Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Kinh Hạnh Phúc

  1. GIỚI THIỆU KINH HẠNH PHÚC
  2. MAṄGALA SUTTA – KINH HẠNH PHÚC
  3. MAṄGALA SUTTA - PĀLI
  4. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ NHẤT
  5. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ HAI
  6. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ BA
  7. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ TƯ
  8. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ NĂM
  9. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ SÁU
  10. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ BẢY
  11. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ TÁM
  12. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ CHÍN
  13. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ MƯỜI
  14. HẠNH PHÚC KINH VĂN VẦN
  15. BẢNG CHỈ DẪN CHO CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC

↑ trở lên

GIỚI THIỆU KINH HẠNH PHÚC

Kinh Maṅgala Sutta là bài kinh thứ ba, nằm trong bộ ba Kinh Paritta Suttas rất phổ biến ở các nước Phật giáo Nam truyền (Theravāda).

Kinh Hạnh Phúc có phần dẫn nhập bằng văn xuôi và phần chính văn bằng thể văn vần hay thể kệ (gāthā).

Kinh Hạnh Phúc rất phổ biến trong giới Phật tử vì nội dung của kinh có thể được xem như sách cẩm nang cho một cuộc sống thành đạt và hạnh phúc.

Từ Pāli “Maṅgala” có nghĩa là may mắn hay điềm lành. Trong lời giới thiệu kinh, Bhikkhu Bodhi dùng từ Blessing để chuyển ngữ từ Pāli nêu trên.

Blessing là phúc chúc, phước lành hay hạnh phúc. Theo văn hóa Ấn Độ, Maṅgala có ý nghĩa là điều thể hiện bên ngoài.

Mọi người tầm cầu hạnh phúc nơi điều được thấy, điều được nghe, điều cảm nhận, hoặc những dấu hiệu cho may mắn và thành công.

Giống như ở văn hóa Việt Nam chúng ta, mọi người rất tin tưởng vào ngày lành, tháng tốt; cuộc sống tốt hay xấu đôi khi lại tùy thuộc vào những hiện tượng ngẫu nhiên ở bên ngoài.
Ở đây Đức Phật định nghĩa lại khái niệm hạnh phúc.

Điều hạnh phúc sẽ đến từ trong nội tâm của chúng ta. Một cuộc sống lương thiện, đạo đức sẽ là suối nguồn hạnh phúc, chớ không phải những hiện tượng nhất thời, thoạt đến rồi thoạt đi.

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP

Câu chuyện nầy bắt nguồn từ đâu?

Được kể lại rằng lúc bấy giờ ở xứ Diêm phù đề (Jambudīpa), xứ Ấn Độ, người dân thường tụ họp tại nơi giảng đường, chỗ hội thảo để bàn luận, trao đổi với nhau về nhiều vấn đề.

Đôi khi cuộc thảo luận như vậy có thể kéo dài hàng tháng trời.

Một hôm mọi người cùng nói với nhau về chủ đề: Điều gì là hạnh phúc?

Thoạt tiên có một người đứng lên phát biểu:
_ Tôi biết rõ về điều hạnh phúc. Những gì được chúng ta thấy là hạnh phúc trong cuộc sống nầy. Cái thấy được xem là điềm lành hay hạnh phúc.

Rồi anh ta bắt đầu lý luận:
_ Ví dụ như vào buổi sáng sớm một người thức dậy rồi thấy con chim hót. Hay người đó nhìn thấy trẻ con ăn mặc xinh đẹp, một cái bình đầy nước, con tuấn mã, cỗ xe, hay bất cứ hình ảnh gì tượng trưng cho điềm lành. Đây được gọi là hạnh phúc thấy.

Một số người chấp nhận quan điểm của anh ta, một số người khác thì không. Những ai khác biệt về quan điểm, họ bắt đầu tranh luận với nhau.

Kế đến có một người khác phát biểu:
_ Thưa các bạn, con mắt thấy cảnh thanh tịnh, cảnh không thanh tịnh, tốt cũng như xấu.
Nếu thấy là hạnh phúc thì mọi cái thấy phải là tốt hết. Đằng nầy thì không phải vậy. Do đó, thấy không phải là điều hạnh phúc.

Đúng ra cái nghe mới là điều hạnh phúc. Nội chỉ đọc lên động từ “nghe” cũng là điềm lành rồi, các bạn ạ!

Ví dụ như một người nào đó sáng sớm thức dậy chợt nghe âm thanh như “may mắn, may mắn”, “phát đạt, phát đạt”, hôm nay là ngày lành tháng tốt v.v… Như vậy, nghe mới là điều hạnh phúc.

Một số người chấp nhận quan điểm của anh ta, một số người khác thì không. Những ai khác biệt về quan điểm, họ bắt đầu tranh luận với nhau.

Lại có một người khác ngắt lời:
_ Thưa các huynh, tai của chúng ta nghe điều thanh tịnh cũng như không thanh tịnh, tốt lẫn xấu.

Nếu nghe là hạnh phúc thì mọi cái nghe phải là tốt hết. Đằng nầy thì không được như vậy. Do đó, nghe không phải là điều hạnh phúc.

Đúng ra cảm giác mới là điều hạnh phúc.

Đối tượng của cảm giác là cảnh hương, cảnh vị và cảnh xúc. Các cảnh nầy được xem là điềm may mắn hay điều hạnh phúc.

Ví dụ như một người nào đó sáng sớm thức dậy có thể ngửi hương thơm của hoa sen, hay ăn điểm tâm sáng với thực phẩm thượng vị, hay ngồi trên tấm nệm êm ấm. Tất cả cảm giác thoải mái như trên chính là điềm lành. Như vậy chỉ có cảm giác mới là điều hạnh phúc.

Một số người chấp nhận quan điểm của anh ta, một số người khác thì không. Những ai khác biệt về quan điểm, họ bắt đầu tranh luận với nhau.

Những người theo quan điểm “thấy là hạnh phúc” không thể thuyết phục được những người có quan điểm “nghe là hạnh phúc” và “cảm giác là điều hạnh phúc”. Hai nhóm kia cũng vậy, không ai nghe ai.

Rồi những người có quan điểm “thấy là hạnh phúc” đi khắp mọi nơi và phổ biến niềm tin của họ: “Chỉ có thấy là hạnh phúc mà thôi!”.

Hai nhóm kia cũng vậy, họ cùng hô hào: “Chỉ có nghe là hạnh phúc”, và “Chỉ có cảm giác là điều hạnh phúc”.

Thế rồi cuộc thảo luận về hạnh phúc bắt đầu lan truyền khắp cõi Diêm phù đề.

Khi từng nhóm hội họp lại nhau để tìm hiểu xem điều gì là hạnh phúc thì các vị Chư Thiên hộ trì cho họ nghe được hết mọi việc, rồi họ cũng bắt đầu suy nghĩ về đề tài nầy.

Những người bạn của các vị Chư Thiên nầy là các vị Địa tiên (Chư Thiên hiện ở quả địa cầu) nghe được rồi họ cũng suy nghĩ đến điều đó.

Rồi những người bạn của các vị Địa tiên là các vị Thiên tiên (các vị Chư Thiên ở trên cõi trời) nghe được rồi cũng suy nghĩ.

Rồi đến lượt các vị Chư Thiên ở cõi trời Tứ Đại Thiên Vương.

Cứ như thế, đề tài về hạnh phúc lan truyền lên đến tận các vị Phạm Thiên ở cõi Sắc cứu cánh thiên, tầng trời cao nhất trong cõi sắc giới.

Như vậy, sự bàn luận về hạnh phúc lan truyền khắp mọi nơi trong cả hệ thống mười ngàn thế giới, hay còn gọi là mười muôn triệu thế giới Sa bà, một không gian vũ trụ bao la không hạn lượng.

Cuộc bàn luận sôi nổi như vậy tiếp tục kéo dài mười hai (12) năm nhưng không đi đến hồi kết.

Điều nầy là hạnh phúc, điều kia là hạnh phúc, nhưng tất cả đều không thống nhất được ý kiến với nhau.

Ngoại trừ các bậc thánh nhân đệ tử, còn lại là nhân loại, Chư Thiên, Phạm Thiên, tất cả chia ra làm ba nhóm ủng hộ ba quan điểm khác nhau: thấy là hạnh phúc, nghe là hạnh phúc và cảm giác là hạnh phúc.

Không ai thuyết phục được ai. Mỗi nhóm đều cho quan điểm nhóm của mình là đúng và khẳng định: Chỉ có đây mới thật là hạnh phúc!

Thời gian thắm thoát đã mười hai năm, Chư thiên và nhân loại tiếp tục bàn luận về chủ đề hạnh phúc nhưng vẫn không thống nhất ý kiến.

Thế rồi, các vị Chư Thiên ở cõi trời Đao Lợi (Tāvatiṃsa) cùng hội ý với nhau:
_ Thưa chư hiền, người chủ nhà là người đứng đầu trong một ngôi nhà, vị trưởng làng là người uy quyền nhất trong ngôi làng, vị vua là người lảnh đạo một quốc gia.

Cũng vậy, vị thiên chủ Đế Thích (Sakka) của chúng ta là vị cai quản cả hai cõi trời Tứ Đại Thiên Vương và Đao Lợi.

Ngài vượt xa chúng ta về quyền lực, phước báu và trí huệ. Tất cả chúng ta hãy trình lên thiên chủ sự việc nầy.

Tất cả đồng ý cùng nhau đi đến cung điện của Đức Trời Đế Thích ở cõi trời Đao Lợi hay còn gọi là cõi Ba Mươi Ba.

Lúc bấy giờ, vị thiên chủ Đế Thích đang ngự trên một bảo tạo bằng cẩm thạch dưới cội cây Pāricchattaka trong một cung điện nguy nga lộng lẫy, với một đoàn tùy tùng đông đảo vây quanh.

Khi đi đến nơi, các vị Chư Thiên cùng đảnh lễ vị thiên chủ của họ rồi đứng một bên, và thưa lên:
_ Kính thưa thiên chủ, Ngài có biết chăng là có một vấn đề phát sanh.

Một số người nói rằng thấy là hạnh phúc, một số người nói nghe là hạnh phúc, lại một số người khác nói cảm giác là hạnh phúc.

Chúng tôi không ai có thể giải quyết được vấn đề nầy. Kính mong thiên chủ hãy giải thích cho tất cả đang tụ hội nơi đây.

Vốn rất trí tuệ nên Đức Trời Đế Thích hỏi họ:
_ Vấn đề hạnh phúc nầy xuất phát từ nơi đâu?

Các vị trả lời:
_ Thưa Ngài, chúng tôi trước tiên nghe điều nầy từ các vị Chư Thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương.

Rồi các vị ở đó nói là có nghe từ các vị Thiên tiên. Các vị Thiên tiên lại nói là được nghe từ các vị Địa tiên. Các vị Địa tiên lại truyền miệng với nhau là câu chuyện xuất phát từ nhóm Chư Thiên hộ trì cho nhân loại. Cuối cùng tất cả đều nói rằng câu chuyện nầy bắt nguồn từ thế giới của loài người.

Kế đến vị thiên chủ đã hỏi tất cả các vị Chư Thiên đang có mặt:
_ Đức Thế Tôn hiện nay đang ở đâu?

_ Thưa thiên chủ, Đức Thế Tôn đang ở cõi người.

_ Nầy chư vị, có phải là các vị đã từ bỏ một ngọn lửa lớn để đi tìm ánh sáng từ nơi con đom đóm? Cũng vậy, các vị đã đi đến hỏi ta mà lại không đi hỏi Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn sẽ chỉ dạy rõ về bản chất hạnh phúc một cách đầy đủ nhất. Hãy đi đến hỏi Đức Thế Tôn vấn đề nầy. Chắc chắn chúng ta sẽ có câu trả lời tuyệt vời từ nơi Ngài.

Rồi Đức Trời Đế Thích ra lệnh cho một vị Chư Thiên còn rất trẻ hãy đi đến yết kiến Đức Thế Tôn.

Sau đó vị Chư Thiên với trang phục thật xinh đẹp, với hào quang sáng ngời cùng với một nhóm các vị Chư Thiên, cùng đi đến Tịnh Xá Kỳ Viên.

Khi đến nơi, vị Chư Thiên đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi đứng một bên, và hỏi Ngài điều hạnh phúc bằng thể kệ ngôn (gāthā).

Tùy theo đó, Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng về bài Kinh Hạnh Phúc. Đây chính là duyên khởi của bài Kinh Maṅgala Sutta, Kinh Hạnh Phúc.

↑ trở lên

MAṄGALA SUTTA – KINH HẠNH PHÚC

Như vầy tôi nghe. Một thời Đức Thế Tôn ngự ở thành Sāvatthī, nơi Tịnh Xá Kỳ Viên, ngôi vườn của Ông Cấp Cô Độc.

Lúc bấy giờ, khi đêm gần mãn, có một vị Chư Thiên với hào quang rực rỡ, chiếu sáng cả ngôi vườn, đến gần bên Đức Thế Tôn.

Vị Chư Thiên đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi đứng một bên, và nói với Ngài bằng lời kệ như sau:

1. Có rất nhiều Chư Thiên và nhân loại hay suy tư về hạnh phúc, cùng tầm cầu sự an lạc.
Bạch Đức Thế Tôn, con mong Ngài hãy giảng dạy về điều hạnh phúc cao thượng.

