Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Rằm Tháng Năm (2)

  1. KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ POSON POYA DAY

↑ trở lên

KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ POSON POYA DAY

Vào ngày rằm tháng 5 âm lịch người dân Việt Nam chỉ đón mừng ngày Tết Đoan Ngọ, và đánh dấu năm Quý Mão đã qua được nữa chặng đường.
Ở đảo quốc Sri Lanka, ngày rằm tháng 5 lại là ngày lễ hội rất trọng đại. Lễ hội được gọi là Đại Lễ Poson Poya Day.
Đại Lễ Poson Poya Day là lễ hội kỷ niệm phái đoàn truyền giáo của vị Thánh Tăng ARAHATH MAHINDA THERO lần đầu tiên đi đến miền đất Sri Lanka.
Đây là một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất trong dòng chảy của lịch sử Phật giáo thế giới.
Giở lại trang sử Phật giáo, ở Ấn Độ sau khi Đức Thế Tôn viên tịch khoảng 250 năm là thời trị vì thạnh trị của Hoàng Đế Asoka (268-232 BCE) dưới triều đại Maurya (the Maurya dynasty).
Như bao vị quân vương khác, ở giai đoạn đầu sự nghiệp trị quốc Asoka Đại Đế cho tiến hành chiến tranh xâm lược các nước láng giềng để mở rộng bờ cõi.
Đế quốc Maurya khi ấy trải dài gần hết tiểu lục địa Ấn Độ, từ bờ Đông sang cả bờ Tây.
Một lần nọ, sau trận chiến khốc liệt ở xứ sở Kāḷinga, người đi chinh phạt tận mắt chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng ở bãi chiến trường la liệt xác người.
Kể từ đó, sau nhiều năm chinh chiến gây ra biết bao tang tóc, nhà vua đã quăng bỏ ngọn gươm chinh phạt để nắm lấy cây quyền trượng Chánh Pháp.
Nhờ vào sự tiếp độ của bậc cao tăng thạc đức bậc nhất lúc bấy giờ là Ngài Thánh Tăng MOGGALIPUTTATISSA, vị đại đế Asoka quy y Tam Bảo rồi trở thành một Phật tử thuần thành.
Hơn thế nữa, nhà vua còn cho hoàng tử và công chúa đi xuất gia để mình có thể trở thành thân bằng, quyến thuộc của dòng tộc Thích Ca cao quý.
Hai vị xuất gia đã trở thành hai bậc long tượng trong Phật Pháp, đó là vị Thánh Tăng Mahinda và Thánh Ni Saṅghamittā.
Sau đó, nhiều lần nhà vua đi chiêm bái bốn nơi động tâm, thăm viếng các thánh tích quan trọng của Phật giáo.
Vị quân vương cổ xúy việc xây dựng chùa chiền, tu viện và kiến tạo 84.000 ngôi bảo tháp để tôn thờ Ngọc Xá Lợi của Đức Thế Tôn.
Asoka cho khắc các chỉ dụ lên các trụ đá rồi cho xây dựng khắp mọi nơi trong lãnh thổ rộng lớn.
Các trụ đá về sau được biết đến là các trụ đá nổi tiếng A Dục (Asoka Edicts).
Trên các trụ đá của Hoàng Đế Asoka, chúng ta thường thấy chữ DHARMA hay PHÁP.
Dharma hay Pháp mang ý nghĩa là những nguyên tắc sống đạo đức trong xã hội, chớ không phải là những yếu tố thần bí trong đạo Bà la môn.
Hơn thế nữa, các trụ đá của vị minh quân còn chuyển tải những nội dung cơ bản như sau:
_ Con cái phải biết hiếu kính ông bà, cha mẹ, biết gìn giữ hòa khí với bạn bè, thân hữu.
_ Biết tôn trọng sinh mệnh của các loài động vật.
