có một việc rất quan trọng, phải tâu trình lên Hoàng thượng ngay”.
Nhà vua phải buộc lòng thức dậy để nghe điều gì đó.
Sự việc cứ như thế diễn ra liên tục.
Một lần nọ, Đức Vua đang ngồi giữa triều đình oai phong lẫm liệt, một vị quan khác cũng đến yêu cầu Đức Vua phải đi ra bên ngoài để tâu trình một việc gì đó thật quan trọng.
Nhưng hóa ra lại không có gì cả. Ôi! Thật là phiền toái.
Rồi Đức Vua đang ngự đến vườn thượng uyển, đang đi kinh lý nơi xa đều gặp phải các trường hợp tương tợ.
Nhiều lúc vua cũng thật xấu hổ với các thần dân, đang ngồi trên một cỗ xe sang trọng phải bước xuống đất để nghe các quan tâu báo.
Quá ngán ngẩm, nhà vua bỏ đi xuất gia. Khi ngai vàng bỏ trống, các quan tể tướng bắt đầu tranh dành quyền hành.
Một vị quan lớn trong triều đình đi đến gặp Đức Vua, khi ấy đã là một vị đạo sĩ, rồi nói:
_ Tâu Hoàng thượng, xin Ngài hãy nhường ngôi cho tôi.
Đức Vua trả lời:
_ Nếu như khanh muốn thì hãy lên ngôi vua và cai trị đúng pháp.
Quan tể tướng bỏ đi mà không nói một lời nào với suy nghĩ sẽ chiếm lĩnh ngôi vua bằng mọi cách.
Các vị quan khác trong triều đình không phục tùng ông ta, nên tìm đến Đức Vua để giải quyết sự việc.
Khi bị làm phiền như vậy, vị đạo sĩ nhà vua lui về tịnh thất, ngồi xuống quán xét: “Thật không có cách gì để thỏa mãn tham vọng của nhóm quần thần nầy”.
Thấy được sự nguy hiểm trong lòng tham vô độ của chúng sanh, đạo sĩ phát triển tuệ quán và chứng đắc ngay quả vị Phật Độc Giác.
Về sau, Ngài thường đọc lên câu kệ ngôn để nói lên niềm an lạc, hạnh phúc giải thoát của mình:
“Phần đông mọi người hay gây phiền phức, dầu khi ấy ta đang nằm nghỉ, đang đứng, đang đi lại hay du hành.
Người tầm cầu sự tự do, thoát ra khỏi mọi phiền toái đó, hãy sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.

GIẢI NGHĨA

Một vị vua luôn bị mọi người xung quanh, quan quân, thần dân gây phiền bằng nhiều cách.
Để thoát ra khỏi tình trạng đó, nhà vua đi xuất gia.
Thấy được phiền não trong đời sống cộng đồng, vị ẩn sĩ phát triển tuệ giác rồi chứng đắc quả vị Phật Độc Giác.
“Dầu cho ta đang nằm nghỉ”: khi nhà vua đang nghỉ trưa, một vị quan vào đánh thức vua dậy để tâu trình sự việc.
“Đang đứng, đang đi lại hay du hành”: sự việc tương tự xẩy ra khi nhà vua đang ngồi giữa triều đình, khi đi dạo trong vườn thượng uyển hay đi kinh lý nơi xa xôi.
“Phần đông mọi người hay gây phiền phức”: quan quân, quần thần, tất cả mọi người đều tìm đến nhà vua để được đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của họ. Những yêu cầu, những đòi hỏi không có điểm dừng, biểu hiện cho tham ái và tâm phiền não của chúng sanh.
“Người tầm cầu sự tự do, thoát ra khỏi mọi phiền toái đó”: nhà vua chọn cho mình một giải pháp là đi xuất gia, bỏ lại sau lưng ngai vàng.
Đời sống xuất gia là nơi hội tụ của những tâm hồn cao quý, tầm cầu sự thanh tịnh và sống thảnh thơi, an vui tự tại. Tuy có thể chưa giải thoát hoàn toàn nhưng người sống đời ly gia, cắt ái đã thoát ly rất nhiều ràng buộc ở thế gian.

↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ 7

7. Giữa đám đông người, luôn có những cuộc vui và trò chơi. Tình thương đối với con của mình thì vô hạn.
Phải xa lìa người thân yêu thật là sầu muộn. Ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO CÂU KỆ NGÔN THỨ 7

Thuở xưa, tại thành Bārāṇasī có một vị vua tên là Brahmadatta. Đức Vua chỉ có một người con duy nhất. Nhà vua rất yêu thương Hoàng Tử, yêu thương hơn cả chính bản thân ông.
Do đó, thần dân đặt thêm cho nhà vua cái tên là Ekaputtaka, có nghĩa là ông cha chỉ có một người con. Đi đâu và làm gì, Đức Vua cũng dắt Hoàng Tử theo bên Ngài.
Một ngày nọ, Đức Vua đi đến vườn thượng uyển và bồng Hoàng Tử đi theo như thường lệ. Hoàng Tử tung tăng chạy nhảy khắp khu vườn. Chẳng may đứa bé chạy té, ngã lăn ra rồi chết ngay tại chỗ.
Các vị quan đại thần giấu không cho Đức Vua hay, chôn đứa bé ngay trong vườn thượng uyển. Họ biết chắc chắn nếu như nghe sự việc lúc nầy, nhà vua sẽ đau khổ đến chết.
Tiệc tùng trong vườn thượng uyển, nhà vua say rượu rồi quên luôn Hoàng Tử. Ngày hôm sau, sau buổi cơm, nhà vua ra lệnh cho mọi người bồng Hoàng Tử vào.
Các quan đã tâu trình lên sự việc với tất cả sự khéo léo mà họ có thể. Nghe tin con mình chết bất đắc kỳ tử, vua cha lòng buồn vô hạn.
Nhờ vào phước báu Ba la mật tích trữ từ đời trước, nhà vua ngồi xuống trầm tư suy nghĩ về sự việc thương tâm:
_ Khi điều nầy có mặt, điều kia có mặt. Với sự phát sanh của cái nầy, cái kia phát sanh.
Suy tư pháp Thập Nhị Nhân Duyên theo chiều ngược và chiều xuôi, nhà vua chứng đắc ngay tại chỗ ngồi quả vị Phật Độc Giác.
Về sau, mô tả sự chứng đắc của mình, Ngài đã đọc lên câu kệ ngôn:
“Giữa đám đông người, luôn có những cuộc vui và trò chơi. Tình thương đối với con của mình thì vô hạn.
Phải xa lìa người thân yêu thật là sầu muộn. Ta nên sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.

GIẢI NGHĨA

Câu kệ ngôn trên mô tả nỗi sầu muộn của Đức Vua Brahmadatta khi nghe tin người con thân yêu qua đời.
“Giữa đám đông người, luôn có những cuộc vui và trò chơi”: Đức Vua Brahmadatta mô tả về buổi tiệc được tổ chức ở vườn thượng uyển.
“Tình thương đối với con của mình thì vô hạn”: Đức Vua rất thương yêu cậu hoàng tử nhỏ bé. Tình thương của nhà vua đối với cậu bé trai không thể diễn tả.
“Phải xa lìa người thân yêu thật là sầu muộn”: khi nghe các quan đại thần báo tin con mình đã chết, nhà vua lòng buồn vô hạn. Mọi người đều nghĩ rằng nhà vua sẽ đau buồn đến mức bể tim mà chết.
Chúng ta có thể hiểu được tâm trạng của Đức Vua Brahmadatta, cũng như bao người cha, người mẹ khác trên cõi đời nầy.
Khi Đức Vua Tịnh Phạn được hay tin Đức Phật cho phép Hoàng nhi Rāhula xuất gia, Tịnh Phạn Vương rất buồn phiền, đi đến thưa với Đức Phật như sau:
“Bạch Đức Thế Tôn, khi phụ vương nghe Thế Tôn đi xuất gia, phụ vương có cảm giác đau đớn như có ai đó dùng dao cắt từng miếng da thịt.
Rồi khi Hoàng Tử Nandā (người em cùng cha khác mẹ với Đức Phật) tiếp tục đi xuất gia, phụ vương nghe như có ai lấy dao cắt đến tận gân và xương.
Nay đến lượt cháu nội Rāhula đi xuất gia (cháu đích tôn của Vua Tịnh Phạn), phụ vương có cảm giác như có người cắt chém phụ vương đến tận xương tủy”.
Qua lời bộc bạch của Đức Vua Tịnh Phạn, chúng ta hiểu được tâm trạng sầu muộn của nhà vua như thế nào khi phải xa lìa Thái Tử Sĩ Đạt Ta, Hoàng Tử Nandā và cháu nội Rāhula.
Quả thật vậy, không có sự đau khổ nào sánh bằng việc phải xa lìa những người thân yêu, quý mến.
Nước mắt mà chúng sanh đã khóc vì sự ra đi của người cha, người mẹ, anh chị em, chồng vợ, những người thân thương, nước mắt ấy trong vòng sanh tử luân hồi so ra còn nhiều hơn nước trong bốn biển.
Trong câu chuyện câu kệ ngôn số 7, Đức Vua Brahmadatta nhờ vào phước báu Ba la mật từ kiếp trước nên Ngài vượt qua được sự thống khổ sanh ly, tử biệt.
Và chính sự đau khổ đó là pháp quán để Ngài thành đạt sự giác ngộ của một vị Phật Độc Giác.