2. Không giao du kẻ thiểu trí, thân cận bậc hiền nhân;
Tôn kính bậc cao quý, đây là hạnh phúc cao thượng.

3. Trú ngụ nơi thích hợp, đời quá khứ đã tạo phước;
Biết hướng tâm chân chánh, đây là hạnh phúc cao thượng.

4. Hạnh đa văn, tinh thông nghề nghiệp, có giới hạnh;
Luôn nói lời thiện ngôn, đây là hạnh phúc cao thượng.

5. Phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con;
Có nghề nghiệp lương thiện, đây là hạnh phúc cao thượng.

6. Biết bố thí, sống chánh hạnh, luôn giúp đỡ thân bằng quyến thuộc;
Biết làm việc lợi ích, đây là hạnh phúc cao thượng.

7. Từ bỏ và tránh xa điều ác, kiêng cữ các chất say;
Chuyên tâm trong việc phước, đây là hạnh phúc cao thượng.

8. Sống cung kính, có đức khiêm cung, tri túc và biết ơn người;
Tùy thời lắng nghe Chánh Pháp, đây là hạnh phúc cao thượng.

9. Nhẫn nại, chịu khó lắng nghe lời khuyên, và tiếp kiến các bậc Sa môn;
Tùy thời đàm luận Phật Pháp, đây là hạnh phúc cao thượng.

10. Rèn luyện khổ hạnh và sống phạm hạnh, thấy được các pháp diệu đế;
Chứng đắc Niết Bàn, đây là hạnh phúc cao thượng.

11. Tâm không dao động khi tiếp xúc với pháp thế gian;
Không buồn rầu, vô nhiễm và giải thoát, đây là hạnh phúc cao thượng.

12. Những ai thực hành theo các pháp nêu trên sẽ thành công và sống an lạc ở mọi nơi.
Đây chính là điều hạnh phúc cao thượng.

↑ trở lên

MAṄGALA SUTTA - PĀLI

1. Asevanā ca bālānaṃ, paṇḍitānañca sevanā;
Pūjā ca pūjanīyānaṃ, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

2. Patirūpadesavāso ca, pubbe ca katapuññatā;
Attasammāpaṇīdhī ca, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

3. Bāhusaccañca sippañca, vinayo ca susikkhito;
Subhāsitā ca yā vācā, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

4. Mātāpitu upaṭṭhānaṃ, puttadārassa saṅgaho;
Anākulā ca kammantā, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

5. Dānañca dhammacariyā ca, ñātakānañca saṅgaho;
Anavajjāni kammāni, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

6. Āratī viratī pāpā, majjapānā ca saṃyamo;
Appamādo ca dhammesu, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

7. Gāravo ca nivāto ca, santuṭṭhi ca kataññutā;
Kālena dhammassavanaṃ, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

8. Khantī ca sovacassatā, samaṇānañca dassanaṃ;
Kālena dhammasākacchā, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

9. Tapo ca brahmacariyañca, ariyasaccāna dassanaṃ;
Nibbānasacchikiriyā ca, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

10. Phuṭṭhassa lokadhammehi, cittaṃ yassa na kampati;
Asokaṃ virajaṃ khemaṃ, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.


↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ NHẤT

Kinh Hạnh Phúc là bài kinh thứ 16 trong tổng số 72 bài kinh thuộc Kinh Tập (Suttanipāta), Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya).

Nội dung Kinh Hạnh Phúc bao gồm phần dẫn nhập bằng văn xuôi (sutta) và phần chính văn là 12 câu kệ ngôn (gāthā).

PHẦN DẪN NHẬP

Như vầy tôi nghe. Một thời Đức Thế Tôn ngự ở thành Sāvatthī, nơi Tịnh Xá Kỳ Viên, ngôi vườn của Ông Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, khi đêm gần mãn, có một vị Chư Thiên với hào quang rực rỡ, chiếu sáng cả ngôi vườn, đến gần bên Đức Thế Tôn. Vị Chư Thiên đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi đứng một bên, và nói với Ngài bằng lời kệ như sau.
Đây là đoạn mở đầu thường xuất hiện ở các bài kinh Nikāyas.
Vị Chư Thiên trong đoạn kinh trên đã thừa lệnh Đức Trời Đế Thích để đến hỏi Đức Thế Tôn về ý nghĩa hạnh phúc.
Có một chi tiết đáng lưu ý là vị Chư Thiên ấy đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi đứng một bên. Tại sao lại đứng một bên?
Bản chú giải Paramatthajotikā giải thích như sau:
Vị Chư Thiên chọn lựa cho mình một nơi đứng không có lỗi lầm. Vị ấy không đứng phía trước mặt cũng không đứng sau lưng Đức Thế Tôn; vị ấy không đứng quá gần mà cũng không quá xa Ngài.
Nhưng tại sao vị ấy chỉ đứng chớ không ngồi? Bởi vì vị ấy muốn trở về cõi trời nhanh chóng.
Khi các vị Chư Thiên phải đi đến cõi người vì một công việc gì đó, thật là một cực hình. Giống như một người sạch sẽ, tươm tất phải đi vào nhà vệ sinh. Chúng ta hiểu thêm là các vị Chư Thiên rất dị ứng với thế giới của loài người, họ không chịu nổi mùi hôi của con người dầu đứng cách xa hàng trăm do tuần (yojanas).
Một lý do khác là sở dĩ chúng ta phải ngồi xuống vì mỏi mệt do đi lại. Còn các vị Chư Thiên thì không có trạng thái mỏi mệt như chúng ta, nên họ không cần phải ngồi xuống như vậy.
Một lý do khác nữa, vị Chư Thiên ấy rất tôn kính các vị Thinh Văn đại đệ tử đang đứng hầu Đức Thế Tôn. Vị ấy không thể ngồi khi chư vị đang đứng.
Trên hết, vị Chư Thiên ấy đứng chớ không ngồi xuống chỉ vì do lòng tôn kính Đức Thế Tôn.
Sau đó vị Chư Thiên bắt đầu hỏi Đức Thế Tôn:
“Có rất nhiều Chư Thiên và nhân loại hay suy tư về hạnh phúc, cùng tầm cầu sự an lạc.
Bạch Đức Thế Tôn, con mong Ngài hãy giảng dạy điều hạnh phúc cao thượng”.
Đây là câu kệ ngôn mở đầu của Kinh Hạnh Phúc. Vị Chư Thiên thay mặt cho vị thiên chủ Đế Thích hỏi Đức Thế Tôn về điều hạnh phúc cao thượng.
Chúng ta tìm hiểu một số từ ngữ dưới đây:
Chư Thiên (devā): các vị được gọi là Chư Thiên hay Deva bởi vì họ tự phát sáng, họ chiếu sáng với vẻ huy hoàng rực rỡ. Đây là những chúng sanh có phước, thọ hưởng dục lạc vi diệu.
Chư Thiên có ba loại: do danh xưng, do sanh chủng, do sự trong sạch hay thanh tịnh
Ở đây các vị Chư Thiên với danh xưng (conventional Devas): như các vị vua, hoàng hậu, các vị hoàng tử.
Chư Thiên do sanh chủng (Devas by rebirth): là các vị Chư Thiên sinh sống từ tầng trời Tứ Đại Thiên Vương trở lên.
Chư Thiên trong sạch hay thanh tịnh (Devas by purification): là các vị thánh nhân A La Hán.
Danh từ Chư Thiên trong bài kinh nầy để chỉ cho các vị Chư Thiên do sanh chủng.
Nhân loại (manussā): được gọi là con người hay nhân loại bởi vì có sự suy nghĩ hay biết tư duy.
Hạnh phúc (maṅgalāni): tiến hóa và thành đạt.
Tầm cầu sự an lạc (ākaṅkhamānā sotthānaṃ): mong muốn sự an ổn, sự tốt đẹp, điều lợi ích trong đời hiện tại và đời vị lai.
Điều hạnh phúc cao thượng (maṅgalamuttamaṃ): điều hạnh phúc quý giá nhất, những gì đem lại an lạc và hạnh phúc cho toàn thể thế gian.
Ý nghĩa của câu kệ ngôn mở đầu được hiểu vắn tắt như sau:
Với mong muốn được hiểu biết về hạnh phúc, toàn thể Chư Thiên trong mười ngàn thế giới (ten thousand world spheres) đã tụ họp lại nơi ngôi tịnh xá Kỳ Viên.
Theo vũ trụ quan Phật giáo, mười ngàn thế giới là một hệ thống vũ trụ đồng bộ trong tam thiên đại thiên thế giới.
Một đơn vị thế giới bao gồm ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Một ngàn thế giới đơn lẻ như vậy họp lại thành một “tiểu thiên thế giới”.
Một ngàn tiểu thiên thế giới họp lại thành một “trung thiên thế giới”.
Một ngàn trung thiên thế giới họp lại thành một “đại thiên thế giới”.
Mười ngàn thế giới hay còn gọi là tam thiên đại thiên giới vậy.
Khi đó, toàn thể Chư Thiên trong cả vũ trụ bao la mười ngàn thế giới đều đồng tụ hội nơi ngôi vườn Kỳ Viên.
Chư vị đã hóa hiện rất vi tế như là 10 vị, 20 vị, 30 vị, 40 vị, 50 vị, 60 vị, 70 vị, và cả 80 vị Chư Thiên đều có thể đứng vững chải chỉ trên đầu một cọng tóc!
Khi ấy, vị Chư Thiên còn rất trẻ trong câu kệ ngôn trên thấy rõ toàn thể các vị Chư Thiên hóa hiện như vậy và đang đứng xung quanh Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn, lúc bấy giờ, đang ngồi trên một bảo tọa trang nghiêm, hào quang của Ngài vượt xa hơn hẳn hào quang của tất cả Chư Thiên, Ma vương và Phạm Thiên.
Để giải trừ sự hoài nghi trong tâm của toàn thể Chư Thiên và nhân loại, vị Chư Thiên rất trẻ đã trình bạch lên Đức Thế Tôn câu kệ ngôn gāthā:
“Rất nhiều Chư Thiên và nhân loại thường suy tư về hạnh phúc, tầm cầu điều hạnh phúc cao thượng.
Con cầu mong Đức Thế Tôn hãy vì lòng từ bi mà giảng dạy hạnh phúc cao thượng để đem lại an lạc và hạnh phúc lâu dài cho tất cả chúng con”.

TÌM HIỂU VỀ TỪ NGỮ

Câu kệ ngôn thứ nhất trong bài Kinh Mahāmaṅgala Sutta có nguyên văn Pāli như sau:
“Asevanā ca bālānaṃ, paṇḍitānañca sevanā;
Pūjā ca pūjanīyānaṃ, etaṃ maṅgalamuttamaṃ”.

Dịch nghĩa:
“Không giao du kẻ thiểu trí, thân cận bậc hiền nhân;
Tôn kính bậc cao quý, đây là hạnh phúc cao thượng”.
Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu các từ ngữ.
Không giao du kẻ thiểu trí (asevanā ca bālānaṃ).

Từ Pāli ‘Bāla’ có nghĩa là người ngu hay kẻ thiểu trí. Bāla là những người chỉ biết sống và biết thở. Họ chỉ biết thở ra và thở vào nhưng không sống với trí tuệ nên bị gán cho danh từ là ‘Bāla’.
Không giao du (asevanā): là không kết giao, không tiếp xúc.
Thân cận bậc hiền nhân (paṇḍitānañca sevanā):
Người trí hay bậc thiện trí thức là những ‘Paṇḍita’. Paṇḍita là những người luôn tiến bộ, cho nên họ được gọi là người trí. Người trí hay bậc thiện trí thức luôn tiến bộ nhờ vào trí tuệ. Do đó, họ luôn thành đạt sự tốt đẹp ở đời nầy và đời sau.
Thân cận (sevanā) là giao hảo, kết bạn, gần gũi. Có sự làm bạn với người trí.
Tôn kính bậc cao quý (pūjā ca pūjanīyānaṃ): bày tỏ sự tôn kính, kính trọng, đảnh lễ đến những bậc tôn túc, những bậc trưởng thượng.
Đây là hạnh phúc cao thượng (etaṃ maṅgalamuttamaṃ): kết hợp cả ba pháp trên là điều hạnh phúc quý báu nhất.

