Kinh Kāma- KINH KĀMA SUTTA
- NGUYÊN VĂN PĀLI
- CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO KINH KĀMA SUTTA
- TÌM HIỂU NỘI DUNG BÀI KINH KĀMA SUTTA
↑ trở lên KINH KĀMA SUTTA
1. Khi một người tham muốn dục lạc đạt được điều mong muốn, chắc chắn người đó sẽ rất vui mừng.
2. Khi dục lạc đầy đủ, người đó sẽ phát khởi lòng tham muốn; nhưng khi dục lạc mất đi họ sẽ đau khổ dường như bị mũi dao đâm vào tim.
3. Người tránh xa dục lạc giống như bàn chân tránh xa đầu của con rắn; với chánh niệm, người ấy vượt ra khỏi sự dính mắc vào thế gian.
4. Một người ham muốn mãnh liệt các đối tượng như ruộng nương, đất đai, vàng bạc, trâu bò, đầy tớ và người hầu, phụ nữ cùng thân quyến.
5. Tham dục sẽ xâm chiếm người ấy, rồi tai họa ập đến, khổ đau sẽ theo liền giống như nước tràn vào chiếc thuyền bị đắm.
6. Do đó, với chánh niệm hãy từ bỏ dục lạc. Từ bỏ để vượt qua cơn nước lũ, giống như người tát nước ra khỏi thuyền để đến bờ bên kia an toàn.
↑ trở lên NGUYÊN VĂN PĀLI
1. Kāmaṃ kāmayamānassa, tassa ce taṃ samijjhati;
Addhā pītimano hoti, laddhā macco yadicchati.
2. Tassa ce kāmayānassa, chandajātassa jantuno;
Te kāmā parihāyanti, sallaviddhova ruppati.
3. Yo kāme parivajjeti, sappasseva padā siro;
Somaṃ visattikaṃ loke, sato samativattati.
4. Khettaṃ vatthuṃ hiraññaṃ vā, gavassaṃ dāsaporisaṃ;
Thiyo bandhū puthu kāme, yo naro anugijjhati.
5. Abalā naṃ balīyanti, maddantenaṃ parissayā;
Tato naṃ dukkhamanveti, nāvaṃ bhinnamivodakaṃ.
6. Tasmā jantu sadā sato, kāmāni parivajjaye;
Te pahāya tare oghaṃ, nāvaṃ sitvāva pāragūti.
GIỚI THIỆU PHẨM AṬṬHAKAVAGGA, KINH PHẨM TÁM
Phẩm Aṭṭhakavagga, Kinh Phẩm Tám thuộc chương thứ tư trong Kinh Tập (Tiểu Bộ Kinh).
Phẩm Aṭṭhakavagga bao gồm 16 bài kinh bằng thể thơ, bắt đầu với bài kinh Kāma Sutta. Số câu kệ ngôn được tăng dần từ bài kinh thứ nhất cho đến bài cuối.
Từ Pāli “Aṭṭhakavagga” được dịch là “Phẩm tám” với ý nghĩa phẩm kinh nầy có bốn bài kinh với hình thức là 8 câu kệ ngôn.
16 bài kinh được xem là những bản kinh cổ xưa nhất, chuyển tải chân thực giáo nghĩa sâu xa của con đường giải thoát. Kinh Cảm Hứng Ngữ (Tiểu Bộ Kinh) có ghi lại là Tôn giả Sona đã đọc tụng 16 bài kinh trong Phẩm Aṭṭhakavagga cho Đức Thế Tôn nghe, và được Ngài đặc biệt khen ngợi. Do đó, 16 bài kinh trên là bản kinh nhật tụng cổ xưa nhất của Phật giáo nguyên thủy. ↑ trở lên CÂU CHUYỆN DẪN NHẬP CHO KINH KĀMA SUTTA
Câu chuyện diễn ra khi Đức Thế Tôn đang ngự ở thành Sāvatthī.
Lúc đó có một vị Bà la môn đang canh tác trên đồng ruộng của ông ta. Thửa ruộng của ông Bà la môn nằm ở khu vực giữa Chùa Kỳ Viên và bờ sông Aciravatī.
Một hôm Đức Thế Tôn cùng với chư Tỳ Kheo Tăng đi khất thực. Ngài thấy vị Bà la môn đang canh tác và biết trước mùa màng của ông ta năm nay sẽ thất bát. Đồng thời, Ngài quán xét thấy nhân duyên của vị Bà la môn đã hội đủ để chứng đắc thánh quả Nhập Lưu.
Đức Thế Tôn đi đến gần vị Bà la môn và hỏi:
_ Nầy Bà la môn, ông đang làm gì đó?
