Chùa Pháp Bảo Sư Bửu Hiền

Khóa học

Kênh Youtube

Tài liệu

Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)

  1. GIỚI THIỆU KINH RATANA SUTTA
  2. KINH RATANA SUTTA, KINH CHÂU BÁU
  3. RATANA SUTTA (Pali)
  4. CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP BÀI KINH RATANA SUTTA
  5. Ý NGHĨA HAI CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN (RATANA SUTTA)
  6. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ BA
  7. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ TƯ
  8. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ SÁU
  9. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ TÁM
  10. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ MƯỜI
  11. Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN MƯỜI HAI
  12. BA CÂU KỆ NGÔN CUỐI

↑ trở lên

GIỚI THIỆU KINH RATANA SUTTA

Kinh Ratana Sutta là bài kinh thứ mười ba trong tổng số 72 bài kinh thuộc Kinh Tập (Sutta Nipāta), Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikāya).

Là bài kinh thứ hai thuộc bộ ba Kinh Paritta Sutta rất phổ biến nơi các nước Phật giáo Nam truyền (Theravāda). Hai bài kinh còn lại là Kinh Mettā Sutta và Kinh Maṅgala Sutta.

Đức Thế Tôn thuyết giảng Kinh Ratana Sutta để giải trừ tai họa cho cư dân ở thành Vesālī lúc bấy giờ. Cho nên bài kinh thường được trì tụng như một bài hộ kinh ngăn ngừa bệnh tật và mọi điều bất an trong cuộc sống.

Bài kinh thuộc thể kệ ngôn Pāli với 17 câu kệ, từ câu kệ ngôn 222 đến câu kệ 238.

Hầu hết các câu kệ ngôn do Đức Thế Tôn thuyết giảng. Chỉ duy có ba câu kệ ngôn cuối, câu số 236, 237 và 238 do Đức Trời Đế Thích đọc lên tán dương ân đức Tam Bảo.

Các câu kệ ngôn xác tín một chân lý bất di bất dịch. Đó là giá trị cao quý vô vàn của ba ngôi Tam Bảo.

Do đó, nội dung Kinh Ratana Sutta vừa là một bài hộ kinh phổ biến, vừa là đề mục giúp cho các vị hành giả tu tập thiền tùy niệm ân đức Tam Bảo.

↑ trở lên

KINH RATANA SUTTA, KINH CHÂU BÁU

1. Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên;
Mong cho tất cả chư vị đều an lạc! Hãy chăm chú lắng nghe lời dạy sau đây.

2. Tất cả chư vị hãy lắng nghe, hãy trải lòng từ ái đến số đông nhân loại;
Những người hằng ngày thường hay dâng cúng lễ vật đến chư vị. Hãy chuyên tâm hộ trì cho họ!

3. Hết thảy các châu báu hiện có trên thế giới nầy hay ở thế giới khác, hoặc châu báu quý giá trên thiên giới;
Không loại châu báu nào có thể sánh với Đức Như Lai. Phật Bảo là trân châu vô thượng;
Do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

4. Sự đoạn diệt, sự ly tham, pháp bất tử, pháp vi diệu mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã suy nghiệm và chứng đắc;
Không có chi sánh bằng Pháp ấy. Pháp Bảo là trân châu vô thượng;
Do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

5. Pháp thanh tịnh mà Đức Phật cao thượng đã khen ngợi là pháp thiền định không có gián đoạn.
Không có pháp thiền nào sánh bằng thiền định đó. Pháp Bảo là trân châu vô thượng;
Do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

6. Tám bậc thánh mà bậc trí tán dương gồm có bốn đôi. Các bậc xứng đáng cúng dường ấy đều là hàng Thinh Văn đệ tử của Đức Thiện Thệ.
Phẩm vật cúng dường đến các bậc thánh nhân đem lại phước báu viên mãn.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

7. Các bậc thánh nhân luôn sống chuyên cần với tâm kiên định, là bậc vô nhiễm trong Giáo Pháp của Đức Gotama.
Chư vị đã thành đạt và an trú trong pháp bất tử; các Ngài trải nghiệm sự an tịnh tuyệt đối và giải thoát hoàn hảo.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

8. Như cột trụ của cổng thành được chôn sâu xuống lòng đất, không hề bị lay chuyển bởi ngọn gió bốn phương;
Cùng thế ấy, Như Lai nói về bậc trí sau khi trải nghiệm, thấy rõ được các diệu đế.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

9. Những vị đã thể nhập vào diệu đế, được khéo thuyết giảng bởi bậc có trí huệ thâm sâu;
Chư vị đó dầu có chậm trễ đến mấy cũng không tái sanh đến kiếp thứ tám.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

10. Cùng với sự thành tựu về tri kiến, ba pháp sau đây được đoạn trừ. Đó là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ.
Vị ấy đã giải thoát khỏi bốn cõi khổ và không hề vi phạm vào sáu điều.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

11. Nếu lỡ vi phạm hành động xấu bằng thân, bằng khẩu hoặc bằng ý, vị ấy không che dấu hành động đó.
Việc không che dấu như vậy là biểu hiện của bậc đã thấy pháp.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

12. Như các bụi cây trong rừng sâu đều trổ đầy hoa vào tháng đầu của mùa hạ; cũng vậy, Như Lai luôn giảng dạy Giáo Pháp cao quý.
Giáo Pháp ấy hướng về Niết Bàn, đem lại lợi ích cao thượng.
Phật Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

13. Bậc cao quý, bậc biết điều rõ điều cao quý, bậc truyền trao điều cao quý, bậc đem đến điều cao quý.
Bậc vô thượng thuyết giảng Giáo Pháp cao thượng.
Phật Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

14. Nghiệp lực cũ đã chấm dứt, nghiệp lực mới không phát sanh, tâm của chư vị không ưa thích việc tái sanh trong tương lai.
Hạt giống đã bị phá hủy, lòng tham muốn đời sống không còn nữa, bậc trí như vậy thường viên tịch giống như một ngọn đèn tắt vậy.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành!

15. Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên; chúng con thành kính đảnh lễ Đức Như Lai Phật.
Bậc được toàn thể Chư Thiên và nhân loại tôn kính; mong cho mọi điều an lành!

16. Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên; chúng con thành kính đảnh lễ Đức Như Lai Pháp.
Bậc được toàn thể Chư Thiên và nhân loại tôn kính; mong cho mọi điều an lành!

17. Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên; chúng con thành kính đảnh lễ Đức Như Lai Tăng.
Bậc được toàn thể Chư Thiên và nhân loại tôn kính; mong cho mọi điều an lành!

↑ trở lên

RATANA SUTTA (Pali)

1. Yānīdha bhūtāni samāgatāni, bhummāni vā yāni va antalikkhe;
Sabbeva bhūtā sumanā bhavantu, athopi sakkacca suṇantu bhāsitaṃ.

2. Tasmā hi bhūtā nisāmetha sabbe, mettaṃ karotha mānusiyā pajāya;
Divā ca ratto ca haranti ye baliṃ, tasmā hi ne rakkhatha appamattā.

3. Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā, saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ;
Na no samaṃ atthi tathāgatena, idampi buddhe ratanaṃ paṇītaṃ;
Etena saccena suvatthi hotu.

4. Khayaṃ virāgaṃ amataṃ paṇītaṃ, yadajjhagā sakyamunī samāhito;
Na tena dhammena samatthi kiñci, idampi dhamme ratanaṃ paṇītaṃ;
Etena saccena suvatthi hotu.

5. Yaṃ buddhaseṭṭho parivaṇṇayī suciṃ, samādhimānantarikaññamāhu;
Samādhinā tena samo na vijjati, idampi dhamme ratanaṃ paṇītaṃ;
Etena saccena suvatthi hotu.

6. Ye puggalā aṭṭha sataṃ pasatthā, cattāri etāni yugāni honti;
Te dakkhiṇeyyā sugatassa sāvakā, etesu dinnāni mahapphalāni;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

7. Ye suppayuttā manasā daḷhena, nikkāmino gotamasāsanamhi;
Te pattipattā amataṃ vigayha, laddhā mudhā nibbutiṃ bhuñjamānā;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

8. Yathindakhīlo pathaviṃ sito siyā, catubbhi vātebhi asampakampiyo;
Tathūpamaṃ sappurisaṃ vadāmi, yo ariyasaccāni avecca passati;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

9. Ye ariyasaccāni vibhāvayanti, gambhīrapaññena sudesitāni;
Kiñcāpi te honti bhusaṃ pamattā, na te bhavaṃ aṭṭhamamādiyanti;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

10. Sahāvassa dassanasampadāya, tayassu dhammā jahitā bhavanti;
Sakkāyadiṭṭhi vicikicchitañca, sīlabbataṃ vāpi yadatthi kiñci.
Catūhapāyehi ca vippamutto, cha cābhiṭhānāni abhabbo kātuṃ;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

11. Kiñcāpi so kammaṃ karoti pāpakaṃ, kāyena vācā uda cetasā vā;
Abhabbo so tassa paṭicchādāya, abhabbatā diṭṭhapadassa vuttā;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

12. Vanappagumbe yathā phussitagge, gimhānamāse paṭhamasmiṃ gimhe;
Tathūpamaṃ dhammavaraṃ adesayi, nibbānagāmiṃ paramaṃ hitāya;
Idampi buddhe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

13. Varo varaññū varado varāharo, anuttaro dhammavaraṃ adesayi;
Idampi buddhe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

14. Khīṇaṃ purāṇaṃ navaṃ natthi sambhavaṃ, virattacittāyatike bhavasmiṃ;
Te khīṇabījā avirūḷhichandā, nibbanti dhīrā yathāyam padīpo;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

15. Yānīdha bhūtāni samāgatāni, bhummāni vā yāni va antalikkhe;
Tathāgataṃ devamanussapūjitaṃ, buddhaṃ namassāma suvatthi hotu.

16. Yānīdha bhūtāni samāgatāni, bhummāni vā yāni va antalikkhe;
Tathāgataṃ devamanussapūjitaṃ, dhammaṃ namassāma suvatthi hotu.

17. Yānīdha bhūtāni samāgatāni, bhummāni vā yāni va antalikkhe;
Tathāgataṃ devamanussapūjitaṃ, saṅghaṃ namassāma suvatthi hotūti.

↑ trở lên

CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP BÀI KINH RATANA SUTTA

Khi đi chiêm bái Phật tích ở xứ Ấn Độ, bước chân của khách hành hương sẽ có dịp đặt chân đến một địa danh Vaishali ở bang Bihar Ấn Độ ngày nay.

Xưa kia vùng đất nầy đã một thời vang bóng nhưng giờ đây thì cảnh vật hoang vắng, dân cư thưa thớt.

Bầu trời trên cao được tô điểm thêm trụ đá của Vua A Dục, bao bọc xung quanh là các stupas rải rác. “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”.

Còn ngày xưa vào thời đại của Đức Thế Tôn, thành Vesālī là một đô thị đông đúc và giàu có.

Luật Tạng Pāli có ghi chép là: “Thành Vesālī lúc đó rất thịnh vượng, sầm uất, dân cư đông đảo, thức ăn và lương thực đầy đủ.

Trong thành có 7.707 lâu đài, 7.707 ngôi nhà có nóc nhọn, 7.707 công viên, và 7.707 hồ sen”.

Theo như sử liệu ghi chép lại, Vesālī là một đô thị quan trọng ở xứ sở Vajjī.

Một thời gian sau có nạn đói xảy ra ở thành Vesālī. Hạn hán xảy ra, nạn đói hoành hành.

Buổi đầu là người nghèo khổ chết vì đói, thi thể của họ bị quăng bỏ ra ngoài đường. Mùi hôi thối của các thây ma khiến loài phi nhân, ma quỷ xuất hiện.

Hậu quả là có thêm nhiều người chết, tiếp theo đó là dịch bệnh bắt đầu bùng phát.

Cư dân ở thành Vesālī cùng một lúc gặp phải ba tai họa: đói khát, phi nhân và dịch bệnh.

Người dân trong thành vội đi đến yết kiến nhà vua rồi tâu lên:

-Tâu Đại vương, ba tai họa cùng một lúc đã phát sanh lên trong ngôi thành Vesālī. Điều nầy chưa từng có ở xứ sở của chúng ta. Có phải là hiện nay là Đại vương đã làm điều gì sái quấy chăng?