TÌM HIỂU Ý NGHĨA

Sau khi nghe câu hỏi của vị Chư Thiên trẻ, Đức Thế Tôn đã nói lên câu kệ ngôn trên.
Ở đây có bốn hình thức câu chuyện được nói lên: câu chuyện liên quan đến câu hỏi, câu chuyện không liên quan đến câu hỏi, câu chuyện mạch lạc và câu chuyện không mạch lạc.
1. Câu chuyện được nói lên khi câu hỏi được đặt ra.
Khi có ai đó nêu lên một câu hỏi, Đức Thế Tôn tùy theo đó mà giảng Pháp. Ví dụ như có người hỏi Ngài: “Bạch Đức Thế Tôn, làm thế nào để vượt qua cơn nước lũ lớn?”, (Tương Ưng Bộ Kinh).
2. Câu chuyện được nói lên khi không có câu hỏi:
Như trong nhiều trường hợp, Đức Thế Tôn giảng pháp cho các vị Tỳ Kheo: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, Như Lai sẽ giảng cho các thầy pháp môn đoạn trừ lậu hoặc”, (Trung Bộ Kinh).
3. Câu chuyện mạch lạc:
Tất cả lời giảng Pháp của Chư Phật đều mạch lạc và nhất quán.
4. Câu chuyện không mạch lạc:
Trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn, không có lời dạy nào mà rời rạc và mâu thuẩn với nhau.
Ở đây câu chuyện được nói đến khi vị Chư Thiên trẻ đặt ra câu hỏi.
Như một người thông minh thiện xảo về con đường đúng và con đường sai. Nếu có ai hỏi về con đường, người đó trước hết sẽ nói là con đường nào phải từ bỏ và con đường nào phải đi theo.
Anh ta có thể nói: “Trên con đường nầy đi đến đó sẽ có một ngã ba. Ở đó không nên rẽ trái mà phải rẽ sang hướng phải”.
Trong vấn đề tu tập, chúng ta cũng nên hiểu tương tự.
Đức Thế Tôn là một bậc thầy thiện xảo về con đường.
Như trong Tương Ưng Bộ Kinh có ghi: “Nầy Tissa, người thiện xảo về con đường là một danh xưng cho Như Lai, Bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác. Bởi vì Đức Thế Tôn rất thiện xảo thế giới nầy, thiện xảo thế giới khác, thiện xảo thế giới của Ác ma, và thiện xảo ngoài thế giới của Ác ma”.
Do đó, trước hết đề cập đến điều không nên tu tập và điều nên tu tập, Đức Thế Tôn đã nói: “Không giao du kẻ thiểu trí, thân cận bậc hiền nhân”.
Giao du kẻ thiểu trí là con đường phải từ bỏ.
Thân cận bậc hiền nhân là con đường phải thực hành theo.
Nhưng tại sao khi nói về điều hạnh phúc, Đức Thế Tôn lại nói trước tiên là ‘không giao du kẻ thiểu trí, thân cận bậc hiền nhân’.
Bởi vì do giao du với kẻ thiểu trí, Chư Thiên và nhân loại sẽ chấp nhận quan điểm hạnh phúc là những gì được thấy, được nghe và được cảm nhận. Đây là quan điểm sai lầm.
Do đó, trước hết Đức Thế Tôn nói không nên giao du kẻ thiểu trí, hãy thân cận bậc hiền nhân. Ngài chỉ trích việc thân cận với người bạn không tốt. Việc thân cận như vậy sẽ gây tổn hại cho lợi ích của chúng ta trong đời nầy và đời sau.
Ngược lại, Đức Thế Tôn khen ngợi pháp có thiện bằng hữu. Pháp nầy đem lại lợi ích cho chúng ta trong cả hai đời.
Người ngu hay kẻ thiểu trí là kẻ tạo nghiệp bất thiện như sát sanh, trộm cắp v.v…Họ có thể nhận biết qua ba đặc điểm. Kẻ thiểu trí luôn luôn thân làm ác, miệng nói ác và ý suy nghĩ điều ác (Tăng Chi Bộ Kinh).
Kẻ thiểu trí đó chính là các ngoại đạo sư như Pūraṇa Kassapa, như Đề Bà Đạt Đa và bạn hữu của ông ta, như nàng Ciñcā v.v….
Một đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh có ghi lại như sau:
“Nầy các thầy Tỳ Kheo, ví như một ngọn lửa bốc cháy từ một ngôi nhà tranh. Thế rồi mọi bộ phận trong căn nhà tranh đó đều cháy rụi; cũng vậy, mọi điều nguy hiểm, mọi tai họa, mọi khổ não đều bắt nguồn từ kẻ thiểu trí, mà không bắt nguồn từ bậc thiện trí.
Người ngu đem lại sự nguy hiểm, bậc trí không đem lại sự nguy hiểm; người ngu đem lại tai họa, bậc trí không đem lại tai họa; người ngu đem lại khổ não, bậc trí không đem lại khổ não”.
Hơn nữa, kẻ thiểu trí giống như con cá thối. Nếu ai giao du với kẻ thiểu trí người đó giống như miếng lá được dùng để gói con cá thối. Bậc thiện trí thức từ đó sẽ xa lánh người giao du với kẻ thiểu trí (Kinh Bổn Sanh, Kinh Phật Thuyết Như Vậy).
Một lần nọ, một vị ẩn sĩ tên là Akitti được Đức Trời Đế Thích (Sakka) ban cho lời ước nguyện. Vị ấy đã nói như sau:
_ Mong cho tôi không bao giờ thấy hay nghe kẻ thiểu trí.
Mong cho tôi không sống chung với kẻ thiểu trí.
Và mong cho tôi không bao giờ nói chuyện với kẻ thiểu trí.
Khi nghe nói vậy, vị thiên chủ rất ngạc nhiên trước điều ước nguyện của vị ẩn sĩ nầy.
Vị ẩn sĩ sau đó đã giải thích:
_ Kẻ thiểu trí dẫn người ta đi vào chỗ hoại vong; kẻ thiểu trí dẫn dắt một lối sống bất cẩn.
Khi được nghe ai nói đến điều tốt, khuyến khích điều lành, kẻ thiểu trí sẽ nổi giận, bất bình ngay.
Kẻ thiểu trí lại không màng gì đến giới luật.
Do đó, thật là phước lành khi không gặp phải hạng người như vậy.
Trên đây là lời giải thích chi tiết cho dòng kệ ngôn: “Không giao du kẻ thiểu trí”.
Sau khi đã nói về tác hại của việc giao du với kẻ thiểu trí, Đức Thế Tôn tiếp tục thuyết giảng các pháp đem lại điều hạnh phúc.
Chúng ta đọc tiếp dòng kệ ngôn tiếp theo: “Thân cận bậc hiền nhân.” (paṇḍitānañca sevanā)
Bậc thiện trí hay bậc hiền nhân (paṇḍita) là những chúng sanh thực hành theo thiện nghiệp, tránh xa việc sát sanh, trộm cắp v.v….
Các vị ấy có thể được nhận biết qua ba đặc điểm như sau: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, có ba đặc điểm để nhận biết một bậc thiện trí thức. Vị đó thân hành thiện, khẩu nói thiện, và ý suy nghĩ điều thiện”, (Tăng Chi Bộ Kinh).
Chư Phật Toàn Giác, Chư Phật Độc Giác, 80 vị Thinh Văn Đại Đệ Tử, cùng chư vị Thinh Văn đệ tử của Đức Như Lai, và các bậc hiền nhân khác chính là hiện thân của các bậc thiện trí thức.
Các bậc thiện trí thức là những vị hộ trì cho chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn. Các bậc ấy giống như ngọn đèn sáng trong đêm tăm tối, như thức ăn và nước uống khi chúng ta đang trong tình trạng đói khát.
Chư vị hóa giải mọi sự nguy hiểm, đẩy lùi tai họa và khổ não cho những ai biết lắng nghe lời khuyên của các Ngài.
Nhờ nương tựa nơi Đức Như Lai, vô số Chư Thiên và nhân loại đã diệt trừ được phiền não, được sanh vào thế giới của Phạm Thiên và Chư Thiên, được sanh vào cõi lành.
Tám mươi ngàn (80.000) gia đình có đức tin nơi Trưởng Lão Xá Lợi Phất (Sāriputta) và hộ trì cho Ngài tứ sự cúng dường, tất cả đều nhờ đó mà sanh về cõi trời. Tương tự là các gia đình hộ độ cúng dường cho Trưởng Lão Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna), cho Trưởng Lão Ca Diếp (Mahākassapa).
Do vậy: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, không có sự nguy hiểm từ nơi bậc thiện trí thức, không có tai họa từ nơi bậc thiện trí thức, và không có điều khổ não từ nơi bậc thiện trí thức”, (Tăng Chi Bộ Kinh)
Hơn nữa, bậc thiện trí được ví như hương trầm thơm hay vòng hoa đẹp Tagara, và những ai thân cận với bậc thiện trí thức như vậy họ giống như miếng lá được dùng để gói hương trầm. Các bậc trí sẽ hoan hỷ và tán dương những ai luôn thân cận bậc thiện trí thức
Như lời kinh văn trong Bổn Sanh Kinh và Phật Tự Thuyết Kinh có ghi lại:
“Những ai đeo vòng hoa đẹp Tagara, được ướp với hương liệu thơm tinh khiết; cũng vậy, người thân cận với bậc thiện trí thức, họ cũng đẹp như vậy, tinh khiết như vậy”.
Lại nữa, khi được thiên chủ Đế Thích ban cho điều ước nguyện, vị ẩn sĩ Akitti đã nói:
“Mong cho tôi được thấy và nghe bậc thiện trí thức.
Mong cho tôi được sống chung với bậc thiện trí thức.
Mong cho tôi được nói chuyện với bậc thiện trí thức và nghe theo lời của họ.”
Khi được Đức Trời Đế Thích hỏi về nguyên do, vị ẩn sĩ đã trả lời như sau:
“Bậc thiện trí thức theo đuổi con đường chân chánh, vị ấy không sống bất cẩn.
Vị ấy thiện xảo trong việc hướng dẫn điều lành, nói đúng thời, và không khi nào sân hận. Bậc thiện trí thức thông suốt về giới luật.
Do đó, thật là phước lành khi thân cận với một bậc thiện trí thức.”, (Bổn Sanh Kinh)
Chúng ta hãy đọc dòng kệ ngôn tiếp theo: “Tôn kính bậc cao quý, đây là hạnh phúc cao thượng”, (pūjā ca pūjanīyānaṃ, etaṃ maṅgalamuttamaṃ).
Ở đây, bậc cao quý được hiểu là Chư Phật Toàn Giác, các bậc giải thoát khỏi những lỗi lầm và thành tựu tất cả mọi ân đức cao quý.
Kế đến là Chư Phật Độc Giác và Chư thánh nhân đệ tử.
Một hành động tôn kính đến chư vị dầu là nhỏ nhoi, cũng dẫn đến an lạc và hạnh phúc trong thời gian lâu dài.
Như câu chuyện của người làm tràng hoa Sumana được kể như sau:
Một buổi sáng nọ, Đức Thế Tôn đang đi khất thực trong thành Vương Xá (Rājagaha).
Khi ấy, người thợ làm vòng hoa Sumana đang đem các vòng hoa đến cho Đức Vua Bình Sa Vương. Sumana nhìn thấy Đức Thế Tôn đang đến cổng thành Vương Xá.
Khi nhìn thấy Đức Thế Tôn, ông ta phát sanh niềm hoan hỷ vô biên với tướng mạo oai nghiêm của một vị Phật.
Khi đó Sumana suy nghĩ: “Khi nhà vua nhận những vòng hoa nầy, vua có thể cho ta một trăm hoặc một ngàn đồng tiền. Số tiền đó chỉ giúp ta sống hạnh phúc trong đời nầy mà thôi.
Nhưng nếu ta cúng dường đến Đức Thế Tôn vòng hoa nầy, việc cúng dường sẽ giúp cho ta an lạc và hạnh phúc trong thời gian lâu dài. Vậy ta hãy cúng dường vòng hoa đến Đức Thế Tôn”.
Rồi với đức tin, ông đã tán hoa, ném một vòng hoa lên không trung cúng dường Đức Thế Tôn. Vòng hoa được ném lên không trung, đứng yên ở đó và tạo thành chiếc lọng hoa cúng dường Đức Thế Tôn.
Quá hoan hỷ, Sumana tiếp tục ném các vòng hoa còn lại. Các vòng hoa được Sumana ném lên tạo thành bức màn hoa che cho Đức Thế Tôn.
Rồi cả thảy tám vòng hoa của Sumana xếp thành một cây lọng bằng hoa cúng dường Đức Thế Tôn.
Tất cả mọi người trong thành Vương Xá đều tụ họp lại để chứng kiến cảnh tượng huy hoàng chưa từng có.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nhìn người thợ kết hoa Sumana và mỉm cười.
Đại Đức Ānanda có suy nghĩ là Chư Phật không bao giờ mỉm cười mà không có lý do nên vị thị giả đã hỏi Đức Thế Tôn vì sao Ngài mỉm cười.
Đức Thế Tôn đã nói: “Nầy Ānanda, do năng lực cúng dường các vòng hoa, người thợ kết hoa Sumana nầy sẽ được sanh trong cõi người và cõi trời trong suốt một trăm ngàn (100.000) đại kiếp. Sau cùng vị ấy sẽ trở thành một vị Phật Độc Giác (Paccekabuddha) với danh hiệu là Sumanissara”.
Để kết luận, Đức Thế Tôn đã đọc lên câu kệ ngôn như sau:
“Một hành động được xem là thiện khi ta làm việc đó mà không lo phiền, và thọ hưởng kết quả của hành động thiện với nội tâm hạnh phúc”.
Câu kệ ngôn nầy cũng được ghi lại trong Pháp Cú Kinh, kệ ngôn số 68.
Vào cuối pháp thoại, 84.000 chúng sanh chứng đắc được quả vị thánh nhân Nhập Lưu, thể nhập vào dòng suối Giáo Pháp.
Như vậy, một hành động nhỏ tôn kính các bậc cao quý đem lại cho chúng sanh an lạc và hạnh phúc trong suốt thời gian lâu dài.
Trên đây là sự tôn kính bằng cúng dường lễ vật, còn cúng dường bằng sự thực hành, bằng sự hành đạo thì sao?
Những ai cúng dường đến Đức Thế Tôn bằng sự thực hành như phát tâm quy y, thọ trì giới luật, thọ trì bát quan trai giới, thực hành tứ thanh tịnh giới, và những sự thực hành khác nữa, vị đó được gọi là cúng dường đến Đức Thế Tôn bằng sự cúng dường cao quý bậc nhất.
Như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc Trường Bộ Kinh có ghi lại như sau:
“Nầy Ānanda, vị Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo Ni, vị thiện nam, vị tín nữ nào mà thực hành pháp và tùy pháp, thực hành chân chánh, thực hành đúng theo Pháp, vị ấy đã tôn kính, tôn trọng, đảnh lễ và cúng dường Như Lai với sự cúng dường cao thượng bậc nhất”.
Tương tự, chúng ta hiểu là tôn kính, cúng dường đến Chư Phật Độc Giác, chư Thánh nhân đệ tử đều đem lại an lạc và hạnh phúc lâu dài như vậy.
Hơn nữa, ở đời sống gia đình, người em luôn tôn kính anh của mình, chị của mình. Con cái tôn kính cha mẹ, người vợ tôn kính chồng và gia đình bên chồng. Đây cũng là pháp tôn kính các bậc đáng tôn kính.
Sự tôn kính như vậy là điều hạnh phúc vì đây là đức tính tốt đẹp và là nguyên nhân đem lại sự tiến hóa và trường thọ.
Như đoạn kinh trong Trường Bộ Kinh có ghi lại như sau:
“Những ai biết tôn kính cha mẹ, biết tôn kính các vị Sa môn, Bà la môn, họ biết tôn kính ông bà trong gia đình, những người ấy thọ trì và thực hành đức tính rất cao quý.
Do thực hành các đức tánh tốt đó, cho nên họ sẽ phát sanh tuổi thọ, họ sẽ có sắc đẹp.”
Như vậy, câu kệ ngôn thứ nhất trong bài Kinh Hạnh Phúc trình bày ba điều hạnh phúc: không giao du kẻ thiểu trí, thân cận bậc hiền nhân, tôn kính bậc cao quý.
Không giao du kẻ thiểu trí là điều hạnh phúc vì việc làm như vậy ngăn ngừa chúng ta khỏi sự tai họa do giao du với kẻ thiểu trí.
Thân cận bậc hiền nhân là điều hạnh phúc vì đó là nhân lành đem lại an lạc trong đời nầy và đời sau.
Tôn kính bậc cao quý là điều hạnh phúc vì đây là nhân lành đem lại sự tái sanh tốt đẹp và thành tựu Niết Bàn (Nibbāna).