Được Đức Thế Tôn hỏi thăm, ông Bà la môn rất vui nên trả lời:
_ Thưa Tôn giả Gotama, tôi đang cày ruộng rồi gieo hạt.
Thế rồi, một ngày nọ trên con đường khất thực đi về lại Chùa Kỳ Viên, Đức Thế Tôn lại đến bên vị Bà la môn và nói:
_ Năm nay hoa màu của ông trông thật là tốt.
Ông ta trả lời:
_ Thưa Tôn giả Gotama, đúng như lời Tôn giả nói. Nếu lần này trúng mùa tôi sẽ cúng dường phần lúa đến cho Ngài.
Bốn tháng sau, lúa bắt đầu chín. Ông Bà la môn rất đỗi vui mừng, ông ta suy tính: “Ta sẽ gặt lúa hôm nay hoặc là ngày mai”.
Nhưng rủi ro một trận mưa lớn kéo đến, mưa tầm tã suốt đêm. Nước ở sông Aciravatī dâng lên cao rồi cuốn trôi hết hoa màu của ông Bà la môn.
Tối hôm đó ông Bà la môn rất lo lắng trước trận mưa như trút nước, nên tờ mờ sáng hôm sau ông vội đi nhanh ra cánh đồng. Ông ta không tin vào mắt mình nữa khi toàn bộ gia sản của ông đã trôi hết theo dòng nước.
Ông Bà la môn lòng buồn vô hạn: “Ôi, như vầy làm sao tôi có thể sống nữa đây!”.
Khi đêm dần trôi qua, Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quan sát khắp thế gian và biết được đã đến lúc Ngài tế độ cho ông.
Lần nầy khi vào thành Sāvatthī khất thực, Đức Thế Tôn đến đứng nơi nhà của ông Bà la môn. Ông ta đón lấy bình bát của Đức Thế Tôn, chuẩn bị một chỗ ngồi rồi kính thỉnh Đức Thế Tôn ngồi.
Dẫu biết rõ sự tình, Đức Thế Tôn vẫn hỏi:
_ Nầy Bà la môn, sao hôm nay ông trông có vẻ khổ sở, tiều tụy quá vậy?
_ Thưa Tôn giả Gotama, lúa của con đã bị nước lũ cuốn trôi hết.
Đức Thế Tôn chậm rãi nói:
_ Không nên quá buồn bã khi thất bại cũng không nên quá vui mừng khi thành công. Cuộc đời không lúc nào cũng được như ý muốn.
Rồi Đức Thế Tôn bắt đầu thuyết giảng bài pháp Kāma Sutta cho ông Bà la môn nghe.
↑ trở lên TÌM HIỂU NỘI DUNG BÀI KINH KĀMA SUTTA
Bài kinh đầu tiên trong Phẩm Aṭṭhakavagga là Kinh Kāma Sutta, Kinh Tham Dục.
Đức Thế Tôn thuyết giảng bài kinh nầy cho ông Bà la môn bị hư hại hết hoa màu.
Bài kinh có cả thảy 6 câu kệ ngôn.
CÂU KỆ NGÔN THỨ NHẤT
1. Khi một người tham muốn dục lạc đạt được điều mong muốn, chắc chắn là người đó sẽ rất vui mừng.
Dục lạc là những gì đáng ưa thích, điều làm cho chúng ta thích ý, vừa lòng.
Dục lạc có hai phân loại:
a. đối tượng dục lạc: sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái.
Đó có thể là tài sản vật chất thế gian, ruộng nương, đất đai, vàng bạc, châu báu v.v…
Có thể là dục lạc ở cõi người hay dục lạc ở các cõi trời. Đối tượng dục lạc tạo nên sự tham ái, ham muốn, luyến ái hay say đắm.
b. phiền não dục lạc: đó là lòng tham muốn các đối tượng dục lạc nêu trên.
Đó là sự mong muốn, luyến ái, tham ái, mê say, bám chặt vào, sự chấp thủ vào các đối tượng dục lạc.
Khi một người thành tựu được một điều mong muốn nào đó, gồm cả hai yếu tố đối tượng và phiền não dục lạc, thật dễ hiểu là người đó sẽ rất hân hoan, vui mừng.
CÂU KỆ NGÔN THỨ HAI
2. Khi dục lạc đầy đủ, người đó rất vui mừng; nhưng khi dục lạc mất đi họ sẽ đau khổ dường như bị mũi dao đâm vào trong tim.
Khi hai yếu tố dục lạc nêu trên có mặt đầy đủ, chúng sanh sẽ rất hân hoan, vui mừng, mê say và tham đắm.