↑ trở lên

CÂU KỆ NGÔN THỨ 8

7. Không bất mãn với mọi người trong bốn phương hướng (từ, bi, hỷ, xã), luôn biết đủ với những gì đang có;
Vị ấy vượt qua mọi chướng ngại, không sợ hãi và sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO CÂU KỆ NGÔN SỐ 8

Vào thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Kassapa, có năm vị Bồ Tát hạnh Phật Độc Giác (Paccekabodhisatta) tu tập công đức Ba la mật, xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật Tổ.
Sau khi tu tập viên mãn công hạnh của một vị Tỳ Kheo trong suốt 20.000 năm, chư vị đều sanh về cõi trời. Từ cõi trời, các vị lại giáng sanh về trần thế.
Vị cao niên nhất trong năm vị trở thành vua ở kinh thành Bārāṇasī. Bốn vị còn lại cũng làm vua ở những nước lân cận.
Bốn vị vua ở những nước lân cận về sau tu tập thiền định, họ từ bỏ ngôi vua và trở thành các vị Phật Độc Giác. Lúc bấy giờ, chư Phật Độc Giác cư ngụ ở đỉnh núi Nandamūlaka.
Một buổi chiều nọ, sau khi xuất ra khỏi thiền định, cả bốn vị hướng tâm tìm hiểu vị Bồ Tát cao niên nhất bây giờ đang ở đâu. Chư vị biết rõ vị huynh trưởng của mình đang làm vua ở xứ sở Bārāṇasī.
Đức Vua Bārāṇasī vào một đêm, Ngài nằm mơ thấy một ác mộng hãi hùng.
Sáng ra, nhà vua đến gặp vị quân sư của mình và kể lại giấc mơ tối hôm qua:
_ Đêm hôm qua, Trẫm vừa trải qua một cơn ác mộng. Nhà ngươi có cách gì giúp ta giải điềm xấu nầy hay không?
Vị quân sư nảy lên một ý nghĩ ác xấu, nhơn cơ hội nầy để kiếm bổng lộc từ nhà vua. Ông ta nói:
_ Tâu Đại vương, đây là điềm rất xấu, báo hiệu Ngài sẽ mất cả ngai vàng hay mất cả tánh mạng.
_ Thế thì ta phải làm sao?
_ Đại vương hãy cho cử hành ngay tế đàn với rất nhiều ngựa, voi, trâu bò, vàng vòng, lễ vật.
Vị quân sư với tâm ý xấu xa, bày ra tế lễ để được hưởng lợi. Nhưng vô số loài vật phải bị giết cho tế đàn. May mắn thay lúc đó bốn vị Phật Độc Giác biết rõ tế đàn sắp được cử hành.
Các Ngài bàn với nhau: “Nếu không kịp thời ngăn chận tế đàn khi hàng ngàn sinh linh bị giết hại, việc ác nầy sẽ ngăn cản rất nhiều sự giác ngộ của vị huynh trưởng. Vậy mọi người hãy đi đến cung điện của vua Bārāṇasī ngay”.
Chư vị liền đi đến kinh thành Bārāṇasī để khất thực. Từ trên lầu cao, nhà vua nhìn xuống sảnh đường và thấy bốn vị thánh nhân đang đi khất thực nghiêm trang.
Khi chợt trông thấy quý Ngài, trong tâm nhà vua khởi lên sự cảm mến sâu xa ngay (do nhân duyên chư vị đã từng là huynh đệ trong các kiếp sống trước).
Nhà vua vội vã đi xuống phía dưới, cung thỉnh các Ngài vào hoàng cung và cúng dường trai phạn.
Sau khi chư Phật Độc Giác đã thọ thực xong, nhà vua hỏi thăm:
_ Bạch các vị ẩn sĩ, các Ngài là ai?
_ Thưa Đại vương, chúng tôi được gọi là ‘chư vị ở bốn phương hướng’.