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ HAI

2. Patirūpadesavāso ca, pubbe ca katapuññatā;
Attasammāpaṇīdhī ca, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa:
Trú ngụ nơi thích hợp, đời quá khứ đã tạo phước;
Biết hướng tâm chân chánh, đây là hạnh phúc cao thượng.

Khi vị Chư Thiên trẻ thay mặt cho Đức Trời Đế Thích hỏi về điều hạnh phúc cao thượng, Đức Thế Tôn không chỉ nói lên một điều mà đến cả ba điều hạnh phúc cao thượng trong một câu kệ ngôn.

Như một người rộng lượng, khi có ai hỏi xin điều gì, người ấy không chỉ cho một ít mà lại cho rất nhiều vậy!

Hơn nữa, bởi vì các vị Chư Thiên muốn tiếp tục nghe thêm; cũng như còn rất nhiều điều hạnh phúc, nên Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng tiếp.
Đức Thế Tôn mong muốn trình bày nhiều điều hạnh phúc để thích hợp cho nhiều chúng sanh khác nhau. Ở đây Ngài tiếp tục thuyết giảng về hạnh phúc cao thượng với kệ ngôn thứ hai.

Chúng ta đọc dòng kệ ngôn đầu tiên: “Trú ngụ nơi thích hợp”, (Patirūpadesavāso).

Nơi ở hay trú xứ thích hợp là nơi Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương (The Wheel-Turning Monarchs) ra đời. Người dân ở nơi vương quốc Chánh Pháp của Ngài rất hạnh phúc vì họ nương theo oai lực của Đức Vua mà sống đời đạo đức, họ thọ trì ngũ giới và được sanh về cõi trời.

Trú xứ thích hợp là nơi mà nhị vị đại đệ tử Đại Đức Xá Lợi Phất (Sāriputta) và Đại Đức Mục Kiền Liên (Mahāmoggallāna) sau khi hoàn thành mười pháp Ba la mật (Pāramīs) trong một A tăng kỳ và 100.000 đại kiếp đã xuất hiện trên thế gian.

Trú xứ thích hợp là nơi mà Chư Phật Độc Giác (The Paccekabuddhas) sau khi hoàn thành hai mươi pháp Ba la mật (Pāramīs) trong hai A tăng kỳ và 100.000 đại kiếp đã xuất hiện trên thế gian.

Trú xứ thích hợp là nơi mà Chư Phật Toàn Giác (The Perfectly Enlightened Buddhas) sau khi hoàn thành ba mươi pháp Ba la mật (Pāramīs) trong bốn, hoặc tám, hoặc mười sáu A tăng kỳ và 100.000 đại kiếp đã xuất hiện trên thế gian.

Chúng sanh ở trong trú xứ của Chư Phật Độc Giác được hạnh phúc vì họ sẽ có duyên lành cúng dường đến các Ngài và sẽ được sanh về cõi trời.
Chúng sanh trong trú xứ của Chư Phật Toàn Giác và Chư Thinh Văn đệ tử được hạnh phúc vì họ sẽ có duyên lành cúng dường và nghe Pháp, nhờ đó họ sẽ sanh về cõi trời và chứng đắc Niết Bàn.

Hơn nữa, trú xứ thích hợp là nơi Đức Thế Tôn đã giác ngộ pháp mầu, Bồ Đề Đạo Tràng.

Trú xứ thích hợp là nơi Đức Thế Tôn đã vận chuyển bánh xe Pháp, ngôi vườn Lộc Giả.

Trú xứ thích hợp là nơi Đức Thế Tôn và các bậc Thánh nhân đệ tử đã cư ngụ, như thành Xá Vệ (Sāvatthī), thành Vương Xá (Rājagaha).
Cư dân ở những nơi đó có được điều hạnh phúc cao thượng vì họ sẽ nhận được sáu điều cao quý. Đó là thấy cao quý, nghe cao quý, lợi lạc cao quý, tu tập cao quý, phục vụ cao quý, và niệm tưởng cao quý.

Lại nữa, trú xứ thích hợp là nơi ở của hàng tứ chúng đệ tử của Đức Thế Tôn, đó là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện Nam, Tín Nữ. Ở đó họ thực hiện các công đức như bố thí, trì giới, và là nơi Giáo Pháp của Đức Thế Tôn được chiếu sáng.

Những ai được ở những trú xứ như trên, chúng sanh đó quả thật là có được hạnh phúc cao thượng.

Chúng ta đọc dòng kệ ngôn tiếp theo: “Đời quá khứ đã tạo phước”, (pubbe ca katapuññatā).

Đời quá khứ đã tạo phước có nghĩa là trong quá khứ chúng sanh đã có duyên lành cúng dường đến Chư Phật Toàn Giác, Chư Phật Độc Giác và Chư Thinh Văn đệ tử Phật.

Đến đời hiện tại chúng sanh đó được đảnh lễ Chư Phật Toàn Giác và Chư Phật Độc Giác; hoặc họ nhờ được nghe chỉ với bốn câu kệ ngôn từ Chư Phật Toàn Giác và chư vị đệ tử của Ngài mà chứng đắc quả vị A La Hán vào cuối bài giảng.

Và chúng sanh nào đã từng tạo được phước lành trong kiếp sống quá khứ, nhờ phước lành đó đến đời hiện tại chúng sanh đó có thể phát triển tuệ quán và đoạn trừ được phiền não.

Như vậy, đời quá khứ đã tạo phước báu là một trong những điều hạnh phúc cao thượng.

Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Biết hướng tâm chân chánh”, (Attasammāpaṇīdhī).

Thế nào là biết hướng tâm chân chánh?

Ở đây, một người không có giới hạnh biết tự mình an trú trong giới hạnh.

Một người không có đức tin biết tự mình an trú vào đức tin.

Một người rất keo kiết, bỏn sẻn biết thực hành pháp bố thí.

Đó chính là biết hướng tâm chân chánh. Đó là điều hạnh phúc cao thượng. Vì sao vậy?

Vì đó là duyên lành để ngăn ngừa mọi tổn hại trong đời sống hiện tại và đời sống vị lai, và để thành tựu tất cả nguồn phước báu.

Câu kệ ngôn 260 đã nêu lên ba điều đem đến hạnh phúc cao thượng: trú ngụ nơi thích hợp, đời quá khứ đã tạo phước, và biết hướng tâm chân chánh.





↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ BA

3. Bāhusaccañca sippañca, vinayo ca susikkhito;
Subhāsitā ca yā vācā, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa:

“Hạnh đa văn, tinh thông nghề nghiệp, gìn giữ giới luật;
Có lời nói tốt đẹp, đây là hạnh phúc cao thượng”.

Câu kệ ngôn trên nói về bốn pháp đem lại hạnh phúc cao thượng trong cuộc sống.
Chúng ta tìm hiểu điều hạnh phúc đầu tiên.

1. Hạnh đa văn (bāhusaccañca): đa văn hay học nhiều hiểu rộng là khả năng ghi nhớ lời giảng dạy của Bậc Đạo Sư.
Các đoạn kinh sau đây trong Tăng Chi Bộ Kinh nói về hạnh đa văn như sau: “Vị Tỳ Kheo ấy ghi nhớ được những gì đã học, hiểu biết những gì đã học”, hay “Ở đây, vị Tỳ Kheo học tập Giáo Pháp như Kinh, Ứng Tụng, Kệ Ngôn, Bổn Sanh Kinh”.
Đa văn là điều hạnh phúc bởi vì hạnh đa văn là nhân lành để đoạn trừ bất thiện pháp và tu tập thiện pháp. Hơn thế nữa, đa văn giúp cho chúng ta liễu ngộ được chân lý cao quý.
“Nầy các thầy Tỳ Kheo, một bậc thánh nhân đệ tử đa văn đoạn trừ bất thiện pháp, tu tập thiện pháp, đoạn trừ pháp bị khiển trách, tu tập pháp không bị khiển trách, và duy trì được sự thanh tịnh”.
Trên đây là các đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh đề cao hạnh đa văn hay đức tính hiếu học.
Hơn nữa, đa văn về phương diện thế học cũng đáng được khen ngợi, như hiểu biết nhiều về văn hóa, kiến thức chuyên môn cao. Hạnh đa văn luôn đem lại lợi ích và hạnh phúc cho chúng sanh.

2. Tinh thông nghề nghiệp (sippañca): nghề nghiệp ở đây có hai loại là nghề nghiệp của người tại gia và nghề nghiệp của người xuất gia.
Nghề nghiệp của người tại gia là để mưu sinh. Nghề nghiệp nuôi mạng sống nầy phải là chân chánh, không gây hại cho bất cứ ai, không lẫn lộn bất thiện pháp.
Nghề nghiệp của người xuất gia như may vá y phục và sửa chữa các vật dụng cần thiết của vị tu sĩ, của nhà chùa.
Một đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh có lời tán dương vị Tỳ Kheo siêng năng trong công việc chùa, giúp đỡ các bạn đồng phạm hạnh. Đó là phẩm chất hộ trì và bảo vệ.
Tinh thông trong nghề nghiệp là điều hạnh phúc vì nó đem lại lợi ích và hạnh phúc trong cả hai đời, đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho tha nhân.

3. Gìn giữ giới luật (vinayo ca susikkhito): ở đây là giới luật của người tại gia và giới luật của người xuất gia.
Giới luật của người tại gia là ngăn ngừa mười nghiệp bất thiện, như sát sanh, trộm cắp v.v…. Giới luật của người tại gia là điều hạnh phúc bởi vì khi nghiêm trì giới luật như vậy người cư sĩ sẽ không bị ảnh hưởng bởi phiền não, và những phẩm chất cao quý của vị ấy không bị hư hoại đi.
Giới luật của người xuất gia là gìn giữ không cho vi phạm các điều học trong giới bổn Ba la đề mộc xoa (Pāṭimokkha).
Nói cho đầy đủ, giới luật của người xuất gia là những điều học bao gồm trong tứ thanh tịnh giới: giới bổn Ba la đề mộc xoa, giới thu thúc lục căn, giới nuôi mạng chân chánh và giới quán tưởng thanh tịnh.
Thọ trì và gìn giữ giới luật của hai giới tại gia và xuất gia là điều hạnh phúc vì đó là nhân lành để thành đạt hạnh phúc hiệp thế và hạnh phúc siêu xuất thế gian.

4. Lời nói tốt đẹp (subhāsitā ca yā vācā).
Lời nói tốt đẹp là lời nói không có lỗi lầm.
Đức Thế Tôn có dạy cho chư Tỳ Kheo lời nói tốt đẹp là lời nói liên hệ đến Pháp, không phải không có liên hệ Pháp; là lời nói khả ái, không phải không khả ái; là lời nói chân thật, không phải là lời nói dối.
Lời nói tốt đẹp là lời dạy Giáo Pháp cho người khác: “Lời nói mà Đức Thế Tôn thuyết giảng đem lại thành đạt Niết Bàn, sự an lạc, chấm dứt khổ đau, lời nói đó quả thật là lời nói tối thượng”.

Câu kệ ngôn thứ tư trong bài Kinh Mahāmaṅgala Sutta, Kinh Hạnh Phúc trình bày bốn điều hạnh phúc thiết thực: hạnh đa văn, tinh thông nghề nghiệp, gìn giữ giới luật, và có lời nói tốt đẹp.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ TƯ

4. Mātāpitu upaṭṭhānaṃ, puttadārassa saṅgaho;
Anākulā ca kammantā, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa:

Phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con;
Có nghề nghiệp lương thiện, đây là hạnh phúc cao thượng.
Câu kệ ngôn trên nêu lên ba điều đem lại hạnh phúc trong cuộc sống: phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, và có nghề nghiệp lương thiện.