Nhà vua liền tụ họp tất cả thần dân trong nước lại rồi phán bảo:

-Các ngươi hãy xem xét có điều gì sái quấy nơi hành vi của Trẫm không?

Họ thẩm vấn tất cả thành viên trong hoàng gia nhưng không tìm thấy một lỗi nào nơi nhà vua của họ.
Hoang mang và bối rối, mọi người hỏi lẫn nhau: “Chúng ta phải làm gì bây giờ đây?”.

Một số người đề nghị hãy thỉnh mời sáu vị ngoại đạo sư. Nếu các vị ấy chịu đến thì mọi việc sẽ yên ổn trở lại.

Có người thì đề xuất: “Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian. Là bậc Pháp Vương, Đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp vì lợi ích cho tất cả chúng sanh. Nếu Ngài đến đây, mọi tai họa sẽ nhanh chóng tan biến”.

May mắn là tất cả đều tán thành với lời đề nghị sau cùng. Họ bàn tán với nhau:
-Nhưng hiện nay Đức Thế Tôn đang ở đâu? Nếu chúng ta mời thỉnh, Đức Thế Tôn sẽ đến xứ sở của chúng ta hay không?

Khi ấy, một người rất thông thạo báo tin:
-Đức Thế Tôn rất từ bi. Chắc chắn là Ngài sẽ đến. Hiện nay Đức Thế Tôn đang ở thành Vương Xá (Rājagaha) của Đức Vua Bình Sa Vương.

Cái khó cho chúng ta là vua ở xứ đó sẽ không chịu để Đức Thế Tôn phải đi xa xôi, cực khổ như vậy đâu!
Sau cùng tất cả thần dân trong vương quốc Vajjī đều đồng ý cung thỉnh cho bằng được Đức Thế Tôn quang lâm.

Họ chuẩn bị rất nhiều lễ vật rồi phái hai vị hoàng tử Licchavī cùng với số đông tùy tùng đi sang vương quốc Magadha của Đức Vua Bình Sa Vương.

Sứ giả đi đến nơi, dâng lên các lễ vật, nói rõ cho nhà vua về tai họa ở thành Vesālī rồi khẩn cầu:
-Tâu Đại vương, hãy cho phép chúng tôi thỉnh Đức Thế Tôn về thành Vesālī.

Đức Vua Bình Sa Vương không đồng ý nhưng buộc lòng phải nói:
-Điều nầy chính các ngươi phải trình lên Đức Thế Tôn.

Họ đi đến Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi thưa như sau:
-Bạch Đức Thế Tôn, xứ sở của chúng con đang gặp nạn. Chúng con cung thỉnh Ngài từ bi đến cứu giúp chúng con.

Đức Thế Tôn quan sát mọi việc rồi Ngài thấy rõ: “Khi bài kinh Ratana Sutta được thuyết giảng ở kinh thành Vesālī, năng lực của bài kinh sẽ lan tỏa khắp mười muôn triệu thế giới Sa bà, và khi Như Lai chấm dứt bài kinh, cả thảy 84.000 chúng sanh có cơ duyên thể nhập Giáo Pháp”.

Do đó, Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh mời của các vị sứ giả thành Vesālī.

Chúng ta biết mười muôn triệu thế giới Sa bà (100.000 kotis of world systems) là hệ thống toàn bộ vũ trụ mà khi một vị Phật Toàn Giác xuất hiện và thuyết giảng Giáo Pháp, oai lực của vị Phật Tổ sẽ ảnh hưởng đến cả không gian vũ trụ bao la như vậy.

Có nơi gọi là Tam Thiên Đại Thiên thế giới. Đây là hệ thống vũ trụ theo cấp số ba.

Một đơn vị thế giới (world system) bao gồm ba cõi là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Một ngàn thế giới như vậy hợp lại tạo nên hệ thống gọi là Tiểu Thiên thế giới. Lại một ngàn cõi Tiểu Thiên thế giới như vậy hợp lại gọi là cõi Trung Thiên thế giới. Lại một ngàn cõi Trung Thiên thế giới hợp lại gọi là cõi Đại Thiên thế giới. Cho nên gọi là Tam Thiên Đại Thiên thế giới.

Cả hệ thống vũ trụ rộng bao la không thể nghĩ bàn! Oai lực của Bài Kinh Ratana Sutta được Đức Thế Tôn thuyết giảng ở thành Vesālī vang dội khắp cả Tam Thiên Đại Thiên thế giới hay mười muôn triệu thế giới Sa bà là như vậy.

Khi Vua Bình Sa Vương biết được Đức Thế Tôn đã nhận lời thỉnh mời của các vị Licchavī, nhà vua thông báo khắp nơi trong thành Vương Xá: “Đức Thế Tôn đã nhận lời thỉnh mời của dân thành Vesālī”.

Nhà vua sau đó đi đến Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi thưa:
-Bạch Đức Thế Tôn có phải là Ngài đã nhận lời đi sang thành Vesālī?

-Thưa Đại vương, đúng là như vậy.

-Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hãy cho chúng con thời gian ngắn để chuẩn bị cho chuyến đi xa.

Rồi nhà vua cho dọn dẹp sạch sẽ con đường đi từ thành Vương Xá đến bờ sông Hằng, dài khoảng năm do tuần (yojana), mỗi do tuần khoảng độ 16 cây số.
Vua cho xây dựng mỗi tịnh xá trên từng chặng đường đi, một ngôi tịnh xá trên một do tuần.

Khi mọi việc đã đâu vào đó, nhà vua cung thỉnh Đức Thế Tôn xuất hành. Đức Thế Tôn cùng với năm trăm (500) vị Tỳ Kheo bắt đầu cho chuyến đi lịch sử.
Trên con đường dài cả năm do tuần, nhà vua cho trải hoa ngũ sắc ngập cả lối đi, cờ phướng treo dọc theo cả chặng đường dài.

Nhà vua cho hai quân lính cung kính che hai cây lọng cho Đức Thế Tôn. Rồi một quân lính cầm một cây lọng che cho một vị Tỳ Kheo.

Đức Vua đích thân hộ tống Đức Thế Tôn cùng với Tăng chúng trong cả năm ngày đường.

Nhà vua rải hoa ngũ sắc ngập cả lối đi, rải hương thơm, cúng dường trai phạn, cung thỉnh phái đoàn tạm dừng chân ở nơi năm ngôi tịnh xá mới vừa xây dựng lên.

Khi tới bờ sông Hằng, nhà vua thông báo ngay cho người dân Vesālī: “Đức Thế Tôn đã đến nơi. Hãy dọn dẹp đường đi. Hãy cùng cung nghinh đón rước Đức Thế Tôn”.

Tức khắc tất cả thị dân thành Vesalī mau chóng họp bàn: “Chúng ta sẽ cúng dường Đức Thế Tôn gấp đôi những gì mà nhà vua thành Vương Xá đã làm”. Rồi họ sửa soạn một đoạn đường dài 3 do tuần, từ phía bờ sông về tới kinh thành Vesālī.

Họ chuẩn bị bốn cái lọng để che cho Đức Thế Tôn và hai cái lọng để che cho mỗi vị Tỳ Kheo. Tất cả đều phải làm gấp đôi những gì mà Vua Bình Sa Vương đã làm.

Vua Bình Sa Vương buộc hai chiếc thuyền lại làm một rồi trang hoàng chiếc thuyền dành cho Thế Tôn thật đẹp.

Vua cho thiết kế một chỗ ngồi làm toàn bằng ngọc để Thế Tôn an vị.

Năm trăm vị Tỳ Kheo cùng xuống thuyền và ngồi vào nơi thích hợp.

Nhà vua bước xuống sông Hằng, rải hoa cúng dường lên Đức Thế Tôn.

Bình Sa Vương từ từ bước xuống sông cho tới lúc nước ngập tới tận cổ để chào tạm biệt Đức Thế Tôn, sau đó nhà vua mới quay trở vào bờ, rồi nói rất cung kính: “Bạch Thế Tôn, con sẽ chờ trên bờ sông nầy cho đến khi Thế Tôn trở về”.

Toàn thể Chư Thiên ở khu vực sông Hằng cho đến toàn thể Chư Thiên lên tận cung trời sắc giới cao nhất là cõi Sắc Cứu Cánh Thiên, cho đến các loài rồng, Long vương ở sông Hằng nhân cơ hội nầy đều đến để cúng dường đến Đức Thế Tôn và Tăng đoàn hương hoa và phẩm vật trên suốt lộ trình.

Theo cách đó, Đức Thế Tôn cùng với Tăng đoàn xuôi theo dòng sông Hằng lần hồi đến địa phận của xứ sở Vajjī.

Các thị dân ở thành Vesālī sau khi biết được tin Đức Thế Tôn cùng Tăng đoàn sắp quang lâm xứ sở của mình, họ vô cùng mừng rỡ.

Mọi người bắt tay ngay vào việc dọn dẹp đường xá, chuẩn bị nơi ở cho chư Tôn Đức.

Theo như dự định, cư dân thành Vesālī sẽ cúng dường đến Đức Thế Tôn gấp đôi những gì mà nhà vua Bình Sa Vương, xứ Magadha, đã cúng dường.

Đoàn thuyền chở Đức Thế Tôn cùng năm trăm vị Tỳ Kheo từ từ tiến vào hải phận xứ sở Vajjī.

Các vị hoàng tử Licchavī đi ra đón tận bờ sông. Họ bước xuống dưới nước rồi đi xuống tiếp, đi xuống nữa cho đến khi mặt nước ngang đến cổ mới dừng lại. Tất cả đều chấp tay hướng về phía Đức Thế Tôn.

Lúc đó, mây kéo đến đen nghịt, sấm chớp rền vang báo hiệu một cơn mưa lớn.

Ngay khi Đức Thế Tôn vừa đặt chân lên bờ sông, một cơn mưa như trút nước bắt đầu đổ xuống.

Điều thật kỳ lạ là nếu ai muốn tắm mưa thì mưa sẽ thấm ướt mình họ. Bằng như ai muốn khô ráo, không bị ướt thì thân mình không hề dính một giọt nước.
Mưa càng ngày càng lớn dần. Nước từ từ dâng lên, có nơi nước lên tới mắt cá chân mọi người, có nơi lên tới đầu gối, có nơi lên tới ngang lưng, có nơi nước ngập tới tận cổ. Dòng nước lớn như vậy cuốn trôi hết mọi thi thể ra tận sông Hằng. Mọi trược khí trong vùng đều tan biến.

Sau cơn mưa trời lại sáng. Toàn cõi Vajjī trở lại yên lành như ngày nào.

Các hoàng tử Licchavī dẫn đầu đoàn rước Đức Thế Tôn và Tăng đoàn về kinh thành Vesālī.

Lộ trình đi cũng phải mất ba ngày đường. Suốt đoạn đường, các vị Licchavī cúng dường Đức Thế Tôn và Chư Tăng rất cung kính và chu đáo.

Khi Đức Thế Tôn đến thành Vesālī, vua trời Đế Thích (Sakka) cùng với số đông các vị Chư Thiên tùy tùng đã tụ hội sẵn ở đó để đón tiếp phái đoàn.

Thấy bóng dáng của đoàn tùy tùng thiên chủ, một số đông phi nhân rất sợ hãi, biến mất hết.

Ở nơi cổng thành Vesālī, Đức Thế Tôn nói với Đại Đức Ānanda:
-Nầy Ānanda, hãy học lời kinh nầy. Sau đó hãy đi cùng với các hoàng tử Licchavī ba vòng thành Vesālī. Ānanda hãy đọc to bài kinh nầy lên để hộ trì cho thị dân trong toàn thành.

Rồi Ngài đọc cho Đại Đức Ānanda nghe bài kinh Ratana Sutta, Kinh Châu Báu.

Sau khi học hỏi lời kinh từ nơi Đức Thế Tôn, Đại Đức Ānanda vừa đọc to kinh Ratana Sutta, vừa rải nước từ bình bát của Đức Thế Tôn khắp thành Vesālī.

