Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Rằm Tháng Tám

  1. KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ BINARA POYA DAY

↑ trở lên

KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ BINARA POYA DAY

Mùa an cư của chư tôn đức Tăng nơi các ngôi tự viện Phật giáo Theravāda đã được hai tháng. Hôm nay là ngày rằm tháng tám, năm Quý Mão 2023.

Tinh thần của ba tháng an cư mùa mưa là khoảng thời gian tịnh nghiệp đạo tràng, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới thân huệ mạng.

Tất cả giới luật do Đức Thế Tôn chế định trong Luật Tạng đều là nền tảng của đời sống phạm hạnh.

Chư vị Tỳ Kheo đệ tử của Đức Thế Tôn thọ trì giới luật bằng đức tin (saddha); sự thực hành chuyên tâm về giới luật sẽ đem lại hạnh phúc và an lạc cho chính bản thân người thực hành.

Ba tháng hạ là khoảng thời gian lý tưởng cho các vị hành giả Tỳ Kheo chuyên tâm học pháp, và nỗ lực thực hành thiền định.

Ngày rằm tháng tám hằng năm còn được gọi là ngày đại lễ BINARA POYA DAY, theo niên lịch của xứ Phật Sri Lanka.

Theo tinh thần của ngày đại lễ Binara Poya Day, chư tôn đức Tăng đã chọn ra một bài kinh đặc biệt trong kho tàng kinh điển, làm kim chỉ nam tu tập trong suốt ba tháng an cư.

Đó là bài Kinh ARIYAVAṂSA SUTTA, Kinh Truyền Thống Của Bậc Thánh Nhân, ở chương bốn pháp thuộc Tăng Chi Bộ Kinh.

Nội dung của bài Kinh Ariyavaṃsa Sutta được trình bày như sau:

Nầy các Tỳ Kheo, có bốn truyền thống thuộc về bậc Thánh nhân, là nguyên thuỷ, tối sơ, đã có từ lâu đời, thuần tịnh, chói sáng, và được các Sa môn, Bà la môn có trí tán thán. Thế nào là bốn truyền thống?

1. Ở đây, vị Tỳ Kheo luôn bằng lòng với bất cứ loại y và nói lời tán thán biết đủ với bất cứ loại y.
Vị ấy không vì nguyên nhân y phục mà rơi vào sự tầm cầu bất chánh, không hợp pháp.
Nếu không thọ nhận y phục được như ý muốn, vị ấy không buồn rầu, bất mãn. Nếu thọ nhận y phục được như ý muốn, vị ấy không mê say, không tham đắm, không dính mắc vào y phục.
Vị ấy thấy rõ được sự nguy hiểm trong sự dính mắc, hiểu biết rõ và thoát ly ra khỏi sự dính mắc về y phục.
Nhưng không vì những pháp hành đó mà vị Tỳ Kheo tỏ ra kiêu mạn, tự khen mình, chê bai chư huynh đệ.
Vị Tỳ Kheo nào thực hành được như vậy, luôn sống chuyên cần, chánh niệm, tỉnh giác, vị Tỳ Kheo ấy được xem là đứng vững và tiếp nối truyền thống cao quý của các bậc Thánh nhân.

2. Ở đây, vị Tỳ Kheo luôn bằng lòng với bất cứ thức ăn và nói lời tán thán biết đủ với bất cứ thức ăn (tương tự như trên).

3. Ở đây, vị Tỳ Kheo luôn bằng lòng với bất cứ trú xứ và nói lời tán thán biết đủ với bất cứ trú xứ (tương tự như trên).