1. Phụng dưỡng cha mẹ (Mātāpitu upaṭṭhānaṃ)
Phụng dưỡng là chăm sóc cha mẹ bằng cách rửa chân tay, xoa bóp, tắm rửa và cung cấp đầy đủ phương tiện sinh hoạt hằng ngày cho cha mẹ.
Cha mẹ là những bậc ân nhân giúp đỡ cho con trẻ rất nhiều, luôn mong muốn điều tốt đẹp cho con. Cha mẹ luôn thương yêu các con của mình với tình thương vô bờ bến.
Khi trẻ con chơi đùa ở ngoài sân cả ngày rồi trở về nhà với mình mẫy đầy bụi bặm, cha mẹ vẫn thản nhiên tắm rửa sạch sẽ cho con với những lời thương yêu trìu mến.
Ngay cả khi cõng cha mẹ trên vai rồi đi suốt cả trăm năm, việc làm đó cũng không đủ trả món nợ ân tình mà chúng ta đã vay từ hai đấng sanh thành.
Cha mẹ đã sanh ra chúng ta, nuôi dưỡng nên người và dắt dẫn chúng ta đi vào cuộc đời nầy, nên cha mẹ là những vị trời Phạm Thiên (Brahmā), là những người thầy ban đầu (the first teachers) của chúng ta.
Phụng dưỡng cha mẹ được xem là một phúc lành ở kiếp sống nầy, và sau khi chết những người con hiếu thảo sẽ được sanh về cõi trời. Có hiếu với cha mẹ quả thật là điều hạnh phúc cao thượng.
Những đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phật Tự Thuyết Kinh và Bổn Sanh Kinh đã ghi chép lại công ơn trời biển của cha mẹ như sau:
“Cha mẹ được xem là những vị Phạm Thiên, là những vị thầy đầu tiên.
Cha mẹ xứng đáng được tôn kính, cúng dường bởi vì cha mẹ luôn thương yêu chúng ta”.
“Người có trí hãy biết phụng dưỡng cha mẹ, luôn tỏ lòng tôn kính, cúng dường thức ăn, nước uống, lo cho đầy đủ y phục và chỗ ở, biết xoa bóp, tắm rửa cho cha mẹ”.
“Người có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, bậc trí sẽ tán dương người đó. Sau khi chết người con hiếu thảo sẽ sanh về cõi trời”.
Kinh Thi Ca La Việt (Sigālovāda Sutta) thuộc Trường Bộ Kinh có ghi lại như sau:
“Người con phụng dưỡng cha mẹ được xem là người biết thờ phượng hướng đông theo năm cách: chăm sóc cha mẹ, làm tròn bổn phận, gìn giữ truyền thống gia đình, xứng đáng thừa kế gia sản, và biết làm phước hồi hướng khi cha mẹ qua đời”.
Đổi lại, cha mẹ sẽ dẫn dắt các con theo năm cách: “Ngăn cản con làm điều ác, khuyến khích con làm điều lành, dạy cho con biết nghề nghiệp, dựng vợ gả chồng, và đúng lúc trao tài sản thừa tự lại cho con”.
Hơn thế nữa, người con phụng dưỡng cha mẹ một cách chí hiếu là giúp cho cha mẹ có đức tin đối với Tam Bảo, hướng dẫn cha mẹ thọ trì giới luật, và tạo điều kiện cho cha mẹ được xuất gia.
Đây được xem cách phụng dưỡng cha mẹ cao quý nhất.
Phụng dưỡng cha mẹ là cách chúng ta đền đáp lại thâm ân, là hạnh phúc bởi vì tâm hiếu thảo đem lại phước báu ở đời nầy và đời sau.

2. Nuôi dưỡng vợ con (Puttadārassa saṅgaho)
Nơi bài Kinh Thi Ca La Việt, Đức Thế Tôn có dạy như sau:
“Quan hệ giữa chồng và vợ được biểu hiện theo hướng tây. Người chồng phải đối xử tốt với vợ mình theo năm cách sau: tôn trọng vợ, không xem thường, có sự chung thủy, trao quyền quản lý, và thường mua sắm vật trang điểm cho vợ mình”.
Ngược lại, người vợ phải có bổn phận đối với chồng mình: “Biết sắp xếp công việc, đối xử tốt với gia đình bên chồng, có lòng chung thủy, khéo quản lý tài chánh, và quán xuyến công việc nội trợ”.
Hơn thế nữa, chồng và vợ còn phải biết chăm sóc đời sống tinh thần cho nhau như giúp nhau tham dự các nghi lễ văn hóa xã hội, tín ngưỡng v.v…
Quan hệ tốt đẹp giữa chồng và vợ là nhân lành đem lại hạnh phúc nơi đời sống gia đình, hạnh phúc xã hội, hạnh phúc đời nầy và hạnh phúc đời sau.

3. Có nghề nghiệp lương thiện (Anākulā ca kammantā)
Nghề nghiệp lương thiện là những công việc như trồng trọt, buôn bán v.v… Nghề nghiệp được xem là lương thiện vì công việc được thực hiện đúng thời, đúng lúc, đúng phương cách, làm siêng năng, cần mẫn, thực hiện những công việc vô hại.
Nghề nghiệp lương thiện được xem là điều hạnh phúc bởi vì nó đem lại tài lộc cho gia chủ, giúp cho gia đình được hạnh phúc.
Cũng thep bài Kinh Thi Ca La Việt, Đức Thế Tôn có dạy về nghề nghiệp lương thiện như sau:
“Làm việc đúng phương pháp và có trách nhiệm, người siêng năng thâu hoạch được tài sản;
Những ai có thói quen hay ngủ ngày, lại thức sáng đêm, sống phóng đãng, nghiện nghiệp rượu chè, người ấy không thể gìn giữ nổi hạnh phúc gia đình;
Người ấy hay than vãn: Ôi nóng quá, lạnh quá, lại trễ quá rồi! Con người dễ duôi, chễnh mảng như vậy sẽ đánh mất đi hạnh phúc của chính mình;
Nhưng những ai không quan tâm gì đến nóng hay lạnh, đó chỉ là chuyện cỏn con. Người ấy luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình và không rời xa hạnh phúc;
Những ai siêng năng thâu hoạch tài sản như con ong đi hút mật hoa, tài sản của người ấy sẽ lớn dần giống như một ổ mối vậy”.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ NĂM

5. Dānañca dhammacariyā ca, ñātakānañca saṅgaho;
Anavajjāni kammāni, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa:

Biết bố thí, sống chánh hạnh, giúp đỡ thân bằng quyến thuộc;
Biết làm việc lợi ích, đây là hạnh phúc cao thượng.

Câu kệ ngôn trên trình bày về bốn điều đem lại hạnh phúc cao quý:
1. Hạnh phúc thứ nhất là bố thí (dānañca).
Bố thí hay cho ra là ý muốn giúp đỡ hay dâng tặng một ai đó mười phẩm vật là thức ăn, nước uống, y phục, xe cộ, tràng bông, hương thơm, thuốc xoa bóp, giường nằm, trú xứ và đèn đuốc.


Chính do tâm quảng đại (non-greed) mà tín chủ dâng tặng 10 phẩm vật nói trên đến người khác.
Do đó, có lời nói rằng: “Được gọi là bố thí vì thông qua hành động nầy mà món quà được dâng tặng.”
Bố thí được xem là điều hạnh phúc bởi vì đó là nhân lành để thành tựu phước báu trong đời nầy và các đời vị lại, như được thương yêu, quý mến bởi nhiều người.
Một đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh có ghi lại như sau:
“Nầy Sīha, người tín chủ luôn được thương mến và ngưỡng mộ bởi nhiều người”.
Bố thí có hai loại: bố thí tài vật và bố thí Pháp.
Bố thí về tài vật như đã được giải thích ở trên.
Bố thí Pháp là giảng dạy Giáo Pháp của Đức Thế Tôn đến người khác với lòng mong muốn cho người nghe được an lạc.
Như vậy, vị giảng Pháp đem lại hạnh phúc và giúp giảm đi sầu muộn cho thính giả.
Trong hai loại bố thí trên, bố thí Pháp là cao quý hơn.
Như lời kệ ngôn trong Pháp Cú Kinh, kệ ngôn 354 có ghi lại như sau:
“Pháp thí thắng mọi thí, pháp vị thắng mọi vị;
Pháp hỷ thắng mọi hỷ, ái diệt đoạn tận khổ.”
Bố thí Pháp là điều hạnh phúc bởi vì đó là điều kiện để phát triển các đức tính tốt đẹp, như lòng mong muốn học hỏi Giáo Pháp.
Trong một đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Thế Tôn có dạy như sau:
“Khi một vị Tỳ Kheo dạy Giáo Pháp cho một người khác với những điều vị ấy đã nghe và học hỏi, khi ấy vị Tỳ Kheo phát sanh tâm hoan hỷ liên hệ đến ý nghĩa và liên hệ đến Pháp.”
2. Hạnh phúc thứ hai là sống chánh hạnh (dhammacariyā): đó là lối sống theo mười thiện nghiệp.
Bài Kinh Sāleyyaka thuộc Trung Bộ Kinh có ghi lại mười thiện nghiệp thuộc về thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.
Thân nghiệp: từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà hạnh trong các dục.
Khẩu nghiệp: từ bỏ nói dối, từ bỏ nói hung dữ, từ bỏ nói chia rẽ, từ bỏ nói lời vô ích.
Ý nghiệp: từ bỏ tham lam, từ bỏ sân hận, từ bỏ tà kiến.
Bài kinh trên cũng giải thích thêm là khi một người thực hành theo thiện nghiệp như thế, sau khi chết người ấy sẽ tái sanh về cõi trời, thiên giới.
Do đó, có nếp sống chánh hạnh là điều hạnh phúc cao thượng.
3. Hạnh phúc thứ ba là giúp đỡ thân bằng, quyến thuộc (ñātakānañca saṅgaho).
Thân bằng, quyến thuộc là những người thân của chúng ta. Đó là cô dì, chú bác, họ hàng bên cha và họ hàng bên mẹ.
Khi thân bằng, quyến thuộc gặp khó khăn túng thiếu hay đau yếu, chúng ta nên giúp đỡ các vị ấy tiền bạc, thức ăn, nước uống, nói chung là mọi sự trợ giúp cần thiết nhất.
Giúp đỡ thân bằng, quyến thuộc là nếp sống đạo đức, là nhân lành đem lại hạnh phúc cao thượng.
4. Hạnh phúc thứ tư là biết làm việc lợi ích (anavajjāni kammāni).
Việc làm lợi ích hay việc làm không có lỗi lầm là những việc tốt đẹp, và đem lại lợi ích.
Những công việc như thọ trì bát quan trai giới, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, trồng cây gây rừng, xây dựng cầu đường v.v…
Như trong lời kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Thế Tôn có dạy như sau:
“Nầy Visākhā, một người nam hay một người nữ nào thọ trì bát quan trai giới với đầy đủ tám chi phần, sau khi thân hoại mạng chung họ sẽ tái sanh về cõi trời của chư vị Tứ Đại Thiên Vương”.
Với câu kệ ngôn thứ năm, Kinh Hạnh Phúc trình bày rõ ràng và thiết thực bốn điều hạnh phúc cao quý trong cuộc sống: biết bố thí, sống chánh hạnh, giúp đỡ thân bằng quyến thuộc, và luôn làm những việc lợi ích.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ SÁU

6. Āratī viratī pāpā, majjapānā ca saṃyamo;
Appamādo ca dhammesu, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa:

Từ bỏ và tránh xa điều ác, kiêng cữ các chất say;
Chuyên tâm trong việc phước, đây là hạnh phúc cao thượng.
Câu kệ ngôn trên trình bày ba điều hạnh phúc cụ thể như sau:

1. Hạnh phúc thứ nhất là từ bỏ và tránh xa điều ác (āratī viratī pāpā).
Từ bỏ (điều ác) là không thích thú trong việc ác khi chúng ta nhận thấy được sự nguy hiểm tiềm ẩn trong đó.
Tránh xa (điều ác) là tránh xa việc làm không tốt đẹp từ thân nghiệp và khẩu nghiệp.
Sự tránh xa nầy có ba cách: tránh xa do suy xét, tránh xa do thọ trì điều học, và tránh xa do đoạn trừ.

1. Tránh xa do suy xét (sampattavirati) là khéo léo suy nghĩ để tránh xa các lỗi lầm.
Ví dụ như suy nghĩ rằng mình xuất thân trong gia đình nề nếp như thế nầy, có dòng họ danh thơm tiếng tốt như thế nầy, sao lại có thể làm những việc xấu xa, không đạo đức như thế?
Khéo suy nghĩ được như vậy người đó liền tránh xa nhiều việc ác.