Đại Đức rải nước thánh đến đâu, số phi nhân đang ở nội thành, đang ở nơi khu vườn, đang ở nơi góc nhà, đang ở nơi cửa sổ, đang ở nơi bờ tường đều thăng thiên biến mất ngay tại chỗ.

Các phi nhân phải rút đi hết. Ngay sau đó bệnh dịch hoành hành bấy lâu nay bỗng dưng không còn nữa.

Mọi người ngay sau đó tập trung hết vào ngôi giảng đường của thành phố.

Họ trang hoàng thật hoành tráng nơi tiếp rước Đức Thế Tôn với vòng hoa, nhang đèn, hương thơm, phẩm vật cúng dường.

Đức Thế Tôn đi vào bên trong và an vị nơi tôn quý nhất.

Chư Tỳ Kheo Tăng, các hoàng thân Licchavī, các thị dân cùng đi vào rồi ngồi nơi phải lẽ.

Đức Trời Đế Thích cùng với các thiên nhân ở rất xa cùng tụ hội về đảnh lễ Đức Thế Tôn.

Đại Đức Ānanda sau khi đọc kinh và rải nước xong, cũng quay trở lại ngồi hầu bên Thế Tôn.

Ở ngôi giảng đường thành Vesālī, Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng bài kinh Ratana Sutta, Kinh Châu Báu cho toàn thể hội chúng.

↑ trở lên

Ý NGHĨA HAI CÂU KỆ NGÔN ĐẦU TIÊN (RATANA SUTTA)

1. Yānīdha bhūtāni samāgatāni, bhummāni vā yāni va antalikkhe;

Sabbeva bhūtā sumanā bhavantu, athopi sakkacca suṇantu bhāsitaṃ.

Nghĩa:

Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên;

Mong cho tất cả chư vị đều an lạc, và hãy chăm chú lắng nghe lời dạy sau đây.

Giải thích:

“Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây”: ở đây chúng ta lưu ý về từ “Chúng sanh”.

Từ Pāli “Bhūta” có nghĩa là sự hiện hữu, sự sống, là chúng sanh.

Nghĩa phổ biến của Bhūta là năm uẩn hay tứ đại, nói chung là chỉ chúng sanh các loài hữu tình.

Trong ngữ cảnh câu kệ ngôn nêu trên, Bhūta để chỉ cho các vị Chư Thiên, các vị Phạm thiên có nhiều oai lực

Tất cả chư vị đã cùng nhau tụ hội về ngôi thành Vesālī để cung đón Đức Thế Tôn và Tăng đoàn.

“Dầu là Thiên tiên hay Địa tiên”: để chỉ cho các Bhūta nêu trên bao gồm Thiên tiên và Địa tiên.

Thiên tiên: các vị Chư Thiên sống ở các cõi trời dục giới, các vị Phạm Thiên sống ở các cõi trời sắc giới.

Địa tiên: các vị Chư Thiên sanh ra ở mặt đất nầy và sinh sống ở cây cối, rừng núi, ao hồ.

“Mong cho tất cả chư vị đều an lạc”: ở dòng kệ thứ hai, Đức Thế Tôn gọi chung các Bhūta với tên gọi là “tất cả chư vị”,và Ngài phúc chúc cho họ sự hạnh phúc, an lạc.

“Và chăm chú lắng nghe lời dạy sau đây”: chú ý, tập trung, hãy lắng nghe lời dạy của Như Lai. Lời dạy của Như Lai hằng đem lại hạnh phúc nơi thiên giới và hạnh phúc Niết Bàn.

Chúng ta hãy hình dung lại bối cảnh của bài kinh.

Đức Thế Tôn thuyết giảng bài Kinh Ratana Sutta cho hội chúng ở thành Vesālī, bao gồm các vị Licchavī và toàn bộ người dân trong thành.

Khi ấy, Đức Trời Đế Thích (Sakka) cùng số đông các vị Chư Thiên, Phạm Thiên đồng tụ hội nơi giảng đường.

Trước hết Đức Thế Tôn có lời phúc chúc đến tất cả chư vị Bhūta ấy. Sau đó Ngài khuyên họ hãy chăm chú lắng nghe lời Ngài sắp giảng, những lời dạy đem lại chân hạnh phúc.

2. Tasmā hi bhūtā nisāmetha sabbe, mettaṃ karotha mānusiyā pajāya;

Divā ca ratto ca haranti ye baliṃ, tasmā hi ne rakkhatha appamattā.

Nghĩa:

Tất cả chư vị hãy lắng nghe, hãy trải lòng từ ái đến nhân loại;

Những người thường ngày hay dâng cúng lễ vật đến chư vị. Hãy chuyên tâm hộ trì cho họ.

Giải thích:

“Tất cả chư vị hãy lắng nghe”: Đức Thế Tôn kêu gọi tất các chư vị Thiên tiên và Địa tiên đang có mặt ở ngôi giảng đường.

Các vị Thiên tiên và Địa tiên đã rời bỏ cung điện nguy nga của mình, xa rời niềm vui hằng ngày để quy tụ về đây.

Để làm gì? Không có gì quý hơn việc lắng nghe Chánh Pháp.

Các vị Bhūta đó có rất nhiều uy lực, nhiều phước báu. Họ luôn có suy nghĩ chân chánh, thường gần gũi thiện trí thức, và mong mỏi điều tốt đẹp.

Các vị Bhūta hãy chú ý lắng nghe lời dạy của Như Lai. Bởi vì được nghe Chánh Pháp không phải là điều dễ dàng chút nào!

Có nhiều điều chướng ngại làm cho chúng sanh không có phước duyên để nghe Pháp, như phải sanh vào thời kỳ không có Phật Pháp, hay có Phật Pháp đi chăng nữa chúng sanh lại theo tà kiến.

Lời dạy của Như Lai hội đủ từ bi và trí huệ, đem lại muôn điều lợi ích. Do đó, chư vị hãy chăm chú lắng nghe.

“Hãy trải lòng từ ái đến nhân loại”: hãy giúp đỡ đến cư dân trong thành Vesālī.

Hãy có lòng từ bi, hãy mong muốn điều lợi ích đến tất cả mọi người trong thành đang bị ảnh hưởng bởi nạn đói, phi nhân và dịch bệnh.

Ở đây Đức Thế Tôn nói lên điều nầy vì lợi ích cho tất cả. Chúng ta được biết những ai mà Chư Thiên có lòng thương tưởng, người đó sẽ gặp nhiều may mắn.

Các vị Bhūta sẽ hướng tâm từ đến những ai? Đó là những người thường ngày hay dâng cúng các vật lễ đến chư vị.

Đó là những người thường tạo nên tranh vẽ, ảnh tượng của các vị Chư Thiên.

Họ thường đi đến đền thờ, đi đến những nơi linh thiêng rồi dâng cúng vật lễ đến các vị Bhūta vào ban ngày lẫn ban đêm, với nhang đèn và hương hoa.

Đó là những người thường cúng dường vật thực, làm phước rồi luôn cầu nguyện, hồi hướng phước báu đến Chư Thiên và Phạm thiên.

Họ chuẩn bị giảng đường để các vị Pháp sư thuyết giảng trọn đêm, với lọng dù, nhang đèn, vòng hoa, cúng dường phẩm vật rồi hồi hướng phước báu đến Chư Thiên.

Vì họ rất nhiệt tâm, sao chư vị lại không hộ trì cho họ được?

“Hãy chuyên tâm hộ trì cho họ”: Hãy gở bỏ điều tai họa và làm tăng trưởng lợi ích.

Hãy thường xuyên nhớ tưởng và nhiệt tâm hộ trì đến những người như vậy.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ BA

3. Yaṃ kiñci vittaṃ idha vā huraṃ vā, saggesu vā yaṃ ratanaṃ paṇītaṃ;
Na no samaṃ atthi Tathāgatena, idampi Buddhe ratanaṃ paṇītaṃ;
Etena saccena suvatthi hotu.


Nghĩa:

Hết thảy các châu báu hiện có trên thế giới nầy hay ở thế giới khác, hoặc trân châu quý giá ở cõi trời;
Không loại châu báu nào có thể sánh bằng Đức Như Lai. Phật Bảo là trân châu vô thượng.
Do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành.

Giải thích:
“Hết thảy các châu báu có trên thế giới nầy hay ở thế giới khác”: kể chung cho tất cả châu báu, vật quý giá.
Tất cả vật quý giá như vàng bạc, ngọc trai, ngọc quý, trân châu hiện có ở nhân gian là châu báu có trên thế giới nầy.
Tất cả vật quý giá ở thế giới khác như thế giới của loài rồng, ở thế giới Long Vương.
“Hoặc trân châu quý giá ở cõi trời”: vật quý giá hiện có ở các cõi trời dục giới, các cõi trời sắc giới.
Những châu báu đó phát sanh lên là do phước lành của các vị Chư Thiên, Phạm Thiên.

Chúng ta đọc tiếp dòng thứ hai của câu kệ ngôn thứ ba:
Từ Pāli “Ratana” có nghĩa là châu báu. Ratana là những gì đem lại sự hoan hỷ, an lạc.
“Không loại châu báu nào có thể sánh bằng Đức Như Lai”.

Ý nghĩa là như thế nào?

Tập sách chú giải Paramatthajotikā II giải thích ý nghĩa tuần tự như sau:

1. Châu báu với ý nghĩa là được tôn vinh.

Như bánh xe báu hay ngọc báu của Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương, các vật quý giá ấy luôn được tôn vinh.
Theo Phật giáo, Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương là một vị vua cai trị toàn cõi thế gian nầy với năng lực của Pháp.
Những vật báu của Đức Vua là vật quý giá vô song nhưng cũng không thể sánh bằng sự quý giá nơi Phật Bảo.
Khi Đức Như Lai xuất hiện trên thế gian, toàn thể Chư Thiên và nhân loại chỉ tỏ lòng, một mực tôn kính duy nhất Đức Thế Tôn.
Như Phạm Thiên Sahampati, như vua Trời Đế Thích, như Đức Vua Bimbisāra, như Đức Vua Pasenadi xứ Kosala, như đại thí chủ Cấp Cô Độc.
Như Hoàng đế A Dục đã chi tiêu số tiền lớn để xây dựng 84.000 ngôi bảo tháp trên khắp xứ sở Ấn Độ.
Không một ai trên thế gian nầy có thể sánh với Đức Thế Tôn, không một ai được tôn vinh như Đức Thế Tôn.
Sau khi Ngài viên tịch, cho đến tận ngày hôm nay tất cả đều tôn vinh và thờ phượng Đức Thế Tôn ở nơi ngôi vườn Lâm Tỳ Ni, ở nơi Bồ Đề Đạo Tràng, ở nơi Chuyển Pháp Luân, ở nơi Kusinara với nhiều tượng thờ, chùa tháp và vô số thánh tích khác.
Do đó, không loại châu báu nào có thể sánh bằng Đức Như Lai.

2. Châu báu với ý nghĩa có giá trị lớn lao.

Vật có nhiều giá trị, giá trị lớn lao như vải lụa Kāsī. Như lời dân gian thường nói, tấm vải lụa ở xứ Kāsī dầu có cũ đi chăng nữa, vải cũng rất đẹp, mềm mại và có giá trị.
Theo ý nghĩa nầy thì Đức Như Lai là châu báu độc nhất vô nhị.
Bởi vì, khi Đức Thế Tôn thọ nhận dầu chỉ miếng vải thô từ tín chủ, việc thọ nhận như vậy cũng đem lại kết quả lớn, phước báu lớn cho tín chủ.
Như trong lời kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh: “Khi Đức Thế Tôn thọ nhận y phục, thực phẩm, trú xứ và dược phẩm trị bệnh, việc thọ nhận nầy đem lại kết quả lớn, phước đức lớn cho các tín chủ”.

3. Châu báu với ý nghĩa là vô giá.

Khi vị Vua Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện trên thế gian, đồng thời bảy loại báu vật của vua sẽ xuất hiện như bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu v.v….
Bất kể bảy báu vật đó ra sao, giá trị cũng không thể nào sánh bằng dầu chỉ là một phần trăm, một phần ngàn, một phần triệu với viên ngọc quý duy nhất là Đức Thế Tôn.
Châu báu với ý nghĩa là vô giá thì ở đây chỉ có Đức Như Lai mới thật đúng với ý nghĩa là châu báu.
Vì không một ai có thể đo lường hay định mức giới hạnh của Đức Như Lai là như thế nầy, thiền định của Ngài là đến mức độ như thế nầy, trí tuệ hay các phẩm chất quý báu khác là như thế nầy v.v….
Không có một nhân vật nào trên thế gian có thể so sánh, có thể là đối tác với Đức Thế Tôn.