4. Ở đây, vị Tỳ Kheo hoan hỷ, hân hoan trong sự tu tập; hoan hỷ, hân hoan trong đoạn trừ phiền não.
Nhưng không vì nguyên nhân hoan hỷ, hân hoan trong sự tu tập và đoạn trừ phiền não như vậy mà vị Tỳ Kheo tỏ ra kiêu mạn, tự khen mình, chê bai chư huynh đệ.
Vị Tỳ Kheo nào hành xử được như vậy, luôn sống chuyên cần, chánh niệm, tỉnh giác, vị ấy được gọi là vị Tỳ Kheo đứng vững và tiếp nối truyền thống cao quý của các bậc Thánh nhân.
Thành tựu được bốn pháp truyền thống thuộc bậc Thánh nhân, nầy các Tỳ Kheo, nếu vị Tỳ Kheo trú ngụ ở phương đông, vị ấy nhiếp phục được sự không hoan hỷ, sự không hoan hỷ không nhiếp phục được vị ấy;
nếu vị ấy trú ngụ ở phương tây ….;
nếu vị ấy trú ngụ ở phương nam ….;
nếu vị Tỳ Kheo trú ngụ ở phương bắc, vị ấy nhiếp phục được sự không hoan hỷ, sự không hoan hỷ không nhiếp phục được vị ấy.
Vì sao vậy? Bởi vì vị Tỳ Kheo là bậc trí, nhiếp phục được cả hai: sự không hoan hỷ và hoan hỷ.
Giảng đến đây, Bậc Đạo Sư dạy thêm bài kệ ngôn:
“Sự không hoan hỷ không nhiếp phục được bậc trí,
Nhưng bậc trí luôn nhiếp phục sự không hoan hỷ.
Ai có thể ngăn cản được người đã xoá tan, tẩy trừ mọi nghiệp lực?
Ai có thể khiển trách được một người với phẩm chất quý như vàng ròng?
Đến ngay cả các vị Chư Thiên cũng khen ngợi vị ấy.
Các vị Phạm Thiên đều tán thán vị ấy”.

Bài Kinh Truyền Thống Của Bậc Thánh Nhân trình bày rất cô đọng tinh hoa của giáo lý nhà Phật.
Các bản kinh văn chú giải ghi nhận ba pháp đầu tiên là sự thể hiện nét tinh yếu của Luật Tạng. Pháp truyền thống thứ tư là sự hành trì theo Kinh Tạng và Luận Tạng.
Nội dung của bài Tăng Chi Bộ Kinh nầy hầu như không thể thiếu trong các buổi thuyết giảng quan trọng tại các nước Phật giáo Theravāda, đặc biệt là trong mùa an cư kiết hạ.
Đến thời kỳ A Dục Vương Đại Đế, nhà vua đã chọn lọc ra một số bài kinh đặc biệt, trong đó có bài Kinh Ariyavaṃsa Sutta để khắc lên các trụ đá, mà ngày nay được biết đến là các trụ đá Bhabru Edict.

Vị quân vương hộ pháp bậc nhất mong muốn việc làm của mình có thể giúp duy trì Chánh Pháp trường tồn bền lâu (The True Dhamma might last a long time).
Bài Kinh Truyền Thống Của Bậc Thánh Nhân nêu lên nhiều phẩm hạnh của một hành giả Phật giáo, như chuyên cần, chánh niệm, tỉnh giác, khiêm cung, nổi bật nhất là đức tính tri túc.
Với ý nghĩa đó, Facebook Phap Bao Tu biên soạn tiếp bài viết ngắn với tựa đề:

TRI TÚC LÀ TÀI SẢN LỚN NHẤT

Tựa đề nầy có xuất xứ từ một câu kệ ngôn trong Pháp Cú Kinh.
Tri túc là một phẩm hạnh quan trọng của người con Phật.
Tiếng Pāli “santuṭṭhi” có nghĩa là tri túc, là trạng thái hài lòng, biết đủ với những gì mình đang có.
Một từ Pāli khác có ý nghĩa gần giống với tri túc là “appicchatā”, có nghĩa là ít muốn, thiểu dục.
Appicchatā và santuṭṭhi luôn đi cùng với nhau trong các bản kinh văn Nikāya, chúng bổ sung ý nghĩa cho nhau.
Người xuất gia, từ bỏ đời sống gia đình, sống đời sống không gia đình phải là người ít muốn và luôn biết đủ với thức ăn và y phục.
Với hành trang tu tập đó, vị tu sĩ sống thảnh thơi và an lạc như loài chim có thể bay đi khắp bốn phương.
Tâm thiểu dục và tri túc với thức ăn, y phục, chỗ ở đã tạo nên truyền thống tốt đẹp của bậc thánh nhân, được ghi lại trong bài Tăng Chi Bộ Kinh nêu trên.
Ở một bài kinh khác trong Tăng Chi Bộ Kinh, Kinh Santuṭṭhi Sutta, Đức Thế Tôn giảng giải chi tiết là vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni nào biết tiết độ với thức ăn, y phục, chỗ ở và dược phẩm trị bệnh, vị ấy sẽ đạt được niềm hạnh phúc do không bị chỉ trích (anavajjasukha).
Quả thật là:
“Cơm rau qua cơn đói
Nhà cỏ che gió sương
Sống đời luôn biết đủ
Phiền não chẳng còn vương”.
Nếp sống thiểu dục và tri túc tạo nên đạo hạnh vững bền cho người xuất gia. Trước tiên, vị Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo Ni sống một cuộc đời có ý nghĩa với nếp sống thanh bần lạc đạo.
Kế đến, hình ảnh mô phạm của quý Tăng Ni gây dựng được niềm tin, tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong lòng của người thiện nam, tín nữ.
Tri túc không chỉ là phẩm hạnh mà người tu không thể thiếu, nó còn là nền tảng cho công phu thiền định.
Theo thiền sư Anālayo, để có thể tiến bộ trong việc ngồi thiền, vị hành giả phải có tâm thiểu dục và tri túc đối với các tiện nghi trong đời sống hằng ngày.
Một vị xuất gia sống với hạnh tri túc chắc chắn sẽ tiến bộ trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn.
Giáo Pháp là để dành cho người sống tri túc, chớ không dành cho người không biết đủ (santuṭṭhassā’yaṃ na’yaṃ dhammo asantuṭṭhassa).
Hơn thế nữa, thiểu dục và tri túc không phải là phẩm hạnh chỉ dành riêng cho giới xuất gia.
Rèn luyện được thói quen ít muốn và luôn biết đủ sẽ là nguồn hạnh phúc cho giới tại gia cư sĩ.
Một bài kinh rất phổ biến trong giới Phật tử là kinh Hạnh Phúc có ghi: “Tri túc là một trong những pháp hạnh phúc cao quý”, (etaṃ maṅgalamuttamaṃ).
Theo quan điểm của Phật giáo, sự giàu có không có gì là sai trái, nhưng sự giàu có đó phải đạt được bằng phương cách chân chánh.
Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là phép chánh mạng (sammā ājīva), việc nuôi mạng sống của chúng ta không hề gây tổn hại cho bất cứ người hay loài vật nào.
Một nhà sư Sri Lanka nổi tiếng, Hòa Thượng Dhammananda, đã từng khuyên nhiều người là hãy sử dụng tài sản của mình với như lý tác ý để đem lại lợi ích cho phần đông.
Lời khuyên dạy của vị sứ giả Như Lai có ý nghĩa rất thiết thực trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Với kinh nghiệm của một nhà truyền giáo, Ngài Dhammananda đã có lời nhắn nhủ nhiều triết lý: “Khi nào còn mải mê mưu cầu hạnh phúc bằng thành tựu vật chất, khi đó chúng ta vẫn không thể tìm ra được hạnh phúc”.
Bởi vì, bản chất của lòng tham muốn là vô hạn. Thế gian nầy, theo lời Đức Thế Tôn dạy, luôn thiếu thốn, khát khao, và là nô lệ cho chính lòng tham ái (ūno loko atitto taṇhādāso).
Sự thành tựu các giá trị tâm linh luôn có ý nghĩa, có giá trị hơn rất nhiều thành tựu tài vật thế gian.
Tài sản thế gian rất cần thiết nhưng chỉ là phương tiện. Nó không phải là cứu cánh, không phải là mục tiêu mà chúng ta tầm cầu hay hướng đến.
Nói bình dân hơn như ông bà chúng ta thường nói:

“Nghèo nhân, nghèo nghĩa thì lo
Nghèo tiền, nghèo bạc chớ cho là nghèo”.

Với tinh thần của ngày đại lễ Binara Poya Day, người con Phật chúng ta hãy cùng nhau đọc lại câu kệ Pháp Cú trong Phẩm Hạnh Phúc, kệ ngôn số 204:

“Ārogyaparamā lābhā, santuṭṭhiparamaṃ dhanaṃ;
Vissāsaparamā ñāti, nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ”.

Nghĩa là:

Sức khỏe là lợi ích quý nhất. Tri túc là tài sản lớn nhất. Người tạo được niềm tin là quyến thuộc gần gũi nhất. Niết Bàn là hạnh phúc cao thượng nhất.
Câu văn xuôi được diễn theo thể thơ ngũ ngôn là:
Sức khỏe là lợi ích
Biết đủ là giàu sang
Thành tín là họ hàng
Niết Bàn là tối thượng.

Kính chúc đến tất cả đều thành tựu nhiều ân phước của ngày đại lễ Binara Poya Day.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Padhāna sutta
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com