2. Tránh xa do thọ trì điều học (samādānavirati) là sự thực hành bắt đầu khi người Phật tử thọ trì các học giới như ngũ giới.
Kể từ thời điểm đó, người Phật tử không sát sanh hay vi phạm bất cứ điều học nào đã thọ trì.
3. Tránh xa do đoạn trừ (samucchedavirati) là sự tránh xa liên hệ đến thánh đạo (the noble path).
Kể từ khi đắc thánh đạo, trong tâm của bậc thánh giả không hề còn suy nghĩ đến việc vi phạm các điều ác, bất thiện pháp.
Điều ác (pāpa) là việc làm được thực hiện với tâm phiền não. Có thể kể ra bốn điều: sát sanh, trộm cắp, tà dâm và lời nói dối.
Một câu kệ ngôn trong Trường Bộ Kinh có ghi tóm tắt lại bốn điều ác đó như sau:
“Sát sanh, lấy của không cho, nói dối, và đi đến vợ của người khác.
Người trí không hề tán thành các hành động đó.”
Từ bỏ và tránh xa điều ác được xem là điều hạnh phúc cao thượng bởi vì đó là nhân, là duyên thành tựu được nhiều phước báu trong cả đời nầy và đời sau.

2. Điều hạnh phúc thứ hai là kiêng cữ các chất say (majjapānā ca saṃyamo).
Không uống rượu, sử dụng chất say, chất gây nghiện là nhân duyên đem đến điều hạnh phúc trong cuộc sống.
Một khi đã uống rượu thì chúng ta sẽ không còn biết đâu là tốt, đâu là xấu.
Một người suốt ngày cứ rượu chè be bét gây ra biết bao khổ sở cho gia đình, bao điều tệ nạn trong xã hội.
Người nghiện rượu xem như đã đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình, rồi anh ta sẽ đi vào khổ cảnh, và sẽ điên dại trong tương lai.
Sự tai hại của rượu, chất say, chất gây nghiện quả thật là không thể nghĩ bàn!
Nhưng những ai kiêng cữ rồi từ bỏ được rượu, các chất say, chất gây nghiện người đó bắt đầu cho cuộc đời mới, đã bước ra khỏi đêm dài tăm tối để đón chào hạnh phúc ban mai.

3. Điều hạnh phúc thứ ba là chuyên tâm trong việc phước (appamādo ca dhammesu).
Điều hạnh phúc thứ ba là pháp đối nghịch lại với pháp phóng dật hay dễ duôi.
Bộ Phân Tích (Vibhaṅgapakaraṇa), bộ thứ hai trong Tạng Vi Diệu Pháp, đã mô tả về pháp phóng dật hay dễ duôi như sau:
“Đó là lối làm việc không cẩn thận, làm việc không siêng năng, làm việc không liên tục.
Đó là không biết nhận lãnh trách nhiệm, không có nhiệt tình, từ bỏ công việc đáng lẽ ra phải làm, không sốt sắng, không chịu rèn luyện, không chịu nỗ lực, không có ý chí.

Tất cả thái độ sống hay cách làm việc như vậy được gọi là phóng dật hay dễ duôi”.
Nói cho ngắn gọn hơn, pháp phóng dật hay dễ duôi là không có chuyên tâm trong thiện pháp.

Pháp thứ ba nầy được xem là điều hạnh phúc cao thượng vì đây là nhân để thành tựu tất cả thiện pháp và thành tựu pháp bất tử (deathless), Niết Bàn.

Đúng như lời Đức Thế Tôn đã dạy: “Chuyên cần đường bất tử, phóng dật nẻo diệt vong” (Pháp Cú Kinh, kệ ngôn 21).

Câu kệ ngôn thứ sáu trình bày ba pháp hạnh phúc cao quý: từ bỏ và tránh xa điều ác, kiêng cữ các chất say, chuyên tâm trong việc phước.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ BẢY

7. Gāravo ca nivāto ca, santuṭṭhi ca kataññutā;
Kālena dhammassavanaṃ, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa:

Sống cung kính, có đức khiêm tốn, tri túc và biết ơn;
Tùy thời lắng nghe Chánh Pháp, đây là hạnh phúc cao thượng.
Câu kệ ngôn thứ bảy trình bày năm pháp đem đến hạnh phúc cao quý.



1. Hạnh phúc thứ nhất là sống cung kính (gāravo).
Cung kính là tỏ bày sự cung kính, tôn trọng, biết cung kính đến các bậc tôn quý như Chư Phật Toàn Giác, Chư Phật Độc Giác, chư vị Thinh Văn đệ tử của Đức Phật, các bậc thầy, các vị thầy bổn sư, ông bà cha mẹ, anh chị, cũng như các bậc trưởng thượng.
Sự cung kính là nhân lành thành đạt nhiều phước báu như sanh về cõi trời v.v….
Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt trong Trung Bộ Kinh có ghi lại như sau:
“Ở đây, nầy Subha, có người biết cung kính, tôn trọng, đảnh lễ và cúng dường đến các bậc đáng tôn kính. Do nhân lành đó, sau khi thân hoại mạng chung người đó sẽ sanh về cõi trời, thiên giới.
Nhưng nếu sanh lại cõi người, người đó sẽ sanh vào một gia đình danh gia vọng tộc”.
Hơn nữa, theo lời kinh văn trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Thế Tôn có dạy cho chư vị Tỳ Kheo là sự cung kính như cung kính các bậc thầy là một trong những nguyên nhân đem đến sự tiến bộ, không thoái hóa.

2. Hạnh phúc thứ hai là có đức khiêm cung (nivāto).
Đức khiêm cung là đức tính nhu thuận và khiêm tốn.
Ở nơi người có đức tính tốt nầy, họ không có sự kiêu căng tự phụ, tính tự cao tự đại.
Trong cuộc sống người sống khiêm cung luôn biết nhường nhịn, nhún nhường và biết sống chan hòa với tất cả mọi người. Nhờ vậy mọi người đều quý mến người có đức tính khiêm tốn, và người ấy có nhiều danh thơm tiếng tốt.

3. Hạnh phúc thứ ba là sự tri túc (santuṭṭhi).
Tri túc là bằng lòng với những gì mình có được.
Có mười hai (12) pháp tri túc liên quan đến y phục, vật thực, chỗ ở và thuốc men trị bệnh.
Về y phục có ba pháp tri túc là tri túc với điều mình có, tri túc tùy theo khả năng, và tri túc với sự thích hợp.
a. Tri túc với điều mình có (contentment according to one’s gains): ở đây vị Tỳ Kheo nhận được một bộ y do thí chủ dâng cúng.
Dầu bộ y thuộc vải tốt hay không tốt, vị Tỳ Kheo vẫn hài lòng với bộ y đó, và không có ý mong muốn một bộ y khác tốt hơn.
b. Tri túc tùy theo khả năng (contentment according to one’s ability): ở đây, một vị Tỳ Kheo có sức khỏe không tốt nhưng lại mặc một bộ y vải quá dầy, y phục trở nên quá nặng nề với vị ấy.
Nên vị Tỳ Kheo ấy tìm cách đổi lấy một bộ y khác nhẹ hơn với một vị huynh đệ của mình và được sự đồng thuận. Đây là pháp tri túc tùy theo khả năng.
c. Tri túc với sự thích hợp (contentment according to suitability): ở đây, một vị Tỳ Kheo nhận được một bộ y với giá trị thượng hảo hạng.
Vị sư nầy suy nghĩ: “Bộ y ta có đây thật là giá trị. Y tốt như thế nầy thật xứng đáng với các vị Trưởng Lão, các bậc tôn túc hơn là ta”. Nghĩ như vậy, vị ấy liền cúng dường bộ y thượng hảo hạng đến các bậc Trưởng Lão, các bậc tôn túc.
Còn phần mình, vị ấy chịu khó đi tìm những mảnh vải vụn rồi may thành tấm y để mặc che thân. Đây được gọi là pháp tri túc với sự thích hợp.
Ba pháp còn lại là thức ăn, chỗ ở và dược phẩm được hiểu theo ý nghĩa tương tợ. Nên có cả thảy là mười hai pháp tri túc.
Đây là pháp hạnh phúc vì tri túc giúp cho chúng ta từ bỏ những thói quen xấu trong tâm như ham muốn vô độ hay mong muốn quá đỗi.
Pháp tri túc là nhân lành tái sanh về cõi trời và là truyền thống của các bậc thánh nhân.
Vị xuất gia sống với hạnh tri túc luôn bằng lòng với những gì nhận được. Vị ấy được gọi là “có nhà ở khắp bốn phương hướng”, (at home in the four directions). Có nghĩa là người xuất gia với hạnh tri túc sống ở đâu ở được, dầu hoàn cảnh khó khăn cách mấy cũng không sao!

4. Hạnh phúc thứ tư là biết ơn hay tri ân (kataññutā)
Biết ơn là sự ghi nhận, là luôn ghi nhớ những gì mà người khác đã giúp chúng ta, dầu nhiều hay ít.
Theo ý nghĩa trong Phật Pháp, phước báu (puñña) là rất hữu ích cho tất cả chúng sanh vì phước báu hộ trì cho chúng sanh không rơi vào khổ cảnh. Do đó, tri ân được hiểu là luôn niệm tưởng về sự gia trì của phước báu (the helpfulness of merits).
Bậc thiện trí thức luôn tán thán hạnh biết ơn hay tri ân.
Như lời kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Thế Tôn có dạy:
“Nầy các thầy Tỳ Kheo, có hai hạng người được xem là rất quý hiếm trên thế gian nầy. Thế nào là hai?
Một người luôn mong mỏi giúp đỡ người khác và người được giúp đỡ luôn có lòng tri ân và biết ơn”.

5. Hạnh phúc thứ năm là tùy thời lắng nghe Chánh Pháp (kālena dhammassavanaṃ).
Một khi mà tâm của chúng ta bị phóng dật, bị tham dục, hay bị phiền não khác xâm chiếm, khi ấy hãy chịu khó đi nghe Pháp. Bởi vì Pháp Bảo là phương thuốc nhiệm mầu chữa được bệnh phiền não.
Một vị khác lại nói rằng tùy thời lắng nghe Chánh Pháp là nghe Pháp có định kỳ, như tuần lễ hay là nữa tháng.
Trong bài Tiểu Kinh Gosiṅga Sutta thuộc Trung Bộ Kinh, Đại Đức Anuruddha trình bạch với Đức Thế Tôn như sau: “Bạch Đức Thế Tôn, cứ mỗi năm ngày chúng con sẽ ngồi trọn đêm để thảo luận về Chánh Pháp.”
Tùy thời lắng nghe Chánh Pháp là khi chúng ta chịu khó đi đến gần các bậc thiện trí thức học hỏi để xóa tan hoài nghi trong tâm.
Tùy thời lắng nghe Chánh Pháp là điều hạnh phúc vì pháp nầy giúp chúng ta xóa bỏ triền cái hoài nghi và đoạn trừ được các lậu hoặc.
Lời kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh có ghi lại như sau:
“Nầy các thầy Tỳ Kheo, khi một vị thánh nhân đệ tử lắng nghe Chánh Pháp với sự chú tâm cao độ, hướng tâm tới Pháp, khi ấy năm pháp chướng ngại không thể có mặt trong tâm của vị ấy”.

Một đoạn kinh văn khác trong Tăng Chi Bộ Kinh cũng ghi lại:

“Nầy các thầy Tỳ Kheo, một trong những pháp nếu được tu tập đúng mức và đúng thời sẽ dẫn đến đoạn trừ các lậu hoặc, đó là tùy thời nghe Pháp”.
Như vậy, câu kệ ngôn thứ bảy trong bài Kinh Mahāmaṅgala Sutta, Kinh Hạnh Phúc, trình bày năm điều hạnh phúc cao thượng: sống cung kính, có đức khiêm cung, biết tri túc, lòng biết ơn, và tùy thời lắng nghe Chánh Pháp.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ TÁM

8. Khantī ca sovacassatā, samaṇānañca dassanaṃ;
Kālena dhammasākacchā, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa:

Nhẫn nại, biết lắng nghe lời khuyên, diện kiến các bậc Sa môn;
Tùy thời đàm luận Phật Pháp, đây là hạnh phúc cao thượng.
Câu kệ ngôn trên trình bày bốn điều thực hành đem đến hạnh phúc cao thượng.

1. Hạnh phúc thứ nhất là sự nhẫn nại (khantī).
Đức tính nhẫn nại là sự chịu đựng, sự nhẫn nhịn.
Một vị Tỳ Kheo có đức tính nhẫn nại sẽ không dao động khi bị người khác nói lời gay gắt, những lời khó nghe nhất. Vị ấy vẫn bất động dầu bị gây hại hay đả thương v.v…
Đức Thế Tôn là bậc thầy giảng dạy về pháp nhẫn nại (khantivādī). Ngài đã giảng như sau trong Bổn Sanh Kinh:

“Thuở xưa khi Như Lai là một vị đạo sĩ thực hành pháp nhẫn nại.
Lúc đó, nhà vua Kāsi đã ra lệnh cắt thân ta ra từng mảnh, nhưng ta vẫn bất động, vẫn vững vàng trong pháp nhẫn nại”.
Một tấm gương sáng về đức nhẫn nại khác là trường hợp của Đại Đức Puṇṇa được ghi chép lại trong kinh điển. Đại Đức Puṇṇa suy nghĩ trong tâm rằng nếu bị ai đó mắng chửi thậm tệ, người đang mắng chửi đó vẫn còn rất tốt vì họ chưa nỡ đánh đập một nhà sư.

Trong bài Kinh Puṇṇovāda Sutta thuộc Trung Bộ Kinh, Đại Đức Puṇṇa đã thưa với Đức Thế Tôn như sau:
“Bạch Đức Thế Tôn, nếu những người xứ Sunāparanta mắng nhiếc, sỉ vả con, con sẽ nghĩ rằng những người nầy thật là tốt, rất tốt vì họ không hề đánh đập con”.
Những ai tu tập được đức nhẫn nại như vậy sẽ được các bậc ẩn sĩ khen ngợi.