Nhưng khi những yếu tố đó bị mất đi thì sao?
Dục lạc mất đi trong hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất có thể là tài sản bị mất mát do thiên tai, trộm cướp, bị tịch thâu, bị lửa đốt cháy hay bị nước cuốn trôi.
Trong câu chuyện dẫn nhập ông Bà la môn bị mất trắng số hoa màu canh tác do lũ lụt.
Trường hợp thứ hai là người sở hữu tài sản, sở hữu chủ của đối tượng dục lạc có thể gặp tai nạn hay tử vong.
Nhưng khi dục lạc mất đi họ sẽ đau khổ dường như bị mũi dao đâm vào trong tim.
Ông Bà la môn vô cùng đau khổ khi trận lụt cuốn trôi hết hoa màu. Ông đau khổ đến tột cùng dường như đang có một con dao nhọn đâm thấu vào tim ông.
Đó chính là ý nghĩa khi các hình thức dục lạc bị tiêu hoại, trong tâm của chúng sanh chắc chắn sẽ phát sanh lên tâm trạng đau đớn, buồn rầu, thống khổ.
CÂU KỆ NGÔN THỨ BA
3. Người tránh xa dục lạc giống như bàn chân tránh xa đầu của con rắn; với chánh niệm, người ấy vượt khỏi sự dính mắc vào thế gian.
Dòng kệ ngôn đầu trong câu kệ thứ ba dùng hình ảnh ví dụ bàn chân tránh xa đầu con rắn.
Như một người muốn sống, không muốn chết, không muốn đau khổ nếu đi đâu mà gặp phải con rắn độc thì phải ngay tức khắc tránh cho thật xa.
Cũng vậy, người mong muốn điều an lạc cũng phải tránh xa các dục.
Nhưng tránh xa các dục như thế nào?
Vị hành giả tránh xa hay từ bỏ các dục bằng hai phương cách: chế ngự và đoạn trừ.
a. tránh xa các dục bằng cách chế ngự (vikkhambhaṇa)
Để chế ngự các dục, vị hành giả quán xét thấy được các dục ví như khúc xương khô, có nghĩa là các dục thường đem lại ít sự thỏa mãn.
Các dục được ví như miếng thịt, vì các dục chia sẻ bởi số đông.
Các dục được ví như bó đuốc cỏ khô với ý nghĩa là thiêu đốt.
Các dục được ví như hố than hừng với ý nghĩa là nóng bức.
Các dục được ví như giấc mộng với ý nghĩa là ảo ảnh, phù du.
Các dục được ví như đồ vật vay mượn với ý nghĩa là tạm thời.
Các dục được ví như hoa quả ở trên cây với ý nghĩa là sự tan vỡ.
Các dục được ví như lò sát sanh với ý nghĩa là sự tàn sát.
Các dục được ví như mũi lao nhọn với ý nghĩa là đâm thủng.
Các dục được ví như đầu rắn với ý nghĩa là sự nguy hiểm.
Các dục được ví như đống lửa với ý nghĩa là sự nóng bức.
Vị hành giả quán xét được như vậy thì sẽ chế ngự được sự hấp dẫn của các dục.
Hơn thế nữa, vị hành giả chế ngự các dục bằng cách tu tập tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm bố thí, tùy niệm Chư Thiên, tu tập niệm hơi thở, niệm sự chết, niệm thân hành, suy niệm về Niết Bàn.
Lại nữa vị hành giả chế ngự các dục bằng cách tu tập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, tu tập thiền không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ.
b. tránh xa các dục bằng cách đoạn trừ (samuccheda)
Để đoạn trừ các dục, vị hành giả tu tập đạo Nhập Lưu, nhờ đó bậc thánh giả tránh xa các dục đưa đến khổ cảnh.
Vị hành giả tu tập đạo Nhất Lai, nhờ đó bậc thánh giả tránh xa được các dục thô thiển.
Vị hành giả tu tập đạo Bất Lai, nhờ đó bậc thánh giả tránh xa được các dục vi tế.
Vị hành giả tu tập đạo A La Hán, nhờ đó bậc thánh giả tránh xa hoàn toàn được các dục, đoạn trừ tất cả các dục, không còn chút dư sót.
Trên đây là phương cách mà vị hành giả Phật giáo chế ngự và đoạn trừ các dục.
Chúng ta đọc tiếp dòng kệ ngôn thứ hai:
Với chánh niệm, người ấy vượt khỏi sự dính mắc vào thế gian.
Với chánh niệm: vị hành giả chánh niệm hay là người có niệm nhờ tu tập theo các pháp như sau.
Niệm thân trên thân, niệm thọ trên các thọ, niệm tâm trên tâm, niệm pháp trên các pháp.