4. Châu báu với ý nghĩa là rất hiếm khi được gặp.

Như bảy loại châu báu của Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương rất hiếm khi xuất hiện trên thế gian nầy.
Đôi khi thời gian dài đến cả kiếp trái đất cũng không hề xuất hiện.
Huống gì là Đức Thế Tôn, đôi khi cả A Tăng Kỳ kiếp, hay hơn thế nữa cũng không dễ gì có sự xuất hiện của một vị Phật trên thế gian.

5. Châu báu với ý nghĩa là đem lại niềm hoan hỷ, sự an lạc.

Sự xuất hiện của bảy vật báu của Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương đem lại niềm hoan hỷ, sự an lạc cho tất cả nhân loại trên toàn cõi địa cầu.
Sự an lạc của bảy vật báu của Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương so ra không bằng một phần mười sáu (1/16) của an lạc ở cõi trời.
Nhưng vô số Chư Thiên và nhân loại khi thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn, họ hưởng được niềm hoan hỷ, sự an lạc vượt quá xa hạnh phúc ở cõi trời.

Đó là gì?
Đó là an lạc của sơ thiền.
Đó là an lạc của nhị thiền.
Đó là an lạc của tam thiền.
Đó là an lạc của tứ thiền.
Đó là an lạc của ngũ thiền.
Đó là an lạc của không vô biên xứ.
Đó là an lạc của thức vô biên xứ.
Đó là an lạc của vô sỡ hửu xứ.
Đó là an lạc của phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Đó là an lạc của đạo và quả thánh Nhập Lưu.
Đó là an lạc của đạo và quả thánh Nhất Lai.
Đó là an lạc của đạo và quả thánh Bất Lai.
Đó là an lạc của đạo và quả thánh A La Hán.

Như vậy, không có châu báu có thể sánh với Đức Như Lai trên phương diện đem lại niềm hoan hỷ, sự an lạc.

Tiếp theo là dòng kệ ngôn cuối:
“Phật Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.

Đức Thế Tôn nói lên chân lý như trên để xua tan nỗi bất hạnh cho cư dân thành Vesālī.

Lời chân ngôn của Ngài dựa trên đức hạnh, thiền định, trí tuệ và phẩm chất siêu việt của một vị Phật Toàn Giác.

Khi Đức Thế Tôn vừa dứt lời kệ ngôn thì ngay tức khắc mọi tai họa đều biến mất và bình an, hạnh phúc lại trở về với toàn thể thị dân thành Vesālī.

Khi ấy, toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh hô vang: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!



↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ TƯ

4. Khayaṃ virāgaṃ amataṃ paṇītaṃ, yadajjhagā sakyamunī samāhito;

Na tena dhammena samatthi kiñci, idampi Dhamme ratanaṃ paṇītaṃ;

Etena saccena suvatthi hotu.

Nghĩa:

Sự đoạn diệt, sự ly tham, pháp bất tử, pháp vi diệu mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã suy nghiệm và chứng đắc;

Không có chi sánh bằng Pháp ấy. Pháp Bảo là trân châu vô thượng;

Do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành.

Giải thích:

Sự đoạn diệt, sự ly tham, pháp bất tử, pháp vi diệu (khayaṃ virāgaṃ amataṃ paṇītaṃ).

Sau khi đã nói về các ân đức của Phật Bảo, Đức Thế Tôn tiếp tục trình bày sự vi diệu của pháp Niết Bàn (Nibbāna-dhamma).

“Sự đoạn diệt, sự ly tham”, (khayaṃ virāgaṃ): với sự chứng ngộ Niết Bàn, tham dục và các phiền não khác bị đoạn diệt hoàn toàn.

Niết Bàn là sự đoạn trừ phiền não, sự chấm dứt phiền não. Phiền não không còn phát sanh trở lại nữa.

Niết Bàn là sự tách rời khỏi tham dục và các phiền não khác.

Không bao giờ có sự đồng hành giữa Niết Bàn với các phiền não, cũng như Niết Bàn không bao giờ là đối tượng cho các phiền não.

Khi Niết Bàn được chứng ngộ thì tham dục và các phiền não khác bị tiêu diệt, biến mất và tan rã.

Do đó, Niết Bàn được gọi là sự đoạn diệt, sự ly tham.

“Pháp bất tử”, (amataṃ): bởi vì không có sự sanh khởi. Vì không có sự sanh khởi nên sẽ không có sự thay đổi và hoại diệt.

Bất tử với ý nghĩa là không sanh, không già , không bệnh và không chết.

“Pháp vi diệu”, (paṇītaṃ): với ý nghĩa là cao quý bậc nhất.

Trước tiên, Đức Thế Tôn thuyết giảng về các đặc điểm của Niết Bàn.

Đó là sự đoạn diệt, sự ly tham, pháp bất tử, pháp vi diệu.

Chúng ta đọc tiếp dòng kệ: “mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã suy nghiệm và chứng đắc”, (yadajjhagā sakyamunī samāhito).

“Đức Thích Ca Mâu Ni”, (Sakyamunī): Đức Thế Tôn thuộc dòng dõi Thích Ca (Sakyan family) và là một Mâu Ni (Muni).

Ngài hội tụ đầy đủ phẩm chất cao quý của một Mâu Ni, nên được gọi là Đức Thích Ca Mâu Ni (Sakyamunī).

“Đã suy nghiệm”, (samāhito): đã thiền định với định lực của thánh đạo.

“Và chứng đắc”, (yadajjhagā): Đức Thế Tôn đã khám phá, trải nghiệm và chứng đắc thông qua năng lực trí huệ của Ngài.

Như vậy, dòng kệ đầu mô tả Đức Thế Tôn đã thiền định và chứng đắc pháp Niết Bàn .

Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Không có chi sánh bằng Pháp ấy”, (na tena dhammena samatthi kiñci).

Có nghĩa là không có một pháp nào có thể so sánh với pháp Niết Bàn với những đặc điểm như ly tham v.v…

Các đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh, Kinh Phật Thuyết Như Vậy (Tiểu Bộ Kinh) có ghi lại như sau: “Trong tất cả các pháp, dầu là hữu vi hay vô vi, pháp ly tham được xem là cao quý bậc nhất”.

Chúng ta đọc tiếp phần cuối: “Pháp Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”, (idampi Dhamme ratanaṃ paṇītaṃ; etena saccena suvatthi hotu).

Sau khi thuyết giảng là không có một pháp nào khác có thể so sánh với Niết Bàn, Đức Thế Tôn khẳng định một chân lý: “Pháp Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”, để giải trừ tất cả tai họa cho thị dân nơi thành Vesālī.

Lời tuyên bố trên dựa trên đặc tính của pháp Niết Bàn là sự đoạn tận, sự ly tham, pháp bất tử, pháp vi diệu.

Lời kệ tán dương ân đức Pháp Bảo trên được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Như vậy, câu kệ ngôn thứ tư nói lên sự cao quý như trân châu của Pháp Bảo nơi đây chính là pháp Niết Bàn.

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ NĂM

5. Yaṃ Buddhaseṭṭho parivaṇṇayī suciṃ, samādhimānantarikaññamāhu;

Samādhinā tena samo na vijjati, idampi Dhamme ratanaṃ paṇītaṃ;

Etena saccena suvatthi hotu.

Nghĩa:

Sự thanh tịnh mà Đức Phật cao quý đã khen ngợi, là pháp thiền định không có gián đoạn;

Không một pháp nào có thể sánh bằng thiền định đó. Pháp Bảo là trân châu vô thượng;

Do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành.

Giải thích:

Sau khi trình bày các đặc tính của Niết Bàn với câu kệ ngôn thứ tư, Đức Thế Tôn tiếp tục nói lên sự cao quý của đạo siêu thế (ariyamagga).

Chúng ta đọc dòng kệ ngôn đầu: “Sự thanh tịnh mà Đức Phật cao thượng đã khen ngợi”, (yaṃ Buddhaseṭṭho parivaṇṇayī suciṃ).

Đức Thế Tôn đã từng giảng dạy: “Trong tất cả con đường, Bát Thánh Đạo là con đường cao quý dẫn đến Niết Bàn”, (Kinh Māgandiya thuộc Trung Bộ Kinh).

Và trong bài Đại Kinh Bốn Mươi (Trung Bộ Kinh), Đức Thế Tôn dạy: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, Như Lai sẽ giảng dạy về pháp chánh định cùng với các điều kiện và các trợ duyên”.

Ở đây sự thanh tịnh mà Đức Thế Tôn khen ngợi là sự tuyệt đối trong sạch của thánh đạo siêu thế, do tận diệt hoàn toàn các phiền não, các ô nhiễm.

“Là pháp thiền định không có sự gián đoạn”, (samādhimānantarikaññamāhu).

Sở dĩ được gọi là pháp thiền định không có sự gián đoạn vì khi thánh chánh định sanh khởi, tiếp theo ngay sau đó là kết quả của thánh chánh định, không hề có sự gián đoạn.

Vì khi thánh chánh định đã sanh khởi rồi thì không có bất cứ chướng ngại nào có thể ngăn cản sự phát sanh ngay tiếp theo của thánh quả chánh định đó.

Ở đây chúng ta hiểu là khi một vị hành giả đắc đạo thì tiếp theo ngay sau đó là vị ấy đắc quả, chớ không hề có sự gián đoạn, dầu chỉ là một sát na tâm.

Đây chính là một trong ân đức của Pháp Bảo: “Akāliko”, Pháp không có sự gián đoạn về thời gian.

Chúng ta đọc tiếp dòng kệ ngôn: “Không một pháp nào có thể sánh bằng thiền định đó”, (samādhinā tena samo na vijjati).

Sự tương đồng với pháp thiền mà Đức Thế Tôn tán dương là không hề có, dầu đó là thiền sắc giới hay thiền vô sắc giới.

Vì sao vậy?

Bởi vì khi tu tập các thiền hiệp thế, hành giả có thể sanh về các cõi sắc giới và các cõi vô sắc giới tương ứng.

Tuy nhiên khi hết phước ở cảnh giới đó rồi, vị Phạm thiên cũng phải sanh vào một cảnh giới khác tùy theo nghiệp lực.

Nhưng khi tu tập thiền siêu thế, bậc thánh nhân thành đạt sự diệt tận việc tái sanh, chấm dứt sanh vào các cảnh giới ở tương lai.

Sau khi nói lên các câu kệ ngôn, Đức Thế Tôn tiếp tục khẳng định chân lý: “Pháp Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành” (idampi Dhamme ratanaṃ paṇītaṃ; etena saccena suvatthi hotu).

Lời kệ tán dương ân đức Pháp Bảo trên được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Như vậy, câu kệ ngôn thứ năm nói lên sự cao quý như trân châu của Pháp Bảo nơi đây là sự cao quý của thánh đạo siêu thế.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ SÁU

6. Ye puggalā aṭṭha sataṃ pasatthā, cattāri etāni yugāni honti;
Te dakkhiṇeyyā sugatassa sāvakā, etesu dinnāni mahapphalāni;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.


Nghĩa:

Tám bậc thánh nhân mà bậc trí tán dương gồm có bốn đôi. Các bậc xứng đáng cúng dường ấy đều là hàng đệ tử của Đức Thế Tôn;
Phẩm vật cúng dường đến các bậc thánh nhân đem lại phước báu viên mãn.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do nhờ chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành.

Giải thích:

Sau khi đã tán dương ân đức Phật Bảo và ân đức Pháp Bảo, Đức Thế Tôn tiếp tục nêu lên những phẩm chất cao quý của Tăng Bảo với câu kệ ngôn thứ sáu.
“Tám bậc thánh nhân mà bậc trí tán dương gồm có bốn đôi”: tám bậc thánh nhân bao gồm.