Như ẩn sĩ Sarabhaṅga đã nói:
“Khi diệt trừ được sân hận, một người sẽ không còn sầu muộn;
Các vị ẩn sĩ thường khen ngợi sự khắc chế cơn giận.
Ta nên chịu đựng lời nói khó nghe từ người khác;
Bậc thiện trí gọi đó là sự nhẫn nại bậc nhất”, (Bổn Sanh Kinh)

Một lần nọ, Đức Trời Đế Thích đã nói:
“Khi một người đầy quyền lực biết nhẫn nại với kẻ yếu thế hơn mình, đó mới là sự nhẫn nại ở bậc cao nhất.
Bởi vì, kẻ yếu thế lúc nào cũng phải nhẫn nại mà thôi”.

Chư Phật luôn khen ngợi những vị hành giả thực hành pháp nhẫn nại. Đức Thế Tôn đã từng nói:
“Những ai không có sự sân hận, chịu đựng sự công kích, tấn công, hay giam cầm; người đó có sức mạnh là sự nhẫn nại, người đó có đội quân là sự nhẫn nại. Ta gọi vị ấy là một Bà la môn (a brahmin)”.

2. Hạnh phúc thứ hai là biết lắng nghe lời khuyên (sovacassatā).
Biết lắng nghe lời khuyên là khi có ai đó nói cho chúng ta nghe những điều hay lẽ phải, chúng ta không nên chỉ giả vờ lắng nghe, hay chỉ giữ im lặng suông, hay lại suy nghĩ quấy về người đang nói lên lời tốt đẹp đó.
Trong trường hợp nầy chúng ta nên hành xử cho đúng phép. Có nghĩa là người nghe phải chăm chú, phải biết tán thành đúng lúc và thật tâm nói lên lời tùy hỷ: Sadhu! Sadhu! Sadhu!
Biết lắng nghe lời khuyên đem lại rất nhiều điều lợi ích vì chúng ta sẽ học hỏi được biết bao trí tuệ từ nơi tha nhân.

3. Hạnh phúc thứ ba là diện kiến các bậc Sa môn (samaṇānañca dassanaṃ).
Diện kiến các bậc Sa môn là đi đến gần, tiếp xúc, nói chuyện hay hỏi thăm các nhà sư trong một ngôi tịnh xá, một ngôi chùa.
Các sư trong tâm tuy còn phiền não, tuy nhiên chư vị nỗ lực sống tu tập theo giới luật do Đức Phật chế định, có trí tuệ và luôn thực hành thiền định.

Đi đến gần các nhà sư chính là diện kiến các bậc Sa môn.
Đó là điều hạnh phúc bởi vì chúng ta sẽ gặt hái được rất nhiều lợi ích.

Đức Thế Tôn đã từng dạy: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, Như Lai nói chỉ cần nhìn thấy các vị Tỳ Kheo như thế thôi đã là điều lợi ích rất lớn”.
Khi một người ước mong điều lợi ích nhìn thấy một vị Tỳ Kheo giới hạnh đến nhà mình, nếu người ấy có chút ít phẩm vật, hãy cúng dường vị sư với sự tôn kính.
Nếu không có gì để cúng dường, người ấy chỉ cần quỳ xuống và đảnh lễ vị sư.
Nếu không thể quỳ xuống (vì nguyên do gì đó), người ấy hãy xá chào vị sư.
Nếu cũng không thể xá chào, người ấy chỉ cần nhìn vị sư với sự tôn kính, ngưỡng mộ.
Làm được như vậy, người đó sẽ có phước báu là trong một trăm ngàn (100.000) đại kiếp không hề bị bệnh đau mắt.
Trái lại, người đã gieo duyên lành diện kiến các bậc Sa môn như vậy lại có cặp mắt to đẹp và xinh xắn.
Rồi trong cả 100.000 đại kiếp, chúng sanh hữu phước đó sẽ có cảnh giới tái sanh tốt đẹp giữa thế giới Chư Thiên và cõi nhân loại.
Không chỉ là con người chúng ta mới có thể thành đạt như vậy, cho đến cả loài vật cũng thành tựu phước báu lớn lao, chỉ do nhìn các vị Sa môn với đức tin, với lòng tôn kính.
Câu chuyện ngắn dưới đây nói rõ hơn phước báu diện kiến các bậc Sa môn.
Thuở xưa, khi Đức Thế Tôn ngự tại hang Indasāla ở ngọn núi Vedisaka, có một con chim cú thường đi theo Ngài, khi Đức Thế Tôn đi khất thực.
Một buổi chiều nọ, con chim cú bay ra khỏi khu rừng rồi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn cùng Chư Tăng. Liền khi ấy Đức Thế Tôn mỉm cười. Đại Đức Ānanda hỏi vì sao Đức Thế Tôn lại mỉm cười.
Đức Thế Tôn trả lời là do hành động tôn kính các bậc Sa môn, con chim cú sẽ tái sanh vào thế giới của Chư Thiên và nhân loại trong suốt một trăm ngàn đại kiếp và cuối cùng trở thành một vị Phật Độc Giác có tên là Somanassa.
Thật là hạnh phúc và phước báu lớn lao cho tất cả chúng sanh khi được diện kiến các bậc Sa môn!

4. Hạnh phúc thứ tư là tùy thời đàm luận Phật Pháp.
Vào buổi chiều hay buổi tối hai vị Tỳ Kheo chuyên về Tạng Kinh sẽ thảo luận về nội dung của Tạng Kinh; các vị chuyên về Tạng Luật sẽ thảo luận về nội dung của Tạng Luật; các vị chuyên về Tạng Luận sẽ thảo luận về nội dung của Tạng Luận.
Các vị chuyên về Bổn Sanh Kinh sẽ thảo luận với nhau về Bổn Sanh Kinh; các vị chuyên về các bộ chú giải sẽ thảo luận với nhau về ý nghĩa của các bộ chú giải.
Hoặc khi nào trong tâm của chư vị tôn đức phát sanh lên hoài nghi hay các pháp chướng ngại khác, chư vị sẽ bắt đầu thảo luận với nhau để xóa tan đi hoài nghi hay đẩy lùi các pháp chướng ngại .
Đó chính là tùy thời đàm luận về Phật Pháp. Làm được như vậy chư tôn đức sẽ là những vị xuất chúng, và là người thừa tự Giáo Pháp của Đức Bổn Sư.


Câu kệ ngôn thứ tám trình bày bốn điều hạnh phúc cụ thể.

Hãy luôn rèn luyện đức tính nhẫn nại trong cuộc sống.
Hãy chịu khó lắng nghe lời khuyên dạy từ các bậc thiện trí thức.
Hãy siêng năng đến chùa để được gặp quý Thầy, quý Sư.
Và luôn nỗ lực học hỏi Phật Pháp thật nhiều mỗi khi chúng ta có thể!

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ CHÍN

9. Tapo ca brahmacariyañca, ariyasaccāna dassanaṃ;
Nibbānasacchikiriyā ca, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa:

Rèn luyện khổ hạnh và sống phạm hạnh, thấy được các pháp diệu đế;
Chứng đắc Niết Bàn, đây là hạnh phúc cao thượng.



Câu kệ ngôn trên trình bày bốn pháp đem lại hạnh phúc cao quý:

1. Hạnh phúc thứ nhất là rèn luyện khổ hạnh (tapo).
Khổ hạnh (tapa) là để chỉ cho sự chế ngự các căn.
Khổ hạnh có khả năng đốt cháy (tapanato) những tâm lý như tham muốn, bực tức, nóng giận.
Khổ hạnh là một năng lực vì nó đốt cháy đi sự lười biếng trong tâm của chúng ta.
Một người khổ hạnh là người luôn sống với sự nỗ lực và lòng nhiệt thành.
Chúng ta nên hiểu pháp khổ hạnh trong đoạn kinh trên không phải là cực đoan khổ hạnh (attakilamathanuyoga).
Trong lời chú thích cho đoạn kinh nầy, Bhikkhu Bodhi có viết như sau:
“Theo quan niệm của các tôn giáo ở Ấn Độ, khổ hạnh hay tapa là sự thực hành các nghi lễ tôn giáo, sự thực hành rất cực đoan, ép xác và hủy diệt đi thân thể.
Đức Thế Tôn bác bỏ khổ hạnh như sự ép xác vì đây là một cực đoan cần phải tránh xa. Nó không đem lại điều lợi ích nào cho người thực hành cả.
Thay vào đó, Ngài định nghĩa lại khổ hạnh hay tapa là một năng lực (viriya) tích cực. Là năng lực vì khổ hạnh đốt cháy (tapati) hết các ác, bất thiện pháp”.
Rèn luyện hay thực tập khổ hạnh là điều hạnh phúc vì khổ hạnh đoạn trừ lòng tham muốn cũng như các pháp chướng ngại khác, khổ hạnh giúp cho chúng ta thành đạt thiền định và đạo quả.

2. Hạnh phúc thứ hai là sống phạm hạnh (brahmacariyañca).
Ở đây, phạm hạnh có bốn ý nghĩa:
a. Từ bỏ đời sống gia đình, hướng đến đời sống không gia đình: nếp sống của các bậc xuất gia.
b. Bổn phận của một vị Tỳ Kheo. Các đoạn kinh Nikāya thường mô tả đời sống của các vị Tỳ Kheo là sống đời phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn.
c. Lời dạy của Đức Thế Tôn. Đây chính là Pháp Bảo
d. Phạm hạnh còn có nghĩa là con đường (the path), là để chỉ cho Bát Chánh Đạo.
Như vậy, một vị hành giả sống phạm hạnh là vị ấy sống đời xuất gia, làm tròn bổn phận của một vị Tỳ Kheo, tu học theo Pháp Bảo, và đi trên con đường Bát Chánh Đạo để dẫn đến Niết Bàn.

3. Hạnh phúc thứ ba là thấy được các pháp diệu đế (ariyasaccāna dassanaṃ).
Do chứng đắc được thánh đạo, vị hành giả hiểu biết rõ về sự Khổ, Khổ Đế, chân lý đầu tiên trong Tứ Diệu Đế.
Vị hành giả đoạn trừ được tham ái là nguyên nhân của sự Khổ, Tập Đế, chân lý thứ hai trong Tứ Diệu Đế.
Vị hành giả chứng đắc được Niết Bàn, là chấm dứt nguyên nhân của Sự Khổ, Diệt Đế, chân lý thứ ba trong Tứ Diệu Đế.
Và vị hành giả tu tập hay thực hành Bát Chánh Đạo, Đạo Đế, là chân lý thứ tư trong Tứ Diệu Đế.
Đây là hạnh phúc cao quý bậc nhất vì hành giả ấy đã chấm dứt khổ đau sanh tử luân hồi.

4. Chứng đắc Niết Bàn (Nibbānasacchikiriyā)
Ở đây chính là sự thành đạt quả vị A La Hán (the fruit of Arahantship).
Được gọi là Niết Bàn hay Nibbāna vì đã thoát ly ra khỏi khu rừng, khu rừng của tham ái và phiền não.
Chứng đắc Niết Bàn là điều hạnh phúc tối thượng vì bậc thánh giả đang an trú trong pháp gọi là hiện tại lạc trú bậc nhất.
Câu kệ ngôn thứ chín trong bài Kinh Mahāmaṅgala Sutta, Kinh Hạnh Phúc, nêu lên bốn điều hạnh phúc cao quý: rèn luyện khổ hạnh và sống phạm hạnh, thấy được các pháp diệu đế, chứng đắc Niết Bàn.
Khoảng mười câu kệ ngôn trong bài Kinh Mahāmaṅgala Sutta trình bày Giáo Pháp theo phương thức tuần tự pháp.
Nghĩa là vị hành giả sẽ thực hành các pháp theo các bước từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Nhờ đó mà người thực hành đúng theo Pháp chắc chắn sẽ thành đạt được các hạnh phúc trong đời sống hiện tại, hạnh phúc trong đời sống vị lại, và quan trọng hơn hết là thành đạt hạnh phúc tối thượng là Niết Bàn.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ MƯỜI

10. Phuṭṭhassa lokadhammehi, cittaṃ yassa na kampati;
Asokaṃ virajaṃ khemaṃ, etaṃ maṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa:

10. Tâm không dao động khi tiếp xúc với các pháp thế gian;
Không buồn rầu, vô nhiễm và giải thoát, đây là hạnh phúc cao thượng.

Giải thích:

1. Tâm không dao động khi tiếp xúc với các pháp thế gian (phuṭṭhassa lokadhammehi, cittaṃ yassa na kampati).
Khi tâm của vị hành giả không bị dao động, không bị chao đảo, không bị mất phương hướng do tiếp xúc và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi tám pháp thế gian (the eight worldly conditions), đây được xem là một trong những điều hạnh phúc bậc nhất.
Có tám pháp thế gian:
a. được lợi và mất lợi
b. được danh và mất danh
c. tán dương và khiển trách
d. hạnh phúc và đau khổ
Những ai mà tâm không bị dao động vì tám pháp trên được xem là thành đạt hạnh phúc vô thượng vì họ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì trên cuộc đời nầy.
Nhưng ai mới có thể thành đạt được nội tâm như vậy?
Duy chỉ có bậc thánh nhân A La Hán mới có thể thành tựu nội tâm vững vàng và an tịnh đến như vậy. Bởi vì các Ngài đã đoạn tận hết tất cả phiền não.
Một đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh đã mô tả về nội tâm an tịnh của bậc thánh giả như sau:
“Như ngọn núi to, như tảng đá lớn, không hề bị lay động bởi ngọn gió lớn; cũng dường như thế ấy, không hình sắc, không âm thanh, không hương vị hay sự xúc chạm nào, hay các pháp vừa lòng, pháp không vừa lòng nào có thể khuấy động tâm của bậc thánh nhân.
Tâm của vị ấy vững vàng và an tịnh vì các Ngài thấy được mọi pháp hễ đến rồi lại đi.”