Vị hành giả có niệm nhờ tránh xa sự thất niệm, huân tập các pháp để thành tựu niệm, tránh xa các pháp là chướng ngại cho niệm, và không lãng quên các nguyên tắc của tâm niệm.
Hơn nữa, vị hành giả có niệm nhờ sự thành tựu niệm, sự an trú niệm, sự thuần thục niệm, và không suy giảm niệm.
Hơn nữa, vị hành giả có niệm nhờ tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, … suy niệm về Niết Bàn.
Nhờ tu tập theo các pháp phát triển niệm như vậy mà vị hành giả vượt khỏi sự dính mắc vào thế gian.
Thế gian (loke) là để chỉ cho khổ cảnh, cõi người, cõi Chư Thiên, Phạm Thiên.
Thế gian chính là các uẩn, các xứ và các giới.
Sự dính mắc vào thế gian: đó chính là sự tham ái, luyến ái, sự say đắm, đắm nhiễm, quyến luyến, chấp thủ v.v….
Đó là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
Đó là sự tham muốn về sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái.
Đó là dòng nước lũ, sự trói buộc, sự chướng ngại, sự ô nhiễm.
Đó là cội nguồn của khổ, căn nguyên của khổ, nguồn sanh khổ.
Đó là cạm bẫy của Ma vương, là lãnh địa của Ma vương.
Đó là dòng sông ái dục, là biển ái dục, là tham dục, là gốc rễ của pháp bất thiện.
Như vậy, chính nhờ tu tập về chánh niệm mà vị hành giả có thể vượt khỏi sự dính mắc vào thế gian nầy.
Chúng ta có thể vượt qua được sự trầm luân trong thế gian khổ ải nầy bằng cách tu tập thiện pháp là chánh niệm và tỉnh giác.
CÂU KỆ NGÔN THỨ TƯ
4. Một người ham muốn mãnh liệt các đối tượng dục lạc như ruộng nương, đất đai, vàng bạc, trâu bò, đầy tớ và người hầu, phụ nữ cùng thân quyến.
Câu kệ ngôn thứ tư mô tả tình trạng chúng sanh tham đắm vào các đối tượng dục lạc.
CÂU KỆ NGÔN THỨ NĂM
5. Tham dục sẽ xâm chiếm người ấy, rồi tai họa ập đến, khổ đau sẽ theo liền giống như nước tràn vào chiếc thuyền bị đắm.
Tham dục sẽ xâm chiếm người ấy: khi một người tham ái các đối tượng dục lạc như ruộng nương, đất đai v.v… thì phiền não dục lạc sẽ phát sanh lên trong tâm của người ấy.
Đó là sự mong muốn, mê say, bám chặt vào, sự chấp thủ vào các đối tượng dục lạc.
Rồi tai họa ập đến: những điều không hay, rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Có thể là tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo, tài sản tiêu vong.
Hoặc có thể là các ác, bất thiện pháp sẽ phát sanh lên trong tâm của người tham đắm vào đối tượng dục lạc.
Khổ đau sẽ theo liền người ấy giống như nước tràn vào chiếc thuyền bị đắm: Sự khổ đau, các trạng thái tâm lý không được như ý như sầu, bi, khổ, ưu, não sẽ theo sát bên người tham đắm vào các đối tượng dục lạc, như nước tràn vào tứ phía của một chiếc thuyền đang tan vỡ.
CÂU KỆ NGÔN THỨ SÁU
6. Do đó, với chánh niệm hãy từ bỏ dục lạc. Từ bỏ để vượt qua cơn nước lũ, giống như người tát nước ra khỏi thuyền để đến bờ bên kia an toàn.
Do đó, với chánh niệm hãy từ bỏ dục lạc: vị hành giả tu tập chánh niệm, để từ bỏ đối tượng dục lạc cũng như phiền não dục lạc.
Trong dòng kệ ngôn cuối, chúng ta đọc được các hình ảnh ẩn dụ như sau:
Từ bỏ dục lạc để có thể vượt qua cơn nước lũ. Có bốn cơn nước lũ mà vị hành giả phải vượt qua: tham dục, chấp thủ, tà kiến và vô minh.
Giống như người tát nước ra khỏi thuyền để đến bờ bên kia an toàn: như vị hành giả khi tát cạn nước phiền não ra khỏi tấm thân nầy, vị ấy sẽ đến bờ bên kia an toàn.
Bờ bên kia an toàn để chỉ cho Niết Bàn, pháp bất tử, sự tịnh chỉ tất cả các hành, sự từ bỏ mọi sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt và Niết Bàn.
↑ trở lên
|