1a. Bậc chứng đắc đạo Nhập Lưu (sotāpattimagga)
1b. Bậc chứng đắc quả Nhập Lưu (sotāpattiphala)

2a. Bậc chứng đạo Nhất Lai (sakadāgāmimagga)
2b. Bậc chứng quả Nhất Lai (sakadāgāmiphala)

3a. Bậc chứng đạo Bất Lai (anāgāmīmagga)
3b. Bậc chứng quả Bất Lai (anāgāmīphala)

4a. Bậc chứng đạo A La Hán (arahattamagga)
4b. Bậc chứng quả A La Hán (arahattaphala)

“Bậc trí tán dương”: bậc trí ở đây là Chư Phật Toàn Giác, Chư Phật Độc Giác, chư vị Thinh Văn Giác, Phạm Thiên, Chư Thiên và nhân loại.
Chư vị luôn tán dương tám bậc thánh nhân nêu trên vì các Ngài đầy đủ các phẩm chất cao quý.
Như các loài hoa quý, hoa Campaka, hoa Vakula đầy đủ hương và sắc; cũng vậy, tám bậc thánh nhân luôn được cung kính, tôn trọng và tán thán giữa Chư Thiên và nhân loại.
Khi tán dương ân đức Tăng Bảo, Phật tử chúng ta thường đọc câu kệ ngôn như sau:
“Yadidaṃ cattāri purisayugāni aṭṭha purisapuggalā. Esa Bhagavato sāvakasaṅgho”: Chư Tăng đệ tử của Đức Thế Tôn bao gồm bốn đôi và tám vị.
Chúng ta đọc tiếp dòng kệ ngôn: “Các bậc xứng đáng cúng dường ấy đều là hàng đệ tử của Đức Thế Tôn”.
“Các bậc xứng đáng cúng dường ấy”: các bậc thánh nhân kể trên, được kể theo bốn đôi, tám vị.
Phẩm vật cúng dường được dâng cúng bởi người tín chủ có niềm tin vào lý nhân quả. Và chư vị là các bậc xứng đáng thọ lãnh những phẩm vật cúng dường đó.
“Là hàng đệ tử của Đức Thế Tôn”: là những vị lắng nghe lời dạy của Đức Thế Tôn.
Sau khi lắng nghe Pháp và hiểu rõ, chư vị thực hành đúng theo Pháp, và thành đạt các đạo và các quả siêu thế kể trên, nên được gọi là hàng đệ tử của Đức Thế Tôn.
Và dòng kệ ngôn tiếp theo: “Phẩm vật cúng dường đến các bậc thánh nhân đem lại phước báu viên mãn”.
“Phẩm vật cúng dường đến các bậc thánh nhân đem lại phước báu viên mãn”: ngay cả chỉ với phẩm vật cúng dường ít ỏi, đạm bạc đến các bậc thánh nhân trên cũng đem lại phước báu lớn, hạnh phúc lớn.
Bởi vì sự thanh tịnh từ nơi người nhận hay người thọ thí làm cho phẩm vật cúng dường được kết quả dồi dào.
Cho nên trong lời kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh có ghi như sau:
“Nầy các thầy Tỳ Kheo, trong các Tăng đoàn thì Tăng đoàn bao gồm các đệ tử của Như Lai là vượt trội hơn cả.
Đó là các bậc thánh nhân bao gồm bốn đôi, tám vị nêu trên. Phẩm vật cúng dường đến các đệ tử của Như Lai đem lại phước báu viên mãn bậc nhất”.
Sau khi nói lên các vần kệ ngôn, Đức Thế Tôn tiếp tục khẳng định chân lý:
“Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”, (idampi Saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ; etena saccena suvatthi hotu).
Lời kệ tán dương ân đức Tăng Bảo được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!
Như vậy, câu kệ ngôn thứ sáu nói lên sự cao quý như trân châu của Tăng Bảo. Đó là chư đệ tử của Đức Thế Tôn, bao gồm các bậc thánh nhân được kể theo bốn đôi và tám vị.

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ BẢY

7. Ye suppayuttā manasā daḷhena, nikkāmino gotamasāsanamhi;
Te pattipattā amataṃ vigayha, laddhā mudhā nibbutiṃ bhuñjamānā;
Idampi Saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.


Nghĩa:

Các bậc thánh nhân luôn sống chuyên cần với tâm kiên định, là bậc vô nhiễm trong Giáo Pháp của Đức Gotama;
Chư vị đã thành đạt và an trú trong pháp bất tử. Các Ngài trải nghiệm sự an tịnh tuyệt đối và giải thoát hoàn hảo;
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.

Giải thích:

Sau khi đã tán dương sự cao quý của tám bậc thánh nhân, Đức Thế Tôn nói tiếp câu kệ ngôn thứ bảy, để nói rõ về các phẩm chất siêu việt của bậc thánh A La Hán.
“Các bậc thánh nhân luôn sống chuyên cần với tâm kiên định”.
“Các bậc thánh nhân luôn sống chuyên cần”: các bậc thánh A La Hán từ bỏ nếp sống không đúng pháp, có đời sống chân chánh, nỗ lực tu tập về thiền quán.
Chư vị đã thành tựu thánh giới uẩn, có thân thanh tịnh và khẩu thanh tịnh.
“Với tâm kiên định”: với tâm an trú trong thiền định. Bậc thánh A La Hán là bậc thành tựu thánh định uẩn.
Dòng kệ tiếp theo: “Là bậc vô nhiễm trong Giáo Pháp của Đức Gotama”.
“Là bậc vô nhiễm”: bậc thánh nhân ấy giải thoát khỏi mọi phiền não, nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh tấn với trí tuệ. Bậc thánh A La Hán là bậc thành tựu thánh tuệ uẩn.
“Trong Giáo Pháp của Đức Gotama”: trong lời dạy của Đức Thế Tôn.
Chúng ta hãy chú ý câu kệ ngôn: “Là bậc giải thoát trong Giáo Pháp của Đức Phật Tổ Gotama”.
Ở đây câu kệ ngôn nhấn mạnh là không thể có sự giải thoát khỏi phiền não đối với các vị ngoại đạo, các vị chuyên tâm thực hành khổ hạnh cực đoan.
Bởi vì họ không có thánh giới uẩn, thánh định uẩn và thánh tuệ uẩn.
“Chư vị đã thành đạt và an trú trong pháp bất tử”: Các bậc thánh giả thành tựu và an trú nơi quả vị A La Hán.
“Các Ngài trải nghiệm sự an tịnh tuyệt đối và giải thoát hoàn hảo”: đó chính là Niết Bàn, nơi mà mọi phiền não và khổ đau đều bị dập tắt.
Bậc thánh nhân A La Hán là bậc đã thành đạt, là những bậc giới đức, sống chuyên cần trong Giáo Pháp của Đức Phật Tổ Gotama.
Chư vị có nội tâm kiên định vì an trú trong thiền định; nội tâm vô nhiễm vì đầy đủ trí huệ.
Do sự thực hành chân chánh theo Giáo Pháp, vị ấy thể nhập vào trạng thái Bất Tử, Niết Bàn, trải nghiệm sự an tịnh tuyệt đối và giải thoát một cách hoàn hảo.
Sau đó, Đức Thế Tôn tiếp tục khẳng định chân lý: “Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.
Lời kệ tán dương ân đức Tăng Bảo nói trên được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!
Như vậy, câu kệ ngôn thứ bảy trình bày sự cao quý như trân châu của Tăng Bảo. Đó là bậc thánh nhân A La Hán, bậc thành đạt sự giải thoát hoàn hảo.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ TÁM

8. Yathindakhīlo paṭhaviṃ sito siyā, catubbhi vātehi asampakampiyo;
Tathūpamaṃ sappurisaṃ vadāmi, yo ariyasaccāni avecca passati;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

Nghĩa:

Như cây cột trụ của cổng thành được chôn sâu xuống lòng đất, không hề bị lay chuyển bởi ngọn gió bốn phương;
Cùng thế ấy, Như Lai nói về bậc trí sau khi trải nghiệm, thấy rõ được các diệu đế;
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.
Sau khi đã nói lên sự cao quý của bậc thánh nhân A La Hán, Đức Thế Tôn nói tiếp câu kệ ngôn thứ tám, mô tả trí huệ của bậc thánh Tu Đà Hườn, bậc thánh Nhập Lưu.
“Như cây cột trụ của cổng thành được chôn sâu xuống lòng đất, không hề bị lay chuyển bởi ngọn gió bốn phương”
“Như cây cột trụ của cổng thành được chôn sâu xuống lòng đất”: cây cột làm bằng gỗ tốt, được đóng sâu xuống lòng đất để chịu lực cho cổng thành.
“Không hề bị lay chuyển bởi ngọn gió bốn phương”: cây cột trụ đó rất vững chắc, không thể bị gió bốn phương, tám hướng lay chuyển được.
Dòng kệ tiếp theo: “Cùng thế ấy, Như Lai nói về bậc trí sau khi trải nghiệm, thấy rõ được các diệu đế”: Đức Thế Tôn nói đến các hành giả với trí tuệ thấy rõ được các diệu đế, chân lý Tứ Diệu Đế.

Ở hai dòng kệ ngôn đầu, Đức Thế Tôn dùng ví dụ cây cột trụ của cổng thành.
Như cây cột rắn chắc không bị gió bốn phương lay động, người trí trong Phật giáo không bị lay động bởi lời nói của tín đồ các tôn giáo khác.
Bằng tuệ lực, người Phật tử không còn bị dao động nữa vì họ đã tự mình thấy được chân lý.
Một đoạn kinh nơi Tương Ưng Bộ Kinh cũng dùng hình ảnh ví dụ tương tự để nói lên sự thấy và biết của bậc thánh nhân.

Đức Thế Tôn đã dạy: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, khi vị Sa môn, Bà la môn (nhà sư Phật giáo) tuệ tri:
Đây là Khổ; đây là Khổ Tập;
Đây là Khổ Diệt; đây là Đạo Diệt Khổ;
Khi ấy vị Sa môn, Bà la môn không còn tầm cầu sự trợ giúp từ nơi nào khác nữa. Vì sao vậy? Vì vị đó đã thấy rõ chân lý Tứ Diệu Đế.
Các bậc thánh nhân Nhập Lưu đã bước chân vào dòng chảy xuôi về Niết Bàn. Chư vị chứng ngộ chân lý Tứ Diệu Đế lần đầu tiên.
Sau khi nói lên các vần kệ như trên, Đức Thế Tôn tiếp tục khẳng định chân lý: “Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.
Lời kệ tán dương ân đức Tăng Bảo trên được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!
Như vậy câu kệ ngôn thứ chín nói lên sự cao quý như trân châu của Tăng Bảo. Ở đây là sự cao quý của bậc thánh nhân Nhập Lưu.

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ CHÍN

9. Ye ariyasaccāni vibhāvayanti, gambhīrapaññena sudesitāni;
Kiñcāpi te honti bhusaṃ pamattā, na te bhavaṃ aṭṭhamamādiyanti;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

Nghĩa:

Những vị đã thể nhập vào diệu đế, được khéo thuyết giảng bởi bậc có trí huệ thâm sâu;
Chư vị đó dầu có chậm trễ đến mấy cũng không tái sanh đến kiếp thứ tám;
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.
Sau khi đã nói lên sự cao quý của bậc thánh nhân Nhập Lưu nói chung, Đức Thế Tôn nói rõ hơn đặc điểm của bậc thánh nhân nầy.
Bậc thánh Tu Đà Hườn (Sotāpanna) hay bậc thánh Nhập Lưu là bậc chứng đắc chân lý Tứ Diệu Đế lần đầu tiên.
Các Ngài đã bước chân vào dòng suối xuôi chảy về Niết Bàn, nên được gọi với danh xưng là “Nhập Lưu”.
Hay còn gọi là bậc thánh Thất Lai, vì các Ngài còn trở lại cõi dục giới tối đa là bảy lần để thành đạt sự giải thoát sau cùng.

Do đó, bậc thánh Nhập Lưu được chia làm ba bậc:
1. chỉ trở lại cõi dục giới một lần duy nhất (ekabījī)
2. trở lại cõi dục giới từ hai cho đến sáu lần (kolaṃkola)
3. trở lại cõi dục giới cả thảy bảy lần (sattakkhattuparama)

Bậc thánh thứ nhất, vị hành giả với sự đoạn trừ ba kiết sử, trở thành bậc thánh Nhập Lưu hay Thất Lai.
Vị ấy chỉ tái sanh trở lại cõi dục giới một lần duy nhất, sau đó diệt tận hết phiền não, chấm dứt khổ đau. Vị thánh nhân Nhập Lưu đó được gọi là bậc Ekabījī.