_ Biết làm những việc tốt, có lợi ích cho cộng đồng như xây cầu, đắp đường, trồng cây v.v….
_ Có lòng bao dung và tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo của người khác.
Do đó, người đời sau thường tôn vinh nhà vua với danh xưng là “Asoka the Great Chakravartin”, có nghĩa là Vị Chuyển Luân Thánh Vương A Dục Đại Đế.
Hoàng đế Asoka đã ủng hộ và nâng đỡ Phật giáo trên rất nhiều lãnh vực.
Nhà vua hộ pháp đắc lực đã bảo trợ cho kỳ kết tập Tam Tạng kinh điển Phật giáo lần thứ ba dưới sự chủ tọa của bậc Thánh Tăng Moggaliputta Tissa Mahāthera tại kinh thành Pātaliputta.
Đại hội kết tập Tam Tạng kinh điển lần thứ ba có sự tham dự của 1000 bậc thánh Tăng cao quý.
Các bậc thánh nhân đã trùng tuyên lại toàn bộ kinh điển được truyền thừa hơn 250 năm.
Hội nghị kết tập tại kinh thành Pātaliputta đã hoàn chỉnh kinh điển sau khi bổ sung thêm bộ sách Kathāvatthu vào Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Piṭaka).
Sau khi bảo trợ cho kỳ kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba thành tựu viên mãn, với sự gợi ý của bậc đại sư Moggalaputta Tissa, Hoàng đế A Dục bắt tay ngay vào một sứ mệnh hoằng pháp lợi sinh khác.
Có thể nói lúc bấy giờ đạo Phật chỉ được biết đến chủ yếu ở vùng đông bắc Ấn Độ.
Để hoằng dương Chánh Pháp khắp mọi nơi, Hoàng đế Asoka đã gởi chín phái đoàn truyền giáo đi khắp lãnh thổ Ấn Độ, và đi tiếp sang các nước lân bang.
Có vị sứ giả Như Lai đã đi đến miền đất quanh năm tuyết phủ trắng xóa bên dãy núi Hy mã lạp sơn.
Có vị sứ giả trực chỉ về phương Bắc Ấn Độ nơi xứ Kasmir, rồi lên tận vùng đất Gandhara, vùng Yavanas xa xôi.
Có vị sứ giả lại xuôi về phương Nam đi tới vùng đất Suvannabhumi, nay là xứ sở Miến Điện.
Có phái đoàn truyền giáo hướng về đảo quốc Tampapamnidipa, nay là xứ sở Sri Lanka.
Chính thức là vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, đạo Phật đã vươn mình lên trở thành một tôn giáo thế giới (a world religion).
Hoàng đế Asoka đã tạo nên tầm ảnh hưởng vượt thời gian, với vai trò là người kiến tạo nên công cuộc truyền bá đạo Phật trên phạm vi toàn cầu.
Theo các tập biên niên sử Mahāvaṃsa và Dīpavaṃsa, Phật giáo được du nhập vào Sri Lanka thời kỳ Đức Vua Devanampiya Tissa (307-267 BCE).
Vào đúng ngày rằm tháng 5, ngày trăng tròn tháng Poson, Phật lịch 308, năm 236 trước công nguyên, phái đoàn truyền giáo từ Ấn Độ đã đến xứ sở Sri Lanka.
Phái đoàn truyền giáo gồm có Bhante Mahinda là trưởng đoàn và năm bậc thánh nhân A La Hán nữa là Bhante Itthiya, Bhante Uttiya, Bhante Sambala, Bhante Bhaddasāla, vị Sa Di tài năng Sumana.
Tháp tùng đi với đoàn truyền giáo có thêm vị cư sĩ thánh nhân A Na Hàm Bhanduka. Đây chính là người cháu trai của Ngài Mahinda.
Với năng lực thần thông quảng đại, phái đoàn truyền giáo bay qua hư không để đến đảo quốc Sri Lanka, rồi đáp xuống đỉnh đồi Mihintale, cách thủ đô Anuradhapura khoảng 12 km về phía đông.