2. Không buồn rầu (asokaṃ): chỉ có ở trong tâm của bậc thánh nhân A La Hán.
Bộ Vibhaṅga trong Tạng Vi Diệu Pháp mô tả trạng thái “asokaṃ” là không buồn rầu, không sầu muộn, không ưu phiền.
3. Vô nhiễm (virajaṃ) là tâm không còn mảy may một hạt bụi vi trần nào. Bụi của tham, bụi của sân và bụi của si.
4. Giải thoát (khemaṃ): giải thoát hay đạt đến sự an toàn nhất vì tâm đã thoát khỏi bốn pháp trói buộc. Đó là dục, hữu, tà kiến và vô minh.
Ba trạng thái tâm là không buồn rầu, vô nhiễm và giải thoát được xem là hạnh phúc cao bậc nhất vì ba trạng thái diễn đạt tâm thức của các bậc thánh giả, được hiểu theo hai phương diện:
1. Phương diện thứ nhất là sự viên mãn về năm pháp thánh: giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát và giải thoát tri kiến.
2. Phương diện thứ hai chính là tâm thức của Bậc Ứng Cúng, bậc xứng đáng nhất thọ lãnh phẩm vật cúng dường của đàn na tín thí.



CÂU KỆ NGÔN KẾT LUẬN

“Những ai thực hành theo các pháp nêu trên sẽ thành công và sống an lạc ở khắp mọi nơi. Đây chính là điều hạnh phúc cao thượng.”
Sau khi giảng dạy về ba mươi tám (38) pháp hạnh phúc với mười câu kệ ngôn, bắt đầu là kệ ngôn không kết giao với kẻ thiểu trí, Đức Thế Tôn đã nói lên câu kệ ngôn kết luận nêu trên.

1. Những ai thực hành theo các pháp nêu trên sẽ thành công (etādisāni katvāna, sabbatthamaparājitā):
Chư Thiên và nhân loại, bất cứ ai thực hành theo các pháp được Đức Như Lai giảng dạy, chúng sanh đó sẽ không thể bị đánh bại bởi bất cứ nhân vật có oai lực như thế nào trong tam giới nầy.
Trái lại, những vị hành giả thực hành đúng theo pháp sẽ thành tựu theo như ý nguyện ở mọi hoàn cảnh.

2. Và sống an lạc ở khắp mọi nơi (sabbattha sotthiṃ gacchanti):
Sau khi thực hành các pháp hạnh phúc, và không bị khuất phục bởi bất cứ ai, họ đi khắp mọi nơi trong thế giới nầy và các thế giới khác.
Ở bất cứ nơi đâu, vị ấy đều yên ổn và an lạc, bởi vì tâm thức đã xa rời khỏi phiền não và lậu hoặc.
Các bậc thánh giả bước chân đi thảnh thơi, vững chãi, luôn được an ổn, vô úy, không sợ hãi.

3. Đây chính là điều hạnh phúc cao thượng (taṃ tesaṃ maṅgalamuttamanti).
Với dòng kệ nầy, Đức Thế Tôn kết thúc bài kinh Mahāmaṅgala Sutta.
Kể từ đó, vị Chư Thiên trẻ hiểu được rằng bất cứ chúng sanh nào thực hành theo 38 pháp hạnh phúc nêu trên sẽ thành tựu niềm hạnh phúc tối thượng.
Khi Đức Thế Tôn chấm dứt bài pháp, 100.000 koṭis (một koṭi là mười triệu) các vị Chư Thiên chứng đắc quả vị A La Hán.
Còn các vị Chư Thiên chứng đắc quả vị Nhập Lưu, Nhất Lai và Bất Lai thì không thể ước lượng.

Rồi vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đã nói với Đại Đức Ānanda:
“Hôm qua, nầy Ānanda, một vị Chư Thiên đã đến và hỏi Như Lai về những điều hạnh phúc. Ta đã giảng cho vị ấy nghe 38 điều hạnh phúc.
Hãy học bài kinh, nầy Ānanda, rồi sau khi học xong hãy dạy lại cho chư vị Tỳ Kheo.”
Đại Đức Ānanda, đã học bài kinh Mahāmaṅgala Sutta rồi dạy lại cho chư vị Tỳ Kheo.
Kể từ đó, bài kinh đã được truyền thừa qua biết bao thế hệ các bậc thầy cho đến tận ngày hôm nay.

↑ trở lên

HẠNH PHÚC KINH VĂN VẦN

Như vầy tôi nghe
Một thời, Đức Thế Tôn
Ngự tại Kỳ Viên Tịnh Xá
Của Trưởng Giả Cấp Cô Độc
Gần thành Xá Vệ

Khi đêm gần mãn
Có một vị trời
Dung sắc thù thắng
Hào quang chiếu diệu
Sáng tỏa Kỳ Viên
Đến nơi Phật ngự
Đảnh lễ Đức Thế Tôn
Rồi đứng một bên
Cung kính bạch Phật
Bằng lời kệ rằng:

“Chư Thiên và nhân loại
Suy nghĩ điều hạnh phúc
Hằng tầm cầu, mong đợi
Một đời sống an lành
Xin Ngài vì lòng bi mẫn
Hoan hỷ dạy chúng con
Về phúc lành cao thượng”

Thế Tôn tùy lời hỏi
Rồi giảng giải như vầy:
“Không gần gũi kẻ ác
Thân cận bậc trí hiền
Đảnh lễ người đáng lễ
Là phúc lành cao thượng.

Ở trú xứ thích hợp
Công đức trước đã làm
Chân chánh hướng tự tâm
Là phúc lành cao thượng.

Đa văn, nghề nghiệp giỏi
Khéo huấn luyện, học tập
Nói những lời chân thật
Là phúc lành cao thượng.

Hiếu thuận bậc sinh thành
Dưỡng dục vợ và con
Sở hành theo nghiệp chánh
Là phúc lành cao thượng.

Bố thí, hành đúng Pháp
Giúp ích hàng quyến thuộc
Giữ chánh mạng trong đời
Là phúc lành cao thượng.

Xả ly tâm niệm ác
Tự chế không say sưa
Tinh cần trong thiện pháp
Là phúc lành cao thượng.

Biết cung kính, khiêm nhường
Tri túc và tri ân
Đúng thời nghe Chánh Pháp
Là phúc lành cao thượng.

Nhẫn nhục, lời nhu hòa
Thường yết kiến Sa môn
Tùy thời đàm luận Pháp
Là phúc lành cao thượng.

Thiền định, sống phạm hạnh
Thấy rõ lý Thánh Đế
Chứng đắc được Niết Bàn
Là phúc lành cao thượng.

Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu
Tự tại và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng.

Những sở hành như vậy
Không chỗ nào thối thất
Khắp nơi được an toàn
Là phúc lành cao thượng”.

↑ trở lên

BẢNG CHỈ DẪN CHO CUỘC SỐNG HẠNH PHÚC

Chỉ với mười câu kệ ngôn, bài kinh đã dẫn dắt người học Phật đi vào sự thực hành cụ thể và hiệu quả để hướng đến một cuộc sống hạnh phúc ở mọi lúc, mọi nơi.
Người học Phật nên biết tầm cầu đời sống đạo đức.

Đời sống đạo đức bắt đầu từ nơi “Không giao du kẻ thiểu trí, thân cận bậc hiền nhân”.
Phải xa kẻ ác và gần người lành.

Bởi vì có câu thành ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, hay “Xóm chài tanh cá, làng nhang thơm trầm”.

Kế đến là phải chọn cho mình một trú xứ thích hợp nhất.
Lời kinh nhắc nhở mọi người: “Trú ngụ nơi thích hợp, là hạnh phúc cao thượng”.
Một môi trường sống thích hợp quả thật là vô cùng quan trọng vì không một ai mới sanh ra đã là tốt hay xấu. Chính môi trường sinh sống hằng ngày sẽ định hình nên tính cách của mỗi cá nhân.

Có bạn tốt rồi, ở nơi tốt rồi, phải làm gì nữa đây?
Là “Biết hướng tâm chân chánh”. Có nghĩa là sao?
Bản chất của tâm phàm nhân là luôn dao động.
Thường thì tâm thức không được huấn luyện dễ xu hướng theo sức hấp dẫn của ngũ dục: sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon và xúc chạm êm ái.
Hãy hướng tâm về con đường chân chánh bằng việc mưu cầu đời sống đạo đức ở ngay giữa thế gian của dục lạc ngũ trần.
Hướng tâm chân chánh trước hết là sống có tinh thần trách nhiệm.
Ý nghĩa nầy được thể hiện qua các câu kệ ngôn trong Hạnh Phúc Kinh như “Có nghề nghiệp lương thiện, tinh thông nghề nghiệp, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con, giúp đỡ thân bằng quyến thuộc” v.v….
Mỗi người đều phải chuẩn bị cho mình một nghề nghiệp để nuôi mạng sống, rồi phải lo cho gia đình, giúp đỡ người thân.
Đạo đức Phật giáo thêm vào ở đây là phải có pháp chánh mạng, nghĩa là nuôi mạng chân chánh. Việc nuôi mạng sống của người Phật tử chỉ đem lợi lạc cho bản thân và tha nhân, chớ không được phép gây tổn hại cho bất cứ ai.

Hơn thế nữa, sống có trách nhiệm là kiêng cữ các chất say. Rượu vào thì lời lại ra. Sức tác hại của rượu chè, chất say và chất gây nghiện đến đời sống cộng đồng quả thật là khôn lường.
Có thể nói như một người muốn sống luôn tránh xa các độc dược; cũng dường như thế ấy, chúng ta cần phải tránh xa chất say và các chất gây nghiện.
Sống có trách nhiệm còn có nghĩa là phải tự rèn luyện, trau dồi đời sống đạo đức của bản thân.
Để làm được điều nầy mỗi người phải chịu khó đi chùa, đến các ngôi già lam để học hỏi với quý Thầy, quý Sư.
Đó là được “Diện kiến các bậc Sa môn”. Nhờ diện kiến các bậc Sa môn mà người tầm đạo có thể biết được điều nào nên làm và điều nào không nên làm, điều nào là lợi ích và điều nào không lợi ích.

Quý Thầy, quý Sư sẽ hướng dẫn cho các Phật tử “Biết làm việc lợi ích”, “Chuyên tâm trong việc phước”, và “Biết sống chánh hạnh”.
Hơn nữa, biết lo tu dưỡng đời sống đạo đức như “Sống cung kính”, “Đức khiêm tốn”, “Tri túc và biết ơn”, và “Biết nhẫn nại”, “Biết lắng nghe lời khuyên” của các bậc thiện trí thức.
Đời sống của chúng ta bắt đầu nở hoa hạnh phúc. Tất cả đều bắt đầu từ nơi “Diện kiến các bậc Sa môn”.
Không những thế con đường tu học của giới Phật tử còn được phát huy với những pháp thực hành như “Bố thí, gìn giữ giới luật, có lời nói tốt đẹp, biết lắng nghe Giáo Pháp”. Cuộc sống của người tu Phật đến đây đã hoàn thiện về phần đức hạnh.

Bài Kinh Hạnh Phúc kết lại với hai câu kệ ngôn cuối:

9. Rèn luyện khổ hạnh và sống phạm hạnh;
Hiểu rõ chân lý Tứ Đế, chứng đắc Niết Bàn.
10. Tâm không dao động khi tiếp xúc với các pháp thế gian;
Không buồn rầu, vô nhiễm và giải thoát.

Thế nào là rèn luyện khổ hạnh? Khổ hạnh không có nghĩa tu tập khắt khe như các đạo sĩ Ấn Độ đang trầm mình dưới dòng sông Hằng lạnh buốt giá.
Pháp khổ hạnh trong Hạnh Phúc Kinh là một năng lực cần thiết để đốt cháy, thiêu hủy các phiền não ẩn náu trong tâm.
Để có năng lực nầy người tu học phải chịu khó thức khuya dậy sớm, phải công phu chấp tác, học kinh, cố gắng ngồi thiền, đi kinh hành v.v….
Sau đó phải sống phạm hạnh là sống đời sống xuất gia.
Sống đời xuất gia để cắt bỏ đi những sợi dây ràng buộc thế thái thường tình, sống thật nỗ lực tinh cần để nhắm đến mục đích cao quý là thông suốt chân lý.
Bhikkhu Bodhi trong văn bản tiếng Anh đã dùng từ “breakthrough” để chỉ cho cụm từ “Hiểu rõ chân lý Tứ Đế”.
Đây là sự cảm nhận, thấu triệt, thấy rõ về chân lý Tứ Diệu Đế. Đến giai đoạn nầy, vị hành giả đã trở thành bậc thánh nhân Nhập Lưu, bước chân vào dòng thánh xuôi chảy về Niết Bàn.
Chúng ta hình dung mười câu kệ ngôn trong Kinh Mahāmaṅgala Sutta như là chiếc thang với mười bậc thang nối tiếp nhau. Hãy bắt đầu từ bậc thang đầu tiên rồi tiến dần lên trên cao, thành đạt niềm hạnh phúc cao thượng là luôn sống với nội tâm an tịnh.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com