_ Thế nào là ý nghĩa của ‘chư vị ở bốn phương hướng’, bạch Ngài?
_ Thưa Đại vương, có nghĩa là bất cứ ở nơi đâu, chúng tôi cũng không sợ hãi hay lo âu.
_ Thưa Ngài, làm như thế nào mà không có lo âu hay sợ hãi?
_ Thưa Đại vương, chúng tôi tu tập bốn đức tính: từ, bi, hỷ, xã. Do đó chúng tôi không có lo âu hay sợ hãi.
Nói như vậy xong, chư vị thánh nhân đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, rồi trở về trú xứ của mình.
Nhà vua ngồi lại suy nghĩ:
_ Chư vị thánh giả nầy nói rằng các Ngài không có sợ hãi bởi vì chư vị phát triển tâm từ và những đức tính cao quý khác. Còn các vị Bà la môn ra lệnh sát hại hàng ngàn sinh linh. Như vậy lời nói nào là đúng?
Nhà vua tự hỏi rồi tự trả lời:
_ Chư vị ẩn sĩ tẩy rửa điều không sạch sẽ bằng điều sạch sẽ, còn các vị Bà la môn lại tẩy rửa điều không sạch với sự không sạch. Chắc chắn là lời nói của các vị ẩn sĩ là đúng, là chân thật.
Nghĩ đến đây, nhà vua bắt đầu tu tập pháp tứ vô lượng tâm, bắt đầu với tâm từ như sau: “Mong sao cho tất cả chúng sanh đều hạnh phúc!”.
Với lòng bi mẫn, Ngài ra lệnh cho các quan cận thần hãy thả ngay các con vật đang bị giam cầm, cung cấp nước uống, cỏ non cho chúng.
Rồi ngay tại chỗ ngồi, nhà vua suy nghĩ: “Nhờ vào lời khuyên đúng lúc của các bậc thiện bằng hữu, ta đã thoát khỏi một việc ác”.
Phát triển tuệ giác, nhà vua chứng đắc ngay tại chỗ ngồi quả vị Phật Độc Giác.
Rồi đến lúc dùng bữa trưa, các quan tâu trình lên:
_ Thưa Đại vương, đã đến lúc dùng bữa trưa.
_ Nay ta không còn là vị vua nữa mà đã là Đức Phật Độc Giác.
Nói như vậy xong, Ngài đọc tiếp câu kệ ngôn:
“Không bất mãn với mọi người trong bốn phương hướng (từ, bi, hỷ, xã), luôn biết đủ với những gì đang có;
Vị ấy vượt qua mọi chướng ngại, không sợ hãi và sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.
GIẢI NGHĨA
“Không bất mãn với mọi người trong bốn phương hướng, luôn biết đủ với những gì đang có;
Vị ấy vượt qua mọi chướng ngại, không sợ hãi và sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác”.
“Không bất mãn với mọi người trong bốn phương hướng”: vị Phật Độc Giác trải rộng tâm từ đến tất cả chúng sanh ở phương thứ nhất. Cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư.
Bên trên, bên dưới, khoảng giữa, cùng khắp phương xứ, vị ấy trải rộng lòng từ đến khắp tất cả chúng sanh.
Rộng lớn, vô lượng, vô biên, không sân hận, không ác ý, không oán thù.
Cùng phương thức như vậy, vị ấy trải rộng tâm bi mẫn đến với tất cả chúng sanh.
Vị ấy trải rộng tâm hỷ đến với tất cả chúng sanh.
Vị ấy trải rộng tâm xã đến với tất cả chúng sanh, rộng lớn, vô lượng, vô biên, không sân hận, không ác ý, không oán thù.
“Luôn biết đủ với những gì đang có”: vị Phật Độc Giác luôn biết đủ với bất cứ loại y phục. Ngài nói lên lời tán thán với sự biết đủ với bất cứ loại y phục.