Bậc thánh thứ hai, vị hành giả với sự đoạn trừ ba kiết sử, trở thành bậc thánh Nhập Lưu hay Thất Lai.
Vị ấy tái sanh lại cõi dục giới có thể từ hai đến sáu lần, sau đó diệt tận hết phiền não, chấm dứt khổ đau.
Vị thánh nhân Nhập Lưu nầy được gọi là bậc Kolaṃkola.

Bậc thánh thứ ba, vị hành giả với sự đoạn trừ ba kiết sử, trở thành bậc thánh Nhập Lưu hay Thất Lai.
Vị ấy tái sanh lại cõi dục giới cho đến lần thứ bảy, sau đó diệt tận hết phiền não, chấm dứt khổ đau.
Vị thánh nhân Nhập Lưu nầy được gọi là bậc Sattakkhattuparama.

Sau khi hiểu rõ về ba bậc thánh nhân Nhập Lưu, chúng ta hãy đọc dòng đầu của kệ ngôn:
“Những vị đã thể nhập vào diệu đế, được khéo thuyết giảng bởi bậc có trí huệ thâm sâu”.
“Những vị đã thể nhập vào diệu đế”: với trí tuệ, vị ấy xóa tan bóng tối của vô minh và phiền não. Bậc thánh nhân thấy được chân lý rõ như ban ngày.
Chân lý hay các diệu đế ở đây là Tứ Diệu Đế.
“Được khéo thuyết giảng bởi bậc có trí huệ thâm sâu”: là Đức Thế Tôn với trí huệ thâm sâu, vô hạn lượng.
Ngài đã thuyết giảng chân lý bằng nhiều cách khác nhau: bằng cách phân tích hay tổng hợp, thuyết giảng vắn tắt hay rộng rãi.
Dòng kệ tiếp theo: “Chư vị đó dầu có chậm trễ đến mấy cũng không tái sanh đến kiếp thứ tám”.

Dòng kệ ngôn nầy có ý nghĩa như thế nào?

Ngay cả chư vị dầu đã là bậc thánh Nhập Lưu nhưng do không thể tập trung hết năng lực để thành đạt tiếp các quả vị cao hơn.
Vì đôi khi các vị phải lo toan quá nhiều phận sự như Đức Vua Chuyển Luân Thánh Vương hay các vị Thiên chủ.
Nhưng các Ngài đã có trí tuệ của bậc thánh đạo Nhập Lưu nên chỉ tái sanh đến kiếp sống thứ bảy ở cõi dục giới là thời hạn sau cùng.
Đến đó, chư vị phát triển tuệ quán và chứng đắc quả vị viên mãn là A La Hán quả.
Sau khi diễn giảng về bậc Thánh Nhập Lưu với lần tái sanh thứ bảy, Đức Thế Tôn tiếp tục khẳng định chân lý: “Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.

Lời kệ tán dương ân đức Tăng Bảo trên được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!

Như vậy câu kệ ngôn thứ chín nói lên sự cao quý như trân châu của Tăng Bảo. Ở đây là sự cao quý của bậc thánh nhân Nhập Lưu theo ba cấp bậc.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ MƯỜI

10. Sahāvassa dassana sampadāya, tayassu dhammā jahitā bhavanti;
Sakkāyadiṭṭhi vicikicchitañ ca, sīlabbataṃ vāpi yadatthi kiñci.
Catūhapāyehi ca vippamutto, cha cābhiṭhānāni abhabbo kātuṃ;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.
Nghĩa:
Cùng với sự thành tựu về tri kiến, ba pháp sau đây được đoạn trừ. Đó là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ.
Vị ấy đã giải thoát khỏi bốn cõi khổ và không hề vi phạm vào sáu điều.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành.
Giải thích:
Chúng ta đọc dòng đầu của câu kệ ngôn thứ mười: “Cùng với sự thành tựu về tri kiến, ba pháp sau đây được đoạn trừ”.
“Cùng với sự thành tựu về tri kiến” nghĩa là sự thành đạt thánh đạo Nhập Lưu hay thánh đạo Tu Đà Hườn.
Thánh đạo Nhập Lưu được gọi là tri kiến (dassana) vì đây là lần đầu vị hành giả thấy được Niết Bàn (Nibbāna), hay chứng đắc Niết Bàn lần đầu tiên.
“Ba pháp sau đây được đoạn trừ”: cùng với sự thành tựu tri kiến là sự từ bỏ hay đoạn trừ ba kiết sử.
“Đó là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ”.
Ở tầng thánh đạo Nhập Lưu, bậc thánh nhân trước hết đoạn trừ phiền não hay kiết sử là:
Kiết sử đầu tiên là thân kiến (sakkāyadiṭṭhi).
Thân kiến là hai mươi quan điểm liên quan đến thân thể tứ đại, tấm thân hiện hữu đại diện cho ngũ uẩn, liên quan đến sự chấp thủ.
Thân kiến có cả thảy hai mươi pháp. Đó là:
1. Sắc uẩn là tự ngã
2. Tự ngã là sắc uẩn
3. Sắc uẩn có ở trong tự ngã
4. Tự ngã có ở trong sắc uẩn
Ý nghĩa được hiểu tương tự đối với thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Cho nên có chung hai mươi pháp thân kiến là quan điểm sai lầm về thân nầy.
Khi kiết sử thân kiến được đoạn trừ, mọi quan điểm sai lầm đều được đoạn trừ theo, vì thân kiến là gốc rễ cho mọi quan điểm sai lầm.
Hoài nghi (vicikicchā) là phiền não hay kiết sử thứ hai.
Hoài nghi được ví như cơn bệnh mà thuốc chữa chính là trí huệ.
Có cả thảy tám pháp hoài nghi:
1. Hoài nghi Đức Thế Tôn
2. Hoài nghi Giáo Pháp
3. Hoài nghi Chư Tăng
4. Hoài nghi về điều học
5. Hoài nghi về quá khứ
6. Hoài nghi về tương lai
7. Hoài nghi về cả quá khứ lẫn tương lai, và
8. Hoài nghi về pháp Thập Nhị Nhân Duyên
Khi có ánh sáng của trí tuệ thì bóng tối của ngờ vực và hoài nghi đều biến mất.
Kiết sử thứ ba là giới cấm thủ.
Giới cấm thủ (sīlabbatā): sự chấp thủ sai lầm vào các pháp hành của những người ngoại đạo, như cách thực hành theo con chó, theo con bò; gọi là cẩu hành giả hay ngưu hành giả.
Các ngoại đạo thực hành theo hạnh lõa thể và rất nhiều việc làm kỳ dị khác. Nhưng họ lại nghĩ rằng làm như vậy sẽ được trong sạch và thanh tịnh.
Ở đây, thân kiến được đoạn trừ do hành giả thấy được sự khổ.
Hoài nghi được đoạn trừ do hành giả thấy được nguyên nhân của khổ, và
Giới cấm thủ được đoạn trừ do hành giả thấy được đạo siêu thế và Niết Bàn.
Chúng ta đọc tiếp dòng kệ ngôn: “Vị ấy đã giải thoát khỏi bốn cõi khổ”.
Nhờ đoạn trừ hoàn toàn ba kiết sử trên mà vị hành giả giải thoát khỏi bốn cõi khổ.
Dầu còn phải tái sanh trở lại cõi dục giới đến bảy lần, nhưng không lần nào bậc thánh giả phải sanh vào bốn cõi khổ. Đó là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và A tu la.
“Và không hề vi phạm vào sáu điều”.
Sáu điều nầy là hành động sai lầm rất nặng nề.
Bậc thánh nhân Nhập Lưu không bao giờ thực hiện sáu hành động nghiêm trọng sau:
1. Giết hại mẹ
2. Giết hại cha
3. Giết hại vị thánh nhân A La Hán
4. Làm chảy máu Đức Thế Tôn, và
5. Gây chia rẽ Chư Tăng
6. Tôn vinh một vị khác không phải là Đức Thế Tôn như là Bậc Đạo Sư
Năm pháp đầu trong sáu pháp nầy chúng ta thường nghe nói đến là “ngũ nghịch đại tội”.
Như lời kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh khẳng định: “Nầy các thầy Tỳ Kheo, không thể nào, và không bao giờ một vị thành tựu chánh kiến (bậc thánh nhân Nhập Lưu) có thể thực hiện sáu hành động nêu trên”.
Vì giới đức của bậc thánh nhân Nhập Lưu là tuyệt đối thanh tịnh, các Ngài không hề có tâm sát hại bất cứ loài chúng sanh hữu tình nào, dầu đó chỉ là con kiến bé nhỏ.
Còn hạng phàm nhân, những người không thành tựu tri kiến như chúng ta thì sao?
Người phàm khi đã dễ duôi rồi thì có thể vi phạm từ những điều ác nhỏ cho đến ngũ nghịch đại tội hay sáu điều nêu trên. Thật là nguy hiểm như trường hợp của Vua A Xà Thế hay Đề Bà Đạt Đa.
Trở lại với bậc thánh nhân Nhập Lưu. Các Ngài không hề vi phạm sáu điều trên trong kiếp sống hiện hữu. Khi tiếp tục sanh trở lại cõi dục giới, tối đa là bảy lần, chư vị cũng không hề vi phạm sáu điều nầy.
Có thể là trong các kiếp sống kế tiếp, bậc thánh giả không nhận thức được mình là bậc thánh Nhập Lưu, nhưng thánh chủng trong tâm thức sẽ ngăn chận các vị tuyệt đối không vi phạm sáu trọng tội nêu trên.
Do đó, Đức Thế Tôn đã từng nói thánh quả Nhập Lưu được xem là sự thành tựu cao quý hơn hẳn tất cả mọi sự thành tựu trong cuộc sống nầy, thậm chí đó là vương quyền hay địa vị thiên chủ.
Sau khi diễn giảng về đức hạnh cao quý bậc thánh nhân Nhập Lưu, Đức Thế Tôn tiếp tục khẳng định chân lý: “Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.
Lời kệ tán dương ân đức Tăng Bảo trên được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!
Như vậy, câu kệ ngôn thứ mười nói lên sự cao quý như trân châu của Tăng Bảo. Ở đây là đức tánh cao quý của bậc thánh nhân Nhập Lưu.