Lúc đó, Đức Vua Devanampiya Tissa cùng với đoàn tùy tùng đang đi săn bắn ngay trong khu vực miền núi Mihintale.
Phái đoàn truyền giáo bay đến Mihintale rồi đáp xuống ngọn núi nhỏ Missaka Pabbata.
Thấy dáng Đức Vua Devanampiya Tissa từ xa đi tới, vị trưởng đoàn Mahinda cất lên lời nói thân ái:
_ Thưa Đại Vương, chúng tôi là đệ tử của Đức Thế Tôn, bậc khai sáng con đường chánh đạo. Từ Ấn Độ, chúng tôi đến đây vì lòng bi mẫn cho xứ sở của Ngài.
Nghe tiếng nói hiền từ của một nhà sư, Đức Vua Devanampiya Tissa để cung tên xuống một bên, đi đến gần vị Tôn giả, thăm hỏi thân tình rồi ngồi xuống nơi phải lẽ.
Sau khi quán xét tâm tư và khả năng lảnh hội của nhà vua và hội chúng, Ngài Thánh Tăng Mahinda bắt đầu thuyết giảng bài pháp thoại đầu tiên.
Pháp thoại đầu tiên là bài kinh Cūḷahatthipadopama Sutta, Tiểu Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Trung Bộ Kinh bài số 27.
Bài kinh mô tả sự cao quý vi diệu của Đức Phật, Giáo Pháp và Chư Tăng.
Kinh Cūḷahatthipadopama Sutta trình bày tiến trình tu tập của một vị Tăng sĩ Phật giáo, và phương cách mà vị hành giả có thể tiếp cận chân lý.
Ngay khi vị trưởng đoàn chấm dứt bài pháp thoại, Đức Vua Devanampiya Tissa và cả hội chúng bao gồm 40.000 người đều phát tâm quy y nương nhờ nơi ba ngôi Tam Bảo.
Đạo Phật ở đảo quốc Sri Lanka đã chính thức được khai sinh từ bài kinh Cūḷahatthipadopama Sutta.
Vị trưởng phái đoàn truyền giáo ARAHATH MAHINDA THERO là một bậc pháp sư rất đại tài.
Ngài đã khéo léo chọn lọc những bài giảng phù hợp, thật sinh động để chuyển tải thông điệp từ bi và trí huệ của Đức Thế Tôn đến cho người dân ở vùng đất mới.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, toàn dân ở xứ sở Sri Lanka từ vua quan cho đến hàng thứ dân đều trở thành người Phật tử thuần thành.
Toàn dân ở đảo quốc Sri Lanka đón mừng tín ngưỡng mới, và họ thành đạt sự tiến bộ tâm linh mà trước đây chưa từng có.
Phần lớn chư vị đều an trú vào quả vị Nhập Lưu (Sotāpatti), bậc thánh nhân Tu Đà Hườn, tầng thánh đầu tiên trong bốn tầng thánh.
Hạt giống bồ đề đã nảy mầm và bắt đầu bám rễ vững chắc trên miền đất mới!
Trước khi phái đoàn truyền giáo Theravāda đến, ở Sri Lanka chưa có một tôn giáo chính thống. Người dân bản xứ luôn tin tưởng và thờ phượng rất nhiều các vị thần linh.
Phái đoàn truyền giáo của Ngài Mahinda không chỉ đem lại niềm tin nơi Tam Bảo cho người dân bản xứ.
Những bài pháp thoại của chư vị đã định hình cho nếp sống của cả dân tộc bắt đầu từ thời điểm đó.
Lần đầu tiên gặp gỡ Đức Vua Devanampiya Tissa, lúc đó nhà vua và quân lính đang đi săn bắn, bậc thánh nhân với lòng từ bi vô lượng đã khuyên nhủ nhà vua và mọi người dân hãy biết tôn trọng sự sống của muôn loài vạn vật.
Thông điệp của bậc thánh nhân đã được Đức Vua Devanampiya Tissa khắc lên bảng vàng nơi hoàng cung, và trở thành kim chỉ nam trong đời sống của người dân Sri Lanka, một dân tộc rất hiền lành, luôn biết quý trọng mọi người, mọi vật.
Người dân ở xứ sở được gọi là “viên ngọc giữa lòng đại dương” tri ân và tôn vinh Ngài Mahinda với sự tôn vinh tối thượng.
Họ gọi Bhante Mahinda Mahāthera với danh xưng là “ANUBUDDHA”, có nghĩa là vị Phật thứ hai.
Vị Phật Anubuddha đã đem đến cho dân tộc Sri Lanka nguồn tài sản tinh thần phong phú về nhiều phương diện như luân lý, giáo dục, tâm linh, văn hoá và tín ngưỡng.
Xứ sở Sri Lanka là thành trì của Phật giáo Theravāda, để từ đó Chánh Pháp lần lượt được truyền bá xuống các nước khu vực lân cận trong toàn vùng Châu Á.
Cuộc hội kiến lịch sử giữa Ngài Mahinda Mahāthera và Đức Vua Devanampiya Tissa đã diễn ra đúng vào ngày trăng tròn tháng 5, tháng Poson.
Chính xác là ngày rằm tháng 5 năm 236 trước công nguyên, đúng vào năm Phật lịch 308.
Lịch sử Phật giáo Sri Lanka bắt đầu từ ngày trăng tròn tháng Poson huyền diệu, khi những đôi chân thánh thiện đã lưu lại dấu chân trên miền đất thánh Mihintale năm xưa.
Đạo Phật đã trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử!
Tuy có khi suy khi thịnh, có lúc thăng lúc trầm, nhưng ở mọi thời đại luôn có các bậc tiền bối giương cao ngọn đuốc Chánh Pháp để soi đường cho hậu thế.
Chúng ta, những người con Phật trên khắp năm châu bốn biển, hãy cầu nguyện ánh sáng Chánh Pháp sẽ dẫn đường, chỉ lối cho toàn nhân loại trong thời đại ngày hôm nay đi từng bước, từng bước vững vàng đến một thế giới hòa bình, hạnh phúc, sung túc và thịnh vượng.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com