Không vì nguyên nhân y phục mà Ngài có sự tầm cầu bất chánh. Nếu không nhận được y phục như ý muốn, vị ấy không tỏ ra bất mãn, sầu muộn.
Nhưng nếu nhận được y phục như ý muốn, vị ấy không tham đắm, dính mắc vào bộ y phục đó. Vị ấy thấy rõ sự nguy hiểm của việc tham đắm vào y phục và biết rõ sự thoát ly ra khỏi tham đắm.
Hơn thế nữa, không vì nguyên nhân nhận được y phục như ý muốn mà vị ấy tỏ ra xem thường người khác, khen mình chê người.
Tương tự pháp hành như vậy đối với thực phẩm, trú xứ và dược phẩm trị bệnh.
Khi thực hành pháp như vậy, vị Phật Độc Giác đã an trú và tiếp nối truyền thống của các bậc thánh nhân (Ariyavaṃsa).
“Vị ấy vượt qua mọi chướng ngại”: vị Phật Độc Giác vượt qua mọi chướng ngại.
Có hai loại chướng ngại: chướng ngại rõ rệt và chướng ngại ẩn tàng.
Thế nào là chướng ngại rõ rệt?
Đó là cọp, beo, sư tử, các loài thú dữ, trộm cướp, các chứng bệnh, nóng, lạnh, đói khát, ruồi muỗi, sức nóng mặt trời, các loài bò sát.
Thế nào là chướng ngại ẩn tàng hay chướng ngại ở bên trong?
Đó là thân tà hạnh, khẩu tà hạnh, ý tà hạnh.
Năm triền cái: tham dục, sân hận, hôn trầm, phóng tâm, hoài nghi.
Các phiền não trong nội tâm: tham, sân, si, kiêu mạn, giả dối, ganh tỵ, bỏn xẻn, phóng dật v.v…
Tất cả các tà hạnh, phiền não, bất thiện tâm đều được xem là chướng ngại ở bên trong.
Cả hai pháp chướng ngại rõ rệt và ẩn tàng được gọi là pháp chướng ngại vì chúng lấn át, chúng dẫn đến thoái đọa, chúng là bản chất của chúng sanh.
Thế nào là pháp lấn át?
Các pháp chướng ngại trên cũng được gọi là pháp lấn át. Chúng che lấp và nhấn chìm chúng sanh nên được gọi là pháp lấn át.
Thế nào là dẫn đến sự thoái đọa?
Các pháp chướng ngại đem lại sự thoái hóa và mất hẳn các thiện pháp.
Và thế nào là các thiện pháp?
Đó chính là sự thực hành chơn chánh, sự thực hành đúng đắn.
Sự thực hành đúng với Chánh Pháp.
Sự viên mãn các hạnh đức như thu thúc các căn, ẩm thực tiết độ, nhiệt tâm tinh cần, chánh niệm tỉnh giác.
Sự nhiệt tâm trong việc phát triển pháp tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi và bát chánh đạo (ba mươi bảy phẩm trợ đạo Bồ Đề).
Và thế nào là pháp thuộc về bản chất của chúng sanh? Các ác, bất thiện pháp luôn có mặt sẵn trong nội tâm của chúng sanh. Chúng thuộc về bản chất của chúng sanh.
“Không sợ hãi”: vị Phật Độc Giác là vị dũng mãnh, không biết sợ hãi, sự sợ hãi và lo âu trong tâm của vị ấy đã được đoạn tận.
Với những đức tánh như tứ vô lượng tâm, tri túc, khắc phục những chướng ngại trong nội tâm và không sợ hãi, vị Phật Độc Giác sống lẻ loi, đơn độc như chiếc sừng tê giác.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com