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN THỨ MƯỜI MỘT

11. Kiñcāpi so kammaṃ karoti pāpakaṃ, kāyena vācā uda cetasā vā;
Abhabbo so tassa paṭicchādāya, abhabbatā diṭṭhapadassa vuttā;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.
Nghĩa:
Nếu lỡ vi phạm hành động xấu bằng thân, khẩu hay ý, vị ấy sẽ không che dấu hành động đó.
Việc không che dấu như vậy là biểu hiện của bậc đã thấy pháp.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành.
Giải thích:
Câu kệ ngôn mười một nói lên đức tánh chân thật của bậc thánh nhân Nhập Lưu.
Theo như trong Luật Tạng, Vinaya Piṭaka, Đức Thế Tôn đã nói: “Một khi Như Lai đã chế định học giới cho các đệ tử, các đệ tử của Như Lai sẽ không bao giờ vi phạm các học giới đó, dầu điều đó có gây nguy hiểm đến tánh mạng”.
Chúng ta đọc dòng kệ ngôn đầu: “Nếu lỡ vi phạm hành động xấu bằng thân, khẩu hay ý”.
Nếu lỡ vi phạm hành động xấu bằng thân: đôi khi do thiếu chánh niệm, chư vị sẽ vi phạm những điều học trong giới bổn như thọ thực quá giờ quy định hay ngụ chung chỗ với vị sư chưa thọ đại giới v.v….
Đây là những điều học Ưng Đối Trị (Pācittiya) trong giới bổn Ba la đề mộc xoa của vị Tỳ Kheo.
Nếu vị ấy phạm phải hành động xấu bằng khẩu: tương tự như trên, vị ấy đôi khi dạy cho người chưa thọ đại giới đọc tụng các điều học trong giới bổn v.v….
Nếu vị ấy phạm phải hành động xấu bằng ý: đôi khi tâm của chư vị khởi lên tham dục, sân hận, hay quên đi việc quán tưởng trong khi thọ dụng tứ sự v.v….
Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Vị ấy sẽ không che dấu hành động đó”.
Khi bậc thánh nhân ý thức mình đã vi phạm những việc nói trên, vị ấy sẽ tự vấn: “Ôi! Đây là việc không cho phép nhưng ta lại vi phạm”.
Không hề che dấu lỗi lầm mà vị ấy sẽ tỏ bày ngay tức khắc đến các vị Thầy hay các thiện bằng hữu, thiện trí thức.
Rồi thực hiện pháp sám hối đúng theo Pháp, tự thúc liễm thân tâm, bậc trí có đức tánh cao quý như vậy sẽ lập nguyện để không tái phạm trong tương lai.
Dòng kệ ngôn tiếp: “Việc không che dấu như vậy là biểu hiện của bậc đã thấy pháp”.
Bậc đã thấy pháp, vị đã chứng ngộ Niết Bàn thì không hề che dấu những lỗi lầm như trên.
Vì sao vậy?
Bài Kinh Kosambiya thuộc Trung Bộ Kinh có ghi lại như sau:
“Nầy các thầy Tỳ Kheo, ví như một đứa bé khi chạm vào hòn than nóng sẽ tự động rút tay hay rụt chân lại; cũng vậy, đặc điểm của bậc có chánh kiến là một khi vi phạm lỗi lầm nào thì ngay tức khắc tỏ bày và trình lên cho vị Thầy của mình hay các thiện bằng hữu, thiện trí thức, và lập nguyện không để xảy ra điều tương tự trong tương lai”.
Đây chính là pháp tiến hóa trong Giáo Pháp của bậc thánh nhân.
Sau khi diễn giảng về đức hạnh cao quý bậc thánh nhân Nhập Lưu, Đức Thế Tôn tiếp tục khẳng định chân lý: “Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.
Lời kệ tán dương ân đức Tăng Bảo trên được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!
Như vậy câu kệ ngôn mười một nói lên sự cao quý như trân châu của Tăng Bảo. Ở đây là đức tánh chân thật, chánh trực của bậc thánh nhân Nhập Lưu.

↑ trở lên

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN MƯỜI HAI

12. Vanappagumbe yathā phussitagge, gimhānamāse paṭhamasmiṃ gimhe;
Tathūpamaṃ dhammavaraṃ adesayī , nibbānagāmiṃ paramaṃ hitāya;
Idampi Buddhe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

Nghĩa:
Như các bụi cây trong rừng thường trổ đầy hoa vào tháng đầu của mùa hạ; cũng vậy, Như Lai luôn giảng dạy Giáo Pháp cao quý;
Giáo Pháp hướng về Niết Bàn, đem lại lợi ích cao thượng.
Phật Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành.
Giải thích:
Thông qua câu kệ ngôn trên, Đức Thế Tôn tiếp tục tôn vinh giá trị cao quý của Tam Bảo. Ở đây Ngài nhắc đến sự tôn quý của Phật Bảo, liên quan đến Tam Tạng kinh điển được Ngài thuyết giảng.
Chúng ta đọc dòng kệ ngôn đầu: “Như các bụi cây trong rừng thường trổ đầy hoa vào tháng đầu của mùa hạ”.
Khi cơn mưa đầu mùa đến, vạn vật trong thiên nhiên như được tiếp thêm sức sống. Một hình ảnh ví dụ được dùng ở đây là cây cối sum suê hoa lá để so sánh với lời dạy của Đức Thế Tôn.
Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Như Lai luôn giảng dạy Giáo Pháp trân quý” nghĩa là Đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp một cách toàn hảo.
Và dòng kệ ngôn tiếp: “Giáo Pháp hướng về Niết Bàn, đem lại lợi ích cao thượng”.
Giáo Pháp của Bậc Đạo Sư được ví như những bụi cây trong rừng nở đầy hoa khi mưa thuận gió hòa.
Đó là lời giảng dạy được trình bày rõ ràng và chi tiết: đây là uẩn, đây là xứ, đây là giới, đây là sự thành tựu chánh niệm, chánh tinh tấn v.v…
Hay đây là giới uẩn thanh tịnh, định uẩn thanh tịnh và tuệ uẩn thanh tịnh.
“Đem lại lợi ích cao thượng”: Đức Thế Tôn thuyết giảng Giáo Pháp chỉ vì đem lại hạnh phúc giải thoát cho tất cả chúng sanh hữu tình, chớ không vì danh lợi và cung kính.
Sau khi so sánh giữa Giáo Pháp với cây rừng trổ đầy hoa, Đức Thế Tôn nói lên lời chân lý: “Phật Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.
Lời kệ tán dương ân đức Phật Bảo trên được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!
Như vậy, câu kệ ngôn mười hai nói lên ân đức cao quý của Phật Bảo trong việc truyền bá Chánh Pháp.


Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN MƯỜI BA

13. Varo varaññū varado varāharo, anuttaro dhammavaraṃ adesayī;
Idampi Buddhe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

Nghĩa:
Bậc cao quý, bậc biết điều rõ cao quý, bậc truyền trao điều cao quý, bậc đem đến điều cao quý;
Bậc vô thượng thuyết giảng Giáo Pháp cao thượng.
Phật Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành.
Câu kệ ngôn mười ba trình bày siêu thế pháp.
Chúng ta đọc dòng đầu tiên của kệ ngôn: “Bậc cao quý, bậc biết điều rõ cao quý, bậc truyền trao điều cao quý, bậc đem đến điều cao quý”.

Tập sách chú giải Paramatthajotikā giải thích dòng kệ ngôn trên theo nhiều nghĩa như sau:

1. Nhóm nghĩa thứ nhất
Bậc cao quý (varo): bậc có nhiều đức tính tốt đẹp, cao quý bậc nhất, ở đây để chỉ cho Đức Thế Tôn.
Bậc biết điều rõ cao quý (varaññū): là bậc tôn quý biết rõ về Niết Bàn (Nibbāna). Niết Bàn là pháp cao quý nhất trong tất cả các pháp. Đức Thế Tôn đã biết rõ về Niết Bàn khi Ngài thiền định dưới cội Bồ Đề.
Bậc truyền trao điều cao quý (varado): Đức Thế Tôn là Bậc Pháp Vương cao quý bậc nhất. Ngài giảng dạy Giáo Pháp đến nhóm năm vị Kiều Trần Như, đến những người hữu duyên, đến các vị đạo sĩ bện tóc, đến toàn thể Chư Thiên và nhân loại. Đức Thế Tôn giảng dạy Giáo Pháp đem lại hạnh phúc đời nầy, hạnh phúc đời vị lai và hạnh phúc cao thượng là Niết Bàn.
Bậc đem đến điều cao quý (varāharo): Đức Thế Tôn đem lại hay chỉ dạy con đường cao quý nhất là Bát Chánh Đạo.
Khởi đầu từ lúc phát nguyện dưới chân Đức Phật Tổ Nhiên Đăng (Dīpaṅkara Buddha), Ngài đã huân tập đầy đủ ba mươi pháp Ba La Mật (Pāramī) và lần theo con đường xa xưa, được khai phá bởi Chư Phật Toàn Giác trong quá khứ.

2. Nhóm nghĩa thứ hai
Đức Thế Tôn là bậc cao quý vì Ngài thành tựu trí tuệ Toàn Tri.
Đức Thế Tôn là bậc biết rõ điều cao quý vì Ngài đã chứng ngộ Niết Bàn.
Đức Thế Tôn là bậc truyền trao điều cao quý vì Ngài giảng dạy hạnh phúc giải thoát cho tất cả chúng sanh.
Đức Thế Tôn là bậc đem đến điều cao quý vì Ngài giảng dạy sự thực hành tuyệt hảo nhất.

3. Nhóm nghĩa thứ ba
Đức Thế Tôn là bậc cao quý vì Ngài là bậc thành tựu sự an tịnh.
Đức Thế Tôn là bậc biết rõ điều cao quý vì Ngài là bậc thành tựu trí huệ.
Đức Thế Tôn là bậc truyền trao điều cao quý vì Ngài là bậc thành tựu sự giải thoát.
Đức Thế Tôn là bậc đem đến điều cao quý vì Ngài là bậc thành tựu chân lý.

4. Nhóm nghĩa thứ tư
Đức Thế Tôn là bậc cao quý vì Ngài là bậc viên mãn phước đức.
Đức Thế Tôn là bậc biết rõ điều cao quý vì Ngài là bậc hoàn hảo về trí huệ.
Đức Thế Tôn là bậc truyền trao điều cao quý vì Ngài truyền dạy pháp thực hành để thành đạt quả vị Phật Toàn Giác cho những ai hướng tâm đến.
Đức Thế Tôn là bậc đem đến điều cao quý vì Ngài truyền dạy pháp thực hành để thành đạt quả vị Phật Độc Giác cho những ai hướng tâm đến.
Đức Thế Tôn là bậc đem đến điều cao quý vì Ngài truyền dạy pháp thực hành để thành đạt quả vị Thinh Văn Giác cho những ai hướng tâm đến.

Như vậy, dòng kệ ngôn: “Bậc cao quý, bậc biết điều rõ cao quý, bậc truyền trao điều cao quý, bậc đem đến điều cao quý” được giải thích với bốn nhóm ý nghĩa.
Chúng ta đọc tiếp dòng kệ ngôn: “Bậc vô thượng thuyết giảng Giáo Pháp cao thượng”.
Bậc vô thượng (anuttaro): Đức Thế Tôn là bậc vô thượng vì không một ai trong tam giới có thể vượt qua Ngài liên quan đến các phẩm chất nêu trên.
Cũng như không có một ai có thể so sánh với Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn là bậc thầy của toàn thể Chư Thiên và nhân loại, Thiên Nhân Sư.
Câu kệ ngôn mười ba mô tả chi tiết sự cao quý của siêu thế pháp, bao gồm chín pháp: bốn đạo siêu thế, bốn quả siêu thế và Niết Bàn. Đây chính là pháp siêu xuất thế gian.
Đức Thế Tôn tiếp tục nói lên chân lý: “Phật Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.
Lời kệ tán dương ân đức Phật Bảo được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!
Câu kệ ngôn mười ba nói lên ân đức cao quý của Phật Bảo trong việc truyền bá siêu thế pháp.

Ý NGHĨA CÂU KỆ NGÔN MƯỜI BỐN

14. Khīṇaṃ purāṇaṃ navaṃ natthi sambhavaṃ, viratta cittā āyatike bhavasmiṃ;
Te khīṇabījā avirūḷhichandā, nibbanti dhīrā yathāyaṃ padīpo;
Idampi saṅghe ratanaṃ paṇītaṃ, etena saccena suvatthi hotu.

Nghĩa:
Nghiệp lực cũ đã chấm dứt, nghiệp lực mới không phát sanh, tâm của chư vị không ưa thích việc tái sanh trong tương lai.
Hạt giống đã bị phá hủy, lòng tham muốn đời sống không còn nữa, bậc trí như vậy thường viên tịch giống như một ngọn đèn tắt vậy.
Tăng Bảo là trân châu vô thượng. Do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành.
Câu kệ ngôn mười bốn được xem là câu kệ kết thúc bài Kinh Ratana Sutta, Kinh Châu Báu.
“Nghiệp lực cũ đã chấm dứt, nghiệp lực mới không phát sanh, tâm của chư vị không ưa thích việc tái sanh trong tương lai”.
Nghiệp lực cũ đã chấm dứt: những nghiệp lực tạo tác trong đời sống quá khứ đã không còn hiệu lực.
Nghiệp lực mới không phát sanh: nghiệp lực dẫn dắt đến một đời sống mới cũng không có.
Tâm của chư vị không ưa thích việc tái sanh trong tương lai: tâm của các bậc thánh nhân không còn thích thú đến các đời sống mới tiếp diễn.
Dòng kệ ngôn tiếp theo: “Hạt giống bị phá hủy, lòng tham muốn đời sống không còn nữa, bậc trí như vậy thường viên tịch giống như một ngọn đèn tắt vậy”.
Hạt giống bị phá hủy: nhân tạo tác nên đời sống mới không còn nữa.
Lòng tham muốn đời sống không còn nữa: không còn ham thích trong việc tái sanh.
Bậc trí như vậy thường viên tịch giống như một ngọn đèn tắt vậy: chư vị Tỳ Kheo với lậu hoặc đoạn tận, viên mãn trí huệ.
Chư vị Thánh nhân mà nghiệp lực cũ đã đoạn tận, nghiệp lực mới không còn phát sanh, và tâm của các Ngài rất nhàm chán trong việc tái sanh.
Các Ngài ra đi nhẹ nhàng thanh thản, viên tịch giống như một ngọn đèn tắt vậy!
Đối với người phàm chúng ta, nghiệp lực cũ trong quá khứ đã phát sanh và kết thúc.
Tuy nhiên, nguyên nhân cho sự tiếp tục trong vòng luân hồi là lòng tham ái vẫn còn, cho nên dòng nghiệp lực vẫn không chấm dứt. Nó có khả năng tái tạo nên một đời sống mới.
Nhưng khi nguyên nhân là lòng tham ái đã bị đốt cháy bởi thánh đạo A La Hán thì nghiệp cũ chấm dứt, giống như hạt giống khi bị đốt cháy thì không còn khả năng nảy sanh mầm sống.
Còn hiện tại những gì xảy đến cho các Ngài được gọi là nghiệp lực mới, những nghiệp lực nầy không có khả năng trổ quả trong tương lai nữa vì tham ái đã bị đoạn tận, giống như cỏ dại đã bị nhổ tận gốc rễ.
Với những bậc Tỳ Kheo mà lậu hoặc đoạn tận, tham ái đã bị trừ diệt rồi, thì tâm thức của các Ngài không còn ưa thích đời sống tương lai.
Chúng ta liên hệ một đoạn kinh trong Tăng Chi Bộ Kinh mô tả:
“Nghiệp lực là cánh đồng, tâm thức tái sanh là hạt giống. Khi hạt giống đã trừ diệt thì nghiệp lực cũng tiêu tan, khi đó lòng ham muốn trong đời sống không còn nữa.
Với sự chấm dứt của sát na tâm cuối cùng, bậc thánh nhân viên tịch giống như một ngọn đèn vừa tắt”.
Lúc Đức Thế Tôn thuyết giảng đến pháp vô dư y Niết Bàn thì có một ngọn đèn trong ngôi giảng đường chợt tắt.
Cho nên Ngài dùng chính ví dụ trên để mô tả sự viên tịch của bậc thánh nhân A La Hán. Đó được gọi pháp vô dư y Niết Bàn.
Đức Thế Tôn kết thúc bài pháp với lời tán dương ân đức Tăng Bảo như sau: “Tăng Bảo là trân châu vô thượng; do lời chân ngôn nầy, hãy thành tựu mọi điều an lành”.
Lời kệ tán dương ân đức Tăng Bảo trên được toàn thể Chư Thiên, Phạm Thiên trong mười muôn triệu thế giới Sa bà đồng thanh tán thành: Sādhu! Sādhu! Sādhu: Lành thay! Lành thay! Lành thay!
Ngay khi Đức Thế Tôn kết thúc bài kinh, sự an lành lại trở về với toàn thể cư dân thành Vesālī, mọi dịch bệnh đều tiêu trừ.
Ngay lúc đó, có cả thảy 84.000 chúng sanh thể nhập vào Giáo Pháp, chứng đắc quả vị Nhập Lưu.
Kệ ngôn mười hai nói đến ân đức Pháp Bảo bao gồm Tam Tạng kinh điển.
Kệ ngôn mười ba tán thán ân đức Pháp Bảo là pháp siêu xuất thế gian (bốn đạo, bốn quả và Niết Bàn).
Câu kệ ngôn mười bốn tán dương ân đức Tăng Bảo. Đó là các bậc liễu thông kinh điển, thực hành đúng theo những gì các Ngài đã thông suốt, và thành đạt được pháp siêu xuất thế gian.
Như vậy, ba câu kệ ngôn ở phần cuối kết hợp lại để đúc kết bài kinh một cách hoàn hảo.

↑ trở lên

BA CÂU KỆ NGÔN CUỐI

15. Yānīdha bhūtāni samāgatāni, bhummāni vā yāni va antalikkhe;
Tathāgataṃ devamanussapūjitaṃ, Buddhaṃ namassāma suvatthi hotu.
16. Yānīdha bhūtāni samāgatāni, bhummāni vā yāni va antalikkhe;
Tathāgataṃ devamanussapūjitaṃ, Dhammaṃ namassāma suvatthi hotu.
17. Yānīdha bhūtāni samāgatāni, bhummāni vā yāni va antalikkhe;
Tathāgataṃ devamanussapūjitaṃ, Saṅghaṃ namassāma suvatthi hotūti.


Nghĩa:

15. Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên; chúng con thành kính đảnh lễ Như Lai Phật.
Bậc được toàn thể Chư Thiên và nhân loại tôn kính; mong cho mọi điều an lành!

16. Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên; chúng con thành kính đảnh lễ Như Lai Pháp.
Bậc được toàn thể Chư Thiên và nhân loại tôn kính; mong cho mọi điều an lành!

17. Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên; chúng con thành kính đảnh lễ Như Lai Tăng.
Bậc được toàn thể Chư Thiên và nhân loại tôn kính; mong cho mọi điều an lành!

Vị Thiên Chủ Đế Thích (Sakka) đã đọc lên ba câu kệ ngôn trên để tán dương ân đức vô lượng của Tam Bảo.
Khi Đức Thế Tôn vừa kết thúc thời giảng kinh, vị Thiên Chủ Đế Thích suy nghĩ:
“Do nói lên lời chân lý dựa trên ân đức ba ngôi Tam Bảo, Đức Thế Tôn đã đem lại sự bình an cho thành Vesālī. Ta phải noi theo gương lành của Đức Thế Tôn”.
Rồi vị Thiên Chủ đã nói lên ba câu kệ ngôn trên. Ý nghĩa của ba câu kệ ngôn nầy đã được trình bày trong các bài viết trước.
Có một danh xưng chúng ta cần tìm hiểu thêm, đó là Như Lai. Thường thì danh xưng Như Lai chỉ để tôn vinh Đức Phật.
Chúng ta đọc câu kệ ngôn 15:
“Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên; chúng con thành kính đảnh lễ Như Lai Phật.
Bậc được toàn thể Chư Thiên và nhân loại tôn kính; mong cho mọi điều an lành”.
Như Lai theo từ Pāli là Tathāgata.
Tathāgata có nghĩa là vị đã đi như vậy (he has gone thus), vị đã đến như vậy (he has come thus).
Ở trong văn cảnh nầy, Đức Thế Tôn đã đi như vậy có nghĩa là Ngài đã đi đến thành Vesālī và đem lại sự an lành cho toàn thể cư dân trong thành.
Đức Thế Tôn đã đến như vậy có nghĩa là Ngài đã đến theo cách câu chuyện đã được kể lại.
Hơn nữa, Như Lai có nghĩa vị đã hiểu theo cách hiểu đặc biệt.
Như Lai có nghĩa là vị đã biết theo cách biết đặc biệt.
Như Lai có nghĩa là vị mà lời nói ra luôn chính xác, không sai chạy.
Khi Đức Thế Tôn cầu chúc cho thành Vesālī sự an lành thì mọi tai họa của thị dân đều tan biến.
Do đó, trong câu kệ ngôn 15, từ Như Lai được viết kết hợp với Đức Phật: “Tathāgataṃ Buddhaṃ”: Như Lai Phật.
Chúng ta đọc tiếp câu kệ ngôn 16:
“Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên; chúng con thành kính đảnh lễ Như Lai Pháp.
Bậc được toàn thể Chư Thiên và nhân loại tôn kính; mong cho mọi điều an lành”.
Ý nghĩa ở đây cũng được hiểu tương tự như câu kệ ngôn trên.
Nhưng từ Như Lai ở đây vẫn được dùng chung với Pháp Bảo là Như Lai Pháp: “Tathāgataṃ Dhammaṃ”.
Thường thì chúng ta chỉ đọc là Như Lai Phật, chứ ít có ai đọc là Như Lai Pháp hay Như Lai Tăng.
Ở đây, bản chú giải Paramatthajotikā giải thích như sau:
Câu kệ ngôn vẫn dùng từ “Như Lai Pháp” để tôn vinh giá trị cao quý của Pháp Bảo, có nghĩa là Pháp đã đi như vậy, Pháp đã đến như vậy.
Một vị hành giả có thể diệt trừ được cả một khối phiền não trong tâm nhờ vị ấy đã đi như vậy, đã thực hành đúng theo Pháp, đã kết hợp cả hai năng lực của thiền chỉ và thiền quán.
Đây là ý nghĩa của Pháp đã đi như vậy.
Và Pháp đã đến như vậy có nghĩa là với trí tuệ vị hành giả chứng đắc được Niết Bàn như Chư Phật và chư vị thánh nhân khác đã chứng đắc.
Và câu kệ ngôn cuối, kệ ngôn 17:
“Bất luận chúng sanh nào đã tụ hội về đây, dầu là Thiên tiên hay Địa tiên; chúng con thành kính đảnh lễ Như Lai Tăng.
Bậc được toàn thể Chư Thiên và nhân loại tôn kính; mong cho mọi điều an lành”.
Ý nghĩa câu kệ ngôn nầy cũng tương tự như hai câu kệ ngôn trên.
Ở đây, lại có danh xưng “Như Lai Tăng”, Tathāgataṃ Saṅghaṃ. Chính là để tôn vinh giá trị cao quý của Tăng Bảo, có nghĩa là Chư Tăng đã đi như vậy, Chư Tăng đã đến như vậy.
Chư Tăng đã đi như vậy có nghĩa là Chư Tăng đã thực hành đúng đắn theo Giáo Pháp.
Chư Tăng đã đến như vậy có nghĩa là Chư Tăng đã thành tựu được siêu thế pháp: bốn đạo, bốn quả và Niết Bàn.
Khi vị Thiên Chủ Đế Thích đọc xong ba câu kệ ngôn cuối, Thiên Chủ liền đi nhiễu xung quanh Đức Thế Tôn rất cung kính, rồi cùng với đoàn tùy tùng của Ngài trở về cõi trời Đao Lợi.
Vào ngày tiếp theo, Đức Thế Tôn tiếp tục thuyết giảng bài Kinh Châu Báu. Khi pháp hội kết thúc, có 84.000 chúng sanh thể nhập vào Giáo Pháp, chứng đắc quả vị Nhập Lưu.
Ngài thuyết giảng như vậy liên tục trong bảy ngày. Và sau mỗi kỳ pháp hội, có 84.000 chúng sanh hữu duyên đều thể nhập vào Giáo Pháp.

↑ trở lên


Bài giảng

  • Rằm Tháng hai
  • Kinh Con Rắn
  • Rằm Tháng Ba
  • Kinh Dhaniya
  • Đại Lễ Vesak 2566
  • Kinh Tê Giác
  • Tứ Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Năm
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Kinh Kasi Bharadvaja
  • Rằm Tháng Chín
  • Rằm Tháng Mười
  • Rằm tháng Mười Một
  • Kinh Bāhiya
  • Rằm tháng Chạp
  • Rằm Tháng Giêng
  • Kinh Từ Bi (Metta Sutta)
  • Kinh Đại Niệm Xứ
  • Rằm Tháng Hai (2)
  • Kinh Châu Báu (Ratana Sutta)
  • Rằm Tháng Ba (2)
  • Lễ Vesak 2567
  • Rằm Tháng Năm (2)
  • Chuyện thành Vesāli
  • Kinh Hạnh Phúc
  • Rằm Tháng Sáu
  • Rằm Tháng Bảy
  • Rằm Tháng Tám
  • Rằm Tháng Chín
  • Kinh Āḷavaka
  • Kinh Dhammika
  • Kinh Pabbajjā
  • Padhāna sutta
  • Bản PDF


    Pāli


    English


    → Sơ đồ & Hình ảnh tóm lược


    Sưu tầm & Ghi chú


    © www.phapbaotu.com